Rối loạn tiêu hóa ảnh hưởng đến trẻ em như thế nào?
Rối loạn tiêu hóa ở trẻ là một tình trạng phổ biến mà hầu như trẻ nào cũng mắc phải ít nhất vài lần ở những năm đầu đời. Đây là yếu tố cản trở quá trình sinh trưởng của trẻ, khiến trẻ bị suy dinh dưỡng, chậm phát triển về thể chất và trí não, suy giảm hệ miễn dịch của trẻ do đó cần phát hiện và điều trị kịp thời để tránh những hệ lụy đáng tiếc có thể xảy ra.
Một số triệu chứng thường gặp ở trẻ bị bệnh rối loạn tiêu hóa:
- Đau bụng
- Chán ăn
- Đầy bụng
- Chướng bụng
- Ợ
- Buồn nôn và nôn ói
- Tiêu chảy
Trẻ bị rối loạn tiêu hóa dễ quấy khóc, khó chịu, lười ăn
Trẻ em bị rối loạn tiêu hóa có nguy hiểm không?
Hầu hết các triệu chứng của rối loạn tiêu hóa không quá nguy hiểm đến tính mạng nhưng lại gây nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến sinh hoạt thường ngày và sự phát triển của trẻ. Nếu bé bị rối loạn tiêu hóa kéo dài, không được điều trị dứt điểm có thể dẫn đến suy dinh dưỡng, chậm phát triển.
Trẻ em bị rối loạn tiêu hóa cần được điều trị dứt điểm
Chế độ ăn phù hợp cho trẻ bị rối loạn tiêu hóa?
Việc chăm sóc chế độ ăn uống, dinh dưỡng đúng cách có hiệu quả rất lớn trong việc điều trị rối loạn tiêu hóa ở trẻ. Trẻ bị rối loạn tiêu hóa nên ăn gì? Dưới đây là một số gợi ý khi trẻ bị rối loạn tiêu hóa:
- Bù nước: cần cho trẻ uống thêm các loại nước sau: nước canh, nước cháo, sữa đậu nành, sữa chua, nước trái cây như cam vắt (không thêm hoặc thêm rất ít đường), nước dừa tươi, nước chín. Cần tránh các loại nước giải khát, nước ép trái cây quá ngọt vì chúng làm cho bệnh xấu hơn. Tuy nhiên nếu trẻ quá “thèm”, bạn có thể dùng nhưng phải pha loãng ít nhất 3-4 lần. Tránh các thức uống có cà phê. Cho trẻ uống nhiều tùy theo khả năng của trẻ. Cần phải uống chậm, từng muỗng (từng ngụm nếu trẻ lớn hơn). Nếu trẻ bị ói thì ngưng lại khoảng 10 phút, sau đó cho trẻ uống lại nhưng chậm hơn.
- Đối với trẻ còn đang bú mẹ phải duy trì tối đa nguồn sữa mẹ giúp trẻ có sức đề kháng tốt hơn với các bệnh tật.
- Có thể cho trẻ uống thêm men tiêu hóa (probiotic) trong các ngày đầu của bệnh để giúp tái lập lại hệ vi sinh đường ruột sau khi bị rối loạn.
Khi xây dựng thực đơn cho bé mẹ có thể sử dụng các thực phẩm sau:
- Thực phẩm giàu chất xơ: Chất xơ giúp tăng cường chuyển hóa thức ăn và duy trì sự hoạt động bình thường của hệ tiêu hóa (rau xanh, hoa quả tươi, lúa mì nguyên hạt, gạo lứt, lạc).
- Thức ăn dễ tiêu hóa: Cháo, súp, khoai tây hấp, cá hấp và rau luộc, tránh các thực phẩm chiên, nhiều dầu mỡ, thức ăn nhanh và thức ăn có nhiều gia vị.
Các loại thực phẩm nên bổ sung khi trẻ bị rối loạn tiêu hóa
- Uống đủ nước: Đảm bảo trẻ uống đủ nước trong suốt ngày để duy trì sự cân bằng nước trong cơ thể. Nước, nước ép trái cây tươi và nước lọc đều là lựa chọn tốt cho hệ tiêu hóa của bé.
Đem trẻ đến cơ sở y tế ngay khi:
- Trẻ bỏ ăn, bỏ bú, mệt, rất khát nước.
- Trẻ nôn liên tục, sốt cao khó hạ.
- Trẻ đi tiêu phân có máu, li bì, khó đánh thức.
- Trẻ có co giật.
Để dùng thuốc trị rối loạn tiêu hóa an toàn cho trẻ, các bậc cha mẹ cần chú ý:
- Nên đưa trẻ đi khám nếu có các triệu chứng rối loạn tiêu hóa, nhất là trẻ nhỏ dưới 6 tháng tuổi, để được phát hiện, chẩn đoán chính xác nguyên nhân gây bệnh và điều trị kịp thời.
- Không tự ý mua thuốc cho trẻ uống.
- Tuân thủ theo đúng chỉ định về liều lượng thuốc và thời gian dùng thuốc của bác sĩ.
- Trong khi điều trị, nếu trẻ có triệu chứng bất thường nào cần báo ngay cho bác sĩ để có hướng xử trí kịp thời.
- Có chế độ ăn uống hợp lý, đa dạng thực phẩm, chú ý cho trẻ ăn nhiều các thực phẩm giàu vitamin.
- Nên chế biến đồ ăn ít dầu mỡ, mềm và dễ tiêu hóa.
- Giữ gìn môi trường, vệ sinh thân thể sạch sẽ.
- Cần thận trọng với các bài thuốc nam để trị rối loạn tiêu hóa cho trẻ.