Tổng quan chung
Triệu chứng
Nguyên nhân
Đối tượng nguy cơ
Chuẩn đoán
Phòng ngừa bệnh
Cách điều trị
Cơ tim hạn chế là gì? Những điều cần biết về cơ tim hạn chế
Bệnh cơ tim hạn chế (restrictive myocardiopathy) là bệnh có tỷ lệ mắc bệnh thấp nhưng để lại biến chứng nặng nề và tỷ lệ tử vong cao. Có nhiều nguyên nhân gây bệnh, nhưng nguyên nhân thường gặp nhất là xơ hóa nội mạc cơ tim nguyên phát, nếu không được điều trị bệnh có thể gây nguy hiểm đến tính mạng thậm chí là tử vong.
Tổng quan chung
Bệnh cơ tim hạn chế là tình trạng buồng tâm thất không có đủ khả năng giãn ra để được đổ đầy máu (giảm chức năng tâm trương). Tâm thất là buồng tim chịu trách nhiệm chính bơm máu lên phổi để trao đổi oxy và bơm máu giàu oxy từ tim đi nuôi cơ thể.
Khi tâm thất không được đổ đầy máu, sẽ làm giảm sút lượng máu đến nuôi dưỡng các cơ quan, khiến người bệnh luôn cảm thấy mệt mỏi, khó thở, thậm chí là có những triệu chứng ban đầu của bệnh suy tim.
Tổn thương chức năng tâm trương ban đầu là hậu quả của sự hạn chế giãn của tâm thất, về sau là do tắc buồng tâm thất. Ở giai đoạn muộn có suy tim, có thể có tràn dịch màng tim.
Triệu chứng cơ tim hạn chế
Một số triệu chứng của bệnh cơ tim hạn chế có thể kể đến là:
- Bệnh nhân có cảm giác khó thở khi gắng sức.
- Luôn mệt mỏi, uể oải.
- Đau vùng trước tim.
- Đau vùng gan.
- Có cảm giác chóng mặt khi đột ngột thay đổi tư thế, có một số trường hợp bị ngất xỉu khi tập thể dục.
- Chán ăn.
- Buồn nôn.
- Tăng cân.
- Bị sưng hay phù nề ở mắt cá chân, bàn chân hay bụng.
- Xuất hiện tình trạng đánh trống ngực.
- Sờ thấy gan to.
Nguyên nhân cơ tim hạn chế
Xơ hóa nội mạc cơ tim là nguyên nhân thường gặp của bệnh cơ tim hạn chế, xơ hóa nội mạc cơ tim không rõ nguyên nhân gây ra tình trạng bệnh cơ tim hạn chế nguyên phát.
Ngoài ra các nguyên nhân khác có thể gây ra bệnh bao gồm:
- Bệnh thừa sắt.
- Bệnh thoái hóa tinh bột.
- Bệnh sarcoidose( viêm hạch bạch huyết và mô)
- Xơ cứng bì hệ thống
- Sau xạ trị hoặc hóa trị liệu điều trị ung thư trước đó
- Thải ghép sau cấy ghép tim.
- Bệnh lý màng trong tim.
Đối tượng nguy cơ mắc cơ tim hạn chế
Sau đây là những đối tượng có nguy cơ mắc bệnh cơ tim hạn chế:
- Những trường hợp có người thân chẳng hạn như bố mẹ, anh chị em ruột mắc bệnh về tim (bao gồm: suy tim, bệnh cơ tim,…) thì nguy cơ mắc bệnh sẽ cao hơn những người có bố mẹ, anh chị em không bị bệnh về tim.
- Người thừa cân, béo phì: Những người thừa cân, béo phì sẽ có nguy cơ cao mắc nhiều loại bệnh và các bệnh lý về tim mạch, trong đó có bệnh cơ tim hạn chế.
- Người nghiện rượu: Lạm dụng rượu là nguyên nhân gây hại cho cơ thể, đặc biệt là gan và tim. Các trường hợp uống rượu quá nhiều trong hơn 5 năm thì có thể gây tổn hại nghiêm trọng cho tim và đặc biệt có nguy cơ cao đối với bệnh cơ tim hạn chế. Ngoài rượu thì sử dụng một số chất kích thích khác như cocaine hay amphetamine,… cũng khiến tăng nguy cơ gây bệnh lý về tim.
- Những trường hợp thừa sắt nếu không được xử lý sớm cũng có nguy cơ cao phải đối mặt với căn bệnh nguy hiểm này.
- Bệnh nhân điều trị ung thư phải thực hiện hóa trị và xạ trị cũng nên thận trọng với bệnh cơ tim hạn chế.
- Bệnh nhân mắc bệnh về tuyến giáp, bệnh tiểu đường cũng là những đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh cơ tim hạn chế.
Chẩn đoán cơ tim hạn chế
Ngoài dựa vào các dấu hiệu lâm sàng, để chẩn đoán bệnh cần thực hiện các xét nghiệm cận lâm sàng bao gồm:
- Điện tâm đồ (ECG): Hầu như luôn có điện tâm đồ bất thường. Block nhánh trái và dày nhĩ là các dấu hiệu hay gặp.
