2 triệu liều vaccine Moderna Mỹ tặng đã về đến Việt Nam
4h30 sáng nay, 2 triệu liều vắc xin Moderna Mỹ tặng đã đáp xuống sân bay Nội Bài. Đây là một phần trong 80 triệu liều vaccine phòng COVID-19 do Tổng thống Joe Biden cam kết hỗ trợ thế giới và là những liều vaccine đầu tiên được gửi đến Đông Nam Á.
Tháng 6/2021, Mỹ tuyên bố sẽ tặng 80 triệu liều vắc xin ngừa COVID-19 cho nhiều nước trên thế giới, trong đó 75% số vắc xin sẽ được chia sẻ thông qua COVAX. Chương trình này là sáng kiến nhằm tăng cường bình đẳng trong tiếp cận vắc xin ngừa COVID-19, có 92 quốc gia/vùng lãnh thổ tham gia. Hồi đầu tháng 6, Việt Nam đã đóng góp 500.000 USD cho Chương trình COVAX, thể hiện đánh giá cao hiệu quả phòng chống đại dịch của sáng kiến toàn cầu này, theo bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long. Qua đó, COVAX đã cam kết sẽ cung cấp cho Việt Nam 4,1 triệu liều vắc xin ngừa COVID-19. Theo tổ chức UNICEF, Việt Nam đã thành công trong việc ứng phó với đại dịch COVID-19 kể từ năm 2020. Tuy nhiên, do nguồn cung vắc xin hạn chế trên toàn cầu, tỉ lệ tiêm chủng ở Việt Nam còn ở mức thấp. Cho đến nay, chỉ khoảng 4% dân số đã được tiêm vắc xin trong khi số ca lây nhiễm đang tăng mạnh trong một vài tuần gần đây. Đến nay, Việt Nam đã tiếp nhận 4 loại vắc xin, bao gồm gần 4,4 triệu liều AstraZeneca từ Chương trình COVAX và nguồn mua; cùng với đó là 1,4 triệu liều do Chính phủ Nhật Bản trao tặng; 2.000 liều vắc xin Sputnik V do Chính phủ Nga trao tặng, 500.000 liều Vero-Cell của Sinopharm do Chính phủ Trung Quốc viện trợ và vào ngày 7/7 vừa qua, lô vắc xin Pfizer đầu tiên đã về Việt Nam với số lượng gần 100.000 liều. Sáng nay ngày 10/7, 2 triệu liều vắc xin Moderna từ Chương trình COVAX đã đến Việt Nam. Vắc xin của hãng Moderna sử dụng công nghệ mRNA giống với Pfizer, được tổ chức WHO phê duyệt ngày 30/4. Vaccine này có hiệu quả phòng bệnh 90%. Theo nghiên cứu của các nhà khoa học Mỹ, vaccine Moderna có hiệu quả cao với biến thể Delta, nguồn gốc Ấn Độ. Với chiến dịch tiêm chủng vừa qua tại TP. HCM, hơn 800.000 người đã tiếp cận mũi vắc xin AstraZeneca đầu tiên. Câu hỏi đặt ra là với những người đã tiêm mũi đầu là vắc xin AstraZeneca, có thể tiêm mũi thứ hai là loại vắc xin khác như Moderna hay không? Liên minh toàn cầu về vắc xin và tiêm chủng (GAVI), Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đang xem xét đồng thuận về việc chuyển đổi giữa các loại vắc xin khác nhau trong một liệu trình tiêm chủng vắc xin COVID-19: đó không chỉ là sử dụng vắc xin do hai hãng khác nhau sản xuất, mà còn là phối hợp hai cách kích hoạt phản ứng miễn dịch khác nhau do công nghệ bào chế vắc xin khác nhau vì vậy có thể đạt hiệu lực bảo vệ tốt hơn đồng thời tăng khả năng chống lại các biến thể của virus SARS-CoV-2. Đến tháng 6 năm 2021, các nghiên cứu và khuyến nghị từ Uỷ ban Tiêm chủng Quốc gia của Canada và một số quốc gia Châu Âu (Tây Ban Nha, Đức, Anh…): những người đã tiêm vắc xin AstraZeneca liều đầu tiên có thể tiêm được vắc xin vắc xin mRNA (Pfizer, Moderna) cho liều thứ hai, trừ khi có chống chỉ định. Khoảng cách thời gian tối thiểu giữa 2 liều vắc xin là 4 tuần. Tuy nhiên theo các nghiên cứu khi phối hợp giữa 2 vắc xin COVID-19 với nhau, khoảng thời gian giữa 2 liều vắc xin càng cách xa nhau (8 tuần hoặc 12 tuần) dường như sẽ giảm được các phản ứng phụ thường gặp sau tiêm chủng nhiều hơn khoảng thời gian ngắn (4 tuần). Như vậy, có thể tiêm mũi thứ hai vắc xin Moderna với những người đã tiêm mũi đầu AstraZeneca trước đó. Dựa vào tiềm lực hiện có và tình hình dịch bệnh, Bộ Y tế và các Sở Y tế địa phương sẽ triển khai kế hoạch tiêm chủng sao cho phù hợp, hiệu quả và nhanh chóng khống chế được dịch bệnh.