Tổng quan chung
Triệu chứng
Nguyên nhân
Đối tượng nguy cơ
Chuẩn đoán
Phòng ngừa bệnh
Cách điều trị
Áp xe gan là gì? Những điều cần biết về áp xe gan
Áp xe gan là tình trạng tế bào gan bị tổn thương tạo thành ổ mủ do nhiễm khuẩn hoặc ký sinh trùng. Đây là bệnh lý nguy hiểm có tỉ lệ tử vong cao và nhiều biến chứng nghiêm trọng nếu không được điều trị và kiểm soát tốt.
Tổng quan chung
Gan là một cơ quan quan trọng trong cơ thể đảm nhận nhiều chức năng khác nhau như: dự trữ năng lượng, tạo protein và loại bỏ những chất gây hại khỏi cơ thể. Áp xe gan là tình trạng tổn thương tại gan, lá gan bị nhiễm khuẩn hoặc nhiễm ký sinh trùng, khi đó gan sẽ có biểu hiện sưng mủ và hình thành các lỗ nhỏ.
Theo nguyên nhân gây bệnh, áp xe gan được chia thành 3 loại chính:
- Áp xe gan do vi trùng, thường là đa trùng.
- Áp xe gan do ameba, chủ yếu là entamoeba histolytica.
- Áp xe gan do nấm, đa số thuộc họ Candida.
Những tình trạng viêm như viêm ruột thừa, viêm túi thừa, viêm túi mật thường xảy ra áp xe gan nhất, các loài ký sinh trùng như trùng amip cũng gây ra mưng mủ. Hầu hết những tình trạng này xảy ra trong điều kiện vệ sinh kém.
Triệu chứng của áp xe gan
Đây được đánh giá là bệnh lý nguy hiểm, tỉ lệ tử vong và biến chứng cao. Người bệnh thường có triệu chứng không rõ ràng ở giai đoạn đầu – giai đoạn vàng để điều trị. Đến khi triệu chứng xuất hiện, bệnh thường đã tiến triển nặng và lúc này, tiến triển bệnh rất nhanh, biểu hiện bệnh nặng về nguy hiểm.
Triệu chứng áp xe gan ồ ạt xuất hiện gây nguy hiểm như:
- Đau tức bụng
Tình trạng đau tức tập trung chủ yếu ở vùng dưới sườn bên phải gần gan. Nếu ổ áp xe gan to cấp tính, cơn đau có thể mở rộng ra vùng thượng vị hoặc khắp bụng, đây là dấu hiệu nhận biết để định hướng điều trị cấp cứu tốt hơn.
- Sốt cao, rét run
Trong giai đoạn cấp tính, người bệnh có thể sốt cao đến 39 – 40 độ C, kèm theo đau bụng.
- Đau tức vùng hạ sườn phải
Áp xe khiến gan sưng to, khiến cho người bệnh bị đau tức, cảm giác nặng vùng dưới sườn bên phải. Khi kích thước gan lớn làm đẩy cơ hoành lên cao, bệnh nhân sẽ có triệu chứng khó thở kèm theo.
- Đau khi ấn kẽ sườn
Đây là kĩ thuật mà bác sĩ thường dùng để phát hiện cũng như đánh giá triệu chứng áp xe gan. Bệnh nhân khi bị sờ vào vùng gan, cơn đau tăng lên. Khi gõ thấy tiếng đục rõ, có thể sờ thấy cả mép của bờ gan do bị sưng to.
Nguyên nhân gây ra áp xe gan
Áp xe gan có thể do nhiều nguyên nhân gây ra, trong đó phổ biến nhất là:
- Nhiễm khuẩn: Vi khuẩn thường gặp nhất là Escherichia coli, Klebsiella, và Streptococcus. Nhiễm khuẩn thường lan từ các ổ nhiễm khuẩn khác trong cơ thể như viêm ruột thừa, viêm đường mật.
- Nhiễm ký sinh trùng: Amip Entamoeba histolytica là ký sinh trùng phổ biến gây áp xe gan, đặc biệt ở các vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới.
- Nhiễm nấm: Một số loại nấm có thể gây ra áp xe gan, tuy nhiên, trường hợp này hiếm gặp hơn.
Đối tượng nguy cơ dễ bị áp xe gan
Những đối tượng sau có nguy cơ cao mắc áp xe gan:
- Người có hệ miễn dịch yếu: Những người mắc bệnh tiểu đường, HIV/AIDS, hoặc đang điều trị bằng thuốc ức chế miễn dịch.
- Người có tiền sử bệnh lý gan: Những người đã từng mắc bệnh viêm gan, xơ gan hoặc có tổn thương gan khác.
- Người có thói quen vệ sinh kém: Đặc biệt là ở các vùng có điều kiện vệ sinh kém, dễ bị nhiễm ký sinh trùng như amip.
