Công dụng tuyệt vời của nấm mối đối với sức khỏe
Bạn đang muốn tìm kiếm một loại thực phẩm vừa ngon miệng lại vừa tốt cho sức khỏe? Nấm mối sẽ là lựa chọn hoàn hảo. Với hàm lượng dinh dưỡng cao cùng với nhiều công dụng tuyệt vời, nấm mối không chỉ làm phong phú thêm thực đơn hàng ngày mà còn giúp tăng cường sức khỏe và ngăn ngừa bệnh tật.
Tổng quan về nấm mối
Nấm mối sinh trưởng nhờ vào một loại men do mối tiết ra. Đó là lý do vì sao người ta thường tìm thấy nhiều nấm mối tại nơi có nhiều mối đất sinh sống. Điều đặc biệt là nấm mối chỉ xuất hiện một lần trong năm và kéo dài trong suốt một tháng. Bạn thường sẽ thấy nấm mối được rao bán khi xuất hiện những cơn mưa đầu mùa và kéo dài đến đầu tháng 6 âm lịch.
Trải qua nhiều giai đoạn sinh trưởng, nấm mối vào mỗi giai đoạn sẽ có hình dáng khác nhau:
- Giai đoạn “nấm thâm kim” là khi chúng hút chất dinh dưỡng có trong tổ nấm để lớn dần, sau đó rẽ đất mọc lên
- Nấm còn non và chưa thể thu hoạch được gọi là “nấm nứt đất”.
- Vài ngày sau, nấm sẽ phát triển thành “nấm búp”, chúng có hình dạng như cây dù.
- Khi nấm phát triển hơn, tán xòe ngang gọi là “nấm mỡ” hay gọi là “nấm tán dù”.
- Khi nấm héo và hư dần gọi là “nấm tàn”. Không nên ăn nấm mối giai đoạn này.
- Nấm mối gồm hai loại chính, nấm mối trắng tự nhiên và nấm mối đen. Mặc dù cả hai đều ngon, có giá trị dinh dưỡng cao nhưng hương vị, màu sắc và thành phần hóa học lẫn hàm lượng dinh dưỡng của mỗi loại sẽ khác nhau.
Thành phần dinh dưỡng có trong nấm mối
Các thành phần trong nấm mối đều có hoạt tính sinh học cao và giàu chất dinh dưỡng. Cụ thể:
Trong 100 gam trọng lượng nấm khô chứa:
- 15,1 – 19,1 gam Protein
- 43,7 – 57,4% Carbohydrate
- 17,5 – 24,7% chất xơ
- 2,5 – 5,4% axit béo không bão hòa đa cao
- 2,4 gam khoáng chất thiết yếu như vitamin D, canxi, photpho
Cách nhận biết nấm mối
Trên thực tế các loại nấm ăn được tự nhiên có nhiều đặc điểm khá giống nhau và dễ gây nhầm lẫn. Để có thể nhận diện được đâu là nấm mối có thể dựa vào một số yếu tố sau:
- Màu sắc: Gốc nấm thường có màu hơi ngả vàng chứ không trắng tinh. Thân nấm màu trắng và mũ nấm có màu trắng đến xám nhạt.
- Hình dạng: Thân nấm có hình trụ trên phình, dưới nhỏ. Cây nấm mối trưởng thành có thể cao khoảng 3 – 10 cm. Mũ nấm thường sẽ có hình tròn, mặt trên phẳng và có bề mặt mịn.
- Vùng mọc nấm: Nấm mối tự nhiên thường mọc trên tổ mối hoặc ở trong môi trường ẩm ướt như vùng đất ẩm hoặc cây gỗ mục.
Công dụng tuyệt vời của nấm mối đối với sức khỏe
Với hàm lượng protein cao, giàu vitamin và khoáng chất, nấm mối mang đến nhiều lợi ích tuyệt vời cho sức khỏe. Cùng khám phá những công dụng thần kỳ của loại nấm này nhé!
Tăng cường sức đề kháng
Nấm mối có tác dụng gì? Nấm mối có đặc tính kháng khuẩn tốt và có thể dùng trong ngành dược phẩm. Hoạt tính kháng khuẩn có trong nấm mối cũng có khả năng chống lại các vi sinh vật gây bệnh khác nhau. Hơn nữa, nấm còn giàu dinh dưỡng, giúp tăng cường hệ miễn dịch cơ thể.
