Tổng quan chung
Triệu chứng
Nguyên nhân
Đối tượng nguy cơ
Chuẩn đoán
Phòng ngừa bệnh
Cách điều trị
Viêm khớp ngón chân là gì? Những điều cần biết về viêm khớp ngón chân
Viêm khớp ngón chân là một tình trạng phổ biến, ảnh hưởng lớn đến khả năng di chuyển và chất lượng cuộc sống của người bệnh. Tình trạng này thường xảy ra khi các khớp ở ngón chân bị tổn thương hoặc thoái hóa, dẫn đến viêm, đau và sưng. Bài viết này sẽ cung cấp một cái nhìn tổng quan về viêm khớp ngón chân, bao gồm các triệu chứng, nguyên nhân, biện pháp phòng ngừa và các phương pháp điều trị hiệu quả.
Tổng quan chung
Viêm khớp ngón chân là tình trạng viêm ở vị trí các khớp của ngón chân. Người bệnh sẽ cảm thấy đau nhức, khó chịu tại các khớp bị ảnh hưởng.
Viêm khớp ngón chân thường bắt nguồn từ tình trạng viêm ở các khớp bàn chân trước. Trong đó, khớp MTP (metatarsophalangeal) là khớp nối ngón chân cái với phần còn lại của bàn chân, thường là khu vực bị ảnh hưởng nhiều nhất (viêm khớp ngón chân cái).
Triệu chứng
Một số triệu chứng viêm khớp ngón chân thường gặp, bệnh nhân có thể dấu hiệu nhận biết để thăm khám và điều trị kịp thời để tránh những hậu quả lâu dài:
- Đau nhức: Đây là dấu hiệu đầu tiên và dễ nhận biết của viêm khớp ngón chân. Bệnh nhân có thể cảm thấy đau nhức, khó chịu tại các ngón chân. Cảm giác đau tăng thêm khi di chuyển, khiến các hoạt động trở nên khó khăn hơn.
- Sưng viêm: Hiện tượng sưng nóng ở ngón chân sẽ xảy ra khi bị viêm khớp ngón chân. Người bệnh thấy ngón chân dần chuyển sang màu hồng đỏ, chạm vào sẽ có cảm giác đau. Dấu hiệu này thường xuất hiện vào buổi sáng hoặc sau khi ngồi lâu một chỗ.
- Cứng khớp: Khi không được chữa trị từ sớm sẽ sụn khớp bị mòn dần, gây viêm ở các mô và làm tổn thương dịch khớp. Do đó khiến các khớp của ngón chân bị cứng, kém linh hoạt.
- Khớp phát ra tiếng động: Tiếng động này phát ra khi lớp sụn khớp bị mài mòn, các đầu xương cọ xát với nhau nên có thể nghe thấy được.
- Biến dạng khớp: Dấu hiệu viêm nhiễm kéo dài khiến cho sụn, xương dưới sụn và các mô quanh khớp bị tổn thương nặng nề, có thể làm cho các ngón chân bị cong vẹo, biến dạng bất thường.
- Khó cử động: Các khớp khi bị viêm nặng, cử động sẽ trở nên khó khăn hơn. Hạn chế hoạt động khiến cho các cơn đau nhức kéo dài và các khớp không thể hoạt động trơn tru.
Nguyên nhân
Trước khi tiến đến bước điều trị bệnh, chúng ta nên tìm hiểu nguyên nhân gây bệnh để có phương pháp chữa trị phù hợp nhất đối với mỗi trường hợp mức độ bệnh.
- Thoái hóa khớp: Là nguyên nhân phổ biến nhất, xảy ra khi sụn khớp bị mòn do quá trình lão hóa tự nhiên.
- Chấn thương: Các chấn thương như gãy xương, trật khớp hoặc tổn thương dây chằng có thể dẫn đến viêm khớp ngón chân.
- Nhiễm khuẩn: Vi khuẩn từ máu hoặc từ các vết thương hở có thể xâm nhập vào khớp và gây viêm.
