Những điều cần biết về các phương pháp phẫu thuật viêm ruột thừa
Ruột thừa là một đoạn ruột nhỏ, dạng túi cùng, dài và hẹp dính vào manh tràng. Viêm ruột thừa cấp là do sự tắc nghẽn trong lòng ruột thừa, điển hình là do tăng sản bạch huyết, nhưng đôi khi có thể là do sỏi phân, dị vật, khối u, hoặc thậm chí là do giun.
Những điều cần biết về viêm ruột thừa
Vì sao phải phẫu thuật viêm ruột thừa?
Như đã nói ở trên, sự tắc nghẽn trong lòng ruột thừa sẽ gây áp lực trong lòng của ruột thừa, gây giảm tưới máu cho các mô, tạo điều kiện cho vi khuẩn nhân lên nhanh chóng. Khi đó ruột thừa viêm, sẽ sưng , và chứa đầy mủ.
Nếu không được điều trị kịp thời, ruột thừa có thể sẽ bị vỡ, giải phóng vi khuẩn vào ổ bụng làm tăng nguy cơ các biến chứng. Các biến chứng có thể gặp phải: viêm phúc mạc nhiễm trùng, hình thành túi mủ áp xe trong ổ bụng,..
- Vậy viêm ruột thừa nhẹ có cần mổ không?
Đối với một số trường hợp, có thể sử dụng thuốc để điều trị nội khoa viêm ruột thừa, hiệu quả đạt được có thể lên đến 90%, nhưng tỷ lệ tái phát lại rất cao, khoảng 30% sau 1 năm điều trị. Chính vì vậy, phẫu thuật vẫn là phương pháp tối ưu trong điều trị viêm ruột thừa, nhất là những trường hợp ruột thừa hoại tử và có tình trạng viêm phúc mạc.
Các phương pháp phẫu thuật viêm ruột thừa
Các bác sĩ sẽ lựa chọn phương pháp phù hợp với từng bệnh nhân
Để phẫu thuật viêm ruột thừa cấp, bác sĩ có thể áp dụng một số phương pháp như mổ mở, mổ nội soi bằng dụng cụ nội soi, hoặc mổ nội soi có hỗ trợ bằng robot. Việc lựa chọn phương pháp phẫu thuật nào sẽ phụ thuộc vào tình trạng viêm ruột thừa, thể trạng, bệnh lý nền của bệnh nhân.
- Mổ mở: Là phẫu thuật mở bụng truyền thống, thông qua việc rạch một đường phía dưới bên phải vùng bụng dài 5-10cm, và loại bỏ ruột thừa, sau đó khâu lại vết thương. Phương pháp này thường được áp dụng cho những bệnh nhân có các tình trạng bệnh nền như tim mạch, hô hấp nặng, nhiễm trùng hoặc không thể sử dụng gây mê hồi sức.
- Mổ nội soi: Mổ nội soi thường được áp dụng cho những trường hợp chưa quá nghiêm trọng. Người bệnh không mắc các bệnh lý nền hay bất thường nào cản trở mổ nội soi. Trong quá trình phẫu thuật, bác sĩ sẽ tạo ra 3 vết rạch rất nhỏ ở bụng. Thông qua đó, bác sĩ sẽ đưa vào ổ bụng bệnh nhân một ống quang video ghi hình và những thiết bị chuyên dụng để cắt ruột thừa. Sau khi cắt và đưa ruột thừa ra bên ngoài bụng, bác sĩ sẽ khâu các vết rạch lại.
Thời gian phục hồi của từng phương pháp phẫu thuật
Thời gian hồi phục sau phẫu thuật ruột thừa phụ thuộc vào phương pháp mổ, chăm sóc sau mổ và chế độ ăn uống. Bạn có thể yên tâm rằng, hầu hết các bệnh nhân đều được xuất viện chỉ từ 1 đến 2 ngày sau khi phẫu thuật. Các cơn đau hoặc một số tác dụng phụ sẽ giảm đi đáng kể sau vài ngày. Bệnh nhân có thể trở lại các hoạt động bình thường chỉ sau khoảng 2 đến 4 tuần.So với phương pháp mổ mở truyền thống, thì thời gian phục hồi sau mổ nội soi có thể còn ngắn hơn nữa. Nhìn chung, nếu không xảy ra biến chứng, thì hầu hết các bệnh nhân đều phục hồi hoàn toàn trong vòng 6 tuần.
Trên thực tế, phẫu thuật là phương pháp điều trị tối ưu để dứt điểm và khắc phục các biến chứng nguy hiểm của viêm ruột thừa cấp. Bệnh nhân không cần quá lo lắng, điều quan trọng là bạn cần tuân theo các hướng dẫn của bác sĩ về chăm sóc hậu phẫu viêm ruột thừa để đẩy nhanh quá trình hồi phục nhé.
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.
Xem thêm bài viết liên quan: