Chấn thương sọ não kín là gì? Nguyên nhân và biểu hiện thường gặp
Trong các dạng chấn thương sọ não, tổn thương kín phía trong hộp sọ phổ biến và gây tử vong nhiều hơn tổn thương hở. Bởi chấn thương sọ não kín thường không có biểu hiện rõ ràng và rất khó phát hiện. Cùng tìm hiểu thông tin về nguyên nhân, triệu chứng và cách phòng ngừa chấn thương sọ não kín qua bài viết dưới đây.
Chấn thương sọ não kín là gì ?
Chấn thương sọ não là gì?
Chấn thương sọ não là tình trạng bị vật cứng tác động mạnh vào đầu hoặc đầu va mạnh vào một vật thể cứng nào đó. Các vết thương xuyên qua sọ như vết thương do súng bắn hoặc vết thương không xuyên thấu như bị đập vào đầu trong một vụ tai nạn xe hơi,… thì đều có thể dẫn đến chấn thương sọ não.
Chấn thương sọ não kín là loại chấn thương mà hộp sọ không bị vỡ và màng cứng não còn nguyên vẹn. Về hình thức, chấn thương sọ não kín là những tổn thương bên trong khi não bị chèn ép, lún bên trong hộp sọ. Những tác động mạnh bên trong khiến mô não bị tổn thương, mạch máu bị bầm tím và có thể bị rách.
Chấn thương sọ não kín và chấn thương sọ não nhẹ chiếm đa số trong các ca chấn thương sọ não mỗi năm. Nếu ở mức độ nặng, chấn thương sọ não kín gây suy giảm thể chất, nhận thức và ảnh hưởng tâm lý suốt đời ở người bệnh.
Phân loại chấn thương sọ não kín
Các nhà khoa học đã phân chia chấn thương sọ não kín thành 2 loại để tiện cho việc chẩn đoán và điều trị. Cụ thể:
- Chấn thương sọ não không có tổn thương xương sọ
Các tổn thương mà bệnh nhân gặp phải trong nhóm này bao gồm:
- Dập não.
- Chấn động não.
- Đè ép não.
- Chấn thương sọ não có tổn thương xương hộp sọ
Bệnh nhân gặp phải những tổn thương làm nứt vỡ xương sọ. Từ đó khiến các tổn thương có thể nguy hiểm hơn như: dập não, xuất huyết não, tràn khí não, phù não,…
Đánh giá và phân loại chấn thương sọ não sẽ dựa trên triệu chứng bệnh học, thông tin chấn thương và các chẩn đoán hình ảnh như X-quang, CT hay cộng hưởng từ MRI.
Chấn thương sọ não kín chiếm đa số trong các ca chấn thương sọ não mỗi năm
Nguyên nhân gây chấn thương sọ não kín
Chấn thương sọ não kín là loại chấn thương không gây vỡ hộp sọ hay rách màng não. Với mức độ chấn thương, các chuyên gia đã nghiên cứu và chỉ ra những nguyên nhân chiếm số đông gây ra tổn thương này bao gồm:
- Té ngã: 35,2% các ca chấn thương não ở Hoa Kỳ là do té ngã, với tỷ lệ cao nhất ở độ tuổi người già > 75 tuổi và trẻ nhỏ từ 0-4 tuổi.
- Vụ nổ: Theo tổng kết các số ca của Hoa Kỳ, chấn thương sọ não kín thường liên quan đến vụ nổ. Những sự thay đổi áp suất, vật thể văng ra khỏi vụ nổ va vào người sẽ gây ra chấn thương.
- Chấn thương do thể thao: Gần 50% tổng số ca chấn thương được báo cáo mỗi năm đều liên quan đến hoạt động thể thao. Những chấn thương sọ não nhẹ do thể thao cũng dẫn đến các rối loạn tạm thời chức năng thường của não.
- Mạch máu bị vỡ: Khi tình trạng mạch máu bị vỡ gây ra tình trạng tụ máu nội sọ. Khối máu tụ gây áp lực lên não và nếu không được phát hiện điều trị sẽ gây nguy hiểm tính mạng.
- Đụng, dập chấn thương não: Những tác động đụng, chấn thương sẽ tạo vết bầm tím ở mô não.
- Tai nạn xe: Những tai nạn xe có thể gây chấn thương sợi trục lan tỏa – là chấn thương sọ não rất tàn khốc gây ra các tổn thương rải rác diện rộng trong não. Trường hợp nguy hiểm còn dẫn đến các tổn thương vĩnh viễn, hay có thể gây hôn mê hoặc trạng thái thực vật.
Té ngã là một trong những nguyên nhân gây chấn thương sọ não kín
Triệu chứng của chấn thương sọ não kín
Triệu chứng ở người lớn
Triệu chứng khi chấn thương sọ não kín nhẹ
Bệnh nhân có thể gặp phải những rối loạn như:
- Biểu hiện vật lý: Nhìn mờ, nhìn đôi, ù tai, chóng mặt và mất thăng bằng, đầu luôn có cảm giác lâng lâng, chóng mặt, mệt mỏi, suy nhược, không có năng lượng, đau đầu, buồn nôn hoặc nôn.