- Bệnh lý tự miễn: Các bệnh lý tự miễn như viêm khớp dạng thấp hoặc lupus có thể tấn công các khớp ngón chân, gây viêm và đau.
- Gout: Tình trạng tăng axit uric trong máu dẫn đến sự hình thành các tinh thể urat trong khớp, gây đau đớn và viêm.
- Tuổi tác: Khi về già, quá trình lão hóa xương khớp tăng nhanh, đặc biệt ở độ tuổi từ 40 trở đi.
- Thói quen lười vận động: Thói quen lười vận động, nằm nhiều, ngồi nhiều…một trong những sở thích của giới trẻ hiện nay làm dịch và sụn khớp suy giảm, rối loạn, dẫn đến tổn thương khớp.
- Thừa cân, béo phì: Ngón chân là cơ quan chịu áp lực nặng nhất khi tải trọng lượng của cơ thể. Do đó, khi bạn để bản thân béo phì gây 1 lực đè nặng lên các khớp ngón chân làm tổn thương ngón.
Đối tượng nguy cơ
Viêm khớp ngón chân có thể ảnh hưởng đến bất kỳ ai, nhưng một số đối tượng có nguy cơ cao hơn, bao gồm:
- Người cao tuổi: Quá trình lão hóa làm giảm độ bền của sụn khớp, tăng nguy cơ viêm khớp.
- Người từng bị chấn thương ngón chân: Các chấn thương trước đó có thể làm yếu cấu trúc khớp, dẫn đến viêm khớp sau này.
- Người mắc bệnh tự miễn: Các bệnh lý như viêm khớp dạng thấp hoặc lupus tăng nguy cơ viêm khớp ngón chân.
- Người thừa cân hoặc béo phì: Trọng lượng cơ thể tăng tạo áp lực lên các khớp, dễ dẫn đến viêm khớp.
- Phụ nữ: mang giày cao gót, chật trong phần lớn cuộc đời cũng có thể có nguy cơ bị viêm khớp ngón chân.
Chẩn đoán
Để có thể tìm ra chính xác nguyên nhân gây viêm khớp ngón chân, người bệnh cần đến trung tâm y tế, cơ sở bệnh viện để các bác sĩ chuyên gia thăm khám. Tại đây, các bác sĩ sẽ tiến hành việc chẩn đoán bệnh viêm khớp ở ngón chân bằng cách hỏi về các triệu chứng, tiền sử bệnh và khám thực thể bàn chân của bạn.
Bên cạnh đó, họ sẽ yêu cầu người bệnh thực hiện một số xét nghiệm bao gồm:
- Xét nghiệm máu: Đây là phương pháp xét nghiệm giúp phát hiện các dấu hiệu viêm, tìm ra một số protein, kháng thể hoặc axit uric và các yếu tố tự miễn dịch, các bệnh lý khác có thể liên quan đến viêm khớp ngón chân.
- Xét nghiệm dịch khớp: Xét nghiệm dịch khớp có thể giúp xác định nguyên nhân gây viêm khớp. Ví dụ nếu bác sĩ nghi ngờ bạn có thể bị bệnh gout, họ có thể cho người bệnh xét nghiệm để tìm nồng độ axit uric tăng cao và rút dịch từ khớp để tìm tinh thể axit uric.
- Chụp X-quang: Việc chụp X-quang có thể giúp quan sát cấu trúc xương ngón chân, từ đó đánh giá tình trạng mất sụn và tìm ra các tổn thương ở khớp, chẳng hạn như thoái hóa khớp hoặc gãy xương. Bên cạnh đó, phương pháp này còn giúp bác sĩ đánh giá chi tiết độ thẳng hàng của xương ở bàn chân
- Chụp MRI: Chụp MRI có thể giúp phát hiện các tổn thương ở các mô mềm xung quanh khớp, chẳng hạn như dây chằng hoặc gân.
Phòng ngừa bệnh
Việc chủ động phòng ngừa bệnh từ sớm bằng những thói quen hằng ngày có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh viêm khớp ngón chân. Vì vậy, dưới đây là một vài cách phòng tránh căn bệnh này:
- Hạn chế nguy cơ gặp chấn thương: cẩn thận khi làm việc, chơi thể thao hoặc các hoạt động thường ngày.
