Ai là đối tượng dễ mắc bệnh trĩ nhất?
Cổ nhân có câu: “Thập nhân cửu trĩ” với hàm ý bệnh trĩ là bệnh rất phổ biến trong cộng đồng. Tại Việt Nam hiện nay, tỉ lệ người mắc bệnh trĩ là khá cao và ngày càng trẻ hóa. Chúng ta hãy tìm hiểu về những đối tượng có nguy cơ mắc bệnh trĩ và cách phòng tránh bệnh qua bài viết này.
Bệnh trĩ là gì? Nguyên nhân và triệu chứng thường gặp
Bệnh trĩ là gì?
Trĩ là những cấu trúc bình thường ở ống hậu môn. Bệnh trĩ là do những cấu trúc này bị chuyển đổi sang trạng thái bệnh lý do yếu tố cơ học làm giãn, lỏng lẻo hệ thống nâng đỡ gây sa búi trĩ và yếu tố mạch máu làm giãn mạch gây chảy máu. Trĩ là bệnh rất phổ biến, chiếm tỉ lệ khoảng 50-60% các bệnh lý vùng hậu môn trực tràng (trĩ, nứt kẽ hậu môn, rò, sa trực tràng,…).
Nguyên nhân gây ra bệnh trĩ
Nguyên nhân chính xác gây nên bệnh hiện nay chưa được xác định rõ và thường được phát triển ở những bệnh nhân có các yếu tố thuận lợi làm tăng áp lực trong trực tràng gây chèn ép vào hệ thống tĩnh mạch vùng hậu môn, làm cản trở máu tĩnh mạch trở về. Do đó, máu tĩnh mạch đọng lại và tĩnh mạch giãn ra tạo thành búi trĩ. Búi trĩ này sẽ to dần lên và thò ra ngoài nếu những yếu tố này tiếp diễn. Các yếu tố thuận lợi bao gồm:
- Tuổi tác
- Táo bón mãn tính hoặc tiêu chảy
- Thời kỳ mang thai
- Di truyền
- Đại tiện khó khăn, phải rặn nhiều
- Chức năng đường ruột kém, thường xuyên phải dùng thuốc nhuận tràng, thụt hậu môn
- Ngồi đại tiện quá lâu trong nhà vệ sinh (đọc sách báo,…)
- Quan hệ tình dục qua đường hậu môn
Bệnh trĩ do táo bón mãn tính
Triệu chứng thường gặp
Những triệu chứng rõ rệt ở trĩ là chảy máu và sa búi trĩ:
- Chảy máu là triệu chứng có sớm nhất và thường gặp nhất. Người bệnh sẽ phát hiện khi nhìn thấy máu ở giấy chùi vệ sinh hoặc thấy vài tia máu nhỏ dính vào thỏi phân rắn.
- Sa búi trĩ thường xảy ra muộn hơn sau một thời gian đi cầu có chảy máu. Sau mỗi khi đại tiện thấy có khối nhỏ lồi ra ở hậu môn, lúc đầu nó tự tụt vào được, về sau càng to dần phải dùng tay nhét vào.
- Có thể có kèm theo các triệu chứng khác như đau rát khi đi cầu, ngứa, chảy dịch quanh lỗ hậu môn.
Bệnh trĩ là nỗi ám ảnh của nhiều người bệnh
Những ai dễ mắc bệnh trĩ?
Từ nguyên nhân gây bệnh, ta có thể xác định các đối tượng có nguy cơ bị trĩ cao như sau:
Phụ nữ có thai, đặc biệt là trong 3 tháng cuối thai kỳ và sau khi sinh.
Phụ nữ mang thai và cho con bú càng dễ bị trĩ và táo bón, vì ngoài những nguyên nhân thông thường gây ra táo bón và trĩ như thói quen ăn uống thiếu chất xơ, uống ít nước, ít vận động,…. Phụ nữ mang thai và cho con bú còn phải chịu thêm những nguyên do khác, mà nhiều khi là “bất khả kháng”: Khi có thai, áp lực bụng tăng cao, nhất là ở thời kỳ cuối. Sự chèn ép của tử cung lên tĩnh mạch ngày càng cao, ảnh hưởng đến sự hồi lưu của máu, làm cho chùm tĩnh mạch trĩ bị xung huyết, mở rộng ra. Hậu quả là tình trạng bí đại tiện tăng thêm, đoạn cuối trực tràng và hậu môn bị nứt, khiến thai phụ dễ mắc bệnh trĩ. Táo bón trong lúc mang thai là bệnh thường gặp, do phải bổ sung canxi và sắt, đây cũng là nguyên nhân làm gia tăng bệnh trĩ. Ngoài ra, khi sinh đẻ tự nhiên, động tác rặn đưa thai ra ngoài sẽ vô tình gây tăng áp lực tĩnh mạch trĩ quá mức cũng làm nặng thêm bệnh trĩ.
Phụ nữ có thai thường có nguy cơ mắc bệnh trĩ cao
Người bị táo bón lâu ngày và thường xuyên
Táo bón là tình trạng đại tiện phân khô cứng, buồn đi vệ sinh mà không đi được. Khi bị táo bón, mỗi lần đi vệ sinh phải rặn nhiều, áp lực dồn xuống vùng hậu môn – trực tràng khiến chúng bị giãn nở quá mức và bị cọ xát mạnh. Vì vậy, táo bón kéo dài sẽ dẫn đến tình trạng tĩnh mạch vùng này bị mất trương lực, dễ chảy máu nếu bị cọ xát mạnh vào thành hậu môn.
