Tổng quan chung
Triệu chứng
Nguyên nhân
Đối tượng nguy cơ
Chuẩn đoán
Phòng ngừa bệnh
Cách điều trị
Rối loạn giọng nói là gì? Những điều cần biết về rối loạn giọng nói
Rối loạn giọng nói (Voice Disorders hay Dysphonia) là tình trạng khiến giọng nói của người bệnh thay đổi khác thường so với trước đây. Khi gặp phải tình trạng này, người bệnh có thể nhận thấy những biến đổi của một hoặc nhiều đặc tính của giọng nói, như rối loạn tần số, cường độ, âm sắc hay chất lượng giọng nói. Bài viết sau sẽ cung cấp thông tin những điều cần biết về rối loạn giọng nói.
Tổng quan chung rối loạn giọng nói
Rối loạn giọng nói là sự thay đổi các tính chất đặc trưng của giọng nói như: cường độ, cao độ và âm sắc. Bệnh có thể diễn biến từ từ hoặc cấp tính. Tỷ lệ gặp ở người lớn là 4,8 – 29,1% và trẻ em 1,4 – 6%. Đặc biệt, trong những năm gần đây, xu hướng này lại càng gia tăng ở những người phải sử dụng giọng nói nhiều, do tính chất công việc (giáo viên, ca sĩ, bán hàng, người kinh doanh…). Do vậy, rối loạn giọng nói không chỉ là dấu hiệu bất thường về sức khỏe, mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến giao tiếp, công việc và chất lượng cuộc sống người bệnh.
Triệu chứng rối loạn giọng nói
- Thay đổi về cường độ: người bệnh có chất giọng yếu, thều thào, hụt hơi thậm chí không thể nói được.
- Thay đổi về cao độ: giọng bệnh nhân trở nên trầm hoặc cao hơn hẳn so với chất giọng vốn có trước đây.
- Thay đổi về âm sắc: giọng nói có các tính chất như khàn đặc, căng nghẹt, hoặc kèm theo hơi thở trong lời nói.
Nguyên nhân rối loạn giọng nói
Nguyên nhân gây rối loạn giọng nói có thể do tổn thương thực thể hoặc do rối loạn về mặt chức năng của đường phát âm.
Các tổn thương thực thể bao gồm:
- Tổn thương não (xuất huyết não, khối u…)
- Viêm nhiễm ở tai mũi họng (virus, vi khuẩn, lao, nấm…).
- Tổn thương lành tính thanh quản (polyp, hạt xơ, u nang, phù reinke, u nhú…).
- Tổn thương tiền ung thư (bạch sản, dị sản..); khối u ác tính thanh quản.
- Liệt dây thanh (1 bên hoặc 2 bên dây thanh).
Đối với rối loạn giọng chức năng, tuy đường phát âm không bị tổn thương nhưng giọng nói bị thay đổi do các yếu tố như: Tâm lý căng thẳng, stress, tăng trương lực cơ vùng cổ…
Đối tượng nguy cơ rối loạn giọng nói
Trong một nghiên cứu với gần một nghìn giáo viên, khoảng 57% bị rối loạn giọng nói. Ngoài ra những nhóm đối tượng sau đây có nguy cơ cao sẽ mắc phải chứng rối loạn giọng nói:
- Nhóm người có các công việc phải sử dụng giọng nói liên tục, tần suất cao như: Ca sĩ, giáo viên, luật sư, cổ động viên, nhà diễn giải,…
- Nhóm người hút thuốc lá, thuốc lá điện tử, lạm dụng rượu bia, nước đá.
- Nhóm người mắc các bệnh như: Parkinson, đa xơ cứng, ung thư thanh quản, trào ngược dạ dày thực quản.
