Tìm hiểu về cách vắc xin COVID-19 bảo vệ cơ thể khỏi virus
Trước tình hình dịch bệnh bùng phát trở lại tại Việt Nam, việc tiêm chủng vaccin để tạo miễn dịch cộng đồng lại cấp thiết hơn bao giờ hết. Hãy cùng tìm hiểu về cơ chế hoạt động của vaccin COVID-19 để có sự chuẩn bị kiến thức đầy đủ trước khi tiêm chủng nhé.
Vaccin COVID-19 giúp tạo ra kháng thể
Khi mầm bệnh như virus COVID-19 tấn công cơ thể chúng ta, chúng sinh sôi nảy nở và gây bệnh. Sau khi cơ thể nhiễm bệnh, hệ miễn dịch ghi nhớ những gì nó đã học hỏi về cách bảo vệ cơ thể chống lại bệnh đó. Tế bào lympho T chính là “tế bào ghi nhớ”. Khi cơ thể gặp lại đúng loại virus đó, tế bào lympho T ngay lập tức hành động, còn tế bào lympho B giúp “tạo ra kháng thể” – chất chống lại virus và bảo vệ cơ thể. Tuy nhiên nhờ có vaccin, cơ thể chúng ta phát triển khả năng miễn dịch chống lại virus gây bệnh mà không cần nhiễm bệnh. Vaccin dạy cơ thể ghi nhớ tác nhân gây bệnh, đồng thời kích thích ra kháng thể để chống lại virus trong tương lai.
Khi nào vaccin COVID-19 phát huy tác dụng?
Thông thường vài tuần sau khi tiêm chủng, cơ thể mới sản sinh ra tế bào lympho T và lympho B. Do vậy có thể có trường hợp người bị nhiễm virus gây bệnh COVID-19 ngay trước hoặc sau khi tiêm vaccin, rồi sau đó nhiễm bệnh do vaccin chưa có đủ thời gian để tạo ra miễn dịch. Đôi khi sau khi tiêm vaccin, quá trình tạo miễn dịch có thể gây ra các triệu chứng như sốt. Các triệu chứng này là bình thường và là những dấu hiệu cho thấy cơ thể đang hình thành khả năng miễn dịch.
Cần tiêm bao nhiêu mũi vaccin COVID-19?
Để được tiêm chủng đầy đủ, bạn sẽ cần một liều hoặc hai liều tùy loại vaccin COVID-19. Hai mũi tiêm: Nếu tiêm vaccin COVID-19 cần 2 mũi tiêm, bạn được xem là tiêm chủng đầy đủ sau 2 tuần kể từ khi tiêm mũi thứ hai. Một mũi tiêm: Nếu tiêm vắc-xin COVID-19 chỉ yêu cầu 1 mũi tiêm, bẹn được xem là đã tiêm chủng đầy đủ sau 2 tuần kể từ khi tiêm. Nếu mới tiêm chưa đủ hai tuần hoặc vẫn còn cần được tiêm liều thứ hai, khi đó cơ thể CHƯA tạo miễn dịch hoàn toàn. Do vậy cần tiếp tục thực hiện 5K của Bộ Y tế cho đến khi được tiêm chủng đầy đủ (hai tuần sau liều cuối cùng).
Tiêm vaccin COVID-19 có nguy hiểm không?
Sau mỗi liều vắc-xin, có thể xuất hiện một số dấu hiệu cho thấy cơ thể đang nỗ lực để xây dựng hàng rào bảo vệ chống lại virus. Các tác dụng phụ này có thể ảnh hưởng đến khả năng thực hiện các hoạt động hàng ngày, nhưng sẽ biến mất sau vài ngày. Ở một số người không có biểu hiện của tác dụng phụ. Trên cánh tay nơi được tiêm có thể gặp các triệu chứng:
- Đau
- Mẩn đỏ
- Sưng tấy
Ngoài ra có thể mệt mỏi, đau đầu, đau cơ, ớn lạnh, sốt, buồn nôn sau tiêm. Đối với loại vaccin Covid-19 tiêm 2 mũi, tác dụng phụ sau mũi tiêm thứ hai có thể nhiều hơn mũi thứ nhất. Đây là dấu hiệu bình thường của quá trình xây dựng miễn dịch và sẽ biến mất trong vòng vài ngày. Để giảm giảm đau và cảm giác khó chịu ở vị trí tiêm, có thể áp khăn sạch, mát và ẩm lên khu vực đó hoặc tập thể dục cho cánh tay. Với trường hợp sốt sau tiêm, nên mặc trang phục mỏng nhẹ và uống nhiều nước để giảm cảm giác khó chịu. Nếu các triệu chứng trên không mất đi sau vài ngày, cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được hướng dẫn.
Sốc phản vệ sau khi tiêm vaccin COVID-19
Tỷ lệ sốc phản vệ sau khi tiêm vaccin phòng COVID-19 không cao và tùy thuộc vào từng loại vaccin. Để tránh phản ứng phản vệ khi tiêm vaccin, người chích ngừa phải hợp tác tốt với nhân viên y tế. Nhân viên y tế trước khi chích phải hỏi người tiêm vaccin các câu hỏi theo bảng sàng lọc. Ví dụ có bị dị ứng gì không, ăn hải sản có bị ngứa hay không, hiện có bị bệnh cấp tính hay đang điều trị bệnh gì để xem có tương thích với loại vaccin này không. Tuy nhiên, việc sàng lọc này không thể đánh giá 100% được bởi có những người trước đây rất khoẻ mạnh, chưa bao giờ dị ứng với thức ăn, thuốc, chích ngừa nhưng vẫn có nguy cơ bị phản vệ khi tiêm vaccin. Chính vì vậy sau khi chích ngừa, nhân viên y tế yêu cầu người được chích ngừa phải ở lại 30 phút đến 1 giờ tại điểm chích đó để nếu có bất kỳ vấn đề gì xảy ra, họ có thể hỗ trợ cấp cứu tại chỗ ngay lập tức. Sau 3 ngày tiêm vaccin COVID-19, nếu có bất cứ triệu chứng nào bất thường thì nên quay lại cơ sở y tế và cầm theo giấy chích ngừa để nhân viên y tế có hướng điều trị phù hợp nhất. Cho tới hiện tại trên toàn thế giới cũng chỉ có rải rác một số trường hợp phản ứng phản vệ mạnh dẫn tới diễn tiến quá nặng, không cứu chữa được. Còn đại đa số các trường hợp phản vệ là cấp cứu được. Nguồn: cdc.gov, moh.gov.vn