Tổng quan chung
Triệu chứng
Nguyên nhân
Đối tượng nguy cơ
Chuẩn đoán
Phòng ngừa bệnh
Cách điều trị
Hội chứng tăng áp lực nội sọ là gì? Những điều cần biết về hội chứng tăng áp lực nội sọ
Hội chứng tăng áp lực nội sọ là sự gia tăng áp lực trong não. Bệnh nhân bị tăng áp lực nội sọ cần phải được điều trị kịp thời nhằm tránh các biến chứng nghiêm trọng có thể xảy ra chẳng hạn như tổn thương não vĩnh viễn, thậm chí gây tử vong.
Tổng quan chung
Hội chứng tăng áp lực nội sọ là sự gia tăng áp lực trong não. Nó có thể do lượng dịch xung quanh tổ chức não tăng lên, chẳng hạn như tăng dịch não tủy, hay lượng máu trong não tăng lên do chấn thương hoặc khối u não vỡ.
Các mô não bị phù do chấn thương hoặc bệnh lý nào đó, có thể là nguyên nhân gây ra hội chứng tăng áp lực nội sọ.
Chấn thương não có thể là nguyên nhân gây nên tăng áp lực nội sọ và hội chứng tăng áp lực nội sọ cũng có thể là nguyên nhân gây chấn thương não.
Tăng áp lực nội sọ là tình trạng rất nguy hiểm, đe dọa đến tính mạng người bệnh. Bệnh nhân cần được điều trị cấp cứu ngay lập tức nếu xuất hiện các triệu chứng của bệnh.
Triệu chứng
Những triệu chứng thường thấy của tăng áp lực nội sọ là:
- Xuất hiện những cơn đau đầu
- Thường xuyên cảm thấy buồn nôn
- Tăng huyết áp
- Suy giảm khả năng trí óc
- Bị nhầm lẫn về không gian và thời gian
- Khả năng thị lực bị suy giảm, mắt nhìn mờ hoặc nhìn đôi. Đồng tử không phản ứng với sự thay đổi ánh sáng đột ngột
- Khả năng thở bị suy yếu
- Thường lên cơn co giật
- Rơi vào những cơn hôn mê
Ngoài ra, những triệu chứng – dấu hiệu trên có thể cho thấy người bệnh không chỉ đang bị hội chứng tăng áp lực nội sọ mà còn những bệnh lý nghiêm trọng khác như đột quỵ, khối u não,…
Bên cạnh đó, tăng áp lực nội sọ cũng xuất hiện ở trẻ sơ sinh. Nguyên nhân là do những tai nạn như té ngã gây ra những tổn thương ở não. Các dấu hiệu, triệu chứng cũng tương tự như người lớn. Tuy nhiên, có thêm một triệu chứng xuất hiện là thóp đỉnh đầu của trẻ bị lồi ra, phồng lên, có thể quan sát rõ bằng mắt thường.
Nguyên nhân
Có nhiều nguyên nhân khiến cho áp lực nội sọ tăng, cụ thể như:
- Tổn thương choán chỗ thường gặp: Áp xe não, u não nguyên phát và di căn não.
- Chấn thương sọ não: Máu tụ dưới màng cứng hoặc ngoài màng cứng cấp tính, đụng dập não hay tụ máu dưới màng cứng mạn.
- Tai biến mạch máu não: Xuất huyết não (tiểu não, bán cầu), xuất huyết dưới nhện, viêm tắc tĩnh mạch não, nhồi máu não, bệnh não do tăng huyết áp.
- Viêm nhiễm: Viêm màng não, viêm não cấp (hội chứng Reye, nhiễm herpes virus, viêm não Nhật Bản B…).
- Úng não thủy: Do tắc nghẽn hoặc giảm hấp thụ dịch não tủy thường sau chảy máu màng não, sau viêm màng não.
- Nguyên nhân chuyển hóa:
- Thiếu oxy não cấp, bệnh não do tăng CO2
- Hạ glucose máu
- Giảm áp lực thẩm thấu
- Rối loạn nội tiết (bảo giáp, suy thượng thận cấp, điều trị corticoid kéo dài).
