Tổng quan chung
Triệu chứng
Nguyên nhân
Đối tượng nguy cơ
Chuẩn đoán
Phòng ngừa bệnh
Cách điều trị
Nhiễm trùng vết thương: Triệu chứng, nguyên nhân và điều trị
Bạn vô tình bị trầy xước, tai nạn hay trải qua phẫu thuật? Hãy cẩn trọng! Bởi ẩn sau lớp da tưởng chừng bình thường, vi khuẩn nguy hiểm đang âm thầm rình rập, biến vết thương nhỏ thành chiến trường khốc liệt.
Hãy tưởng tượng, khi vi khuẩn xâm nhập, chúng sẽ tung hoành, gieo rắc mầm bệnh, khiến vết thương sưng tấy, ửng đỏ, nhức buốt từng cơn. Cơn đau nhức ấy không chỉ quấy rầy bạn mà còn là hồi chuông cảnh báo về nguy cơ nhiễm trùng đang dần lan rộng.
Tổng quan chung
Vết thương bị nhiễm trùng là gì?
Tình trạng nhiễm trùng vết thương xảy ra khi vi khuẩn xâm nhập qua da. Nhiễm trùng có thể chỉ liên quan đến da, hoặc có thể ảnh hưởng đến các mô/cơ quan sâu hơn gần vết thương. Tình trạng nhiễm vi khuẩn gây bệnh uốn ván có thể dẫn đến tử vong.
Theo chuyên môn, có nhiều khái niệm về vết thương, nhưng có thể hiểu chung là sự gián đoạn trong sự liên tục của tế bào. Sự lành vết thương là sự phục hồi của sự liên tục đó.
Vết thương được phân loại dưới dạng do rạch bởi dụng cụ sắc, bén, nhọn, gây đứt cơ, mạch máu…. Vết thương bầm dập do vật tù, đặc trưng như tổn thương phần mềm có chảy máu, tổn thương giải phẫu nhiều, sưng, nhiễm trùng, có nhiều mô giập nát. Vết thương rách nát là vết thương bờ lởm chởm không đều, tổn thương giải phẫu nhiều, nhiễm trùng tăng cao, lành vết thương chậm và sẹo xấu. Vết thương xuyên thủng do dao đâm, đạn bắn, có lỗ và tổn thương giải phẫu nhiều….
Triệu chứng
Theo các chuyên gia, 5 dấu hiệu điển hình giúp bạn dễ nhận biết vết thương bị nhiễm trùng bao gồm:
- Vết thương chảy dịch màu vàng, xanh lá cây hoặc có mùi hôi
- Vị trí vết thương hay khu vực gần vết thương đau nhiều, sưng hoặc đỏ tấy
- Vết thương thay đổi màu sắc hoặc kích thước
- Xuất hiện các vệt đỏ trên da xung quanh vết thương
- Sốt cao, ớn lạnh.
Nguyên nhân
Hầu hết các vết thương bị nhiễm trùng là do vi khuẩn xâm nhập vào. Các vi khuẩn này có thể có nguồn gốc từ:
- Hệ vi khuẩn khu trú trên da
- Vi khuẩn từ các bộ phận khác của cơ thể
- Vi khuẩn từ môi trường bên ngoài.
Các vi khuẩn phổ biến có thể gây nhiễm trùng vết thương bao gồm:
- Staphylococcus aureus;
- Pseudomonas aeruginosa;
- Escherichia coli (E. Coli);
- Proteus mirabilis;
- Acinetobacter baumannii/ haemolyticus;
- Liên cầu.
Đối tượng nguy cơ
Theo các chuyên gia, ngay cả một vết thương nhỏ cũng có thể nghiêm trọng hơn đối với người có một trong các vấn đề sức khỏe sau:
- Lưu thông máu kém
- Bệnh đái tháo đường
- Béo phì
- Hệ thống miễn dịch suy yếu (suy giảm miễn dịch)
- Giảm khả năng di động hoặc không vận động được
- Suy dinh dưỡng
- Vệ sinh kém…
- Bệnh nhân sau khi phẫu thuật cũng có thể bị nhiễm trùng vết mổ. Điều này xảy ra ở khoảng 2 – 4% những người trải qua phẫu thuật.
Một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc nhiễm trùng vết thương, bao gồm:
- Vết thương hở làm cho vi khuẩn bên ngoài dễ xâm nhập vào hơn.
- Nguy cơ nhiễm trùng vết thương cao hơn nếu: Vết thương lớn, sâu, hoặc có mép lởm chởm, bụi bẩn hoặc các phần tử lạ xâm nhập vào vết thương.
- Vật bẩn, gỉ hoặc chứa vi khuẩn.
Chẩn đoán
Bác sĩ sẽ hỏi về bệnh sử y tế và kiểm tra thực thể để xác định xem vết thương có bị nhiễm trùng hay không. Bạn nên nói với bác sĩ về nguyên nhân và thời điểm bạn bị thương.
