Người cao tuổi hay bị té ngã? Nguyên nhân và cách phòng tránh
Theo thời gian, cơ thể của con người sẽ dần bị lão hóa, điều này khiến cho vận động ở người cao tuổi trở nên khó khăn hơn đồng thời làm tăng nguy cơ té ngã ở người cao tuổi. Vậy nguyên nhân té ngã ở người cao tuổi là gì? Các biện pháp phòng ngừa té ngã ở người cao tuổi ra sao? Hãy cùng đi tìm câu trả lời trong bài viết dưới đây nhé.
Nguyên nhân té ngã ở người cao tuổi
Té ngã là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây thương tích cho người lớn tuổi. Theo thống kê, hàng năm có khoảng hơn 35% người cao tuổi bị té ngã, trong đó nguy cơ té ngã do chấn thương chiếm gần 45% trong tổng số người cao tuổi trên 70 tuổi. Vậy nguyên nhân gây té ngã ở người cao tuổi là gì?
Lão hóa: Quá trình lão hóa ở người già gây ra nhiều thay đổi sinh tồn như khối cơ giảm dần, tổ chức liên kết mất tính mềm mại khiến cho hoạt động của cơ lực và các khớp bị giảm sút. Cùng với quá trình lão hóa là sự suy giảm thị lực, thính lực và cả phản xạ khiến cho người cao tuổi không còn nhạy bén như trước nữa. Đây chính là một trong những yếu tố nguy cơ khiến người cao tuổi rất dễ bị té ngã.
Một số bệnh lý kèm theo: Theo thời gian, khả năng giữ thăng bằng của cơ thể ngày càng giảm sút. Người cao tuổi có thể bị choáng, chóng mặt và mất thăng bằng dẫn đến rất dễ bị té ngã. Ngoài ra, các chuyên gia cũng chỉ ra rằng việc người cao tuổi có kèm theo một số bệnh lý sau đây cũng ảnh hưởng đến sự thăng bằng và tăng nguy cơ té ngã:
- Một số bệnh lý điển hình ở nhóm tuổi này là sự co cứng cơ, cứng khớp, yếu cơ, giảm hoặc mất cảm giác. Thoái hóa khớp là một trong những bệnh lý phổ biến thường gặp ở người già, gây cản trở hoạt động của khớp, kèm theo đó là triệu chứng đau và có thể có biến dạng khớp.
- Yếu cơ là một trong những tình trạng phổ biến xuất phát từ việc các cơ ít vận động dẫn đến tình trạng giảm độ cao cũng như chiều dài của bước chân, giảm tốc độ và mất tính ổn tính.
- Tai biến mạch máu não và Parkinson là nguồn gốc của những bất thường ảnh hưởng đến dáng đi như co cứng cơ, run, yếu cơ, giảm cảm giác và nhận thức bản thế.
- Các bệnh lý liên quan đến tim mạch bao gồm hạ huyết áp tư thế, rối loạn nhịp tim, rối loạn dẫn truyền… khiến cho người cao tuổi cảm thấy bị chóng mặt khi thay đổi tư thế, nhất là khi thay đổi tư thế đột ngột.
Yếu tố môi trường: Môi trường cũng được đánh giá là một trong những yếu tố nguy cơ khiến người cao tuổi dễ bị té ngã. Theo thống kê, có khoảng 30 – 50% những tai nạn liên quan đến môi trường. Một số yếu tố phổ biến bao gồm:
- Quần áo và giày dép quá chật hoặc quá lỏng.
- Nội thất: Ghế ngồi quá thấp hoặc quá cao, nhà có nhiều ngã rẽ, trải thảm, dây điện loằng ngoằng.
- Một số yếu tố khác như không đủ ánh sáng, sàn nhà trơn trượt…
Sử dụng một số loại thuốc: Một số loại thuốc có thể gây ra các tác dụng phụ như chóng mặt, buồn ngủ hoặc lú lẫn… Điều này làm tăng nguy cơ té ngã ở người cao tuổi. Ví dụ:
- Thuốc an thần gây buồn ngủ.
- Thuốc hướng tâm thần có thể khiến người sử dụng bị lú lẫn.
- Thuốc chống co giật có tác dụng phụ là giảm phản xạ của người bệnh.
Nguy cơ té ngã ở người cao tuổi
Té ngã gây ra rất nhiều hậu quả nghiêm trọng lên sức khỏe của người cao tuổi như gãy xương, hạn chế vận động… Do vậy, việc đánh giá nguy cơ té ngã là rất cần thiết trong công tác phòng ngừa té ngã ở người già.
