Thủng dạ dày: Triệu chứng, nguyên nhân và điều trị
Tổng quan chung
Thủng dạ dày xảy ra khi bộ phận thành dạ dày bị tổn thương quá mức dẫn tới thủng. Bao phủ toàn bộ dạ dày là một lớp phúc mạc, do đó khi dạ dày bị thủng sẽ khiến cho lòng dạ dày thông trực tiếp với ổ phúc mạc. Điều này khiến dịch vị từ dạ dày bị thoát ra đi vào khoang phúc mạc dẫn đến viêm.
Triệu chứng
Sau đây là các triệu chứng thủng dạ dày:
Cơ căng:
- Đau: đau đột ngột, dữ dội như dao đâm ở vùng thượng vị, đau bệnh nhân không dám thở mạnh. sau đó đau lan khắp ổ bụng. Đau liên tục, khó chịu. Đau lên vai, lên ngực và lan ra sau lưng.
- Nôn: thông thường ở giai đoạn sớm bệnh nhân không nôn, chỉ khi kèm máu hoặc giai đoạn muốn nôn khi có liệt ruột.
- Bí trung đại tiện: Triệu chứng này bao giờ cũng có và khi phát hiện được thì đã muộn và ít có giá trị.
Thực thể:
- Bụng không tham gia nhịp thở, các múi cơ thăng nổi rỗ
- Sờ thấy các cơ thành bụng trước co cứng toàn bộ, có cảm giác như sờ vào tấm gỗ.
- Ấn đau khắp ổ bụng nhất là vùng thượng vị, dấu hiệu Blumberg (+)
- Vùng trước gan gõ vang do hơi trong dạ dày lan giữa gan và thành bụng trước. Gõ đục vùng thấp do dịch chảy ra đọng lại.
- Nghe giai đoạn đầu nhu động ruột giảm, sau đó có liệt ruột nhu động ruột mất.
- Thăm trực tràng túi cùng Douglas căng phồng và ấn đau.
Toàn thân:
- Lúc mới thủng có biểu hiện sốc, bệnh nhân hốt hoảng, mặt tái vã mồ hôi, chân tay lạnh. Mạch nhanh, huyết áp bình thường hoặc tụt.
- Bệnh nhân lúc đầu không sốt, giai đoạn muộn có sốt do nhiễm trùng. Bệnh nhân đến muộn biểu hiện nhiễm độc rõ, sốt cao 38-39 độ C, mạch nhanh, môi khô, lưỡi bự bẩn, hơi thở hôi.
Cận lâm sàng:
- X-Quang: chụp ổ bụng không chuẩn bị tư thế đứng thấy hình liềm hơi dưới vòm hoành một hoặc hai bên. Nếu không rõ có thể chụp sau khi bơm hơi vào dạ dày (phải loại trừ tắc ruột)
- Siêu âm: Ổ bụng có dịch vùng thấp
- Xét nghiệm: Bạch cầu tăng, công thức chuyển trái, có thể có biểu hiện mất máu cấp.
Chọc ổ bụng: trong trường hợp triệu chứng lâm sàng, cận lâm sàng không rõ có thể tiến hành chọc dò ổ bụng để chẩn đoán: ổ bụng có dịch máu không đông.
Nguyên nhân
Phần lớn nguyên nhân gây thủng dạ dày là do viêm loét dạ dày – tá tràng thể nặng.
Ngoài ra còn một số nguyên nhân khác được đề cập dưới đây:
- Viêm loét dạ dày tá tràng: thường là do bệnh nhân lớn tuổi dùng nhiều aspirin, NSAID, nhiễm khuẩn HP, các yếu tố khác (chế độ ăn uống, lối sống sinh hoạt, lạm dụng rượu bia, hút thuốc lá lâu năm, stress, lo âu…) cũng làm tăng nguy cơ gây viêm loét dạ dày tá tràng;
- Bệnh lý ác tính: khối u hình thành và tăng sinh ở dạ dày có thể xâm lấn, ăn mòn thành dạ dày và cuối cùng là gây tổn thương nghiêm trọng cơ quan này.
- Ngoài ra, các biện pháp điều trị như xạ trị, hóa trị cũng có thể dẫn đến sự xuất hiện tự phát của khối u ác tính.
- Do chấn thương: bệnh nhân bị đâm xuyên thấu vùng bụng do tác động của vật nhọn, đạn bắn hay tai nạn,… Những chấn thương này có thể làm rách hoặc vỡ dạ dày, nhất là khi tại thời điểm xảy ra va chạm cơ quan này đang ở trạng thái căng đầy.
