Ring ring! Mùng 1/6: Đã đến ngày tẩy giun!
Tẩy giun định kỳ là thói quen cơ bản giúp bảo vệ sức khỏe hiệu quả. Nhưng bạn đã hiểu hết về giun và thuốc xổ giun?
1. Giun tàn phá cơ thể bạn như thế nào?
Từ thức ăn, nước uống bị ô nhiễm hoặc bàn tay bẩn, trứng giun có thể âm thầm len lỏi vào cơ thể ta. Các loại giun kí sinh đường ruột người thường thấy ở Việt Nam gồm có:
- Giun tóc.
- Giun móc/Giun mỏ.
Ấu trùng giun móc, giun mỏ thậm chí có thể đi xuyên qua da vào cơ thể và gây bệnh cho người. Người nhiễm giun có thể gặp các triệu chứng như đau bụng, chán ăn, rối loạn tiêu hóa, khó tiêu, chướng bụng, nhìn bên ngoài sẽ thấy gầy yếu, xanh xao, ở trẻ còn gây chậm lớn.
Những tác hại này ảnh hưởng lớn đến cả sự phát triển trí tuệ và tinh thần, làm giảm khả năng học tập và lao động. Nguy hiểm hơn, nhiễm giun có thể gây ra các biến chứng như tắc ruột, viêm ruột thừa, hoặc thậm chí là tử vong nếu giun chui vào ống mật. Theo điều tra của các Viện sốt rét – Ký sinh trùng – Côn Trùng, tỉ lệ nhiễm giun trên cả nước từ năm 2013-2017 như sau:
- Miền Bắc: 40-65%, cần tẩy giun 1-2 lần/năm.
- Miền Trung, Tây Nguyên: 26-28%, cần tẩy giun 1 lần/năm.
- Miền Nam: 10-13%, cần tẩy giun 1 lần/năm.
Các đối tượng có nguy cơ nhiễm giun sán cao là học sinh tiểu học, trẻ em lứa tuổi mầm non và phụ nữ tuổi sinh sản. Để dễ nhớ, ngày tẩy giun định kỳ thường được chọn là ngày 1/6 và ngày 6/1 hằng năm.
2. Dùng thuốc tẩy giun đúng cách mới hiệu quả
Thuốc tẩy giun là thuốc không kê đơn và có thể dễ dàng mua tại các hiệu thuốc. Khi mua các loại thuốc xổ, bạn cần chú ý hoạt chất và liều lượng phù hợp với người sử dụng. Mỗi đối tượng có liều dùng khác nhau:
- Trẻ 12-24 tháng tuổi: Albendazole 200mg hoặc Mebendazole 500mg liều duy nhất.
- Trẻ trên 24 tháng tuổi và người lớn: Albendazole 400mg hoặc Mebendazole 500mg liều duy nhất.
Bạn có thể uống thuốc vào bất kỳ thời gian nào trong ngày sau khi ăn. Nên nhai thuốc tẩy giun và uống với nước. Với trẻ nhỏ, phải nghiền thuốc pha với nước uống. Các thuốc tẩy giun có thể được chỉ định cho trẻ trên 12 tháng tuổi và người lớn. Tuy nhiên, các đối tượng sau không được xổ giun:
- Người đang mắc bệnh cấp tính, đang sốt (>38,5° C).
- Người đang mắc một số bệnh mạn tính như: suy thận, suy tim, suy gan, hen phế quản.
- Người có tiền sử dị ứng với các thành phần của thuốc.
- Phụ nữ có thai trong 3 tháng đầu, phụ nữ đang cho con bú, trẻ em dưới 12 tháng tuổi.
3. Đừng quên các biện pháp phòng bệnh
Để phòng nguy cơ nhiễm giun, các bạn nhớ giữ vệ sinh cá nhân và môi trường xung quanh nữa nhé!
Vệ sinh cá nhân:
- Rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn, sau khi chơi đùa, sau khi tiếp xúc với đất và sau khi đi đại tiện. Luôn cắt móng tay sạch sẽ, không mút ngón tay.
- Luôn đi giày, dép, không ngồi lê trên đất.
- Ăn uống bảo đảm vệ sinh, ăn chín, uống chín.
Vệ sinh môi trường:
- Xây dựng và sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, không dùng phân tươi bón ruộng và cây trồng, không phóng uế bừa bãi.
- Thường xuyên vệ sinh trường lớp, nhà cửa sạch sẽ. Bên cạnh đó, hãy là tuyên truyền viên tích cực, giúp gia đình bạn và những người xung quanh có thêm nhận thức phòng chống bệnh giun, vì một cộng đồng khỏe mạnh.
Theo Quyết định 6437/QĐ-BYT ngày 25 tháng 10 năm 2018 về việc Ban hành hướng dẫn tẩy giun đường ruột tại cộng đồng
Bạn có thể xem thêm: