Các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh võng mạc ở trẻ sinh non và cách chăm sóc trẻ khi mắc bệnh
Bệnh võng mạc trẻ sinh non (Retinopathy of Prematurity – ROP) là tình trạng bệnh lý xảy ra do sự phát triển bất thường của mạch máu võng mạc, thường gặp ở trẻ sinh non trước 33 tuần hoặc trẻ sơ sinh nhẹ cân (cân nặng nhẹ dưới 1,8kg). Đây là một trong những nguyên nhân gây mù loà hàng đầu ở trẻ nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Bệnh võng mạc có thể xuất hiện ở một hoặc cả hai mắt của trẻ.
Nguyên nhân gây bệnh võng mạc ở trẻ sinh non?
Võng mạc vốn là lớp trong cùng phía sau của mắt bắt đầu hình thành, phát triển vào tuần thứ 16 của thai kỳ. Đầu tiên, các mạch máu sẽ dần cấu thành, phát triển ở phía cạnh của võng mạc nhằm cung cấp các dưỡng chất và oxy cho mắt. Ở các tuần thai kỳ tiếp theo, hệ thống mạch máu này sẽ phát triển dần ra phía trước, phủ kín toàn bộ bề mặt của võng mạc, quá trình hoàn thiện sẽ kết thúc ở tuần thứ 35 của thai kỳ.
Ở những trẻ sinh non trước 33 tuần tuổi, quá trình phát triển của những mạch máu ở võng mạc sẽ bị gián đoạn. Các mạch máu lúc này vẫn chưa tiếp cận được hết với các cạnh của võng mạc. Sau khi con được sinh ra, nếu các mạch máu này vẫn tiếp tục phát triển bình thường thì trẻ sẽ không bị bệnh. Còn nếu các mạch máu này phát triển bất thường thì đó chính là bệnh võng mạc ở trẻ.
Bệnh võng mạc thường gặp ở trẻ sinh non hoặc trẻ sơ sinh nhẹ cân
Dấu hiệu bệnh võng mạc ở trẻ sinh non
Ở giai đoạn giai đoạn nhẹ thường không có dấu hiệu sẽ, khó quan sát và phát hiện được bằng mắt thường mà cần được chẩn đoán bằng các dụng cụ chuyên dụng để soi đáy mắt.
Ở giai đoạn nặng, quan sát mắt trẻ sinh non sẽ thấy một số dấu hiệu bất thường:
- Chuyển động bất thường ở mắt.
- Mắt bị lác.
- Đồng tử có màu trắng
Để biết bé có bị bệnh hay không, ba mẹ nên cho trẻ sinh non đi khám mắt lần đầu tiên sau sinh khoảng 3 – 4 tuần. Nên khám ngay khi bé còn nằm điều trị trong khoa sơ sinh hay cả khi đã xuất viện về nhà. Cần duy trì khám mắt định kỳ cho con 2 tuần một lần cho đến khi bé được 40- 42 tuần (tính từ ngày thụ thai) hoặc cho tới khi các mạch máu võng mạc phát triển đầy đủ.
Cần cho trẻ sinh non khám mắt ngay sau khi sinh để phát hiện sớm bệnh võng mạc
Biến chứng của bệnh võng mạc ở trẻ sinh non
Đa phần các trường hợp mắc bệnh võng mạc ở trẻ sinh non đều ở thể nhẹ, tuy nhiên bố mẹ cần đưa con đi khám mắt định kỳ, theo dõi tình trạng thường xuyên để hạn chế tối đa biến chứng ảnh hưởng đến thị lực của con. Bệnh võng mạc ở trẻ sinh non nếu thuộc thể nặng, không được phát hiện và điều trị sớm có thể khiến trẻ bị mất thị giác lúc nhỏ, hậu quả cuối cùng có thể là gây mù lòa vĩnh viễn. Hiện tại bệnh võng mạc ở trẻ sinh non được nhận định là một trong những nguyên nhân gây mù loà hàng đầu ở trẻ. Một vài biến chứng khác có thể xảy ra như: cận thị, lác mắt, nhược thị, tăng nhãn áp.
Bệnh võng mạc ở trẻ sinh non có thể gây mù lòa nếu không được chữa trị kịp thời
Chăm sóc trẻ sinh non mắc bệnh võng mạc như thế nào?
Với bệnh võng mạc ở trẻ sinh non, tuỳ giai đoạn bệnh, bác sĩ sẽ chỉ định phương án điều trị khác nhau. Cụ thể:
- Laser hoặc phẫu đông lạnh: được chỉ định điều trị trên trẻ sơ sinh bị bệnh võng mạc ở giai đoạn tiến triển. Bằng cách phá huỷ ngoại vi võng mạc, nơi các mạch máu phát triển không bình. Từ đó phá huỷ các khu vực ngoại vi của võng mạc, làm chậm lại hoặc đảo ngược quá trình phát triển bất thường của các mạch máu võng mạc.
- Tiêm thuốc: Các bác sĩ tiêm thuốc kháng VEGF vào mắt của bé. Những thuốc này hoạt động bằng cách ngăn chặn sự phát triển của mạch máu.
- Phẫu thuật khóa củng mạc: được chỉ định điều trị ở giai đoạn nặng.
- Phẫu thuật dịch kính võng mạc: được chỉ định áp dụng ở giai đoạn bệnh tiến triển nặng nhất.
Cần lưu ý những điều sau để chăm sóc tốt cho trẻ khi bị bệnh võng mạc:
- Cần tái khám đúng lịch theo chỉ định của bác sĩ, kể cả bệnh ở giai đoạn nhẹ để đánh giá lại sự tiến triển của bệnh đã dừng lại chưa hay còn tiếp tục.
- Tuân thủ các nguyên tắc vệ sinh nhằm ngăn ngừa nhiễm trùng
- Nên cho trẻ bú sữa mẹ
- Điều hòa thân nhiệt ổn định trong nôi hoặc lồng ấp
- Giữ ấm trẻ bằng phương pháp Kangaroo – đặt trẻ nằm trên ngực mẹ hoặc bố, tiếp xúc da kề da
- Kiểm soát những cơn đau và khó chịu cho bé
- Cung cấp khí oxy trợ thở và theo dõi liều lượng một cách cẩn thận
Tóm lại, bệnh võng mạc ở trẻ sinh non là căn bệnh có thể ảnh hưởng đến cuộc sống và tương lai của trẻ sau này. Do đó, ba mẹ cần chăm sóc sức khỏe bản thân thật tốt trước và trong thai kỳ, hạn chế nguy cơ sinh non, tiêm phòng đầy đủ những loại vắc xin cần thiết trước mang thai để không chỉ bảo vệ trẻ trước bệnh võng mạc, mà còn nhiều căn bệnh khác có thể đe dọa sức khỏe và tính mạng của trẻ.