Ngăn ngừa nếp nhăn
Trong thành phần của nấm mối có chứa nhiều các hoạt chất chống oxy hóa. Nhờ các tác động ngăn chặn gốc tự do của các thành phần này giúp giảm thiểu quá trình phân giải collagen. Nhờ đó, giúp cho làn da luôn trẻ khỏe và ít nếp nhăn hơn.
Giúp xương chắc khỏe
Nấm mối có tác dụng gì? Nấm mối không chỉ là nguồn thực phẩm dồi dào protein, khoáng chất mà còn chứa nhiều sắt, canxi. Thực phẩm này có lợi đối với những người gặp các vấn đề xương khớp như người già, người ốm và người bị đau nhức xương khớp.
Ngăn ngừa ung thư
Một trong những công dụng của nấm mối đó là có khả năng gây ức chế sự phát triển của khối u và các loại virus gây hại. Hơn thế nữa, nấm mối có thể góp phần giúp giảm thiểu khả năng phát triển khối u cũng như kéo dài thời gian di căn cho bệnh nhân có thời gian để có thể chống chọi với bệnh.
Điều hoà kinh nguyệt cho phụ nữ
Nhờ mang nhiều giá trị dinh dưỡng nên từ xa xưa, loại nấm này được dùng để chế biến món ăn giúp tăng cường sức khỏe, làm đẹp da và điều hòa kinh nguyệt ở phụ nữ.
Một số công thức chế biến nấm mối thơm ngon tại nhà
Nấm mối xào mướp
Nguyên liệu:
- 200 gam nấm mối
- Một trái mướp
- Một ít hành ngò
- Gia vị: Đường, muối, nước mắm, tiêu,…
Cách chế biến như sau
Cạo vỏ ngoài của nấm mối, đem rửa sạch nấm rồi để ráo.
Mướp gọt bỏ vỏ và rửa sạch, cắt miếng vừa ăn, hành ngò đem cắt từng khúc khoảng 2 – 3cm.
Bắt chảo lên bếp, cho một ít dầu ăn rồi phi hành tỏi đến khi thơm, cho nấm vào xào với lửa lớn, nêm thêm gia vị vừa ăn. Tiếp theo, cho mướp vào xào cùng, sau đó nêm lại lần nữa cho vừa ăn. Nấu thêm khoảng 3 – 5 phút thì tắt bếp, cho hành ngò và tiêu vào là có thể thưởng thức.
Cháo nấm mối nấu tôm
Nguyên liệu cần chuẩn bị:
- Nấm mối: 2 lạng
- 100g gạo
- 30gr tôm tươi băm nhỏ
- Nước mắm, muối, hạt nêm, hành lá, hành tím.
Cách thực hiện như sau:
Rửa sạch nấm, vo sạch gạo tẻ rồi để ráo, đem rang sao cho hạt gạo khô và vàng đều.
Cho nước sôi vào gạo đã rang và để hầm thành cháo.
Phi hành tím cho đến khi vàng thơm rồi cho nấm mối vào xào.
Cho tôm đã băm vào xào chung với nấm.
Cuối cùng cho vào nồi cháo nấu nhừ, nêm nếm gia vị vừa ăn sau đó tắt bếp.
Nấm mối nấu canh rau
Nguyên liệu cần chuẩn bị:
- Một bó rau lang
- 100 gam nấm mối
- Một thìa cà phê hạt nêm
- Gia vị: Đường, muối, nước mắm, tiêu,…
Cách chế biến như sau:
Nấm mối cắt gọn sạch sẽ, ngâm với nước muối loãng rồi vớt ra để ráo.
Rửa sạch rau lang, thái khúc khoảng 3cm.
Đun sôi nước với lượng nước vừa đủ ăn, nêm một ít bột nêm rồi cho rau lang đã thái khúc cùng nấm vào, nêm gia vị vừa ăn. Khi nồi sôi khoảng 5 phút thì tắt bếp sau đó cho canh ra tô và thưởng thức.
Với hàm lượng dinh dưỡng cao và nhiều công dụng tuyệt vời, nấm mối không chỉ là một món ăn đặc sản mà còn là một loại thực phẩm chức năng tự nhiên. Hãy đưa nấm mối vào thực đơn hàng ngày để tăng cường sức khỏe và tận hưởng cuộc sống trọn vẹn.