Những sai lầm thường gặp khi điều trị bệnh hen suyễn tại nhà
Hen suyễn là bệnh mạn tính, người bệnh nếu được điều trị, chăm sóc sức khỏe không đúng cách sẽ khiến tình trạng bệnh nặng hơn, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.
Chăm sóc người bệnh hen suyễn đúng cách giúp cải thiện sức khỏe
Hướng dẫn chăm sóc người bệnh hen suyễn tại nhà đúng cách
Hen suyễn là bệnh lý mạn tính về hô hấp cần điều trị lâu dài. Theo các chuyên gia, thuốc chiếm 50% trong việc kiểm soát bệnh hen suyễn, còn lại 50% phụ thuộc vào quá trình chăm sóc phòng ngừa của người bệnh và người nhà bệnh nhân.
Vì vậy, để kiểm soát bệnh hen suyễn tốt hơn, bạn cần chú trọng tuân thủ điều trị theo chỉ định và các biện pháp phòng ngừa để đảm bảo tình trạng bệnh luôn được ổn định bằng cách sau:
- Sử dụng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ; không tự ý tăng, giảm, cắt liều hay sử dụng thuốc của người khác cho bản thân;
- Tránh xa các thực phẩm nhiều calo, có gas, chất kích thích, thực phẩm gây dị ứng, đồ đông lạnh, đồ hộp, thực phẩm ngâm chua,…
- Bổ sung thực phẩm giàu vitamin C, D, A, Omega 3, magie.
- Tuân thủ các biện pháp phòng ngừa: Luôn giữ ấm cơ thể; tránh tiếp xúc với tác nhân dễ gây kích thích quá mẫn như lông động vật; lau dọn, hút bụi nhà cửa thường xuyên sạch sẽ và đeo khẩu trang khi ra đường.
6 sai lầm thường gặp khi trị bệnh suyễn tại nhà cần lưu ý
1. Tự ý ngưng dùng thuốc kiểm soát cơn hen có chứa steroid
Steroid là chất có trong thuốc điều trị hen suyễn có vai trò kiểm soát và ngừa các cơn hen cấp. Nhiều bệnh nhân tự ý ngưng sử dụng thuốc này trong đại dịch COVID-19 vừa qua vì lo sợ làm giảm hệ miễn dịch và tăng nguy cơ mắc bệnh. Tuy nhiên, nhận định trên là chưa chính xác vì steroid chủ yếu tác dụng tại chỗ và không làm giảm miễn dịch, việc ngừng thuốc có thể gây nguy hiểm cho người bệnh.
2. Tự mua thuốc mà không đi tái khám định kỳ
Vì tâm lý ngại đi tái khám định kỳ dẫn đến việc tự mua thuốc uống hoặc uống lại đơn thuốc cũ. Điều này có thể ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người bệnh vì không tuân thủ theo phác đồ điều trị của bác sĩ, bệnh nhân không được theo dõi khả năng đáp ứng thuốc, phương pháp điều trị chưa hiệu quả làm bệnh tiến triển nặng hơn.
3. Sử dụng thuốc không chính thống
Có rất nhiều phương pháp dân gian trị bệnh hen được loan truyền hiện nay. Áp dụng phương pháp này đôi khi mang lại hiệu quả (ăn uống ngon miệng, bớt khó thở…) nhưng tiềm ẩn nhiều tác dụng phụ nguy hiểm gây khó khăn trong việc kiểm soát bệnh khiến tình trạng nặng thêm, gây khó khăn trong việc điều trị và kiểm soát.
4. Tự giảm liều hoặc bỏ hẳn thuốc khi bệnh cải thiện
Bệnh nhân thường tự ý giảm hoặc bỏ hẳn thuốc vì một số lý do:
- Hạn chế tác dụng phụ của thuốc gây ra.
- Thấy tình trạng bệnh đã được cải thiện, hoặc đã khỏi không cần dùng thuốc.
Tuy nhiên, hen suyễn là bệnh mãn tính không thể điều trị dứt điểm, do đó đòi hỏi bệnh nhân phải tuân thủ điều trị lâu dài để duy trì tình trạng ổn định. Việc tự ý ngừng hoặc giảm liều có thể tăng viên đường thở, tăng nguy cơ tái phát nặng hơn hoặc dai dẳng.
5. Xịt thuốc hen sai cách
Nhiều người bệnh xịt thuốc cắt cơn hen không đúng gây khó chịu ở vùng họng, khàn tiếng… các dấu hiệu này thường bị nhầm với các bệnh lý khác nhưng thực chất là do xịt hen sai cách. Nếu gặp tình trạng trên, người bệnh có thể nhờ sự hướng dẫn của người có chuyên môn để khắc phục nhanh chóng.
6. Dùng chung bình xịt hen với người thân
Bình xịt hen là vật dụng cá nhân, cần tránh dùng chung với những người mắc bệnh khác trong gia đình vì có thể lây truyền mầm bệnh từ miệng người bệnh.
Cần vệ sinh ống ngậm mỗi tuần để đảm bảo an toàn cho sức khỏe. Hiện nay, chưa có loại thuốc hay phương pháp nào chữa khỏi hẳn bệnh hen. Điều trị theo đúng chỉ định của bác sĩ, kết hợp với các biện pháp chăm sóc sức khỏe đúng cách sẽ giúp người bệnh hen suyễn cải thiện sức khỏe, giảm phụ thuộc.
Nguồn tham khảo: Tổng hợp
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.
Bạn có thể xem thêm: