Tổng quan chung
Triệu chứng
Nguyên nhân
Đối tượng nguy cơ
Chuẩn đoán
Phòng ngừa bệnh
Cách điều trị
Bệnh suy thận giai đoạn cuối và những điều cần biết
Suy thận giai đoạn cuối là khi thận gần như mất hoàn toàn chức năng vốn có. Lúc này, rất nhiều người băn khoăn về mức độ nguy hiểm của bệnh và không biết rằng suy thận giai đoạn cuối có chữa được không? Để giải đáp những băn khoăn này, hãy cùng tìm câu trả lời trong bài viết sau đây.
Tổng quan chung
Suy thận mạn là giai đoạn 5 – giai đoạn cuối – của bệnh thận mạn. Đây là giai đoạn nặng nhất với mức lọc cầu thận (GFR) < 15mL/ph/1,73 m2, biểu hiện bằng hội chứng urê máu cao. Tình trạng này có thể sẽ gây tử vong, nếu không được điều trị thay thế thận.
Số liệu thống kê cho thấy trên thế giới có khoảng 3 triệu người bị suy thận ở giai đoạn mạn tính đang được điều trị thay thế thận và đang có khuynh hướng tăng nhanh. Trên thực tế, các biện pháp điều trị thay thế thận chỉ phổ biến ở các nước phát triển (chiếm tới 80%). Ở các nước đang phát triển, chỉ 10-20% người bệnh được điều trị thay thế thận và thậm chí không được điều trị, dẫn đến tỷ lệ tử vong khá cao.
Triệu chứng
Suy thận giai đoạn cuối là khi thận đã bị tổn thương nghiêm trọng, chức năng thận giảm trên 90%, độ lọc cầu thận giảm và nồng độ ure trong máu cao. Người bệnh suy thận giai đoạn cuối sẽ xuất hiện các triệu chứng như:
- Tiểu ít, có thể vô niệu.
- Tiểu ra máu, nước tiểu có thể lẫn đạm.
- Đau nhức vùng thắt lưng.
- Thiếu máu, mệt mỏi, suy nhược cơ thể, buồn nôn, chán ăn.
- Da khô, sạm đen.
- Phù.
- Ngứa ngáy, mất ngủ.
- Giảm ham muốn tình dục.
Nguyên nhân
Hầu hết các bệnh về thận có tiến triển khá nhanh. Bệnh sẽ tấn công vào các nephron, các đơn vị lọc nhỏ nhất của thận, làm giảm chức năng lọc máu, lâu dần bệnh nhân mất hẳn chức năng này và trở thành suy thận mạn giai đoạn cuối.
Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến suy thận mạn tính giai đoạn cuối là tăng huyết áp và tiểu đường.
- Người bị tăng huyết áp sẽ khiến áp lực trong các mạch máu nhỏ của thận tăng lên, khiến mạch máu thận bị tổn thương, ảnh hưởng đến chức năng lọc máu.
- Bệnh nhân bị tiểu đường sẽ không phân giải được glucose trong máu đúng cách, chỉ số đường huyết luôn ở mức cao, lâu ngày sẽ gây hại cho thận.
Ngoài hai nguyên nhân chính kể trên, còn có một vài nguyên nhân khác dẫn đến suy thận mãn tính giai đoạn cuối như:
- Trào ngược bàng quang – niệu quản
- Viêm cầu thận
- Tắc nghẽn đường tiết niệu lâu dài
- Tuyến tiền liệt tăng sinh quá mức
- Bất thường bẩm sinh ở ổ bụng
- Một số loại bệnh ung thư.
Đối tượng nguy cơ
Các ghi nhận cho thấy một số người dễ phát triển bệnh thận, nếu có:
- Bệnh đái tháo đường
- Tăng huyết áp
- Viêm cầu thận
- Bệnh di truyền như thận đa nang, hội chứng Alport
- Nhiễm khuẩn, nghẽn tắc hay bệnh bẩm sinh đường tiết niệu
- Bệnh lupus ban đỏ hệ thống
- Bệnh phì đại và ung thư tuyến tiền liệt
- Dùng thuốc giảm đau chống viêm không steroid (NSAIDs) dài hạn như Ibuprofen, Ketoprofen và một số thuốc kháng sinh.
