Tổng quan chung
Triệu chứng
Nguyên nhân
Đối tượng nguy cơ
Chuẩn đoán
Phòng ngừa bệnh
Cách điều trị
Thoái hóa cột sống là gì? Những điều cần biết về thoái hóa cột sống
Cột sống là bộ phận quan trọng đối với cơ thể người, giúp nâng đỡ trọng lực của cơ thể, cũng như giúp kết nối các khớp xương lại với nhau. Trung bình chiều dài của cột sống sẽ bằng 40% chiều cao của cơ thể. Trong đó, căn bệnh thoái hóa cột sống là một trong các bệnh về cột sống phổ biến và thường gặp. Hãy cùng Pharmacity tìm hiểu về Thoái hóa cột sống là gì? qua bài viết dưới đây.
Tổng quan chung
Thoái hóa cột sống là tình trạng lớp sụn khớp bị mòn, đầu xương đốt sống ma sát trực tiếp với nhau khi cơ thể vận động gây viêm, sưng bao hoạt dịch khớp, khô khớp và hình thành gai xương. Gai xương khi phát triển quá mức gây cọ xát, ảnh hưởng tới đốt sống, rễ thần kinh, mô mềm xung quanh.
Cấu tạo cơ thể người gồm có 33 đốt sống xếp chồng lên nhau và hiện trạng cột sống bị thoái hóa sẽ xảy ra ở:
- Các đốt sống L1 – L5 nằm ở khu vực thắt lưng: Đây là nơi các đốt sống dễ bị thoái hóa nhất và có tên gọi là thoái hóa cột sống lưng.
- Đoạn đốt sống C5 – C7 ở cổ: Đây cũng là những đoạn rất bị thương tổn gọi là thoái hóa cột sống cổ.
- Các đốt sống ngực (T1 – T12): Mặc dù tình trạng này hiếm khi xảy ra nhưng nếu sinh hoạt không đúng cách thì cơ thể vẫn có nguy cơ bị thoái hóa ở đoạn đốt sống này.
Triệu chứng
Hầu hết bệnh nhân đều có biểu hiện đau nhức khó chịu. Tùy theo vị trí đốt sống bị thoái hóa mà các cơn đau ở mỗi trường hợp sẽ không giống nhau, ví dụ như:
- Thoái hóa cột sống thắt lưng: người bệnh thường cảm thấy đau ở vùng lưng dưới, mông, bẹn và sau đùi. Nếu không được kiểm soát tốt, tình trạng này sẽ ảnh hưởng đến bắp chân, cẳng chân và cả bàn chân.
- Thoái hóa đốt sống cổ: khu vực cổ, vai, lưng trên và lưng giữa (đôi khi) đau nhức khó chịu. Khi bệnh trở nặng, cơn đau còn có thể lan xuống cánh tay, bàn tay và thậm chí là các ngón tay. Ngoài ra, bệnh nhân cũng có thể bị đau đầu thường xuyên.
Các dấu hiệu và triệu chứng khác
Bên cạnh những cơn đau khó chịu, thoái hóa cột sống còn có khả năng gây ra nhiều triệu chứng, dấu hiệu khác. Chúng bao gồm:
- Cột sống cứng và kém linh hoạt, đặc biệt là vào sáng sớm hoặc sau khi người bệnh ngồi lâu, gây khó khăn cho việc duy trì tư thế tốt.
- Các cơn đau lưng dưới xuất hiện liên tục
- Có âm thanh “lạo xạo, lục cục” mỗi khi bệnh nhân cúi người hoặc ưỡn ngực, thường liên quan đến tình trạng khô khớp do thiếu dịch nhờn.
- Người bệnh có xu hướng gù hoặc cong vẹo cột sống.
- Khu vực có đốt sống bị viêm có thể sưng đau và mềm, ấm khi sờ vào.
Nguyên nhân
Thoái hóa cột sống xảy ra do áp lực lặp đi lặp lại từ tình trạng cột sống quá tải, hao mòn do lão hóa và chấn thương.Các nguyên nhân khác bao gồm:
- Đĩa đệm bị khô do lão hóa: Đĩa đệm trong cột sống đóng vai trò như miếng đệm giữa các đốt sống. Đến khoảng 40 tuổi, đĩa đệm trong cột sống bắt đầu khô và co lại, dẫn đến tình trạng các đốt sống tiếp xúc trực tiếp với nhau nhiều hơn.
- Thoát vị đĩa đệm do lão hóa: Cùng với quá trình lão hóa, mặt ngoài của đĩa đệm trong cột sống bị bào mòn và có thể xuất hiện các vết nứt, dẫn đến phồng (thoát vị) đĩa đệm gây chèn ép lên tủy sống và rễ thần kinh.
- Gai xương do thoái hóa đĩa đệm: Khi đĩa đệm hao mòn, cơ thể sẽ sản sinh ra thêm xương để giữ vững đốt sống. Các gai xương này thường dẫn đến tình trạng chèn ép rễ thần kinh hoặc tủy sống.
