Tổng quan chung
Triệu chứng
Nguyên nhân
Đối tượng nguy cơ
Chuẩn đoán
Phòng ngừa bệnh
Cách điều trị
Sốc là gì? Những điều cần biết về sốc
Sốc kéo dài dẫn tới hội chứng suy đa phủ tạng, có thể gây tử vong nhanh chóng. Vì vậy bệnh nhân sốc cần được chẩn đoán sớm, xử trí và điều trị càng sớm càng tốt.
Tổng quan chung
Sốc là gì?
Sốc là tình trạng rối loạn tuần hoàn làm giảm tưới máu cấp ở các mô. Sốc gây các triệu chứng như: Mạch nhanh, nhịp tim nhanh, hạ hoặc kẹp huyết áp, thở nhanh co lõm, vã mồ hôi, lạnh chi, da nổi bông, vã mồ hôi, thời gian đầy mao mạch kéo dài, lơ mơ, bứt rứt, dấu hiệu thiếu oxy não, gan lách to trong trường hợp sốc nhiễm trùng.
Sốc được chia làm 4 nhóm chính:
- Sốc giảm thể tích tuần hoàn: Là tình trạng cơ thể bị mất một khối lượng tuần hoàn lớn mà chưa được bù đúng và kịp thời. Nguyên nhân dẫn tới giảm thể tích trong lòng mạch có thể do xuất huyết (chấn thương, xuất huyết đường tiêu hóa, băng huyết vỡ u máu…) và không xuất huyết (tiêu chảy, nôn, mất nước qua thận do dùng thuốc lợi tiểu, bỏng…).
- Sốc tim: Sốc do tim là tình trạng sốc do bệnh lý tại tim, dẫn tới giảm khả năng bơm máu của tim từ đó gây ra giảm cung lượng tim. Nguyên nhân có thể do bệnh lý gồm bệnh lý cơ tim (nhồi máu cơ tim, thiểu năng vành, bệnh cơ tim giãn, suy tim, viêm cơ tim…), rối loạn nhịp tim (nhịp nhanh kịch phát trên thất, block nhĩ thất hoàn toàn…) và do bệnh lý tại van (suy van động mạch chủ nặng, hở van cấp tính…).
- Sốc phản vệ: Là tình trạng sốc khi cơ thể tiếp xúc với dị nguyên, có thể là thức ăn, thuốc…Là tình trạng phản ứng dị ứng nặng với các tác nhân gây dị ứng và có thể dẫn tới tử vong.
- Sốc nhiễm khuẩn: Đây là kết quả của sự suy chức năng các cơ quan do mất khả năng điều chỉnh của cơ thể đáp ứng với nhiễm trùng. Có thể gặp do các vi khuẩn như tụ cầu vàng, phế cầu, Klebsiella… gây ra. Tình trạng này gây ra sự rối loạn phân bố oxy và máu cho cơ thể do giãn mạch ngoại vi.
Khi có tình trạng sốc xảy ra thì gây ra giảm tưới máu và giảm cung cấp oxy hoặc các tế bào sử dụng oxy không hợp lý cho quá trình trao đổi chất hiếu khí, các tế bào chuyển sang chuyển hóa yếm khí với sự gia tăng sản xuất ra khí CO2 và tăng lượng lactate trong máu. Chức năng tế bào giảm và tình trạng sốc kéo dài, tổn thương tế bào không phục hồi và tử vong.
Triệu chứng
- Triệu chứng thần kinh:
Bệnh nhân trong tình trạng kích thích (lúc đầu) sau chuyển sang giai đoạn ức chế nhưng tri thức vẫn còn. Phản xạ giảm.
- Toàn thân:
Mặt tái, tím các đầu chi, trên da có những mảng thâm tím, ấn vào thì nhạt đi và chậm trở lại như cũ. Nhiệt độ giảm, da lạnh. người lạnh, vã mồ hôi.
- Tuần hoàn:
Mạch nhanh, huyết áp hạ (tối đa < 90mmHg), kẹt và dao động. Có khi không có mạch và huyết áp. Điện tim: T âm hoặc dẹt. ST âm.
Áp lực tĩnh mạch trung tâm:
- Âm: Sốc giảm thể tích máu, sốc nhiễm khuẩn, sốc phản vệ.
- Bình thường hay tăng.
Sốc do tim (suy tim cấp, ép tim) thường kèm theo: tĩnh mạch cổ nổi, phù phổi cấp.
Sốc có suy thận, tăng thể tích máu.
- Hô hấp:
Nhịp thở nhanh dẫn tới tình trạng giảm CO2, về sau thở nhanh nông.
- Tiết niệu:
Lượng nước tiểu giảm. Theo dõi lượng nước tiểu có thể cho ta biết tiên lượng của bệnh nhân. Bình thường lượng nước tiểu bài tiết 1 – 1,5ml trong 1 phút. Vô niệu: < 30ml trong 3 giờ đầu.
