Viêm amidan ở người lớn: Có nên phẫu thuật cắt bỏ không?
Viêm amidan, căn bệnh tưởng chừng như chỉ quấy rầy ở độ tuổi còn nhỏ, nhưng lại âm thầm rình rập cả người trưởng thành. Mặc dù thường được liên tưởng đến trẻ em và thanh thiếu niên,nhưng viêm amidan ở người lớn vẫn có thể xuất hiện, gây ra những phiền toái không nhỏ cho cuộc sống hàng ngày. Tuy nhiên, đừng quá lo lắng, với những tiến bộ của y học, bệnh lý này hoàn toàn có thể được kiểm soát và điều trị hiệu quả, hãy cùng Pharmacity tìm hiểu nhé.
Triệu chứng viêm amidan ở người lớn
Nhìn chung, các triệu chứng viêm amidan ở người lớn cũng xuất hiện tương tự như trẻ em, bao gồm:
- Viêm họng.
- Đau khi nuốt.
- Amidan sưng đỏ.
- Có hiện tượng mảng trắng/vàng trên amidan.
- Sưng hạch bạch huyết ở cổ.
- Hôi miệng.
- Giọng nói khó nghe.
- Đau tai.
- Sốt.
- Đau đầu.
- Đau bụng.
- Ho.
- Cứng cổ.
Nguyên nhân gây viêm amidan ở người lớn
Viêm amidan là tình trạng thường gặp, đặc biệt ở người lớn, nguyên nhân chủ yếu gây ra bệnh này là do các loại virus tấn hoặc vi khuẩn tấn công amidan, bao gồm:
- Virus: Chúng ta thường bị viêm amidan do các loại virus quen thuộc như:
- Virus cúm: Gây sốt cao, đau họng dữ dội.
- Virus cảm lạnh thông thường: Gây sổ mũi, hắt hơi, đau rát họng.
- Herpes simplex virus: Gây loét miệng, đau rát.
- Virus Epstein-Barr: Gây bệnh mononucleosis với các triệu chứng như sốt, mệt mỏi, sưng hạch.
- Cytomegalovirus, Adenovirus, virus sởi: Cũng có thể gây viêm amidan.
- Vi khuẩn: Ngoài virus, vi khuẩn cũng là một trong những nguyên nhân gây viêm amidan.
Bên cạnh đó, những yếu tố như sức đề kháng yếu, cơ địa dễ bị dị ứng, đặc biệt là khi thời tiết thay đổi đột ngột (lạnh nóng thất thường), môi trường sống ô nhiễm cũng góp phần làm tăng nguy cơ viêm amidan. Ngoài ra, các bệnh lý răng miệng như sâu răng, viêm lợi, viêm VA, viêm xoang,… cũng có thể là nguyên nhân gián tiếp gây viêm amidan.
Phương pháp chẩn đoán viêm amidan ở người lớn
Khi nghi ngờ mình bị viêm amidan, việc đến gặp bác sĩ là vô cùng cần thiết, đặc biệt khi các triệu chứng trở nên nghiêm trọng hoặc kéo dài hơn 4 ngày mà không thuyên giảm. Bác sĩ sẽ tiến hành thăm khám để xác định nguyên nhân gây bệnh, trước hết, bạn sẽ được hỏi về các triệu chứng đang gặp phải, lịch sử bệnh án và các yếu tố liên quan khác.
Sau đó, bác sĩ sẽ trực tiếp kiểm tra cổ họng của bạn bằng dụng cụ chuyên dụng để đánh giá tình trạng viêm nhiễm của amidan. Để chẩn đoán chính xác nguyên nhân gây viêm amidan, bác sĩ có thể yêu cầu bạn làm một số xét nghiệm.
Một trong những xét nghiệm thường được thực hiện là xét nghiệm cấy dịch họng, dùng một miếng gạc vô trùng nhẹ nhàng lấy mẫu dịch ở vùng họng. Nhằm nuôi cấy và tìm kiếm các loại vi khuẩn gây bệnh, kết quả xét nghiệm này thường có sau vài giờ đến 48 giờ.
Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể chỉ định xét nghiệm máu để kiểm tra công thức máu toàn phần, giúp phân biệt viêm amidan do virus hay vi khuẩn. Qua các kết quả xét nghiệm này, bác sĩ sẽ đưa ra chẩn đoán chính xác và đưa ra phác đồ điều trị phù hợp.
Cách điều trị viêm amidan ở người lớn
Cách điều trị viêm amidan phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh, cụ thể với các phương pháp như sau:
- Viêm amidan do virus: Thông thường, viêm amidan do virus sẽ tự khỏi sau 7-10 ngày. Tuy nhiên, để giảm các triệu chứng khó chịu, bạn có thể áp dụng các biện pháp sau:
- Nghỉ ngơi đầy đủ để cơ thể có thời gian hồi phục.
