Khi nào cần phẫu thuật bệnh trĩ?
Bệnh trĩ là một bệnh thường gặp tại Việt Nam. Với sự tiên tiến của y học ngày nay, có rất nhiều phương pháp chữa trị bệnh trĩ như dùng thuốc, tiêm xơ trĩ, phẫu thuật,… Từ đó, bệnh trĩ không còn là nỗi lo đối với người bệnh nữa. Bài viết này sẽ mang đến cho chúng ta thông tin về các phương pháp phẫu thuật trĩ phổ biến hiện nay.
Bệnh trĩ là gì? Nguyên nhân và triệu chứng của bệnh
Bệnh trĩ là gì?
Trĩ là những cấu trúc bình thường ở ống hậu môn. Bệnh trĩ là do những cấu trúc này bị chuyển đổi sang trạng thái bệnh lý do yếu tố cơ học làm giãn, lỏng lẻo hệ thống nâng đỡ gây sa búi trĩ và yếu tố mạch máu làm giãn mạch gây chảy máu. Trĩ là bệnh rất phổ biến, chiếm tỉ lệ khoảng 50-60% các bệnh lý vùng hậu môn trực tràng (trĩ, nứt kẽ hậu môn, rò, sa trực tràng,…).
Nguyên nhân gây ra bệnh trĩ
Nguyên nhân chính xác gây nên bệnh hiện nay chưa được xác định rõ và thường được phát triển ở những bệnh nhân có các yếu tố thuận lợi làm tăng áp lực trong trực tràng gây chèn ép vào hệ thống tĩnh mạch vùng hậu môn, làm cản trở máu tĩnh mạch trở về. Do đó, máu tĩnh mạch đọng lại và tĩnh mạch giãn ra tạo thành búi trĩ. Búi trĩ này sẽ to dần lên và thò ra ngoài nếu những yếu tố này tiếp diễn.
Các yếu tố thuận lợi bao gồm:
- Tuổi
- Táo bón mãn tính hoặc tiêu chảy
- Thời kỳ mang thai
- Di truyền
- Đại tiện khó khăn, phải rặn nhiều
- Chức năng đường ruột kém, thường xuyên phải dùng thuốc nhuận tràng, thụt hậu môn
- Ngồi đại tiện quá lâu trong nhà vệ sinh (đọc sách báo, xem điện thoại,…)
- Quan hệ tình dục qua đường hậu môn
Khi nào cần phẫu thuật bệnh trĩ?
Người bị bệnh trĩ cần phẫu thuật khi bệnh trĩ ở giai đoạn nặng như các trường hợp:
- Búi trĩ ở trạng thái tổn thương quá nặng, đặc biệt là những trường hợp có biến chứng như tắc mạch trĩ gây hoại tử, chảy máu ồ ạt,…
- Búi trĩ quá lớn
- Người bệnh mắc trĩ đã điều trị bằng nhiều phương pháp không phẫu thuật (tiêm xơ trĩ, thắt trĩ bằng vòng cao su, dùng thuốc,…) nhưng không hiệu quả, ảnh hưởng nhiều đến đời sống sinh hoạt hằng ngày.
Các phương pháp phẫu thuật trĩ và thời gian hồi phục
- Phẫu thuật kinh điển (mổ mở): Phương pháp mổ mở thường được áp dụng cho bệnh trĩ cấp tính nặng, gây phù nề và hoại tử, ngăn cản sự đóng niêm mạc. Khi áp dụng phương pháp này, người bệnh cần được tiêm thuốc gây tê cục bộ chứa Epinephrine để giúp cầm máu và sưng tấy. Phương pháp mổ mở có thể gây đau trong vài tuần sau phẫu thuật.
- Phẫu thuật khâu treo triệt mạch trĩ theo phương pháp Longo: Thủ thuật này còn được gọi là phẫu thuật cắt niêm mạc theo chu vi hoặc thủ thuật sa và trĩ. Phương pháp Longo là dùng ghim bấm để thực hiện cùng lúc việc cắt và khâu nối để cố định các mô trĩ bên trong vào thành trực tràng. Phương pháp này ít gây đau, rút ngắn thời gian phẫu thuật, thời gian nằm viện sau phẫu thuật dưới 6 tiếng hoặc có thể xuất viện ngay nếu tình trạng tốt. Người bệnh cũng mau phục hồi, giảm nguy cơ tái phát. Tuy nhiên, phương pháp Longo có thể gây ra các biến chứng như chảy máu từ dây ghim, không kiểm soát được chấn thương cơ thắt; nguy cơ xuất hiện lỗ rò âm đạo lại ở phụ nữ. Để tránh nguy cơ biến chứng sau phẫu thuật Longo đòi hỏi bác sĩ phẫu thuật phải có tay nghề cao và giàu kinh nghiệm.
