Nhọt trong tai là gì? Nguyên nhân, cách chẩn đoán và điều trị!
Nhọt trong tai là một tình trạng khá phổ biến khiến tai sưng đỏ và đau nhức, gây ra nhiều khó chịu cho người bệnh. Khi không được chẩn đoán và điều trị kịp thời, nhọt có thể phát triển nghiêm trọng và ảnh hưởng đến sức khỏe. Sau đây, Pharmacity sẽ giới thiệu kỹ hơn về tình trạng nhọt ở tai, các nguyên nhân gây ra cũng như các biện pháp điều trị và phòng ngừa hiệu quả.
Nhọt trong tai là gì?
Nhọt trong tai là một dạng nhiễm trùng da do vi khuẩn gây ra, thường xuất hiện ở nang lông hoặc tuyến bã nhờn bên trong tai. Ban đầu, nhọt có thể chỉ là một cục sưng nhỏ, nhưng khi mủ tích tụ, nó có thể phát triển thành khối u viêm lớn gây đau nhức nghiêm trọng. Nếu bạn nhận thấy tai mình có một cục nổi lên, có màu đỏ hoặc trắng, đau khi chạm vào và ngày càng sưng to, thì rất có thể bạn đã bị nhọt ở tai.
Nhọt không chỉ gây đau tại vùng tai mà còn có thể lan rộng lên đầu, cổ, và hàm nếu tình trạng viêm trở nên nghiêm trọng. Một số trường hợp nhọt có thể tự vỡ và thoát mủ, nhưng điều này đi kèm với nguy cơ nhiễm trùng lan rộng. Khi không điều trị kịp thời, nhọt lớn có thể gây mất thính lực tạm thời và những biến chứng nặng nề hơn.
Mặc dù nhiều trường hợp nhọt có thể tự khỏi hoặc điều trị tại nhà, nhưng đối với những trường hợp nặng hoặc tái phát, bạn cần đến gặp bác sĩ để được khám và điều trị kịp thời. Việc điều trị sớm sẽ giúp ngăn ngừa biến chứng và rút ngắn thời gian hồi phục.
Phân biệt nhọt và mụn trong tai
Nhọt và mụn trong tai thường gây nhầm lẫn cho nhiều người do chúng đều là những tổn thương da gây đau nhức, nhưng hai tình trạng này có những đặc điểm khác nhau. Mụn trong tai thường xuất hiện ở gần bề mặt da, do tắc nghẽn tuyến bã nhờn và gây viêm nhiễm nhẹ.
Ngược lại, nhọt hình thành sâu hơn trong da, thường ở nang lông, và gây ra tình trạng viêm nhiễm nghiêm trọng hơn. Nhọt thường có kích thước lớn hơn, sưng đỏ và đau nhức dữ dội hơn so với mụn, bạn so sánh sau đây sẽ giúp bạn làm rõ hơn về hai tình trạng:
Đặc điểm | Mụn trong tai | Nhọt trong tai |
Vị trí | Gần bề mặt da, ở ống tuyến bã | Sâu hơn trong da, ở nang lông |
Nguyên nhân | Tắc nghẽn tuyến bã nhờn, nhiễm trùng | Nhiễm trùng nang lông |
Kích thước | Thường nhỏ | Thường lớn hơn, có thể sưng đỏ |
Đau | Ít đau hoặc đau nhẹ | Đau nhức dữ dội |
Thời gian hình thành | Nhanh | Chậm hơn |
Nguy cơ | Ít nguy hiểm, thường tự khỏi | Có thể lan rộng, cần điều trị |
Nguyên nhân mọc nhọt trong tai
Nguyên nhân chính gây ra mụn nhọt ở tai là do vi khuẩn xâm nhập và gây nhiễm trùng nang lông. Loại vi khuẩn thường gặp nhất là Staphylococcus aureus, tuy nhiên cũng có thể là các loại vi khuẩn hoặc nấm khác thường trú trên da. Vi khuẩn này sẽ phát triển và sinh sôi trong nang lông, tạo ra mủ và gây viêm nhiễm.
Quá trình hình thành mụn nhọt trong tai diễn ra như sau: Ban đầu, vi khuẩn xâm nhập vào nang lông và gây ra phản ứng viêm sâu bên trong da. Dần dần, mủ sẽ tích tụ từ các tế bào chết, vi khuẩn và dịch viêm. Khi lượng mủ đủ nhiều, nó sẽ đẩy lên bề mặt da, tạo thành mụn nhọt mà chúng ta có thể nhìn thấy.
Triệu chứng mọc nhọt trong tai
Nhọt trong tai là một tình trạng viêm nhiễm khá phổ biến, gây ra nhiều khó chịu cho người bệnh. Quá trình hình thành nhọt thường bắt đầu từ một nang lông bị nhiễm khuẩn, sau đó sưng đỏ và dần tích tụ mủ bên trong. Khi áp lực mủ tăng lên, da xung quanh sẽ căng mỏng và cuối cùng vỡ ra, chảy mủ, với các triệu chứng chủ yếu như sau:
- Ngứa ngáy: Ban đầu, bạn sẽ cảm thấy ngứa ở vị trí nổi nhọt hoặc xung quanh đó.
- Sưng đỏ: Xuất hiện một cục u nhỏ, sưng đỏ và cứng dưới da.