Chẩn đoán
Để chẩn đoán bệnh thận giai đoạn cuối, bác sĩ sẽ tiến hành kiểm tra thể chất, đồng thời yêu cầu bạn thực hiện một số xét nghiệm chức năng thận bao gồm:
- Xét nghiệm nước tiểu: kiểm tra protein và máu trong nước tiểu của bạn.
- Xét nghiệm định lượng creatinin máu: kiểm tra xem liệu creatinin, một sản phẩm thải cần được thận bài tiết, có tích tụ trong máu hay không.
- Xét nghiệm urê máu: kiểm tra lượng nitơ lẫn trong máu của bạn.
- Ước tính mức lọc cầu thận (GFR): đo lượng máu lọc qua cầu thận trong một đơn vị thời gian nhất định.
Phòng ngừa bệnh
Do suy thận mạn thường tiến triển âm thầm, không triệu chứng nên mục tiêu quan trọng là phát hiện bệnh sớm, đặc biệt đối với 3 đối tượng có nguy cơ cao:
- Người bị đái tháo đường,
- Người bị tăng huyết áp
- Người có lịch sử gia đình bị bệnh thận.
Các đối tượng này cần được làm xét nghiệm tầm soát định kỳ hằng năm và tích cực điều trị sớm để không biến chứng lên thận.
- Người bệnh phải luôn kiểm soát huyết áp và nồng độ đường huyết ở mức bình thường, kết hợp với các biện pháp kiểm soát cân nặng, tránh thừa cân, có chế độ dinh dưỡng hợp lý, tập vận động mỗi ngày, bỏ hút thuốc lá.
- Đối với các bệnh lý tại thận như viêm cầu thận, sỏi thận, viêm bể thận… cần được điều trị kịp thời và dứt điểm để tránh nguy cơ suy giảm chức năng thận theo thời gian.
- Ngoài ra, một số loại thuốc có thể gây tổn thương thận (đặc biệt là khi dùng dài ngày, liều không thích hợp) như kháng sinh nhóm aminoglycoside, thuốc kháng lao, hóa chất điều trị ung thư, thuốc cản quang, một số thuốc đông y không rõ nguồn gốc… cần được sử dụng đúng cách theo hướng dẫn, kê đơn của bác sĩ.
- Luôn duy trì một chế độ ăn uống hợp lý (ít đường, ít béo, giảm lượng muối…) cùng tập luyện thường xuyên sẽ giúp giảm thiểu nguy cơ mắc các bệnh lý nền dẫn đến suy thận mạn và thực hiện khám sức khỏe định kỳ để có thể phát hiện bệnh, điều trị sớm.
Điều trị bệnh
Một số phương pháp điều trị suy thận giai đoạn cuối như:
- Chạy thận nhân tạo: Trong quá trình chạy thận nhân tạo, máy sẽ thực hiện một số công việc của thận bằng cách lọc các chất thải, muối và chất lỏng có hại từ máu khôi phục mức điện giải và giúp kiểm soát huyết áp của người bệnh. Phương pháp này thường được sử dụng ba lần mỗi tuần và mất từ ba đến bốn giờ mỗi lần. Tần suất chạy thận nhân tạo sẽ tùy từng tình trạng của người bệnh.
- Lọc màng bụng: Trong lọc màng bụng, một ống mỏng được đưa vào bụng sẽ lấp đầy khoang bụng của bạn bằng dung dịch lọc máu giúp hấp thụ chất thải và chất lỏng dư thừa. Sau một thời gian, người bệnh cần đến cơ sở y tế lấy dung dịch lọc máu ra, mang theo chất thải.
- Ghép thận: Phẫu thuật ghép thận bao gồm việc cắt bỏ quả thận bị ảnh hưởng của bạn (nếu cần cắt bỏ) và đặt một quả thận khỏe mạnh từ người hiến tặng vào cơ thể người bệnh. Người bệnh có thể phải nằm viện vài ngày đến một tuần. Sau khi xuất viện, người bệnh nên kiểm tra sức khỏe thường xuyên để theo dõi tiến triển trong quá trình hồi phục. Có thể dùng một số loại thuốc để giúp hệ thống miễn dịch không đào thải quả thận mới và giảm nguy cơ biến chứng sau phẫu thuật, chẳng hạn như nhiễm trùng.
Trên đây là những thông tin về bệnh lý suy thận giai đoạn cuối cho bạn đọc tham khảo. Hi vọng, sẽ có ích cho việc chăm sóc sức khỏe gia đình bạn.
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.