Tổng quan chung
Triệu chứng
Nguyên nhân
Đối tượng nguy cơ
Chuẩn đoán
Phòng ngừa bệnh
Cách điều trị
Đau cơ mông là gì? Những điều cần biết về đau cơ mông
Đau cơ mông là tình trạng đau ở nhóm cơ mông, bao gồm cơ mông lớn, cơ mông nhỡ và cơ mông bé. Nguyên nhân chủ yếu là do chấn thương hay việc tập luyện gây căng cơ vùng mông. Hầu hết tình trạng đau cơ mông là không nghiêm trọng, tuy nhiên bạn cũng cần chú ý bởi có thể đau vùng mông là dấu hiệu của một bệnh lý khác.
Tổng quan chung đau cơ mông
Đau cơ mông, hoặc đau vùng mông đôi khi khó phân biệt vì cảm nhận chủ quan của người mắc phải. Đây là cảm giác khó chịu vùng mông, có thể liên quan trực tiếp đến các cơ mông, hoặc liên quan đến những cấu trúc khác như xương, thần kinh, ống tiêu hóa.
Vùng mông là một cấu trúc rất phức tạp với nhiều hệ thống cơ quan đan xen chằng chịt. Do vậy, cảm giác đau vùng mông cũng có rất nhiều nguyên nhân tùy theo cơ quan nào bị tổn thương ở vùng này. Đôi khi, nguyên nhân gây cảm giác đau ở mông thật ra xuất phát từ một khu vực khác, chẳng hạn tổn thương thần kinh ở cột sống.
Đau vùng mông có thể do chấn thương hoặc một số bệnh lý, do vậy mà tình trạng này khá phổ biến. Một số người có thể tự xác định nguyên nhân nếu nó quá rõ ràng, ví dụ sau một chấn thương hoặc té ngã.
Triệu chứng đau cơ mông
Đau vùng mông được mô tả bởi nhiều cách, như cảm giác nặng nề, tê bì, nóng rát, đau nhói. Tùy vào nguyên nhân, đau cơ mông có thể xuất hiện đột ngột và biến mất tương đối nhanh, như vết bầm tím do những chấn thương nhẹ. Đau mông cũng có thể tiến triển dần theo thời gian và xuất hiện ngắt quãng, như với trường hợp của đau thần kinh tọa.
Bạn cần gọi hỗ trợ y tế khẩn cấp nếu có cơn đau đột ngột, dữ dội ở mông, hông hay lưng, mất khả năng đi lại, hoặc biến dạng khớp háng.
Tùy theo nhiều nguyên nhân khác nhau mà đau cơ mông còn kèm theo các triệu chứng khác như:
- Bầm tím, căng cơ;
- Giới hạn vận động khớp háng và vùng lưng;
- Đi khập khiễng;
- Đau vùng thắt lưng;
- Yếu cơ hoặc tê bì;
- Cảm giác đau, cứng khớp háng, vùng chân và bẹn;
- Phù vùng mông;
- Cảm giác va chạm, lộp cộp hoặc nghiến ở hông hoặc lưng dưới;
- Thay đổi nhiệt độ vùng da bao gồm cảm giác ấm hoặc bỏng rát.
Triệu chứng bị đau cơ mông thường thấy nhất là bầm tím. Do một tác động nào đó tác động mạnh lên mông, làm tổn thương đến các mao mạch tại chỗ, gây ra những vết có màu tím hay xanh đen. Vết bầm tím khi chạm vào sẽ có cảm giác đau, mức độ nặng nhẹ phụ thuộc vào màu sắc của vết bầm tím. Càng đậm thì thời gian hồi phục càng chậm. Thông thường, khi vết bầm tan đi, cơn đau cũng sẽ biến mất.
Ngoài ra, còn có đau thần kinh tọa. Đây không phải là nguyên nhân chính gây ra đau cơ mông nhưng đau thần kinh tọa có triệu chứng là đau cơ mông. Do đó đau cơ mông cũng có thể là dấu hiệu của một vài bệnh lý.
Hay có thể đơn giản hơn là đau cơ mông là do quá trình luyện tập, vận động cơ khớp háng, vùng lưng dẫn đến làm căng nhóm cơ mông, gây đau cơ mông.