- Phẫu thuật khâu triệt mạch trĩ dưới hướng dẫn của siêu âm Doppler: Phương pháp này sử dụng đầu dò Doppler để xác định sáu động mạch nuôi chính trong ống hậu môn. Sau đó, bác sĩ sẽ thắt các động mạch này bằng chỉ khâu có thể hấp thụ và ống soi chuyên dụng để cắt các động mạch thừa niêm mạc trĩ. Phương pháp này ít gây đau, giảm chảy máu, sa mô, thời gian nằm viện ngắn (khoảng 1 ngày), ít gặp tai biến, biến chứng, sớm trở lại sinh hoạt bình thường.
- Cắt trĩ dưới niêm mạc (thủ thuật Parks): Thủ thuật này được phát triển vào những năm 1950 bởi bác sĩ Parks. Phương pháp này được thực hiện bằng việc gây tê toàn thân hoặc ngoài màng cứng và được chỉ định cho bệnh trĩ cấp độ II đến cấp độ IV. Bóc tách tổ chức trĩ dưới niêm mạc, bắt đầu bằng một đường rạch hình vợt lộn ngược từ mép hậu môn, thắt gốc búi trĩ cắt bỏ tổ chức trĩ, vạt da và niêm mạc không khâu. Phẫu thuật này khó làm, còn gọi là phẫu thuật “để lại vạt da niêm mạc dài”, tỷ lệ tái phát cao 14 – 20%, da thừa hậu môn nhiều (57% trong đó 1/3 phải cắt bỏ).
Thời gian hồi phục sau phẫu thuật trĩ không những phụ thuộc vào phương pháp phẫu thuật mà còn phụ thuộc vào một số yếu tố khác như:
- Tình trạng nghiêm trọng của búi trĩ và sức khỏe người bệnh: Tình trạng sức khỏe của người bệnh là yếu tố quyết định rất nhiều đến thời gian hồi phục sau phẫu thuật. Nếu người bệnh có hệ miễn dịch tốt, không mắc cùng lúc các bệnh lý khác thì vết mổ sẽ nhanh lành hơn các trường hợp người bệnh có sức đề kháng kém. Bên cạnh đó, bệnh trĩ có nhiều cấp độ khác nhau. Tương ứng với mỗi cấp độ là mức tổn thương nặng – nhẹ cũng khác nhau. Các trường hợp cắt trĩ nhẹ độ 2 trở xuống sẽ nhanh lành hơn cắt trĩ độ 3,4. Việc cắt một búi trĩ cũng sẽ nhanh hồi phục hơn cắt từ hai búi trĩ. Do đó, các bác sĩ thường khuyên người bệnh nên đi cắt trĩ sớm khi đã có chỉ định. Bởi để càng lâu, người bệnh càng đau đớn và việc điều trị cũng phức tạp và tốn kém hơn.
- Chăm sóc hậu phẫu: Chế độ dinh dưỡng hợp lý, khoa học kết hợp với thói quen sinh hoạt lành mạnh giúp người bệnh nhanh chóng hồi phục sức khỏe, tránh nguy cơ xảy ra biến chứng, nhiễm trùng. Bên cạnh đó, việc vệ sinh hậu môn đúng cách cũng hỗ trợ vết thương nhanh phục.
- Kinh nghiệm bác sĩ thực hiện: Trình độ chuyên môn và kinh nghiệm của bác sĩ thực hiện đóng vai trò quan trọng trong quá trình phẫu thuật cắt trĩ như sử dụng thành thạo các thiết bị phẫu thuật, quy trình dứt khoát, chính xác. Nếu bác sĩ giỏi, có chuyên môn cao, việc phẫu thuật cắt trĩ diễn ra thuận lợi, hạn chế biến chứng. Thời gian lành bệnh và hết dịch cũng được rút ngắn.
Mỗi phương pháp điều trị trĩ có ưu điểm và nhược điểm khác nhau. Tùy vào tình trạng bệnh của mỗi bệnh nhân mà bác sĩ sẽ lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp. Do đó, khi phát hiện mắc bệnh trĩ, người bệnh cần đến khám bác sĩ ngay để được đánh giá tình trạng bệnh và điều trị sớm, tránh biến chứng.