- Cứng dây chằng do lão hóa: Dây chằng là dây mô nối các xương với nhau. Theo thời gian, dây chằng có thể cứng lại, khiến lưng trở nên kém linh hoạt.
Đối tượng nguy cơ
Thoái hóa cột sống có nguy cơ xảy ra cao ở nhóm đối tượng sau:
- Nghiên cứu từ Viện Phẫu thuật chỉnh hình Hoa Kỳ (American Academy of Orthopaedic Surgeon) cho biết, ước tính 85% người trên 60 tuổi bị thoái hóa cột sống.
- Với người dưới 45 tuổi, thoái hóa cột sống xuất hiện nhiều ở nam giới. Ngược lại sau 45 tuổi, tình trạng bệnh xuất hiện nhiều ở nữ giới.
- Người mất kiểm soát cân nặng là đối tượng có nguy cơ mắc thoái hóa cột sống do trọng lượng cơ thể lớn khiến sụn khớp, đĩa đệm và xương dưới sụn bị tổn thương.
- Người có tiền sử chấn thương hoặc viêm xương khớp.
- Những người làm công việc văn phòng hoặc hoạt động thể lực mạnh.
Chẩn đoán
Để chẩn đoán thoái hóa cột sống thắt lưng, bác sĩ sẽ khám các triệu chứng hiện có của người bệnh và thực hiện một số xét nghiệm sau:
- Chụp X-quang tư thế thẳng và nghiêng để phát hiện các cột sống bị hẹp, hẹp lỗ liên hợp đốt sống, gai xương sống.
- Chụp cộng hưởng từ
- Xét nghiệm máu toàn phần
Phòng ngừa bệnh
Bên cạnh việc điều trị khi phát hiện ra bệnh thì phòng ngừa là cách tốt nhất giúp giảm thiểu nguy cơ gây bệnh và hạn chế nguy cơ tái phát hiệu quả. Bạn nên tạo lập thói quen sống tích cực, lành mạnh theo nguyên tắc sau:
- Thường xuyên luyện tập thể dục, thể thao để nâng cao tầm vận động của xương khớp, đặc biệt là những bài tập tốt cho vùng cột sống lưng. Chú ý tập các bài tập vừa sức, điều độ phù hợp với khả năng của mình.
- Phân bổ thời gian sinh hoạt và làm việc hợp lý, dành thời gian nghỉ ngơi để giảm căng thẳng cho vùng lưng.
- Không nên ngồi hay đứng quá lâu mà nên đi lại, vươn vai để thư giãn. Sau khi làm việc lâu, hãy dành thời gian massage, xoa bóp vùng lưng.
- Làm việc và nghỉ ngơi đúng tư thế.
- Xây dựng chế độ dinh dưỡng khoa học, đầy đủ các dưỡng chất cần thiết cho cơ thể, đặc biệt là những thực phẩm giàu giàu canxi như: tôm, cua, ốc; sữa, các loại rau, trái cây,… đặc biệt bổ sung các loại vitamin nhóm B vào bữa ăn hàng ngày để giúp xương khớp chắc khỏe.
- Thăm khám cột sống định kỳ 6 tháng 1 lần hoặc khi có biểu hiện đau lưng bất thường thì cần đi khám ngay để được điều trị kịp thời.
Tuy thoái hóa cột sống lưng là bệnh mạn tính nhưng có thể điều trị để kiểm soát nguyên nhân gây bệnh giúp làm giảm các triệu chứng, ngăn chặn nguy cơ tiến triển bệnh.
Điều trị như thế nào?
Bệnh thoái hóa cột sống có thể cải thiện dưới dạng bảo tồn (tức là điều trị không phẫu thuật) với các chỉ định:
- Dùng thuốc điều trị thoái hóa cột sống theo hướng dẫn của bác sĩ.
- Dùng các sản phẩm giúp tăng cường tái tạo sụn khớp và xương dưới sụn, hỗ trợ cải thiện hiệu quả bệnh thoái hóa khớp.
- Tập vật lý trị liệu để giúp cải thiện sức cơ giúp khớp vững chắc, tăng khả năng lưu thông máu đến cột sống.
- Thay đổi thói quen sinh hoạt như không mang vác vật nặng trên lưng, vai; hạn chế đứng, ngồi lâu ở một tư thế; ăn uống cân bằng để tránh bị thừa cân giảm áp lực lên cột sống.
Điều trị bằng phẫu thuật
Phương pháp phẫu thuật cần phải thực hiện khi cải thiện bảo tồn không mang lại tác dụng. Tuy nhiên, phẫu thuật cũng có thể để lại nhiều biến chứng như gây liệt hoặc thậm chí tử vong, nên bạn cần lựa chọn bệnh viện uy tín để được phẫu thuật chữa thoái hóa cột sống an toàn và hiệu quả.
Bài viết trên đã cho bạn những thông tin về thoái hóa cột sống. Hi vọng, sẽ có ích cho việc chăm sóc sức khỏe gia đình bạn.
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.