Ngành bán lẻ dược phẩm đối mặt nguy cơ trong đợt dịch thứ 4
Các doanh nghiệp bán lẻ hàng hoá thiết yếu như thực phẩm, dược phẩm… đều đang “căng mình” cung ứng hàng hoá, bình ổn thị trường dù phải đối mặt với hàng loạt khó khăn và thách thức lớn khi dịch bệnh bùng phát.
Làn sóng dịch Covid lần thứ 4 bắt đầu từ đầu tháng 5 đến nay có thể coi là đợt dịch có diễn biến phức tạp nhất, ảnh hưởng mạnh mẽ nhất đến đời sống cũng như các hoạt động kinh tế – xã hội trên quy mô toàn quốc.
Trước tình hình doanh nghiệp bán lẻ các hàng hoá thiết yếu, nhất là ngành bán lẻ dược phẩm đứng trước những nguy cơ lây nhiễm cao trong đợt dịch này, chúng tôi đã có buổi phỏng vấn ông Nguyễn Quang Vinh – Tổng Thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Phó Chủ tịch điều hành Hội đồng DN Vì sự phát triển bền vững Việt Nam (VBCSD-VCCI) chia sẻ về vấn đề này.
Ông Nguyễn Quang Vinh – Tổng Thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Phó Chủ tịch điều hành Hội đồng DN Vì sự phát triển bền vững Việt Nam (VBCSD-VCCI) Để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh ra cộng đồng, nhiều đơn vị đã kiến nghị nên đưa doanh nghiệp bán lẻ vào danh sách ưu tiên vaccine trong đợt này.
Theo ông, điều này có hợp lý không? Liệu vaccine có thực sự là giải pháp an toàn và tối ưu nhất?
Tôi nghĩ đây cũng là một kiến nghị hợp lý, nhằm đảm bảo duy trì ổn định tốt nhất sinh hoạt thường ngày của người dân cũng như hoạt động kinh doanh của ngành bán lẻ. Với vai trò là ngành kết nối giữa sản xuất với tiêu dùng, sự vận hành của hệ thống bán lẻ có ý nghĩa quan trọng đối với các ngành sản xuất hàng hóa phục vụ tiêu dùng cả ở góc độ sản phẩm đầu ra, các yếu tố đầu vào và tỷ suất lợi nhuận. Nếu như khâu trung gian là bán lẻ bị “đánh gục” trong làn sóng đại dịch thì hàng hóa cũng sẽ bị tồn đọng, không đạt được mục tiêu ổn định tăng trưởng kinh tế – xã hội.
Theo ông, những giải pháp nào là giải pháp ưu tiên nhằm đảm bảo an toàn và sức khỏe cho đội ngũ CBNV ngành y tế nói chung và dược sĩ nói riêng?
Trước hết, tất cả người dân cần tuân thủ chặt chẽ khuyến cáo “5K” chung sống an toàn với dịch bệnh của Bộ Y tế. Điều này sẽ giúp ích đáng kể cho việc giảm bớt áp lực lên hệ thống y tế, cán bộ nhân viên ngành y tế. Đối với 57.000 nhà thuốc tư nhân trên cả nước hiện nay, các dược sĩ cũng cần được trang bị đầy đủ kiến thức và cập nhật các quy trình phòng, chống dịch, ứng phó với các tình huống cụ thể có thể xảy ra trong quá trình làm việc, như tiếp xúc với các ca nghi nhiễm, tư vấn cho người dân đến mua thuốc để phân loại tình trạng bệnh phù hợp, thực hiện các thủ tục khai báo y tế tại điểm bán hàng, v.v.
Đối với các chuỗi bán lẻ dược lớn hiện nay, đơn cử như Pharmacity, là chuỗi nhà thuốc lớn bậc nhất Việt Nam với gần 600 nhà thuốc tại các tỉnh thành, tôi tin rằng Pharmacity có năng lực tốt để hỗ trợ hiệu quả cho hơn 4.000 nhân viên của mình. Tôi cũng đề xuất Pharmacity chung tay cùng các đối tác trong ngành để nâng cao năng lực, cập nhật thông tin cho các nhà thuốc tư nhân khác.
Đội ngũ dược sĩ tại các chuỗi nhà thuốc Pharmacity vẫn duy trì hoạt động tư vấn sức khỏe và bán dược phẩm trong mùa dịch
Theo ông thì những rào cản nào khiến đội ngũ dược sĩ vẫn chưa tiếp cận được nguồn vaccine? Ông có đề xuất gì để nhanh chóng tháo gỡ những rào cản đang gặp phải của doanh nghiệp bán lẻ dược phẩm khi tiếp cận nguồn vaccine?
Rào cản lớn nhất hiện nay có lẽ là chúng ta chưa có đủ nguồn, số lượng vắc xin nhập về để đáp ứng nhu cầu trong nước. Vaccine về Việt Nam chưa nhiều không phải vì chúng ta thiếu tiền, hay phải chờ xã hội hoá mà bởi vì nguồn cung khan hiếm. Đây không chỉ là câu chuyện của riêng Việt Nam, mà của rất nhiều quốc gia khác trên thế giới.
Chính phủ đã thành lập Quỹ Vắc xin Covid-19 với sự chung tay của rất nhiều tổ chức, doanh nghiệp, giúp mở ra thêm nhiều cơ hội để đẩy nhanh quá trình mang vắc xin về Việt Nam. Theo nguyên tắc tiếp cận công bằng vaccine của Liên hiệp quốc, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 21/NQ-CP đã quy định một số đối tượng ưu tiên tiêm vaccine là những người làm việc trong các cơ sở ý tế và trong các lĩnh vực dịch vụ thiết yếu như vận tải, hàng không, điện lực, du lịch.
Ngoài ra, các cơ sở y tế và đơn vị bán lẻ dược phẩm giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong cuộc chiến ngay trước mắt và dài kì phòng, chống dịch Covid-19. Vì thế, dược sĩ cũng cần được coi là đối tượng ưu tiên trên mặt trận tuyến đầu như những người làm việc trong các cơ sở y tế hay những dịch vụ thiết yếu khác.
Chủ trương của Chính phủ là tất cả những doanh nghiệp có khả năng tiếp cận nguồn vaccine nhập khẩu đều được hướng dẫn, tạo điều kiện tối đa để có vaccine sớm nhất. Do vậy các doanh nghiệp bán lẻ dược phẩm cần chủ động tiếp cận nhiều nguồn cung cấp vaccine bổ sung nguồn vaccine cho cộng đồng nói riêng và đối tượng dược sĩ nói riêng. Xin cảm ơn ông!