Áp xe gan được chẩn đoán như thế nào?
Ngoài những biểu hiện trên lâm sàng như đau tức hạ sườn phải, sốt cao, ho và khó thở… Để chẩn đoán chính xác áp xe gan cần làm những xét nghiệm cận lâm sàng như:
- Xét nghiệm máu để tìm dấu tăng bạch cầu, thiếu máu đẳng sắc nhẹ hồng cầu bình thường.
- Xét nghiệm tốc độ lắng máu.
- Xét nghiệm chức năng gan: ALP tăng, Albumin giảm, men gan tăng, bilirubin tăng.
- 50% trường hợp áp xe gan sẽ cho kết quả cấy máu dương tính.
- Xét nghiệm phân: chứa trứng hay thể tư dưỡng của histolytica. Nếu nghi ngờ nhiễm histolytica, làm thêm xét nghiệm huyết thanh.
- X quang ngực thẳng có hình ảnh vòm hoành bên phải nâng cao, có xẹp phổi hay tràn dịch màng phổi.
- Siêu âm áp xe gan cũng được dùng để chẩn đoán bệnh.
- Chụp cắt lớp vi tính cũng phát hiện được áp xe gan.
- Nội soi mật tụy ngược dòng sẽ chỉ ra vị trí và nguyên nhân tắc nghẽn, cho phép đặt stent hoặc dẫn lưu.
Phòng ngừa bệnh
Áp xe ở gan do nhiễm trùng gây ra, vì thế phòng ngừa nhiễm trùng bằng các phương pháp sau sẽ giúp bạn bảo vệ cơ thể tốt hơn khỏi căn bệnh này.
- Ăn chín uống sôi
Nên hạn chế các loại thức ăn tái, chín không đảm bảo vệ sinh như: rau sống chưa được rửa sạch, giá đỗ sống, tiết canh, gỏi sống, nem chạo,… Không nên uống nước chưa đun sôi, nước không đảm bảo như: nước suối, nước ao, nước lã, nước trữ trong bể, chum, vại,…
- Ăn uống đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm
Chế biến kém vệ sinh có thể khiến chúng ta vô tình nạp vào cơ thể cả các vi khuẩn, nấm nguy hiểm. Vì thế hãy đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm bằng cách: chế biến thức ăn sạch sẽ, không uống nước không đảm bảo vệ sinh, không dùng phân tươi bón rau màu, vệ sinh tay sạch sẽ trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh,…
- Điều trị nhiễm khuẩn triệt để
Nhiễm khuẩn ở các cơ quan khác hoàn toàn có thể tiến triển và lan đến gan gây áp xe nếu không điều trị triệt để.
- Đi khám sớm khi có dấu hiệu bệnh
Nếu gặp các dấu hiệu bệnh nghi ngờ của áp xe gan, hãy sớm đến bệnh viện thăm khám để tìm hiểu nguyên nhân và điều trị kịp thời.
Điều trị áp xe gan như thế nào?
Điều trị áp xe gan thường kết hợp giữa phương pháp điều trị nội khoa và can thiệp ngoại khoa:
- Điều trị nội khoa: Sử dụng kháng sinh hoặc thuốc chống ký sinh trùng theo chỉ định của bác sĩ. Thời gian điều trị thường kéo dài từ 4-6 tuần, tùy thuộc vào mức độ nhiễm trùng và đáp ứng của bệnh nhân.
- Chọc hút hoặc dẫn lưu khối áp xe: Nếu khối áp xe lớn hoặc không đáp ứng với điều trị nội khoa, bác sĩ có thể tiến hành chọc hút hoặc đặt ống dẫn lưu để loại bỏ mủ.
- Phẫu thuật: Trường hợp khối áp xe quá lớn hoặc có biến chứng, phẫu thuật có thể được thực hiện để loại bỏ khối áp xe và xử lý các tổn thương kèm theo.
Áp xe gan là một tình trạng nghiêm trọng có thể dẫn đến nhiều biến chứng nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Việc hiểu rõ về các triệu chứng, nguyên nhân, và biện pháp phòng tránh sẽ giúp bạn và người thân có thể nhận biết sớm và điều trị hiệu quả. Hãy luôn duy trì lối sống lành mạnh, vệ sinh cá nhân và thực phẩm, đồng thời kiểm tra sức khỏe định kỳ để bảo vệ gan và sức khỏe toàn diện. Nếu có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào, hãy nhanh chóng tìm đến cơ sở y tế để được tư vấn và điều trị kịp thời. Chăm sóc sức khỏe gan không chỉ giúp bạn tránh xa các bệnh lý nguy hiểm mà còn nâng cao chất lượng cuộc sống hàng ngày.