- Suy nghĩ và trí nhớ: Kém chú ý hay tập trung vào bất kể việc gì. Cảm thấy bản thân suy nghĩ chậm chạp, không rõ ràng, mất trí nhớ tạm thời hoặc dài lâu.
- Cảm xúc: Thường lo lắng, căng thẳng, bồn chồn, dễ xúc động hơn, khó chịu, dễ kích động và cáu gắt, buồn bã, trầm cảm.
- Rối loạn giấc ngủ: Ngủ ít hay nhiều hơn bình thường, khó đi vào giấc ngủ.
Lưu ý: Những dấu hiệu kể trên có thể xuất hiện ngay lập tức sau khi chấn thương. Tuy nhiên đôi khi phải tới vài giờ hoặc vài ngày sau đó. Có nhiều bệnh nhân không hề nhận thấy mình có triệu chứng chấn thương sọ não kín. Vì vậy, sự quan tâm để ý của người nhà rất quan trọng để phát hiện sớm và đưa bệnh nhân đi khám, điều trị.
Triệu chứng khi chấn thương sọ não kín nặng:
Trong một số trường hợp nguy hiểm, tổn thương khiến cho não bị chảy máu và tụ lại thành cục máu đông rải rác trên nhiều vùng não (tụ máu não). Chảy máu âm thầm lặng lẽ nhưng nguy cơ biến chứng lại đáng sợ hơn cả những người có biểu hiện sớm. Sau khi xảy ra chấn thương, bệnh nhân vẫn tỉnh táo bình thường. Sau đó mới rơi vào hôn mê hoặc xuất hiện dần những triệu chứng:
- Đau đầu ngày càng nặng và/hoặc dai dẳng liên tục
- Liên tục buồn nôn hoặc nôn
- Co giật liên tục tại một bộ phận hoặc toàn thân
- Không thể tỉnh dậy sau giấc ngủ
- Đồng tử giãn ở một hoặc cả hai bên mắt
- Nói lắp, khó nói hoặc ngọng, khó đọc hoặc viết hay tạo những câu có nghĩa, giảm khả năng tính toán con số
- Tay chân tê hoặc yếu, mất khả năng phối hợp vận động
- Khó nuốt
- Hay nhầm lẫn, tâm trạng bồn chồn hoặc kích động, hung hăng chửi bới, dễ dàng thất vọng, lo lắng, trầm cảm…
Triệu chứng ở trẻ em
Khi thấy trẻ bị va đập mạnh, cha mẹ cần để ý nếu như con xuất hiện các biểu hiện sau:
- Con bỏ bú hoặc bỏ ăn
- Thay đổi các thói quen ăn uống hay các động tác/ thói quen bình thường như thở, cử động tay chân…
- Dễ cáu gắt
- Khóc dai dẳng mà không làm cách nào để xoa dịu được
- Khả năng chú ý giảm
- Giấc ngủ bị thay đổi, có thể ngủ nhiều, ít hoặc không thức giấc
- Co giật một phần hoặc toàn bộ cơ thể
- Mất hứng thú với đồ chơi hay các hoạt động ưa thích
- Trẻ lớn hơn có thể bỏ ăn, kêu đau đầu hay xuất hiện các triệu chứng chấn thương sọ não kín tương tự như người lớn.
Đau đầu nặng và kéo dài có thể là triệu chứng của chấn thương sọ não kín
Cách phòng ngừa nguy cơ chấn thương sọ não kín
Những người có nguy cơ cao bị chấn thương sọ não có thể thực hiện các biện pháp phòng ngừa an toàn để giúp bảo vệ chính mình. Điều này bao gồm:
- Tập thể dục thường xuyên để duy trì và cải thiện sức mạnh và sự cân bằng.
- Đội mũ bảo hiểm đúng quy cách khi đi xe máy hoặc mang thiết bị bảo vệ đầu phù hợp với các môn thể thao tiếp xúc và các hoạt động giải trí, chẳng hạn như đi xe đạp, leo núi…
Đội mũ bảo hiểm là một cách phòng ngừa chấn thương sọ não
- Cải thiện sự an toàn trong nhà cho người cao tuổi bằng cách loại bỏ nền nhà trơn trượt và các vật liệu nguy hiểm khi ngã khác và lắp các thanh vịn.
- Làm cho ngôi nhà trở nên an toàn với trẻ em với cổng cầu thang, thanh chắn giường, tấm bảo vệ cửa sổ và neo đồ nội thất.
- Sử dụng dây an toàn, điều chỉnh tựa đầu đúng cách và sử dụng ghế ô tô đúng cách
Dù là chấn thương sọ não kín với vết thương nhẹ nhất, cũng cần được theo dõi thường xuyên để bảo vệ sức khỏe của bạn. Khi có những va đập ở vùng đầu – não và nghi ngờ chấn thương sọ não kín, tốt nhất nên đến thăm khám tại các cơ sở y tế uy tín để được chẩn đoán và điều trị.