- Sử dụng giày phù hợp: ưu tiên giày vừa chân, thoải mái, hạn chế giày cao gót.
- Kiểm soát bệnh lý tự miễn: thực hiện theo kế hoạch điều trị của bác sĩ để kiểm soát và ngăn ngừa tiến triển nặng hơn.
- Thực hiện những bài tập ngón chân và bàn chân: để chúng hoạt động linh hoạt và giúp tăng cường điều tiết dịch nhờn cho các khớp.
- Xây dựng chế độ ăn lành mạnh: cung cấp dưỡng chất cho cơ thể, ăn nhiều rau củ quả. Hạn chế tiêu thụ chất béo, đường và chất kích thích như bia rượu, thuốc lá.
- Tránh bẻ khớp ngón chân..
- Duy trì cân nặng hợp lý, tập thể dục thường xuyên.
- Thăm khám sức khỏe định kỳ (6 tháng/lần): để phát hiện ra bệnh từ sớm, từ đó có lộ trình điều trị bệnh kịp thời và ngăn ngừa những biến chứng nguy hiểm của bệnh.
Điều trị như thế nào?
Để cải thiện triệu chứng đau nhức ở các khớp ngón chân, người bệnh nên tới cơ sở y tế thăm khám và kiểm tra. Qua khai thác lịch sử triệu chứng và khám lâm sàng, cận lâm sàng thì bác sĩ sẽ chẩn đoán mức độ viêm thuộc giai đoạn nặng hay nhẹ. Tùy vào từng trường hợp, bác sĩ sẽ chỉ định phương thức điều trị phù hợp nhất. Hiện nay, phương pháp điều trị hiệu quả đối với bệnh lý này gồm:
Điều trị nội khoa
- Thuốc kháng viêm: Sử dụng các loại thuốc kháng viêm như ibuprofen hoặc naproxen để giảm đau và sưng.
- Thuốc giảm đau: Sử dụng các loại thuốc giảm đau không kê đơn hoặc kê đơn để kiểm soát triệu chứng đau.
- Corticosteroid: Tiêm corticosteroid trực tiếp vào khớp ngón chân để giảm viêm và đau.
Vật lý trị liệu
Các bài tập vật lý trị liệu giúp cải thiện phạm vi vận động và tăng cường sức mạnh cho các cơ xung quanh khớp ngón chân. Các bài tập này có thể bao gồm:
- Bài tập tăng cường cơ bắp: Tăng cường cơ bắp xung quanh ngón chân để giảm áp lực lên khớp.
- Bài tập kéo giãn: Kéo giãn cơ và dây chằng để cải thiện phạm vi vận động và giảm cứng khớp.
Phẫu thuật
Trong các trường hợp nặng, khi các phương pháp điều trị khác không hiệu quả, bác sĩ có thể đề nghị phẫu thuật. Các phương pháp phẫu thuật có thể bao gồm:
- Nội soi khớp: Loại bỏ các mảnh sụn bị tổn thương hoặc sửa chữa dây chằng bị tổn thương.
- Hàn xương: Kết hợp các xương bị gãy để tạo sự ổn định cho khớp ngón chân.
- Thay khớp nhân tạo: Thay thế khớp ngón chân bị hỏng bằng khớp nhân tạo.
Kết luận
Viêm khớp ngón chân là một tình trạng gây ra nhiều khó khăn trong cuộc sống hàng ngày của người bệnh. Việc nhận biết sớm và điều trị kịp thời là rất quan trọng để giảm thiểu các triệu chứng và ngăn ngừa biến chứng. Nếu bạn có các triệu chứng của viêm khớp ngón chân, hãy tìm kiếm sự tư vấn và điều trị từ bác sĩ chuyên khoa để có phương pháp điều trị phù hợp. Hãy chăm sóc và bảo vệ sức khỏe xương khớp của bạn bằng cách duy trì lối sống lành mạnh, tập luyện đều đặn và tránh các chấn thương không đáng có.
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.