Ngoài ra, bác sĩ có thể yêu cầu bạn làm các xét nghiệm nào sau đây để xác định tình trạng nhiễm trùng vết thương:
- Xét nghiệm máu có thể được thực hiện để kiểm tra nhiễm trùng.
- Chụp X-quang hoặc CT có thể được thực hiện để tìm nhiễm trùng trong các mô sâu hoặc dị vật trong vết thương. Bạn có thể được cung cấp chất lỏng tương phản để giúp hiển thị hình ảnh rõ hơn. Hãy cho bác sĩ biết nếu bạn đã từng bị phản ứng dị ứng với chất lỏng tương phản.
- Nuôi cấy vi khuẩn từ mẫu dịch hoặc mô lấy từ vết thương để tìm kiếm vi trùng gây nhiễm trùng.
Phòng ngừa bệnh
Nhiễm trùng vết thương có thể xảy ra nếu vi khuẩn xâm nhập và sinh sôi bên trong vết thương. Làm sạch và băng ngay các vết cắt, vết xước để ngăn ngừa nhiễm trùng. Tuy nhiên, những người có vết thương lớn hơn, sâu hơn hoặc nghiêm trọng hơn thì nên được điều trị bởi chuyên gia, bác sĩ.
Nếu điều trị vết thương nhẹ tại nhà:
- Rửa kỹ tay bằng xà phòng và nước ấm rồi lau khô.
- Nếu vết thương chảy máu, giữ băng hoặc gạc sạch băng vào vết thương và duy trì chặt cho đến khi vết thương ngừng chảy.
- Làm sạch vết cắt hoặc vết xước bằng cách dội nước ấm sạch trong vài phút. Dùng nước xà phòng ấm để làm sạch vùng da xung quanh nhưng tránh để xà phòng dính vào vết thương.
- Đảm bảo rằng không có bụi bẩn hoặc mảnh vụn còn trong vết thương. Sử dụng nhíp kẹp lấy ra nhàng.
- Hãy bôi một lớp mỏng thuốc mỡ sát trùng lên vết cắt hoặc vết xước.
- Để da khô trong không khí trước khi đắp bằng gạc hoặc băng. Vết cắt và vết xước nhỏ không cần băng.
Nếu vết thương lớn có nguy cơ nhiễm trùng cao:
- Rửa vết thương ngay lập tức bằng cách dội nước sạch lên vết thương trong vài phút. Sau đó, làm sạch vùng da xung quanh vết thương bằng nước xà phòng ấm. Nếu không thể dùng nước sạch, hãy xử lý vết thương bằng khăn tẩm cồn.
- Để da khô trong không khí.
- Bôi thuốc mỡ sát trùng vào vết thương.
- Bảo vệ vết thương bằng gạc hoặc một loại băng thích hợp khác.
- Các mẹo khác như thay băng vết thương ít nhất một lần một ngày, có thể hay thế nó ngay lập tức nếu nó bị ẩm hoặc bẩn.
- Nhẹ nhàng rửa vết thương mỗi ngày.
- Tránh sử dụng hydrogen peroxide hoặc i-ốt lên vết thương vì chúng có thể gây kích ứng da. Ngừng sử dụng thuốc mỡ sát trùng khác nếu chúng gây kích ứng da.
- Không lấy da hoặc vảy vì nó có thể dẫn đến sẹo, chậm lành và tăng nguy cơ nhiễm trùng.
- Đi khám bác sĩ nếu vết thương không cải thiện trong vòng 1-2 ngày.
Điều trị như thế nào
Các phương pháp điều trị sẽ tùy vào mức độ của vết thương
- Thuốc sẽ được dùng để điều trị nhiễm trùng, giảm đau và sưng.
- Chăm sóc vết thương có thể được thực hiện để làm sạch vết thương và giúp chữa lành vết thương. Phương pháp hút chân không vết thương cũng giúp chữa lành vết thương.
- Liệu pháp oxy Hyperbaric (HBO) có thể được sử dụng để tăng oxy cho các mô giúp chúng lành lại nhanh hơn. Oxy được bơm vào khi bạn ngồi trong buồng áp suất.
- Phẫu thuật có thể cần thiết để làm sạch vết thương hoặc loại bỏ các mô bị nhiễm trùng hoặc mô chết. Phẫu thuật cũng có thể cần thiết để loại bỏ dị vật.
Nhiễm trùng vết thương là một vấn đề sức khỏe cần được chú ý và điều trị kịp thời. Việc nhận biết các triệu chứng sớm, chẩn đoán chính xác và điều trị đúng cách là rất quan trọng để ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm. Hãy thực hiện các biện pháp phòng ngừa nhiễm trùng vết thương và duy trì vệ sinh cá nhân tốt để bảo vệ sức khỏe. Nếu bạn có bất kỳ dấu hiệu nào của nhiễm trùng vết thương, hãy thăm khám bác sĩ ngay để được tư vấn và điều trị kịp thời.
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.