Tổng quan chung
Triệu chứng
Nguyên nhân
Đối tượng nguy cơ
Chuẩn đoán
Phòng ngừa bệnh
Cách điều trị
Tắc mạch ối là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và phương pháp phòng ngừa
Thuyên tắc ối là tình trạng có xâm nhập của nước ối vào trong mạch máu người mẹ, gây ra hàng loạt các biến đổi nguy hại có thể nhanh chóng dẫn đến tử vong cho sản phụ. Hãy cùng Pharmacity tìm hiểu về Tắc mạch ối là gì? qua bài viết dưới đây.
Tổng quan chung
Nước ối là chất lỏng màu trong suốt xuất hiện từ ngày thứ 12 sau khi thụ thai. Khi thai nhi còn trong bụng mẹ thì em bé nằm trong túi ối – đó là túi hình thành từ màng ối và màng đệm. Thai nhi lớn lên và phát triển trong túi ối và được bao quanh bởi nước ối. Nước ối chứa các thành phần quan trọng như: chất dinh dưỡng, hormone, kháng thể chống nhiễm trùng. Ở mức cao nhất, nước ối trong bụng của người mẹ đo được khoảng 1 lít. Sau 36 tuần mang thai, nước ối bắt đầu giảm khi cơ thể chuẩn bị cho quá trình chuyển dạ.
Tắc mạch ối hay còn gọi là thuyên tắc ối, là tình trạng nước ối xâm nhập vào trong mạch máu của sản phụ và gây ra những biến đổi nguy hại có thể dẫn đến tử vong một cách nhanh chóng đối với sản phụ.
Tắc mạch ối là một dạng của hội chứng phản vệ thai kỳ và có thể xảy ra ở bất kỳ sản phụ nào. Sản phụ có thể bị tắc mạch ối trước, trong hoặc sau khi sinh. Ngoài ra, tình trạng này còn có thể xuất hiện khi nạo phá thai, truyền dịch ối, bị chấn thương vùng bụng…
Triệu chứng
Giai đoạn đầu tiên của thuyên tắc mạch ối thường gây ngừng tim và suy hô hấp nhanh chóng. Ngừng tim xảy ra khi tim ngừng hoạt động, mất ý thức và ngừng thở. Suy hô hấp nhanh xảy ra khi phổi không thể cung cấp đủ oxy cho máu hoặc loại bỏ đủ carbon dioxide khỏi máu khiến thai phụ rất khó thở.
Các triệu chứng khác có thể bao gồm:
- Suy thai, dấu hiệu cho thấy em bé không khỏe, bao gồm thay đổi nhịp tim của thai nhi hoặc giảm cử động trong bụng mẹ.
- Buồn nôn, nôn
- Co giật
- Lo lắng, kích động
- Tím tái đột ngột
Sau khi vượt qua được các triệu chứng ban đầu, thai phụ có thể bước vào giai đoạn nguy hiểm tiếp theo là giai đoạn xuất huyết, chảy máu nhiều ở vị trí dính nhau thai hoặc tại vết rạch mổ lấy thai trong trường hợp sinh mổ, đờ tử cung và đông máu rải rác trong lòng mạch. Thậm chí, có những thai phụ có biểu hiện tim ngừng đập, ngừng thở trong vài phút đầu tiên và có thể tử vong trong vòng 2 – 3 giờ sau đó.
Thuyên tắc mạch ối có thể gây tử vong, đặc biệt là trong giai đoạn đầu tiên. Trong khoảng 50% trường hợp, thai phụ tử vong trong vòng 1 giờ sau khi các triệu chứng bắt đầu do thai phụ ngừng tim đột ngột, mất máu quá nhiều, suy hô hấp cấp tính, suy đa tạng.
Các triệu chứng của thuyên tắc ối tương tự như các biến chứng khác khi sinh con, như vỡ tử cung, nhau bong non và sản giật. Điều này làm cho việc chẩn đoán thuyên tắc ối trở nên khó khăn hơn.
Nguyên nhân
Các chuyên gia Sản khoa cho biết, nguyên nhân gây thuyên tắc ối là do dịch nước ối tràn vào tĩnh mạch tử cung gây ra phản ứng sốc phản vệ của cơ thể, đồng thời sẽ gồm có 3 điều kiện sau:
- Vỡ màng ối: Tình trạng vỡ màng ối sớm khiến nước ối bị chảy ra ngoài khiến cho mạch máu tĩnh mạch bị tổn thương. Nước ối sẽ thông qua hệ thống tĩnh mạch đi vào đường máu của người mẹ, dẫn đến cơ chế phản ứng tự vệ của cơ thể và cơ chế đông máu diễn ra bất thường.
