Hở van ba lá: Triệu chứng, nguyên nhân và điều trị
Tổng quan chung
Hở van 3 lá là tình trạng xảy ra khi van không đóng kín. Tức là, sau khi tâm nhĩ phải bơm máu xuống buồng tâm thất phải, lá van không đóng khít lại nên khiến máu chảy ngược vào tâm nhĩ – nơi nó vừa được bơm đi. Theo thời gian, hở van ba lá mức độ nhiều nếu không được chữa trị đúng cách sẽ dẫn tới suy chức năng tâm thất phải và sau đó có thể suy tim toàn bộ.
Triệu chứng
Một số người mắc bệnh nhưng không gặp phải biểu hiện rõ rệt. Các dấu hiệu chỉ xuất hiện khi bệnh tiến triển đến giai đoạn trung bình hoặc nặng. Nếu may mắn, bệnh có thể được phát hiện khi người bệnh đi tầm soát sức khỏe định kỳ, hoặc thực hiện các chẩn đoán hình ảnh với mục đích chẩn đoán những bệnh lý khác.
Các biểu hiện thường gặp của hở van 3 lá khi bệnh chuyển sang giai đoạn nặng hơn bao gồm:
- Khó thở, đặc biệt khi người bệnh nằm hoặc gắng sức
- Đau tức ngực
- Mệt mỏi, nhất là khi hoạt động mạnh
- Chóng mặt
- Ho, đặc biệt là vào ban đêm hoặc khi nằm xuống
- Tim đập nhanh: cảm giác tim đập như trống dồn
- Sưng bàn chân/mắt cá chân hoặc tĩnh mạch ở cổ
- Tiếng thổi tim (phát hiện được khi dùng ống nghe để nghe tim)
- Phù chi dưới hoặc toàn thân. Lượng nước tiểu ít
Nguyên nhân
Có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng hở van 3 lá, trong đó phổ biến nhất là sự giãn nở tâm thất phải. Tâm thất phải có nhiệm vụ bơm máu từ tim đến phổi. Khi tâm thất phải buộc phải làm việc nhiều hơn, nó cần phải tăng kích thước và tăng lực co bóp, lâu dần gây giãn buồng tim phải. Kết quả là vòng mô hỗ trợ khả năng đóng mở của van 3 lá cũng bị giãn theo.
Ngoài ra, một số yếu tố khác cũng có thể tác động đến van ba lá và khiến nó hoạt động sai cách. Các yếu tố này bao gồm suy tim và bất thường cơ tim (bệnh cơ tim).
Bên cạnh đó, van 3 lá bị hở còn do biến chứng từ một số bệnh lý hoặc điều kiện y tế, chẳng hạn như:
- Khí phế thũng: Tình trạng bệnh khiến các phế quản, phế nang trong phổi bị tổn thương;
- Tăng áp phổi: Tình trạng tăng áp lực các động mạch trong phổi và phía bên phải của tim, khiến tâm thất phải gặp khó khăn hơn trong việc bơm máu lên phổi;
- Hẹp van động mạch phổi: Tắc nghẽn dòng máu từ tâm thất phải đến động mạch phổi;
- Viêm nội tâm mạc nhiễm trùng: Tình trạng nhiễm trùng các lớp lót bên trong của tim (màng trong tim), gây tổn thương van tim;
- Van tim có cấu tạo bất thường: Trong bệnh lý hiếm gặp này, van ba lá dị dạng nằm thấp hơn bình thường trong tâm thất phải, làm cho máu bị rò rỉ ngược (trào ngược) vào tâm nhĩ phải;
- Hội chứng carcinoid: Đây cũng là một hiện tượng hiếm gặp. Theo đó, các khối u phát triển ở một số vị trí trên cơ thể, như trong hệ thống tiêu hóa, lan đến gan hoặc các hạch bạch huyết và tạo ra một chất tương tự như hormone có khả năng làm hỏng các van tim, thường là van 3 lá và van động mạch phổi;
- Dây dẫn thiết bị cấy ghép: Đôi khi, quá trình đặt hoặc tháo thiết bị cấy ghép máy tạo nhịp tim hoặc dây khử rung tim có thể gây tổn thương cho van ba lá;
- Sinh thiết nội tâm mạc: Xét nghiệm mô cơ tim này có nguy cơ làm hỏng van ba lá;
- Chấn thương: Chấn thương nặng vùng ngực (xảy ra do tai nạn lao động, tai nạn xe cộ…) cũng có khả năng làm tổn thương van tim;
- Thấp khớp: Sốt thấp khớp là một biến chứng của viêm họng hạt. Nếu bệnh không được điều trị sẽ khiến van tim, bao gồm cả van ba lá, bị hỏng, dẫn đến hở van 3 lá sau này;
- Dị tật tim bẩm sinh: Một số dị tật tim bẩm sinh như dị tật Ebstein, hẹp van động mạch chủ, hẹp van động mạch phổi, thông liên nhĩ, thông liên thất… là yếu tố nguy cơ gây hở van 3 lá;
- Hội chứng Marfan: Đây là một rối loạn di truyền của mô liên kết hiện diện khi sinh, đôi lúc có liên quan đến căn bệnh này.