Người lao động nặng nhọc
Những người lao động nặng nhọc như mang vác, đội vật nặng lên đầu, lên vai (công nhân bốc vác, công nhân xây dựng,…) làm cho áp lực trong ổ bụng trong đó có áp lực tĩnh mạch trực tràng hậu môn tăng lên một cách đáng kể trong nhiều tháng, thậm chí nhiều năm làm các mạch này bị chùng dãn, gây ra trĩ.
Người làm việc phải ngồi nhiều
Những người làm nghề nhân viên văn phòng, lái xe đường dài thường ngồi lâu một chỗ làm ảnh hưởng xấu đến việc lưu thông máu đến hậu môn, tăng áp lực tĩnh mạch vùng này nên dễ gây ra trĩ. Đồng thời, đặc điểm công việc khiến họ cũng thường nhịn đi đại tiện vì không có thời gian hay điều kiện lái xe đường dài không cho phép đã làm mất dần phản xạ đại tiện, ảnh hưởng đến nhịp độ và tần suất của đại tiện, gây táo bón thường xuyên và dẫn đến trĩ.
Người phải ngồi nhiều có nguy cơ mắc bệnh trĩ cao
Người có thói quen ăn uống thiếu chất xơ, nhiều đồ cay nóng như rượu, bia, ớt, hạt tiêu,…
Những thực phẩm cay, nóng, ít chất xơ dễ gây táo bón và giãn phình tĩnh mạch trĩ, dẫn tới bệnh trĩ.
Người thừa cân, béo phì
Cân nặng tăng cao dẫn đến gia tăng áp lực tĩnh mạch trực tràng, là yếu tố gây nên bệnh trĩ.
Người cao tuổi
Là đối tượng thường có sức đề kháng giảm, hạn chế trong việc đi lại dẫn đến khả năng cao mắc bệnh trĩ. Đồng thời, tỷ lệ bệnh trĩ cũng gia tăng theo độ tuổi do cấu trúc mô nâng đỡ các tĩnh mạch ở trực tràng và hậu môn bị trở nên lỏng lẻo và nhão dần.
Người có thói quen sinh hoạt không lành mạnh
Một số thói quen như đọc sách, báo, xem điện thoại khi đang đi cầu, giao hợp qua đường hậu môn,… sẽ làm tăng áp lực lên vùng hậu môn hoặc tổn thương trực tràng, từ đó dẫn đến bệnh trĩ.
Người bị một số bệnh mạn tính
Một số bệnh mãn tính như xơ gan, tăng huyết áp,… gây tăng áp lực tĩnh mạch cửa là yếu tố nguy cơ gây bệnh trĩ.
Những cách phòng tránh bệnh trĩ hiệu quả tại nhà
- Không để táo bón kéo dài, nhất là phụ nữ mang thai.
- Không nên ngồi quá lâu một chỗ: mỗi 30 phút một lần hãy đi lại một chút nhằm giúp máu lưu thông tốt hơn, đồng thời giảm áp lực cho vùng hậu môn, hạn chế hình thành búi trĩ.
- Tập thói quen đi đại tiện vào một thời gian cố định trong ngày: giúp cân bằng chức năng của hệ tiêu hóa ngăn ngừa táo bón. Cần đi đại tiện ngay khi có nhu cầu, không nên nhịn và không dùng lực mạnh khi đi.
- Vệ sinh vùng hậu môn sạch sẽ: Sau khi đi vệ sinh cần sử dụng các loại khăn giấy mềm để lau, tránh cọ xát gây xước vùng quanh hậu môn, tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập và gây ra bệnh trĩ.
- Không mặc quần quá chật.
- Luyện tập thể dục đều đặn: nhằm tránh áp lực dồn nén vùng hậu môn, máu lưu thông tốt, trung bình mỗi ngày cần vận động ít nhất 30 phút: đơn giản là đi bộ nhẹ nhàng hoặc tham gia vào các hoạt động khác như cầu lông, bóng đá, bóng chuyền, bơi lội,…
- Thay đổi thói quen ăn uống: Chế độ ăn không lành mạnh sẽ dễ dẫn đến táo bón hoặc tiêu chảy. Chính vì vậy cần có thói quen ăn uống khoa học và hợp lý bằng việc:
- Uống đủ nước theo trọng lượng cơ thể mỗi người: trung bình 2 – 2,5 lít nước, nếu có thể hãy bổ sung thêm sinh tốt hoa quả.
- Bổ sung nhiều chất xơ: mỗi ngày nên dung nạp từ 25 – 30g các loại thực phẩm giàu chất xơ như các loại đậu, củ cải, khoai lang, bí đỏ, súp lơ, các loại rau xanh và trái cây như cam, chuối, bơ, táo, thanh long…
- Hạn chế các loại đồ ăn khó tiêu, cay nóng, nhiều dầu mỡ.
- Hạn chế các loại đồ uống chứa chất kích thích như rượu bia, đồ uống có gas,…
Luyện tập thể dục thường xuyên giúp phòng tránh bệnh trĩ
Khi đã nắm được nguyên nhân gây ra bệnh trĩ cũng như cách phòng tránh, mỗi người có thể chủ động phòng tránh, kiểm soát được bệnh trĩ. Do đó, ngay từ bây giờ, chúng ta hãy tạo cho mình thói quen sinh hoạt điều độ, chế độ ăn lành mạnh, khoa học kết hợp với vận động thường xuyên.