Bắp cải là gì? Lợi ích của bắp cải đối với sức khỏe
Bắp cải là một trong những loại rau được sử dụng phổ biến trong những bữa ăn hàng ngày. Với giá thành rẻ, dễ tìm mua và dễ chế biến, bắp cải trở thành nguyên liệu không thể thiếu trong nhiều món ăn. Tuy nhiên, ít ai biết rằng, loại rau này còn mang đến nhiều lợi ích bất ngờ cho sức khỏe.
Ăn bắp cải có tốt không?
Bắp cải được biết đến là nguồn dinh dưỡng phong phú, nhờ chứa nhiều vitamin và các khoáng chất quan trọng như vitamin K, vitamin C cùng với các chất chống oxy hóa giúp làm giảm nguy cơ mắc các bệnh tim mạch và tăng cường chức năng não.
Hơn nữa, ăn bắp cải còn có thể hỗ trợ giảm cân và phòng ngừa một số bệnh như tiểu đường, ung thư và viêm. Tuy vậy, bạn nên lưu ý về nguồn gốc cũng như chất lượng của bắp cải để có thể đảm bảo an toàn sức khỏe.
Thành phần dinh dưỡng có trong bắp cải
Bắp cải là một loại rau được ưa chuộng ở Việt Nam, đặc biệt là vào mùa đông ở xứ Bắc. Loại rau này giúp cung cấp cho người dùng nhiều chất dinh dưỡng tốt cho sức khỏe. Cụ thể, trong 100 gam bắp cải chứa:
- Carbohydrate: 5,16 gam
- Protein: 1,14 gam
- Chất béo: 0,09 gam
- Chất xơ: 2,5mg
- Năng lượng: 22kcal
- Axit folic: 38mcg
- Vitamin B3: 0,234mg
- Vitamin A: 98IU
- Vitamin C: 32,6mg
- Vitamin K: 69 mcg
- Sắt: 0,42mg
- Magie: 11mg
- Phốt pho: 23mg
- Natri: 16mg
- Kali: 151mg
- Canxi: 36mg
- Kẽm: 0,16mg
Lợi ích của bắp cải đối với sức khỏe
Bắp cải không chỉ mang đến hương vị thanh mát mà còn chứa nhiều giá trị dinh dưỡng quý báu. Có nhiều loại bắp cải như bắp cải xanh, bắp cải tím, bắp cải trắng, bắp cải Savoy,… nhưng nhìn chung đều mang lại nhiều lợi ích tốt đối với sức khỏe. Với thành phần dinh dưỡng và chất chống oxy hóa dồi dào, sử dụng cải bắp thường xuyên có thể đem đến một số công dụng như sau:
Tác dụng của bắp cải đối với huyết áp
Hiện nay, hơn một tỷ người trên thế giới mắc bệnh cao huyết áp. Đây cũng là nguyên nhân chính làm gia tăng các nguy cơ mắc bệnh nhồi máu cơ tim và đột quỵ. Chế độ ăn ngày nay dễ làm mất cân đối tỷ lệ giữa kali và natri, khiến huyết áp tăng cao. Hỗ trợ kiểm soát và ổn định huyết áp là công dụng khiến bạn nên ăn thêm loại rau này.
Kali là một loại khoáng chất và chất điện giải quan trọng giúp hạ huyết áp và giữ huyết áp ở mức ổn định. Chúng giúp cân bằng lượng natri có trong cơ thể bằng cách bài tiết lượng natri thừa qua đường nước tiểu. Bạn có thể nạp nhiều kali cho cơ thể hơn với chế độ ăn nhiều bắp cải, nấm, quả việt quất hoặc các loại rau xanh khác.
Ngăn ngừa ung thư
Trong một số nghiên cứu đã cho thấy rằng việc ăn nhiều bắp cải có thể sẽ giúp ngăn ngừa một số loại ung thư. Nguyên nhân là do trong bắp cải có chứa lượng lớn glucosinolates – chất hóa học có chứa lưu huỳnh đặc biệt giúp loại bỏ các gốc tự do có hại cho sức khỏe. Ngoài bắp cải, trong một số loại rau khác cùng họ cũng có tác dụng này như cải xoăn, mầm Brussels, bông cải xanh, súp lơ trắng,…
Giúp giảm viêm
Viêm mãn tính có thể liên quan đến nhiều bệnh như bệnh tim, viêm đường ruột và đau thấp khớp. Các loại rau xanh họ cải như cải bắp, có nhiều chất chống oxy hóa khác nhau như sulforaphane và kaempferol, có khả năng làm giảm các bệnh liên quan đến viêm mãn tính.
Kết quả nghiên cứu trên 1.000 phụ nữ Trung Quốc chứng minh rằng, mức độ viêm của những người ăn nhiều rau họ cải sẽ thấp hơn so với những người ăn ít hoặc không ăn.