- Vỡ tĩnh mạch tử cung hay cổ tử cung làm cho các tĩnh mạch trong tử cung không ổn định và nước ối chạy vào mạch máu.
- Áp lực buồng tử cung cao hơn áp lực tĩnh mạch: Áp lực tử cung quá lớn (có thể do đã từng sinh con nhiều lần, hay trước hợp đa thai) tạo điều kiện cho nước ối xâm nhập vào cơ thể người mẹ.
Đối tượng nguy cơ
Các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc thuyên tắc ối có thể bao gồm:
- Mẹ bầu tuổi cao: Nếu sinh con khi trên 35 tuổi thì sẽ có nguy cơ bị bệnh thuyên tắc ối;
- Đa sản, đẻ nhiều lần, đa thai
- Bất thường nhau thai: Nếu có cấu trúc phát triển bất thường trong tử cung khi mang thai sẽ tăng nguy cơ mắc bệnh thuyên tắc ối;
- Tiền sản giật: Nếu mắc tiền sản giật – huyết áp cao và protein nhiều trong nước tiểu sau tuần 20 – sẽ có nguy cơ bị bệnh thuyên tắc ối;
- Mổ lấy thai: Việc dùng kẹp hoặc giác hút lấy thai có thể làm tăng nguy cơ bị thuyên tắc ối. Các thủ thuật này có thể phá vỡ hàng rào vật lý giữa sản phụ và em bé. Nhưng các chuyên gia không chắc rằng mổ lấy thai có làm tăng nguy cơ mắc bệnh thuyên tắc ối hay không.
- Rau bong non. Các yếu tố nguy cơ ở thai: suy thai, thai chết lưu, bé sơ sinh nam
Chẩn đoán
Theo Hội Sản phụ khoa Hoa Kỳ và Anh khuyến cáo, chẩn đoán tắc mạch ối khi có đồng thời 4 tiêu chuẩn sau:
- Tụt huyết áp đột ngột hay ngừng tim;
- Thiếu oxy cấp tính;
- Bệnh lý đông máu hay chảy máu nặng mà không có các lý giải khác;
- Tất cả xảy ra trong chuyển dạ, mổ lấy thai hay trong vòng 30 phút sau đẻ mà không có lý giải nào khác cho các dấu hiệu này.
Các xét nghiệm phục vụ chẩn đoán: Xét nghiệm khí trong máu; công thức máu; đông máu; X-quang phổi: thường không tìm thấy dấu hiệu đặc hiệu, có thể quan sát thấy dấu hiệu phù phổi; điện tâm đồ: có thể thấy nhịp tim nhanh, phần ST và sóng T thay đổi.
Chẩn đoán xác định sau cùng là kết quả mổ tử thi (tìm thấy tế bào của thai và thành phần nước ối trong động mạch phổi người mẹ). Chẩn đoán phân biệt với rất nhiều hội chứng khác: tắc mạch do huyết khối, tắc mạch do khí, choáng nhiễm khuẩn, nhồi máu cơ tim cấp tính, choáng phản vệ do các nguyên nhân khác nhau, rau bong non hay phản ứng của gây tê vùng.
Phòng ngừa bệnh
Bệnh thuyên tắc ối không thể dự báo, không có cách dự phòng và là một cấp cứu sản khoa không điều trị được. Do đó các bác sĩ khi theo dõi sản phụ chuyển dạ cần nhanh chóng ghi nhận các dấu hiệu và triệu chứng, nhận định được chẩn đoán để kịp thời hồi sức tích cực và điều trị hỗ trợ là điều kiện tiên quyết có thể mang lại hy vọng cứu sống mẹ và thai nhi.
Điều trị như thế nào?
Mặc dù thuyên tắc ối khi sinh là tai biến sản khoa nguy hiểm, tỷ lệ tử vong cao nhưng nếu được chẩn đoán và cấp cứu kịp thời, cả thai phụ và thai nhi có thể vượt qua “cửa tử”. Các phương pháp điều trị bệnh khẩn cấp gồm:
- Đặt catheter: Đặt ống catheter vào một trong các động mạch để theo dõi huyết áp thai phụ. Đồng thời, đặt ống vào tĩnh mạch ở ngực, cung cấp dịch truyền, máu hoặc thuốc cần thiết cho thai phụ.
- Cung cấp oxy: Đặt ống thở vào khí quản, cung cấp oxy giúp thai phụ thở dễ dàng hơn.
- Truyền máu: Nếu thai phụ mất nhiều máu, thai phụ cần được truyền máu và dịch thay thế.
- Sử dụng thuốc: Thai phụ có thể được chỉ định dùng các loại thuốc để cải thiện và hỗ trợ chức năng tim.
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.