Để đánh giá nguy cơ té ngã ở người cao tuổi, các bác sĩ sẽ tiến hành thăm khám lâm sàng bao gồm kiểm tra dấu hiệu sinh tồn, hệ thần kinh, tim mạch và cơ xương khớp… Việc đánh giá tổng thể tình trạng của người bệnh sẽ giúp phát hiện những bệnh lý đi kèm cũng như xác định được các yếu tố nguy cơ để có thể đưa ra các biện pháp phòng ngừa và hướng điều trị kịp thời.
Sau khi thăm khám tổng thể, các bác sĩ sẽ đánh giá chức năng của người bệnh bao gồm chức năng đi lại, vận động, khả năng giữ thăng bằng của cơ thể… Cuối cùng, bác sĩ sẽ hỏi về hoàn cảnh sống của người bệnh như người bệnh sống một mình hay sống cùng với ai, môi trường sống như thế nào.
Một câu hỏi đặt ra: Người già bị ngã nên làm gì? Nếu không may người cao tuổi trong gia đình bị té ngã, đặc biệt là khi bị va đập mạnh vào đầu, bạn cần đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất càng sớm càng tốt để được thăm khám, kiểm tra và sơ cứu kịp thời.
Thăm khám và đánh giá chức năng giúp bác sĩ đánh giá được nguy cơ té ngã ở người già.
Các biện pháp phòng ngừa té ngã ở người cao tuổi
Té ngã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống và sức khỏe người cao tuổi. Chính vì thế mà việc thực hiện tốt các biện pháp phòng ngừa sẽ giúp hạn chế tối đa các rủi ro sức khỏe do té ngã gây ra. Dưới đây là một số biện pháp phòng ngừa té ngã ở người cao tuổi, bạn đọc có thể tham khảo:
- Duy trì hoạt động thể chất thường xuyên và đều đặn: Việc thường xuyên tập luyện thể dục thể thao giúp người bệnh cải thiện sức khỏe đáng kể. Không chỉ có tác dụng làm chậm quá trình thoái hóa xương khớp, tập thể dục còn giúp duy trì sự linh hoạt và dẻo dai của cơ thể.
- Kiểm tra sức khỏe định kỳ: Việc kiểm tra sức khỏe định kỳ cho người cao tuổi giúp phát hiện sớm những nguy cơ để từ đó có các phương pháp phòng ngừa kịp thời.
- Thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh và khoa học: Đảm bảo đầy đủ dưỡng chất trong khẩu phần ăn, hạn chế ăn đồ chiên rán quá nhiều dầu mỡ, hạn chế uống rượu bia cũng như sử dụng các chất kích thích…
- Hạn chế tối đa việc thay đổi tư thế đột ngột: Như đã trình bày ở trên, thay đổi tư thế đột ngột cũng là một trong những yếu tố nguy cơ khiến người cao tuổi dễ bị té ngã. Do vậy, người cao tuổi cần ngồi dậy và đứng lên một cách chậm rãi để cơ thể có thời gian thích nghi.
Một số câu hỏi thường gặp:
1. Tại sao người cao tuổi dễ té ngã?
Do lão hóa: giảm thị lực, thính lực, sức mạnh cơ bắp, rối loạn tiền đình, bệnh lý, tác dụng phụ của thuốc.
2. Nguyên nhân gây té ngã ở người cao tuổi là gì ?
- Nội tại: suy giảm chức năng, bệnh lý, thuốc, dinh dưỡng.
- Ngoại tại: sàn trơn, thiếu sáng, vật cản, cầu thang, giày dép.
3. Nguy cơ té ngã ở người già là gì?
Gãy xương, chấn thương, sợ hãi, giảm chất lượng sống, tăng nguy cơ tử vong.
4. Người già bị ngã nên làm gì?
Giữ bình tĩnh, kiểm tra chấn thương, không di chuyển nếu nghi ngờ gãy xương, hỗ trợ đứng dậy, theo dõi, đến cơ sở y tế.
5. Phòng ngừa té ngã ở người lớn tuổi như thế nào?
Tập thể dục, kiểm tra sức khỏe, dùng thuốc đúng cách, cải thiện môi trường sống, dùng dụng cụ hỗ trợ, đi giày dép phù hợp, dinh dưỡng tốt, kiểm tra thị lực, thính lực
Nguồn: Tổng hợp