Đối tượng nguy cơ
Người có các yếu tố nguy cơ dưới đây sẽ tăng khả năng bị hở van 3 lá:
- Tình trạng nhiễm trùng, như viêm nội tâm mạc nhiễm trùng hoặc sốt thấp khớp
- Tăng huyết áp mạn tính, đặc biệt khi người bệnh không được theo dõi chặt chẽ
- Sử dụng thuốc, bao gồm một số loại thuốc điều trị bệnh Parkinson và chứng đau nửa đầu
- Bức xạ, đặc biệt là bức xạ vùng ngực
Chẩn đoán
Nếu bạn đang gặp bất kỳ triệu chứng nào trong số các dấu hiệu kể trên, bác sĩ có thể nghi ngờ bạn bị hở van 3 lá, nhất là khi bạn có các tình trạng hoặc yếu tố nguy cơ khác liên quan đến chứng bệnh này.
Việc chẩn đoán hở van 3 lá thường bắt đầu bằng việc kiểm tra sức khỏe toàn diện. Bác sĩ sẽ dùng ống nghe để nghe tiếng thổi ở tim của bạn. Nếu nhận thấy âm thanh bất thường, rất có thể đó là dấu hiệu cho thấy máu đang chảy ngược. Lúc đó, bạn sẽ được chỉ định tiến hành các chẩn đoán hình ảnh hoặc phương pháp sau nhằm xác định chính xác bệnh trạng:
- Điện tâm đồ: đo các xung điện của tim.
- Chụp X-quang ngực nhằm đánh giá kích thước và hình dạng của tim cũng như tình trạng của phổi.
- Siêu âm tim: quan sát cấu trúc của tim.
- Siêu âm tim qua thực quản: Đối với phương pháp này, bác sĩ sẽ đưa một ống siêu nhỏ có thiết bị phát siêu âm vào đường tiêu hóa chạy từ miệng đến thực quản (gần tim). Nhờ đó, hình ảnh chi tiết của tim hiện lên rõ nét, giúp phát hiện chính xác tổn thương van tim.
- Thông tim: Biện pháp này được sử dụng nhằm xác định nguyên nhân gây hở van 3 lá. Một ống thông (nhỏ) được đưa vào bẹn, cánh tay hoặc cổ và dẫn đến tim bằng hình ảnh X-quang. Thuốc cản quang được tiêm qua ống thông cho phép bác sĩ nhìn thấy dòng máu chảy qua tim, mạch và van tim.
- Chụp MRI: Từ trường và sóng vô tuyến từ máy chụp MRI giúp tạo ra hình ảnh chi tiết của tim
- Các bài kiểm tra gắng sức hoặc căng thẳng: Những bài kiểm tra này giúp xác định khả năng chịu đựng của tim trong lúc tập thể dục cũng như đo lường phản ứng của tim khi gắng sức.
Phòng ngừa bệnh
Biện pháp phòng tránh hở van 3 lá hiệu quả nhất là quản lý các yếu tố nguy cơ có khả năng gây bệnh, chẳng hạn như viêm khớp dạng thấp, viêm nội tâm mạc nhiễm trùng và hội chứng Marfan.
Nếu bạn bị viêm họng do liên cầu khuẩn, cũng cần điều trị triệt để. Bởi lẽ, viêm họng dai dẳng có thể dẫn đến sốt thấp khớp, thấp tim – một nguyên nhân của tình trạng này.
Ngoài ra, cần trao đổi với bác sĩ trước khi bạn dùng bất kỳ loại thuốc mới nào. Một số loại thuốc có thể làm tăng nguy cơ hở van 3 lá.
Điều trị bệnh hở van ba lá như thế nào
Có những trường hợp hở van 3 lá không cần điều trị (hở van mức độ nhẹ). Thay vào đó, bạn cần kiểm tra sức khỏe tim mạch thường xuyên để đảm bảo bệnh không tiến triển nặng thêm. Đối với những người có các triệu chứng nặng, bác sĩ sẽ chỉ định điều trị bằng thuốc hoặc phẫu thuật. Việc áp dụng phương pháp điều trị nào sẽ phụ thuộc vào nguyên nhân và mức độ hở.
Một số loại thuốc đặc trị mà bác sĩ kê đơn cho bệnh nhân hở van 3 lá là:
- Thuốc lợi tiểu
- Thuốc chống loạn nhịp tim
- Thuốc trợ tim
- Thuốc ức chế men chuyển angiotensin
- Thuốc chống đông máu
Nếu sau một thời gian uống thuốc, bệnh không cải thiện và có chiều hướng xấu đi, bác sĩ sẽ cân nhắc một trong các phương pháp phẫu thuật sau:
Sửa van tim
Bác sĩ sẽ tiến hành sửa van tim bằng cách sửa các lá van, khâu nhỏ vòng van lại để chúng có thể đóng kín, ngăn máu chảy ngược trở lại.
Thay van tim
Van bị hỏng sẽ bị loại bỏ và thay thế bằng van cơ học hoặc van sinh học (làm từ mô tim của bò, lợn hoặc người). Van cơ học có ưu điểm không bị thoái hóa nhưng dễ hình thành cục máu đông gây tắc mạch. Do đó, người bệnh cần uống thuốc chống đông máu suốt đời nhằm ngăn ngừa hình thành cục máu đông. Trong khi đó, van sinh học dễ bị thoái hóa theo thời gian, tức tuổi thọ của van ngắn hơn, bù lại ít có nguy cơ hình thành cục máu đông.
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.