Nguy cơ gây suy tim ở người có bệnh lý nền
Suy tim là một trong những bệnh lý tim mạch thường gặp và nguy hiểm hiện nay. Bệnh suy tim có thể làm hạn chế sinh hoạt vận động, cũng như làm giảm đi chất lượng cuộc sống. Tuy nhiên nếu được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, người bệnh có thể kéo dài tuổi thọ và duy trì chất lượng cuộc sống tốt hơn.
Bệnh suy tim là gì?
Suy tim là tình trạng tim bị suy yếu do các tổn thương thực thể hay các rối loạn chức năng tim khiến cho tâm thất bị rối loạn chức năng. Suy thất trái gây khó thở và mệt mỏi; suy thất phải gây tích tụ dịch ngoại vi và tích tụ dịch trong ổ bụng; các tâm thất có thể bị tổn thương cùng nhau hoặc riêng biệt; dẫn đến tình trạng tim không đủ khả năng bơm để cung cấp máu, đảm bảo cho các nhu cầu hoạt động của cơ thể.
Tim được chia làm hai phần, bên tim phải (gồm nhĩ phải, thất phải) và tim trái (gồm nhĩ trái, thất trái). Mỗi phần đó có các nguyên nhân khác nhau dẫn đến suy tim.
Nguyên nhân chính gây suy tim?
Nguyên nhân suy tim trái:
- Tăng huyết áp: là nguyên nhân thường gặp nhất.
- Bệnh tim thiếu máu cục bộ mạn tính, suy tim sau nhồi máu cơ tim.
- Bệnh lý van tim: hẹp hở van động mạch chủ, hở van hai lá.
- Bệnh lý cơ tim.
- Bệnh tim bẩm sinh: còn ống động mạch, hẹp eo động mạch chủ,..
Nguyên nhân suy tim phải:
- Bệnh phổi mạn tính: COPD, giãn phế quản, xơ phổi,…
- Tăng áp lực động mạch phổi.
- Hẹp van hai lá.
- Suy tim trái lâu ngày sẽ dẫn đến suy tim phải: Đây là nguyên nhân thường gặp nhất.
Nguyên nhân suy tim toàn bộ:
- Thường do suy tim trái tiến triển lâu năm thành suy tim toàn bộ.
- Bệnh cơ tim giãn.
Các nguyên nhân khác:
- Cường giác
- thiếu vitamin B1
- Thiếu máu
- Do virus hoặc các tác nhân gây nhiễm trùng khác…
Ngoài ra, còn có một số yếu tố thúc đẩy tình trạng suy tim trở nặng như: Ăn nhiều muối, lạm dụng rượu, không tuân thủ điều trị bệnh. Dùng thêm các thuốc có thể làm nặng hơn tình trạng bệnh: Thuốc hạ huyết áp chẹn kênh canxi (Verapamil, Diltiazem), chẹn bêta, kháng viêm không steroid, thuốc chống loạn nhịp…
Các bệnh lý nền có nguy cơ cao gây suy tim
- Tiền sử có cái rối loạn về di truyền hoặc trong gia đình có người có tiền sử mắc bệnh.
- Bệnh lý mạch vành như: hội chứng vành cấp, thiếu máu cục bộ cơ tim…
- Tăng huyết áp
- Rối loạn nhịp và tần số tim
- Hẹp van tim: hẹp van động mạch chủ; hẹp van 2 lá
- Hở van tim: hở van hai lá nặng, hở van động mạch chủ
- Bệnh tim bẩm sinh có luồng thông trong tim: thông liên thất, thông liên nhĩ, còn ống động mạch, cửa sổ phế chủ,..
- Bệnh cơ tim giãn không liên quan với thiếu máu cục bộ
- Bệnh chuyển hóa: bệnh lý tuyến giáp, đái tháo đường
- Do virus hoặc các tác nhân gây nhiễm trùng khác
- Rối loạn nhịp chậm hoặc nhanh….
Cách phòng tránh suy tim cho những người mắc bệnh lý nền
Bệnh suy tim có thể nặng dần hoặc được cải thiện hơn theo thời gian tùy thuộc vào nguyên nhân, phương pháp điều trị và phát hiện bệnh sớm hay muộn. Vì vậy người bệnh cần xây dựng cho mình lối sống lành mạnh để làm chậm tiến triển của bệnh cũng như nâng cao chất lượng cuộc sống.
Một số lời khuyên về lối sống cũng như chế độ sinh hoạt được các bác sĩ khuyến cáo như:
- Xây dựng thói quen sống lành mạnh:
- Ăn các chế độ tốt cho tim mạch: Nhiều trái cây tươi và rau quả, thực phẩm giàu chất béo omega-3 lành mạnh, các loại đậu.
- Duy trì cân nặng hợp lý
- Không hút thuốc lá, rượu bia
- Giảm muối, giảm các chế phẩm nhiều muối.
- Hoạt động thể chất thường xuyên: Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ khuyến nghị ít nhất 30 phút mỗi ngày và 150 phút mỗi tuần. Vận động nhẹ như đi bộ, bơi lội… Không làm việc hoặc hoạt động gắng sức.
- Tránh căng thẳng, duy trì một trạng thái tâm lý vui vẻ, thoải mái.
- Khám bệnh định kỳ, sử dụng thuốc theo phác đồ của bác sĩ. Sử dụng thuốc các bệnh mãn tính như huyết áp cao, bệnh mạch vành…đủ liều và đúng quy định để duy trì và kiểm soát tình trạng suy tim.