Tốt cho làn da
Ngoài việc chống lại các vấn đề về lão hóa, một trong những lợi ích của bắp cải ít người biết đến là tác dụng điều trị mụn trứng cá và các bệnh về da khác. Bạn có thể sử dụng lá bắp cải để đắp lên những khu vực da bị mụn và để qua đêm, bạn sẽ nhận được kết quả bất ngờ đấy. Hơn nữa, trong bắp cải còn có chứa kali và vitamin A, rất tốt làn da.
Giúp ngăn ngừa thiếu máu
Sắt là loại khoáng chất cần thiết trong quá trình sản sinh hồng cầu. Ngoài việc bổ sung thịt bò, gan hoặc trứng gà, bạn có thể thêm bắp cải vào chế độ dinh dưỡng để giúp cung cấp sắt cho cơ thể và ngăn ngừa thiếu máu. Để có thể tối ưu hàm lượng sắt có trong bắp cải, bạn nên bổ sung đồng với nước cam, chanh hoặc nước bưởi.
Giảm các dấu hiệu lão hóa
Bắp cải và các loại rau họ cải khác chứa một lượng lớn vitamin E và C, giúp sản xuất collagen, hợp chất giữ cho làn da luôn đàn hồi và không có nếp nhăn. Hơn nữa, vitamin A và D còn giúp bảo vệ da, mang đến cho bạn làn da trẻ trung, sáng mịn và căng bóng.
Cải thiện thị lực
Bắp cải cũng là nguồn cung cấp beta-carotene dồi dào. Thành phần này là tiền chất của vitamin A, có tác dụng bảo vệ thị lực, giúp ngăn chặn sự ảnh hưởng của gốc tự do đối với võng mạc và làm giảm nguy cơ đục thủy tinh thể. Bên cạnh đó, beta-carotene có trong bắp cải còn có tác dụng làm chậm quá trình thoái hóa điểm vàng ở người cao tuổi.
Chống lại các gốc tự do
Bạn sẽ nhận được một lượng chất chống oxy hóa như vitamin C và mangan khi tiêu thụ loại rau này. Thế nhưng bắp cải sẽ thực sự tỏa sáng khi là nguồn cung “dưỡng chất thực vật” gọi là phytonutrients – một lực lượng bảo vệ các tế bào khỏi những tổn thương do các gốc tự do gây ra.
Giúp bảo vệ tim mạch
Flavonoid có trong bắp cải là một hợp chất thực vật có khả năng chống oxy hóa. Các bác sĩ cho biết, thường xuyên bổ sung flavonoid có thể làm sạch mạch máu, tăng độ bền thành mạch cũng như giúp ổn động hoạt động của tim. Do đó, bổ sung bắp cải vào chế độ ăn hàng ngày có thể làm giảm nguy cơ mắc các bệnh tim mạch như bệnh huyết áp cao, bệnh mạch vành, thiếu máu cơ tim,…
Một số lưu ý khi ăn bắp cải
Bắp cải là loại thực phẩm tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên, sử dụng cải bắp không đúng cách có thể sẽ gây ra tác dụng phụ và một số tình huống rủi ro.
Do đó, trước khi bổ sung loại rau này vào chế độ ăn, bạn nên chú ý những thông tin sau:
- Cân nhắc trước khi bổ sung cải bắp nếu bạn đang sử dụng thuốc chống đông máu.
- Ăn quá nhiều bắp cải có thể sẽ gây ra một số các tác dụng phụ như đầy hơi, hạ đường huyết, tiêu chảy.
- Không sơ chế bắp cải đúng cách có thể sẽ gây tình trạng rối loạn tiêu hóa hoặc thậm chí là ngộ độc thực phẩm.
- Một số thành phần có trong bắp cải có thể can thiệp vào quá trình sản sinh hormone tuyến giáp. Nếu bạn đang bị suy giáp, hãy chủ động hỏi ý kiến của bác sĩ trước khi bổ sung loại thực phẩm này vào chế độ ăn hàng ngày.
- Với người tạng hàn, nên sử dụng bắp cải kết hợp với gừng tươi.
- Goitrin có trong cải bắp có thể gây bướu cổ. Do đó, cần thận trọng khi dùng cho những người bị rối loạn tuyến giáp.
- Bắp cải làm tăng lượng natri bài tiết qua nước tiểu. Vì vậy, không nên bổ sung loại thực phẩm này cho những người bị suy thận nặng hoặc đang chạy thận nhân tạo.
- Nên kết hợp bắp cải với những loại rau củ khác để giúp đa dạng thành phần dinh dưỡng và tác động toàn diện đến sức khỏe tổng thể.
Như vậy, bắp cải là một loại rau có chứa nhiều chất dinh dưỡng rất tốt cho sức khỏe nhưng không phải phù hợp với tất cả mọi người. Cần ăn đúng cách để có thể nhận được đầy đủ dưỡng chất và hạn chế nguy cơ rủi ro sức khỏe.