Các loại nhức đầu thường gặp và cách phân biệt chúng
Nhức đầu là một triệu chứng phổ biến mà hầu hết mọi người đều từng trải qua ít nhất một lần trong đời. Tuy nhiên nhức đầu có thể phức tạp hơn những gì chúng ta thường nghĩ. Có nhiều loại nhức đầu khác nhau, mỗi loại có nguyên nhân và cách điều trị riêng. Hiểu rõ về các loại nhức đầu sẽ giúp chúng ta nhận biết và xử lý hiệu quả hơn khi gặp phải triệu chứng này.
Nguyên nhân gây nhức đầu
Nguyên nhân gây nhức đầu nguyên phát:
Nguyên nhân thường liên quan đến sự giãn của những mạch máu trong sọ và những hóa chất trung gian được tiết ra từ những sợi thần kinh nằm xung quanh đó. Nhóm đau đầu nguyên phát bao gồm nhiều loại, trong đó phổ biến nhất là: Đau nửa đầu Migraine, đau do căng cơ, đau từng cụm….
- Căng thẳng và stress: Căng thẳng và stress là những nguyên nhân hàng đầu gây ra nhức đầu. Khi bạn cảm thấy căng thẳng, cơ thể sẽ sản xuất nhiều hormone gây stress như cortisol, làm gia tăng áp lực trong não và gây ra nhức đầu
- Thiếu ngủ: Giấc ngủ đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì sức khỏe não bộ. Thiếu ngủ hoặc giấc ngủ không chất lượng có thể làm tăng nguy cơ nhức đầu.
- Thay đổi thời tiết: Khi thời tiết thay đổi, đặc biệt là khi áp suất khí quyển thay đổi đột ngột, có thể kích thích các dây thần kinh trong não và gây ra nhức đầu.
- Thức ăn và đồ uống: Một số thực phẩm và đồ uống, như rượu, caffeine, pho mát lâu ngày, socola, và thực phẩm chứa chất bảo quản hoặc chất tạo ngọt nhân tạo, có thể kích thích nhức đầu ở một số người.
- Hormon: Sự thay đổi hormone, đặc biệt là ở phụ nữ, có thể gây ra nhức đầu. Chu kỳ kinh nguyệt, mang thai, và mãn kinh đều có thể làm thay đổi mức hormon và gây ra nhức đầu.
Nguyên nhân gây nhức đầu thứ phát:
- Đau do bệnh thần kinh: Như chấn thương sọ não, u não, bệnh màng não – mạch máu não, hội chứng tăng áp lực nội sọ…
- Đau do bệnh toàn thân: Say nóng, say nắng, nhiễm khuẩn toàn thân cấp tính, nhiễm độc…
- Đau do bệnh nội khoa: Bệnh tim mạch, bệnh tiêu hóa, bệnh nội tiết, thiếu máu…
- Đau do các bệnh chuyên khoa khác: Bệnh về mắt, tai mũi họng , cơ xương khớp, nha khoa…
Phân loại các loại nhức đầu thường gặp
- Nhức đầu căng thẳng: Đây là loại nhức đầu phổ biến nhất, thường gây ra cảm giác căng tức hoặc áp lực xung quanh trán hoặc sau đầu và cổ. Nguyên nhân thường do căng thẳng, lo âu, hoặc duy trì tư thế không đúng trong thời gian dài.
- Nhức đầu do migraine: Migraine thường kèm theo các triệu chứng như buồn nôn, nôn mửa, và nhạy cảm với ánh sáng hoặc âm thanh. Đau thường kéo dài từ vài giờ đến vài ngày và thường xuất hiện ở một bên đầu.
- Nhức đầu cụm: Nhức đầu cụm là loại nhức đầu nghiêm trọng nhất, gây ra đau nhức dữ dội ở một bên đầu, thường xung quanh mắt. Cơn đau có thể kéo dài từ 15 phút đến 3 giờ và xảy ra nhiều lần trong ngày.
- Nhức đầu do xoang: Đau nhức đầu do xoang thường đi kèm với các triệu chứng như nghẹt mũi, đau ở vùng má, trán, hoặc quanh mắt. Thường do viêm xoang hoặc nhiễm trùng xoang gây ra.
- Nhức đầu do tăng huyết áp: Khi huyết áp tăng cao đột ngột, nó có thể gây ra nhức đầu dữ dội, thường ở phía sau đầu. Điều này đặc biệt nguy hiểm vì có thể dẫn đến đột quỵ hoặc các biến chứng nghiêm trọng khác.