Nguyên nhân gây đau cơ mông
Có nhiều nguyên nhân gây đau cơ mông, từ nhẹ đến nghiêm trọng, và cách xử lý phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của tình trạng.
Do gặp chấn thương
Các vết bầm tím thường bắt nguồn từ việc mô mạch bị tổn thương do tác động mạnh, gây ra sự xuất hiện của các vết bầm tím hoặc đen. Theo thời gian, những vết thương này có thể chuyển dần sang màu xanh vàng và sau cùng biến mất.
Chấn thương này thường không quá nghiêm trọng, vì nó chỉ ảnh hưởng đến phần bề ngoài của cơ mông và thường tự khỏi theo thời gian.
Tương tự, tình trạng đau căng cơ mông có thể xảy ra khi thực hiện những cử động đột ngột. Tuy nhiên, nếu bạn duỗi cơ một cách từ từ hoặc nghỉ ngơi, thường sẽ giúp giảm đau. Thường thì đau mông do căng cơ xảy ra sau những hoạt động thể thao mạnh, thiếu việc khởi động cơ thể kỹ trước khi tập luyện hoặc thay đổi phương hướng đột ngột.
Căng cơ
Các nhóm cơ trong vùng mông đều có khả năng co dãn, nhưng nếu chúng bị kéo căng quá mức, có thể dẫn đến tình trạng rách cơ và gây ra nhiều vấn đề như đau đớn, sưng to, và hạn chế trong việc cử động.
Thường thì căng cơ xảy ra khi người bệnh tập thể thao quá độ, thiếu việc khởi động cơ thể trước khi tập luyện, thay đổi phương hướng di chuyển đột ngột.
Đau thần kinh tọa
Mặc dù đau thần kinh tọa không phải là nguyên nhân gốc của đau cơ mông, nhưng các triệu chứng của đau thần kinh tọa có thể bắt đầu từ đau ở thắt lưng và sau đó lan tỏa đến vùng mông. Do đó, đau cơ mông cũng có thể được xem như một dấu hiệu cảnh báo cho tình trạng đau thần kinh tọa.
Viêm bao hoạt dịch
Viêm nhiễm hoạt dịch xảy ra ở vùng mông có thể gây ra đau cơ mông, thường đi kèm với các triệu chứng như đau khi ngồi hoặc nằm, cảm giác sưng to và viêm nhiễm.
Thoát vị đĩa đệm
Thoát vị đĩa đệm có thể làm ảnh hưởng đến dây thần kinh và dẫn đến đau cơ mông.
Sự thoái hóa của đĩa đệm cũng có thể gây ra đau cơ mông, đặc biệt khi người bệnh cúi người hoặc nâng vật nặng lên cao.
Hội chứng cơ hình lê
Cơ hình lê, còn gọi là cơ tháp, nằm gần vùng mông và khi hội chứng cơ hình lê xuất hiện, nó có thể dẫn đến đau cơ mông. Cơn đau có thể gia tăng khi người bệnh leo cầu thang, chạy hoặc ngồi.
Trĩ
Trĩ là kết quả của áp lực trong tĩnh mạch hậu môn và trực tràng, thường xảy ra khi bạn rặn khi đi vệ sinh hoặc do tình trạng táo bón, gây ra đau đớn, khó chịu và thậm chí có thể xuất hiện chảy máu hậu môn. Khi hậu môn bị tổn thương, có thể gây ra cảm giác đau lan tỏa đến các cơ mông xung quanh.
Áp xe quanh hậu môn
Áp xe quanh hậu môn thường xuất phát từ nhiễm trùng và gây ra đau khó chịu ở vùng này.
Viêm khớp
Viêm khớp, đặc biệt là viêm khớp hông, có thể dẫn đến đau cơ mông và lan xuống vùng mông.
Đau cơ vòng hậu môn
Đau vùng hậu môn, hay còn được gọi là Hội chứng Cơ nâng hậu môn, còn được biết đến với tên gọi tiếng Anh là Levator Ani Syndrome, đại diện cho một loại rối loạn trong chức năng của cơ sàn chậu. Thường xảy ra khi bệnh nhân trải qua cảm giác co thắt ở vùng hậu môn và lan tỏa lên xương chậu. Đây thường được coi là biểu hiện lâm sàng của tình trạng đau hậu môn mạn tính.
