Các loại vắc xin phòng chống COVID-19 đang dùng tại Việt Nam
Vắc xin có tác dụng giảm số người nhiễm virus, giảm số trường hợp bị biến chứng và tử vong, góp phần tạo miễn dịch cộng đồng. Các loại vắc xin COVID-19 hiện nay có hiệu quả bảo vệ từ trên 60 đến trên 90%.
1. Cơ chế hoạt động của vắc xin COVID-19
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), có ba cách tiếp cận chính để phát triển các loại vắc xin, gồm:
- Sử dụng toàn bộ virus để tạo ra vắc xin
- Chỉ sử dụng những thành phần của virus mà hệ miễn dịch có thể nhận biết (có thể dùng vector virus – là virus an toàn làm trung gian chuyên chở)
- Sử dụng mRNA của virus, là vật liệu di truyền giúp tạo protein đặc hiệu của virus
Trong đó sử dụng mRNA của virus là phương pháp mới nhất để phát triển vắc xin. Trước dịch COVID-19, chưa có loại vắc-xin mRNA nào vượt qua quy trình phê duyệt để sử dụng cho người. Do đại dịch, nghiên cứu trong lĩnh vực này đã tiến triển rất nhanh và một số vắc xin mRNA cho COVID-19 đã và đang được cấp phép sử dụng.
2. Kháng nguyên và kháng thể
Kháng nguyên được hiểu đơn giản là những chất lạ xâm nhập vào cơ thể con người. Những chất này sẽ được hệ thống miễn dịch của cơ thể nhận biết nhanh chóng và cơ thể sản sinh ra các kháng thể tương ứng. Kháng thể được sản xuất khi cơ thể con người nhận biết được sự xâm nhập kháng nguyên. Kháng thể giúp tiêu diệt vi khuẩn có hại và nhanh chóng giúp cơ thể nhận diện kháng nguyên, bảo vệ cơ thể những lần kháng nguyên xâm nhập sau đó. Cơ thể có khả năng hình thành kháng thể càng mạnh thì khả năng miễn dịch chống lại bệnh nhiễm khuẩn càng cao. Các vắc xin về cơ bản sẽ chứa thành phần kháng nguyên đặc trưng của virus và không thể gây bệnh. Vắc xin “tập dượt” trước cho cơ thể đối phó với mầm bệnh mà không cần phải mắc bệnh, từ đó tạo ra kháng thể và hình thành khả năng miễn dịch để chống lại virus trong tương lai.
3. Các loại vắc xin được cho phép tiêm ở Việt Nam hiện nay
Từ đầu năm 2021 đến nay, Bộ Y tế đã phê duyệt có điều kiện 5 loại vắc xin cho nhu cầu cấp bách trong phòng, chống dịch bệnh COVID-19 tại Việt Nam, thuộc ba nhóm:
Nguyên virus: Vắc xin Sinopharm
Sinopharm là vắc xin bất hoạt, dùng virus Corona SARS-CoV-2 “đã bị làm chết”, không thể gây bệnh. Khi tiêm vắc xin vào cơ thể, phần tử virus kích hoạt hệ thống miễn dịch tạo ra kháng thể nhưng không gây ra phản ứng bệnh lý nghiêm trọng như khi cơ thể tiếp xúc với virus thật còn sống.
Vắc xin vector: Vắc xin AstraZeneca, Sputnik-V
Trong đó Sputnik V là vắc xin COVID-19 đầu tiên trên thế giới được phê duyệt. Cả hai loại vắc xin trên sử dụng công nghệ sản xuất vắc xin vector, nghĩa là dùng một loại virus khác đã được biến đổi nhưng không gây bệnh cho người để vận chuyển thành phần của virus gây bệnh COVID-19 là SARS-CoV-2. Khi vắc xin tiêm vào trong cơ thể, thành phần này sẽ kích hoạt phản ứng miễn dịch tạo kháng thể. Vì vậy, cơ thể chúng ta sẽ có khả năng chống lại virus SARS-CoV-2 sau khi được tiêm vắc xin.
Vắc xin mRNA: Vắc xin Moderna, Pfizer
mRNA là vật chất di truyền giúp virus SARS-CoV-2 tạo ra protein đặc trưng. Vắc xin mRNA được bao bọc trong một lớp vỏ để dễ dàng đưa vắc xin vào cơ thể người. Những protein của virus SARS-CoV-2 được tạo ra sẽ kích hoạt phản ứng miễn dịch trong cơ thể, và tạo ra kháng thể. Kháng thể được tạo ra sau tiêm vắc xin sẽ giúp chống lại virus nếu chúng ta có tiếp xúc với người bệnh COVID-19.
Trước sự bùng phát mạnh mẽ trở lại của COVID-19 như hiện nay, dù đã được hay chưa được tiêm vắc xin, mọi người hãy cố gắng tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng ngừa theo các khuyến cáo 5K của ngành y tế là: Khẩu trang – Khử khuẩn – Khoảng cách – Không tập trung – Khai báo y tế để bảo vệ sức khỏe bản thân và gia đình.