- Do thủ thuật can thiệp: nội soi tiêu hóa là một thủ thuật có thể gây thủng dạ dày.
Đối tượng nguy cơ
Đối tượng nguy cơ thủng dạ dày thường là những người đang mắc bệnh viêm loét dạ dày – tá tràng. Đây là một tình trạng nghiêm trọng và nguy hiểm có thể phát sinh ở mọi lứa tuổi, nhưng thường xuyên xuất hiện nhiều hơn ở độ tuổi lao động.
Các yếu tố gây nguy cơ bao gồm:
- Chế độ ăn uống không lành mạnh
- Thói quen hút thuốc lá
- Tiêu thụ rượu bia
- Nhiễm vi khuẩn HP.
Chẩn đoán
Để chẩn đoán thủng dạ dày cần có các chẩn đoán sau:
Chẩn đoán xác định:
- Có tiền sử loét dạ dày tá tràng.
- Đau bụng dữ dội đột ngột.
- Co cứng thành bụng hoặc cảm ứng phúc mạc.
- Mất vùng đục trước gan.
- X-quang thấy liềm hơi dưới hoành.
- Siêu âm bụng, Ct scan bụng có hơi và dịch tự do.
Chẩn đoán phân biệt :
- Viêm phúc mạc ruột thừa
- Thủng một tạng khác: Thủng ruột non do thương hàn,Thủng túi thừa, Thủng ruột non, đại tràng sau chấn thương bụng kín. Đây là trường hợp hay gặp nhưng thường được chẩn đoán trễ khi có dấu hiệu của viêm phúc mạc rõ ràng, thủng đại tràng do bệnh lý.
- Thấm mật phúc mạc do viêm phúc mạc mật.
- Viêm tụy cấp
Phòng ngừa bệnh
Để phòng ngừa nguy cơ viêm loét dạ dày tá tràng, người bệnh nên:
- Kiểm soát trạng thái lo âu, stress, luôn suy nghĩ tích cực. Bạn có thể cải thiện tâm trạng bằng cách sắp xếp thời gian biểu sao cho hợp lý, dành thời gian làm những việc mình thích như đọc sách, thư giãn, gặp gỡ bạn bè,…;
- Tập luyện thể dục thể thao để tăng sức đề kháng, chế độ sinh hoạt hợp lý, thói quen sinh hoạt khoa học, không nên ăn đồ chua, đồ cay nóng và tránh xa khói thuốc lá,…;
- Tuân thủ các hướng dẫn và chỉ định của bác sĩ trong quá trình điều trị thủng dạ dày;
- Nếu sau khi mổ người bệnh xuất hiện các triệu chứng hay biến chứng bất thường thì cần tái khám ngay.
Điều trị như thế nào?
Nguyên tắc điều trị thủng dạ dày – tá tràng hồi sức nội khoa sớm do tình trạng viêm nhiễm phúc mạc nặng nề của bệnh và kết hợp can thiệp ngoại khoa càng sớm càng tốt. Một số phương pháp mổ phổ biến hiện nay là cắt lọc khâu lỗ thủng đơn thuần, nối vị tràng, cắt bán phần hoặc toàn bộ dạ dày, đưa dạ dày ra da. Tùy thuộc vào tình trạng bệnh nhân, tình trạng viêm trong ổ bụng, nguyên nhân gây thủng dạ dày tá tràng… Mà phẫu thuật viên sẽ đưa ra đánh giá và quyết định phương pháp điều trị tối ưu cho bệnh nhân. Vì là một trong những bệnh lý cấp cứu ngoại khoa có khả năng ảnh hưởng tính mạng nên các ca mổ điều trị bệnh thường đòi hỏi phẫu thuật viên phải có kinh nghiệm nhằm đưa ra quyết định chính xác trong thời gian ngắn.
Sau khi trải qua phẫu thuật thủng dạ dày, bệnh nhân cần được lên kế hoạch ăn uống phù hợp theo ERAS (Enhanced Recovery After Surgery):
- Không sử dụng ống thông dạ dày
- Chống buồn nôn, nôn ói
- Tránh quá tải nước – điện giải
- Rút catheter sớm
- Dinh dưỡng qua đường miệng sớm
- Giảm đau Non-opioid/NSAIDs đường uống
- Vận động sớm, kích thích nhu động ruột.
Cần lưu ý rằng đau là dấu hiệu cơ thể cảnh báo đang có vấn đề bất thường diễn ra. Vì thế tuyệt đối không nên chủ quan, cần đến bệnh viện thăm khám sớm để được kiểm tra kịp thời, tránh rơi vào tình trạng nguy hiểm.
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.