- Các nguyên nhân khác:
- Do dị ứng
- Nhiễm độc não (thiếc, chì, axit nalidixic, tetracycline, Ars, CO, uống quá nhiều nhiều vitamin A, corticoid).
- Đóng thóp quá sớm ở một số trẻ nhỏ.
Đối tượng nguy cơ
Bất cứ ai té ngã chấn thương vùng đầu cũng có nguy cơ mắc chứng tăng áp lực nội sọ hoặc người bị tai biến mạch máu não cũng có nguy cơ cao gặp tình trạng này.
Chẩn đoán
Bác sĩ chẩn đoán hội chứng tăng áp lực nội sọ thông qua một số biện pháp sau:
- Thông qua các thông tin về tiền sử bệnh của bệnh nhân, bao gồm các chấn thương đầu gần đây hoặc do do bệnh lý nào đó đã được chẩn đoán, kiểm tra giác quan, trạng thái tinh thần…
- Đánh giá áp lực dịch não tủy bằng chọc dò tủy sống ( chọc dò dịch não tủy ở phần thắt lưng)
- Chụp CT để quan sát hình ảnh não
- Để chẩn đoán xác định, thực hiện chụp cộng hưởng từ (MRI) nhằm phát hiện ra sự thay đổi trong mô nhu não (hình ảnh thu được hiển thị chi tiết hơn so với chụp CT).
Phòng ngừa bệnh
Thực hành giảm nguy cơ mắc hội chứng tăng áp lực nội sọ bằng cách:
- Phòng tránh chấn thương xảy ra ở vùng đầu, đột quỵ, nhiễm trùng, tăng huyết áp…
- Ăn uống khoa học, duy trì mức cân nặng khỏe mạnh.
- Tập luyện thể dục thường xuyên
- Tiêm vaccine phòng bệnh
- Sử dụng thuốc đúng chỉ định
- Rửa tay thường xuyên.
- Bảo vệ đầu bằng cách đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy, xe đạp hoặc khi tham gia chơi những môn thể thao có xảy ra va chạm.
- Khi lái xe hơi bạn đừng quên thắt dây an toàn và hãy giữ lưng ghế ở xa ghế phía trước, xa bảng điều khiển. Khi có trẻ nhỏ trong xe hơi, phụ huynh nên trang bị ghế ngồi chuyên dụng, an toàn phù hợp và đừng quên cài dây an toàn cho trẻ.
- Cần giữ sàn nhà gọn gàng, khô ráo; lắp thêm tay vịn… để hạn chế nguy cơ bị té ngã, dễ dẫn tới tình trạng chấn thương đầu, đặc biệt là với người lớn tuổi.
- Khám sức khỏe định kỳ để phòng các bệnh như u não, đột quỵ, dị dạng mạch máu não.
Điều trị như thế nào?
Mục tiêu cấp bách của việc chữa trị là làm giảm áp lực trong hộp sọ trước. Điều này có thể được bác sĩ tiến hành theo một số cách dưới đây tùy từng trường hợp: Dùng các loại thuốc (như mannitol) và nước muối ưu trương để làm giảm áp lực.
- Dùng thuốc kháng viêm chống phù não
- Sử dụng thuốc an thần
- Hạ thân nhiệt của người bệnh để làm giảm nhiệt độ cũng như làm chậm quá trình trao đổi chất của cơ thể.
- Đặt một ống dẫn lưu dịch não tủy từ não thất qua một lỗ nhỏ trên hộp sọ để thực hiện dẫn lưu dịch não tủy dư thừa ra ngoài hay vào khoang màng bụng.
- Phẫu thuật mở sọ giải áp để cho phép không gian não của người bệnh mở rộng thêm tránh biến chứng gây tổn thương não.
Đồng thời với các phương pháp điều trị tăng áp lực nội sọ trên là các khảo sát tìm nguyên nhân gây bệnh. Ví dụ như xuất huyết não, u não, dị dạng mạch máu não hoặc nhiễm trùng… cần được điều trị song song với các biện pháp giảm tình trạng tăng áp lực nội sọ nêu trên.