- Uống nhiều nước nhằm làm loãng dịch nhầy ở họng và giảm viêm.
- Dùng thuốc giảm đau không kê đơn như: Acetaminophen (Tylenol) hoặc ibuprofen (Advil, Motrin) làm giảm đau và hạ sốt.
- Súc miệng bằng nước muối ấm nhằm làm sạch họng và giảm viêm.
- Sử dụng máy tạo độ ẩm làm ẩm không khí và giảm khô họng.
- Chế độ ăn uống: Nên ăn thức ăn mềm, lỏng, dễ nuốt và uống nhiều nước ấm và tránh các loại thức ăn cay nóng, cứng hoặc quá lạnh.
- Viêm amidan do vi khuẩn: Nếu viêm amidan do vi khuẩn, bác sĩ sẽ kê đơn kháng sinh để tiêu diệt vi khuẩn gây bệnh. Các loại kháng sinh thường được sử dụng là penicillin hoặc các loại kháng sinh khác.
- Trường hợp đặc biệt: Trong một số trường hợp viêm amidan nặng, gây khó thở hoặc biến chứng, bác sĩ có thể chỉ định sử dụng thuốc corticosteroid để giảm viêm hoặc phẫu thuật cắt amidan.
Nên hay không nên phẫu thuật cắt amidan?
Hiện nay, vẫn còn nhiều tranh cãi về hiệu quả của phẫu thuật cắt viêm amidan ở người lớn. Tuy nhiên, một nghiên cứu tại Phần Lan năm 2013 đã mang đến những kết quả đáng chú ý. Nghiên cứu này theo dõi 86 người trưởng thành bị viêm họng tái phát, trong đó một nửa được phẫu thuật cắt amidan và nửa còn lại không.
Kết quả cho thấy, sau 5 tháng, tỷ lệ người bị đau họng cấp tính ở nhóm đã phẫu thuật thấp hơn đáng kể so với nhóm không phẫu thuật (39% so với 80%). Ngoài việc giảm tần suất đau họng, những người trưởng thành được cắt amidan còn báo cáo rằng họ đi khám bác sĩ ít hơn và nghỉ làm/nghỉ học vì viêm họng cũng giảm đi rõ rệt.
Nếu bạn đang gặp phải tình trạng viêm họng mãn tính hoặc tái phát thường xuyên, hãy trao đổi với bác sĩ để được tư vấn kỹ lưỡng. Bác sĩ sẽ cân nhắc các yếu tố liên quan và đưa ra quyết định phẫu thuật phù hợp nhất với tình trạng sức khỏe của bạn.
Phẫu thuật cắt amidan được thực hiện thế nào?
Phẫu thuật cắt amidan thường được khuyến nghị cho những trường hợp viêm amidan tái phát nhiều lần và gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống, các trường hợp điển hình bao gồm:
- Hơn 7 đợt viêm amidan/năm.
- Hơn 4 – 5 lần viêm amidan mỗi năm trong hai năm liên tiếp.
- Hơn 3 lần viêm amidan mỗi năm trong ba năm liên tiếp.
Viêm amidan tái phát thường xuyên có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm và làm giảm đáng kể khả năng hoạt động, học tập và sinh hoạt của bệnh nhân. Phẫu thuật cắt amidan thường được thực hiện như một thủ thuật ngoại trú, tức là bệnh nhân có thể về nhà ngay trong ngày. Quy trình phẫu thuật tương tự nhau ở cả trẻ em và người lớn, tuy nhiên thời gian hồi phục có thể khác nhau.
- Trẻ em: Thường hồi phục nhanh hơn, chỉ cần khoảng một tuần để các triệu chứng sau phẫu thuật giảm hẳn.
- Người lớn: Thời gian hồi phục có thể kéo dài hơn, ít nhất hai tuần trước khi có thể trở lại làm việc.
Mặc dù phẫu thuật cắt amidan thường an toàn, nhưng vẫn có thể xảy ra một số biến chứng như chảy máu hoặc đau dữ dội, đặc biệt ở người lớn. Ngoài ra, trong một số trường hợp hiếm hoi, amidan có thể mọc lại sau phẫu thuật.
Nhìn chung, viêm amidan ở người lớn có thể gây nhiều khó khăn trong cuộc sống hàng ngày, nhưng với sự phát triển của y học, bệnh hoàn toàn có thể được kiểm soát. Quyết định phẫu thuật cắt amidan cần được cân nhắc kỹ lưỡng, dựa trên mức độ tái phát và ảnh hưởng của bệnh đối với chất lượng cuộc sống. Vì vậy, hãy thảo luận kỹ với bác sĩ để đưa ra quyết định phù hợp với sức khỏe của bạn.