Đối tượng nguy cơ
- Người ngồi trong thời gian dài.
- Người hoạt động gắng sức mà trước đó không khởi động đúng cách hoặc không làm ấm hoặc hạ nhiệt đúng cách có thể dẫn đến bong gân và căng cơ mông.
- Người bị chấn thương hoặc mắc một số bệnh lý và rối loạn nhất định ở mông hoặc ở các vùng liên quan khác, chẳng hạn như xương chậu, xương cụt, hông, cẳng chân và lưng dưới.
Chẩn đoán
Để biết đau cơ mông có liên quan đến bệnh lý cụ thể nào, ngoài thăm khám bằng mắt thường để xem có tổn thương hoặc viêm nhiễm hay không, các bác sĩ có thể chỉ định các phương pháp như:
- Chụp X-quang: xác định những bất thường ở khung chậu, hông như viêm khớp, hoại tử mạch của hông, gãy xương hay những bất thường bẩm sinh và khối u.
- Chụp MRI khu vực cột sống thắt lưng và khung chậu để loại bỏ bệnh lý tiềm ẩn.
- Xét nghiệm kháng thể kháng nhân và sinh hóa máu: giúp loại trừ trường hợp viêm khớp nhiễm khuẩn, nhiễm trùng và khối u.
Khi triệu chứng đau cơ mông không có dấu hiệu thuyên giảm, người bệnh nên chủ động thăm khám. Ngoài ra, nếu có những biểu hiện đi kèm dưới đây, bạn cũng đừng nên chủ quan:
- Căng hoặc đau ê ẩm vùng mông kéo dài
- Hai chân tê yếu, suy giảm sức lực, có cảm giác ngứa ran hoặc tê kéo dài xuống mặt sau của chân
- Khó kiểm soát tiểu tiện
- Cường độ đau tăng dần, dữ dội ngay cả khi nghỉ ngơi
- Sốt cao trên 40 độ trở lên
Phòng ngừa bệnh đau cơ mông
Để phòng tránh đau cơ mông, bạn nên phòng ngừa từ bệnh lý ban đầu bằng cách:
- Thường xuyên tập thể dục để tăng cường sức khỏe toàn thân, giúp săn chắc cơ bắp và giảm nguy cơ bị thương
- Làm nóng cơ thể trước khi tập luyện để hạn chế căng cơ
- Đừng cố gắng chịu đựng các cơn đau
- Tránh các áp lực quá lớn lên hông gây nên hội chứng cơ mông sâu
Điều trị đau cơ mông như thế nào?
- Thông thường, đau cơ mông có thẻ kéo dài vài ngày. Nếu sau vài ngày mà cơ đau không những không biến mất và còn đau thêm hay có thêm bất kỳ triệu chứng nào khác, bạn nên gặp bác sĩ và tham vấn ý kiến của họ.
- Đối với đau cơ mông do bệnh lý, người bệnh nên đến bệnh viện để có thể kiểm tra và điều điều trị nguyên nhân gây bệnh. Tùy vào thời điểm của bệnh, cơ thể của bệnh nhân mà bác sĩ sẽ đưa ra liệu trình điều trị phù hợp.
Một số phương pháp điều trị có thể bao gồm:
- Tiêm corticosteroid để giảm viêm;
- Dẫn lưu u nang hoặc áp xe đang gây đau;
- Phẫu thuật sửa chữa đĩa đệm bị hư hỏng hoặc thay thế khớp bị mòn.
Một số trường hợp có thể nghỉ ngơi và dùng thuốc giảm đau không kê đơn là đủ để giúp một người kiểm soát cơn đau ở mông. Một số thuốc trị đau cơ mông không kê đơn như thuốc giảm đau: paracetamol, naproxen…
Tuy nhiên, những lựa chọn nên cân nhắc kỹ và tốt nhất vẫn là tham vấn bác sĩ của bạn. Các biện pháp khắc phục tại nhà khác bao gồm chườm đá hoặc nhiệt lên vùng đó và nhẹ nhàng kéo căng chân, mông và hông.