- Đau nhức: Cảm giác đau nhức dữ dội trong tai, có thể lan ra cả đầu và hàm, đặc biệt khi chạm vào tai.
- Da khô và bong tróc: Vùng da xung quanh nhọt có thể bị khô và bong tróc.
- Chảy dịch: Nhọt có thể vỡ ra và chảy dịch hoặc mủ.
Nhọt trong tai có thể tăng lên về số lượng và kích thước, nhưng không điều trị kịp thời, các nhọt này sẽ liên kết với nhau tạo thành một ổ viêm lớn gọi là hậu bối. Ổ viêm này có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như nhiễm trùng lan rộng, áp xe, thậm chí đe dọa tính mạng nếu không được điều trị đúng cách.
Cách chẩn đoán và điều trị nhọt ở tai
Để xác định bạn có bị nhọt tai hay không, bác sĩ sẽ chẩn đoán và kiểm tra tai bằng các dụng cụ chuyên dụng, cũng có thể hỏi một số câu hỏi như sau:
- Bạn bắt đầu thấy ngứa và đau tai từ khi nào?
- Có phải bạn đã vô tình làm gì đó với tai không?
- Vết sưng có ngày càng to và đau hơn không?
- Bạn có mắc các bệnh như tiểu đường hoặc bệnh ngoài da không?
- Bạn đã tự ý bôi thuốc gì lên tai chưa?
Những câu hỏi này sẽ giúp bác sĩ hiểu rõ hơn về tình trạng của bạn và đưa ra phương pháp điều trị phù hợp. Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể lấy một ít mủ từ nhọt để xét nghiệm và tìm ra loại thuốc kháng sinh hiệu quả nhất.
Tùy theo tình trạng của mỗi người, nhọt trong tai có thể tự khỏi, tuy nhiên, nếu nhọt không khỏi sau 2 tuần, đau nhức nhiều hơn, sưng tấy lan rộng hoặc sốt, ớn lạnh. Khi đó nên đến bệnh viện ngay, bác sĩ sẽ khám và quyết định phương pháp điều trị phù hợp.
Có thể bạn sẽ được kê đơn thuốc kháng sinh để tiêu diệt vi khuẩn gây nhọt, còn nếu nhọt lớn và chứa nhiều mủ, bác sĩ có thể rạch nhọt để mủ thoát ra ngoài. Ngoài ra, để giảm đau, bạn có thể dùng các loại thuốc giảm đau thông thường như paracetamol hoặc ibuprofen. Lưu ý tuyệt đối không tự ý nặn nhọt vì có thể làm tình trạng nhiễm trùng nặng hơn.
Biện pháp tự xử lý nhọt trong tai tại nhà
Nếu bạn bị nhọt trong tai và muốn thử các cách tự chăm sóc tại nhà, bạn có thể làm theo các bước sau:
- Giảm đau: Uống thuốc giảm đau không cần kê đơn (như paracetamol) để giảm đau, khó chịu.
- Chườm ấm: Dùng khăn sạch thấm nước ấm, chườm nhẹ nhàng lên tai, việc chườm ấm giúp nhọt nhanh chín và vỡ mủ hơn.
- Vệ sinh: Khi nhọt đã vỡ, hãy làm sạch vùng da xung quanh bằng dung dịch sát khuẩn, có thể dùng băng gạc vô trùng để giữ sạch vết thương.
- Không tự ý nặn: Tuyệt đối không được nặn, bóp, chọc hoặc gãi nhọt, điều này có thể khiến vi khuẩn lây lan và tình trạng viêm nhiễm trở nên nghiêm trọng hơn.
Cách phòng ngừa nhọt mọc trong tai tại nhà
Để ngăn ngừa tình trạng nhọt xuất hiện trong tai, chúng ta cần chú ý đến những nguyên nhân gây bệnh và thực hiện các biện pháp phòng ngừa sau:
- Vệ sinh tai sạch sẽ: Giữ gìn tai sạch sẽ là yếu tố quan trọng hàng đầu, nên dùng bông sạch thấm nước ấm để lau nhẹ nhàng phần tai ngoài, tránh ngoáy sâu vào tai.
- Tránh tổn thương da tai: Các tổn thương như trầy xước, vết cắt có thể tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập và gây nhiễm trùng.
- Không chia sẻ đồ dùng cá nhân: Khăn tắm, khăn mặt, tai nghe,… là những vật dụng dễ lây nhiễm vi khuẩn, nên hạn chế tối đa việc dùng chung những đồ vật này.
- Khử trùng đồ dùng: Thường xuyên vệ sinh tai nghe, điện thoại và các vật dụng khác tiếp xúc với tai bằng các dung dịch sát khuẩn.
- Tăng sức đề kháng: Với hệ miễn dịch khỏe mạnh, đảm bảo cơ thể chống lại các tác nhân gây bệnh hiệu quả, nên xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh, ngủ đủ giấc và tập thể dục đều đặn.
Nhọt trong tai là tình trạng phổ biến nhưng có thể gây nhiều khó chịu và tiềm ẩn nguy cơ nhiễm trùng nếu không được chăm sóc đúng cách. Hy vọng qua bài viết này, bạn đã hiểu rõ hơn về cách phân biệt, điều trị và phòng ngừa nhọt trong tai, để từ đó bảo vệ sức khỏe tai một cách tốt nhất.