- Chụp tim phổi: Bóng tim thường không to trừ khi có giãn rộng hai nhĩ, ứ huyết phổi thường nặng.
- Siêu âm tim: Phát hiện được tình trạng xơ hóa nội mạc cơ tim. Đánh giá tình trạng thất, chức năng tim, van và màng tim, phát hiện hở 2 lá và các van khác, rối loạn chức năng tâm trương như bất thường như dãn, dãn nở tim của thất.
- Xét nghiệm máu tìm một số nguyên nhân gây bệnh như: Công thức máu có bạch cầu ái toan tăng trong xơ hóa nội mạc cơ tim. Định lượng sắt huyết thanh, ferritin( sắt dự trữ) đánh giá tình trạng dư sắt, bilan miễn dịch (xơ cứng bì).
- Chụp cắt lớp vi tính (CT) và cộng hưởng từ (MRI): Cho hình ảnh giúp phân biệt với bệnh viêm màng ngoài tim co thắt nhờ dấu hiệu dày màng ngoài tim.
- Thông tim: Chỉ định trong các trường hợp cần chẩn đoán phân biệt với viêm co thắt màng ngoài tim và cũng phục vụ cho mục đích sinh thiết cơ tim để chẩn đoán nguyên nhân bệnh cơ tim hạn chế.
- Sinh thiết nội mạc cơ tim: Cho phép chẩn đoán xác định và có thể hướng đến chẩn đoán nguyên nhân.
Phòng ngừa bệnh cơ tim hạn chế
Không có cách để ngăn ngừa các tình trạng cơ bản gây ra bệnh cơ tim hạn chế. Tuy nhiên, bạn có thể duy trì các hoạt động và chế độ dinh dưỡng có lợi cho tim mạch như duy trì cân nặng khỏe mạnh và tim mạch. Đối với bệnh nhân đang mắc bệnh cơ tim hạn chế, có thể kiểm soát bằng các biện pháp sau:
- Kiểm soát cân nặng: Mỗi ngày, bệnh nhân cần kiểm tra cân nặng của mình. Trường hợp suy tim tiến triển đồng nghĩa với tình trạng tích nước trong cơ thể và khiến bệnh nhân tăng cân. Vì thế kiểm tra cân nặng mỗi ngày là việc làm cần thiết. Nếu có bất thường phải liên hệ sớm với bác sĩ điều trị.
- Uống nhiều nước đối với người bình thường là rất tốt. Nhưng đối với bệnh nhân mắc bệnh cơ tim hạn chế thì không nên uống quá nhiều nước vì nó có thể làm tăng gánh nặng cho tim.
- Tập luyện là rất tốt nhưng cần phải tập đúng cách với những bài tập phù hợp. Bạn có thể tham khảo ý kiến của bác sĩ điều trị về những bài tập thể dục hàng ngày của mình. Tránh lao động gắng sức để giảm gánh nặng cho tim.
- Chế độ dinh dưỡng cũng là một trong những yếu tố rất quan trọng trong quá trình điều trị bệnh cơ tim hạn chế. Người bệnh nên ăn các loại thực phẩm lành mạnh, chẳng hạn như trái cây, rau củ, các loại ngũ cốc, thịt gia cầm bỏ da, cá, sữa chua,… Đồng thời cần kiêng tuyệt đối rượu bia, thuốc lá, không ăn quá nhiều muối và đường,…
- Người bệnh cũng lưu ý nghỉ ngơi hợp lý, không nên để cơ thể quá căng thẳng.
Điều trị cơ tim hạn chế như thế nào?
Điều trị bệnh cơ tim hạn chế bằng thuốc
- Thuốc ức chế men chuyển – làm giãn cơ trơn mạch máu, làm giảm tải cho tim, giảm thể tích máu, làm cho tim làm việc dễ dàng hơn.
- Thuốc chống loạn nhịp – giảm nhịp bất thường và giúp kiểm soát nhịp bình thường
- Thuốc kháng đông – được chỉ định trong trường hợp loạn nhịp để làm giảm nguy cơ hình thành cục máu đông có thể đưa đến đột quỵ.
- Thuốc ức chế beta – giảm nhịp tim và sức co bóp của cơ tim.
- Thuốc lợi tiểu – giảm ứ dịch ở phổi và chân.
- Thuốc ức chế kênh canxi – giảm sức co cơ tim, giúp giảm huyết áp, đau ngực và rối loạn nhịp.
Phẫu thuật
- Những bệnh nhân sau khi sử dụng thuốc nhưng không có sự cải thiện đáng kể thì có thể được chỉ định phương pháp can thiệp phẫu thuật để điều trị bệnh. Một số phương pháp thường được áp dụng là cấy máy tạo nhịp tim, cấy máy khử rung tim, phẫu thuật van tim để lưu thông máu tốt hơn giữa các buồng tim, ghép tim,…
Bệnh cơ tim hạn chế là bệnh nguy hiểm, tuy nhiên, nếu phát hiện sớm và điều trị đúng cách, bệnh nhân vẫn có cơ hội kéo dài tuổi thọ và nâng cao chất lượng sống. Hy vọng bài viết trên đã cung cấp những thông tin cơ bản về bệnh cơ tim tim hạn chế đến bạn đọc.
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.