- Nhức đầu do chấn thương: Chấn thương đầu hoặc cổ có thể dẫn đến nhức đầu kéo dài, đôi khi đi kèm với các triệu chứng khác như chóng mặt hoặc mất tập trung.
- Đau đầu do lạm dụng thuốc: Đau đầu do lạm dụng thuốc (MOH) còn được gọi là đau đầu hồi ứng, là một trong các loại đau đầu thứ phát phổ biến, thường xảy ra ở những người bị đau nửa đầu hoặc đau đầu dạng căng thẳng. Cơn đau có xu hướng xuất hiện vào buổi sáng sau khi thức dậy. Vị trí, mức độ đau tùy thuộc vào từng trường hợp, đôi khi đi kèm triệu chứng buồn nôn, khó chịu và mất tập trung
- Đau đầu do thoái hóa đốt sống cổ: Thoái hóa cột sống cổ là bệnh lý mạn tính thường gặp ở độ tuổi 30 và 60, trong đó phổ biến là đoạn C5, C6, C7. Triệu chứng thường gặp là đau cổ, đặc biệt là khi vận động, cứng khớp và đau đầu.
- Đau đầu kinh nguyệt: Đau đầu kinh nguyệt xảy ra ở thời điểm quanh chu kỳ kinh nguyệt hàng tháng do thay đổi nồng độ hormone estrogen. Thời điểm thường gặp là trong giai đoạn rụng trứng hoặc sau 2 – 3 ngày có kinh. Tình trạng này không đáng lo ngại, thường tự động biến mất sau khi hormone ổn định trở lại.
Biện pháp phòng ngừa và điều trị nhức đầu hiệu quả
- Giữ giấc ngủ đủ và đúng giờ: Thiếu ngủ có thể làm tăng nguy cơ đau đầu do căng thẳng. Ngủ đủ 7-8 giờ mỗi đêm và giữ giờ giấc ngủ đều đặn.
- Giảm căng thẳng: Căng thẳng là nguyên nhân chính gây đau đầu do căng thẳng. Do đó, việc giảm căng thẳng là biện pháp phòng ngừa quan trọng nhất. Có nhiều cách để giảm căng thẳng. Thực hiện các biện pháp giảm stress như yoga, thiền, hoặc các hoạt động giải trí, thể dục thể thao thường xuyên
- Chế độ ăn uống hợp lý: Ăn uống lành mạnh và khoa học có thể giúp giảm viêm và cải thiện sức khỏe tổng thể, từ đó giúp giảm nguy cơ đau đầu do căng thẳng. Tránh các thực phẩm và đồ uống có thể gây nhức đầu. Nên ăn nhiều trái cây, rau củ, và ngũ cốc nguyên hạt duy trì một chế độ ăn uống lành mạnh và đầy đủ dinh dưỡng.
- Uống đủ nước: Đảm bảo cơ thể luôn đủ nước để tránh nhức đầu do mất nước.
- Hạn chế sử dụng thiết bị điện tử: Giảm thời gian sử dụng điện thoại, máy tính và thường xuyên nghỉ ngơi khi làm việc với chúng.
- Tránh caffeine và rượu: Caffeine và rượu có thể làm cho cơn đau đầu do căng thẳng trở nên nghiêm trọng hơn. Do đó, hãy hạn chế hoặc tránh sử dụng caffeine và rượu.
Bên cạnh đó chúng ta có thể sử dụng thêm đồ uống giúp giảm căng thẳng, stress như:
- Bạc hà: Tinh dầu bạc hà có thể giúp giảm căng thẳng và đau đầu do hương thơm thư giãn của nó.
- Gừng: Gừng có tác dụng chống viêm và giảm đau, có thể giúp giảm các triệu chứng nhức đầu.
- Hoa cúc La Mã: Uống trà hoa cúc La Mã có thể giúp thư giãn và giảm nhức đầu do căng thẳng.
Kết luận
Nhức đầu có thể gây ra nhiều phiền toái và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Hiểu rõ về các loại nhức đầu và nguyên nhân của chúng là bước đầu tiên để có thể xử lý và phòng ngừa hiệu quả. Việc duy trì lối sống lành mạnh, giảm căng thẳng, và sử dụng các biện pháp tự nhiên có thể giúp bạn kiểm soát tình trạng nhức đầu tốt hơn. Nếu nhức đầu kéo dài hoặc có triệu chứng nghiêm trọng, hãy tìm đến bác sĩ để được tư vấn và điều trị kịp thời. Bằng cách chăm sóc sức khỏe và nhận biết các triệu chứng nhức đầu, chúng ta có thể chủ động phòng ngừa và điều trị, mang lại cuộc sống chất lượng và khỏe mạnh hơn.