Nguyên nhân gây giảm niệu là do co thắt mạch máu thân. Tăng tiết các yếu tố chống lợi tiểu của thuỳ sau tuyến yên (ADH), do HA thấp vì mất máu, rối loạn chức năng ống thận do lắng đọng myoglobine trong điều kiện toan máu và những sản phẩm huỷ hoại ở những tổ chức dập nát.
- Sinh hoá:
Toan chuyển hoá. Kali máu tăng.
Nguyên nhân
Sốc có thể gây ra bởi một loạt nguyên nhân nhưng chia thành 3 loại chính:
- Sốc do thể tích máu giảm: Xảy ra khi bị mất nước hoặc xuất huyết làm giảm thể tích trong các mạch. Nguyên nhân do hoặc không do xuất huyết khiến thể tích máu về tim giảm, giảm tuần hoàn, huyết áp giảm… nên sốc. Nếu không do xuất huyết thì có thể vì lượng dịch mất đi do mất nước quá nhiều, dẫn đến lượng máu không cung cấp đủ để đi nuôi cơ thể. Ngược lại, cũng có khi do xuất huyết khiến mất nhiều máu, chỉ cần mất khoảng 20% thể tích máu trong cơ thể, tương đương 1 lít máu thì đủ gây sốc.
- Sốc do tim bị tổn thương: Xảy ra khi có chấn thương trực tiếp ở tim như cơn nhồi máu cơ tim hay có cản trở đến tim như tràn dịch ở bên ngoài tim, ngăn cản quá trình bơm máu từ tim gây ra, do đó, tim không thể bơm đủ máu đi nuôi cơ thể, thường xảy ra do nhồi máu cơ tim cấp tính.
- Sốc do rối loạn phân phối máu: Xảy ra trong trường hợp như phản ứng do dị ứng, tổn thương hệ thần kinh, làm mạch máu giãn ra, rò rỉ, giảm huyết áp và lực cản của máu cũng gây ra sốc. Cụ thể, khi có lỗ rò rỉ ở mạch máu, hoặc mạch máu có túi động mạch ngoại biên phình ra, ảnh hưởng đến lực cản dòng máu trong lồng ngực giảm xuống, huyết áp giảm, giảm sự tưới máu đến các cơ quan. Tình huống này thường xảy nhất là do sốc nhiễm trùng, gây ra chuỗi phản ứng, gây nhiễm trùng, phá hủy tế bào nội mô, tiết ra chất giảm mạch. Sự giãn mạch lan rộng làm giảm sự tưới máu đến các cơ quan.
Đối tượng nguy cơ
Hiện chưa xác định được chính xác đối tượng có nguy cơ mắc phải sốc. Mọi đối tượng đều có thể bị sốc khi gặp tác nhân liên quan.
Lưu ý khi có một trong các triệu chứng sốc, cần nhanh chóng đưa bệnh nhân đến bệnh viện để được kiểm tra và có chỉ định phù hợp.
Chẩn đoán
Chẩn đoán lâm sàng
- Mặt tái, tím đầu chi, trên da có những mảng tím ấn vào thì nhạt đi và chậm trở lại như cũ.
- Da lạnh vã mồ hôi.
- Huyết áp (tâm thu < 90mmHg) kẹt, dao động có khi không còn mạch, huyết áp. Nhưng cũng có khi chỉ cần giảm > 40mmHg so với trước thì cũng đã gọi là sốc.
- Vô niệu: < 30ml nước tiểu/3 giờ.
- Điện tim T dẹt hoặc âm.
- Áp lực tĩnh mạch trung tâm thấp: sốc giảm thể tích máu, sốc phản vệ, sốc nhiễm khuẩn.
- Áp lực tĩnh mạch trung tâm bình thường hay tăng: Sốc do tim (suy tim cấp, ép tim) thường kèm theo tĩnh mạch cổ nổi.
Phòng ngừa bệnh
Một vài dạng và trường hợp sốc có thể phòng ngừa được. Có thể lưu ý các biện pháp sau:
- Nếu bạn đã được chẩn đoán bị dị ứng với tác nhân gì, hãy tránh nó ra, mang theo dụng cụ tiêm tự động epinephrine và sử dụng nó khi có dấu hiệu đầu tiên của phản ứng phản vệ.
- Để giảm nguy cơ mất máu do chấn thương, hãy mặc đồ bảo hộ khi tham gia các môn thể thao tiếp xúc, đi xe đạp và sử dụng thiết bị nguy hiểm. Hãy thắt dây an toàn khi di chuyển trên xe cơ giới.
- Để giảm nguy cơ bị tổn thương tim, hãy thiết lập một chế độ ăn uống cân bằng, tập thể dục thường xuyên và tránh hút thuốc.
Điều trị như thế nào?
Mục tiêu điều trị cho người bệnh ổn định huyết áp để bảo vệ tim và não, thay dịch, dùng thuốc tăng co bóp tim, tăng co mạch, có một số trường hợp bổ sung oxy, thông đường thở đặt ống thông, nội khí quản.