Một số yếu tố làm tăng nguy cơ dẫn đến chứng rối loạn giọng nói như:
- Sự lão hóa;
- Lạm dụng rượu, bia;
- Hút thuốc;
- Dị ứng;
- Các tình trạng bệnh lý liên quan đến não và hệ thần kinh, chẳng hạn như bệnh Parkinson hoặc đột quỵ;
- Bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD);
- Các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp trên, cảm lạnh;
- Sẹo do phẫu thuật hoặc do chấn thương vùng trước cổ;
- La hét;
- Ung thư vòm họng;
- Các vấn đề về tuyến giáp;
- Các nghề nghiệp sử dụng giọng nói, hát tần suất cao.
Chẩn đoán rối loạn giọng nói
Bác sĩ có thể sử dụng các phương pháp chẩn đoán hình ảnh sau đây:
- Nội soi thanh quản: Sử dụng một dụng cụ gọi là ống soi thanh quản (một loại ống mỏng, linh hoạt có gắn đầu quay video, chụp hình) để kiểm tra và ghi lại các hình ảnh bên trong cổ họng.
- Đo điện cơ (EMG): Phương pháp này dùng để đo hoạt động điện trong cơ cổ họng. Giúp cho thấy các vấn đề về thần kinh ở vùng cổ họng.
- X-quang hoặc MRI: Có thể cho thấy sự phát triển hoặc các vấn đề về mô trong cổ họng.
Phòng ngừa rối loạn giọng nói
Một số chứng rối loạn giọng nói không thể phòng ngừa được nhưng bạn có thể giảm nguy cơ bằng cách chăm sóc giọng nói của mình như sau:
- Tránh hút thuốc, ma túy, rượu.
- Uống nhiều nước để giữ cho cổ họng và dây thanh âm không khô ráp.
- Thường xuyên cho giọng nói nghỉ ngơi nếu bạn đang làm công việc phải nói nhiều.
- Giữ ấm vùng hầu họng, hạn chế việc uống nước đá lạnh.
Điều trị rối loạn giọng nói như thế nào?
Điều trị rối loạn giọng nói phụ thuộc vào nguyên nhân gây ra nó. Hầu hết các vấn đề về giọng nói có thể điều trị thành công khi được chẩn đoán đúng nguyên nhân. Điều trị có thể bao gồm:
Nội khoa
- Thay đổi lối sống: Một số thay đổi có thể giúp giảm hoặc ngừng các triệu chứng. Bao gồm các việc như, không la hét, không nói to, thường xuyên để giọng nghỉ ngơi nếu bạn làm việc sử dụng giọng quá nhiều. Không hút thuốc, rượu bia. Tập các bài tập thư giãn dây thanh và các cơ xung quanh vùng cổ. Uống nhiều nước tránh để cổ họng quá khô.
- Trị liệu ngôn ngữ: Việc trị liệu này có thể bao gồm các bài tập để thay đổi hành vi nói, tập hít thở sâu để tăng cường khả năng phát âm với nhịp thở đầy đủ.
- Điều trị thuốc uống: Một số rối loạn giọng nói là do một nguyên nhân có thể điều trị được bằng thuốc. Ví dụ như rối loạn giọng nói do trào ngược dạ dày thì việc dùng thuốc điều trị trào ngược dạ dày sẽ giúp cải thiện triệu chứng rối loạn giọng nói. Các liệu pháp hormon cho các vấn đề liên quan đến tuyến giáp hoặc hormon nam, nữ.
- Điều trị bằng thuốc tiêm: Rối loạn giọng nói do co thắt cơ cổ họng các bác sĩ có thể điều trị bằng cách tiêm độc tố botulinum. Trong một số trường hợp các bác sĩ có thể tiêm các chất béo hoặc chất làm đầy vào dây thanh âm để dây thanh âm đóng mở tốt hơn.
Ngoại khoa
- Phẫu thuật: Khi chứng rối loạn giọng nói xảy ra do các nguyên nhân liên quan đến sự phát triển quá mức (u nhú, u nang, polyp,…), ung thư các bác sĩ có thể loại bỏ nó bằng việc phẫu thuật.