Tổng quan chung
Triệu chứng
Nguyên nhân
Đối tượng nguy cơ
Chuẩn đoán
Phòng ngừa bệnh
Cách điều trị
Viêm khớp ngón chân cái là gì? Những điều cần biết về viêm khớp ngón chân cái
Viêm khớp ngón chân cái gây đau nhức, làm ảnh hưởng tới việc di chuyển, vận động hàng ngày của người bệnh. Vậy chúng ta cùng tham khảo bài viết dưới đây để hiểu hơn về viêm khớp ngón chân cái nhé.
Tổng quan chung
Viêm khớp ngón chân cái là gì?
Viêm khớp ngón chân cái (Hallux Rigidus) là tình trạng khớp ngón chân cái metatarsophalangeal – MTP bị viêm. Đây là khớp nối ngón chân cái với phần còn lại của bàn chân. Người bệnh sẽ bị đau và cứng khớp MTP, cản trở nhiều trong sinh hoạt hàng ngày.
Các cấp độ của bệnh
Cấp độ của tình trạng viêm khớp ngón chân cái sẽ được phân dựa trên mức độ ảnh hưởng tới khả năng di chuyển ngón chân cái, cụ thể:
- Độ 0: Mức độ di chuyển của ngón chân cái bị ảnh hưởng 10-20%.
- Độ 1: Mức độ di chuyển của ngón chân cái bị ảnh hưởng 20-50%.
- Độ 2: Mức độ di chuyển của ngón chân cái bị ảnh hưởng 50-75%.
- Độ 3: Mức độ di chuyển của ngón chân cái bị ảnh hưởng 75-100%.
- Độ 4: Mức độ di chuyển của ngón chân cái bị ảnh hưởng 75-100% kèm theo cơn đau dữ dội khi cử động ngón chân cái bị viêm.
Triệu chứng
Khi khớp ngón chân cái có tình trạng viêm, người bệnh sẽ có những biểu hiện như:
- Đau trong hoặc xung quanh ngón chân cái. Bệnh nhân thường đau ở trên đầu ngón chân hoặc cũng có thể đau sâu ở bên trong khớp.
- Sưng xung quanh khớp ngón chân cái. Bệnh nhân cần điều chỉnh giày để di chuyển dễ hơn.
- Khớp ngón chân cái bị cứng, không thể hoạt động linh hoạt như uốn cong lên/xuống.
Ngoài ra, có một số yếu tố khiến tình trạng bệnh có thể trở nên nghiêm trọng hơn nếu như: Đứng hoặc di chuyển; Ảnh hưởng bởi thời tiết lạnh, ẩm ướt; Sử dụng giày dép chật hoặc không hỗ trợ tốt cho các hoạt động của bàn chân.
Nguyên nhân
Nguyên nhân chính khiến cho viêm khớp ngón chân cái bao gồm:
- Gãy xương ngón chân do chấn thương từ chạy bộ, ngã xe, vật nặng rơi vào chân,… Nếu không được chữa trị kịp thời sẽ dẫn tới thương tật vĩnh viễn. Hoặc điều trị sai cách cũng khiến các ngón chân mất khả năng cử động.
- Do thoái hóa khớp, xảy ra bắt đầu từ độ tuổi 40 trở đi. Quá trình thoái hóa không chỉ làm ảnh hưởng tới vùng đầu gối, lưng, hông,…mà còn ảnh hưởng nhiều tới khớp ngón chân.
- Do bệnh Gout, với biểu hiện là sưng đỏ và nóng rát các khớp ngón chân, ngón tay, đầu gối. Quá trình lắng đọng các tinh thể urat làm biến dạng các khớp xương gây ra đau nhức.
- Thói quen “lười vận động” – một thói quen của rất nhiều người hiện nay. Sở thích nằm nhiều, ngồi nhiều khiến cho dịch khớp, sụn khớp bị rối loạn, không được điều tiết nên làm tổn thương các khớp xương khi vận động.
- Người thừa cân, béo phì cũng là một trong những lý do gây viêm khớp ngón chân.cái Sức nặng của cơ thể sẽ gây áp lực trực tiếp lên các xương khớp bàn chân và ngón chân, từ đó dễ dẫn đến tổn thương khớp tại 2 vị trí này.
Đối tượng nguy cơ
Các yếu tố làm tăng nguy cơ viêm khớp ngón chân cái gồm:
- Người trên 50 tuổi.
- Nữ giới.
- Vận động viên.
- Các công việc yêu cầu phải đứng nhiều.
Chẩn đoán
Kiểm tra thể chất
Khi thăm khám, bác sĩ sẽ tiến hành kiểm tra bàn chân của người bệnh và tìm kiếm những dấu hiệu về gai xương (nếu có). Bác sĩ có thể di chuyển ngón chân cái của bạn để kiểm tra phạm vi chuyển động được bao nhiêu mà không gây đau. Di chuyển ngón chân theo nhiều hướng khác nhau cũng sẽ giúp xác định xem cơn đau ở sâu bên trong khớp hay chỉ giới hạn ở vết sưng trên đỉnh khớp ngón chân. Kết quả sẽ giúp bác sĩ đưa ra hướng điều trị phù hợp cho người bệnh.
Chẩn đoán hình ảnh
Bác sĩ có thể chỉ định người bệnh chụp x-quang bàn chân. Kết quả chụp x-quang sẽ cho thấy vị trí và kích thước của gai xương (nếu có), mức độ viêm khớp và tình trạng hao mụn của sụn khớp.
Biến chứng có thể gặp phải
Tình trạng viêm khớp ngón chân cái không đe dọa tính mạng. Tuy nhiên, nếu không có biện pháp xử trí, tình trạng này có thể gây ảnh hưởng xấu tới sức khỏe thể chất và tinh thần, đời sống sinh hoạt của người bệnh vì các triệu chứng sẽ thường xuyên xuất hiện, “quấy rầy” cuộc sống.
Ngoài ra, khi không được điều trị sớm và đúng cách, tình trạng khớp ngón chân cái bị viêm có thể gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng như hình thành gai xương, biến dạng khớp, dị tật ngón chân, thậm chí là có nguy cơ mất khả năng vận động.
Phòng ngừa bệnh
Khi khớp ngón chân cái bị viêm do bất kì nguyên nhân nào đề gây ra tổn thương đến các thành phần của khớp, ảnh hưởng tới sức khoẻ và đời sống thường nhật của người bệnh. Chính vì vậy, hãy chủ động phòng ngừa bệnh từ sớm bằng những thói quen như:
- Hạn chế nguy cơ mắc chấn thương khi làm việc, chơi thể thao hay khi tham gia các hoạt động giải trí khác.
- Lựa chọn kiểu giày, kích thước giày vừa vặn, thoải mái. Hạn chế sử dụng giày cao gót quá nhiều.
- Khi mắc các bệnh lý viêm khớp tự miễn, hãy thực hiện đúng theo kế hoạch điều trị của bác sĩ để kiểm soát và ngăn ngừa những tổn thương ở khớp.
- Mỗi ngày nên tập luyện, thực hiện các bài tập bàn chân và ngón chân ít nhất 20 phút. Việc này giúp chúng trở nên linh hoạt và tăng cường điều tiết dịch nhờn cho các khớp.
- Xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh: Nên có chế độ ăn uống khoa học, cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cho cơ thể, tăng cường rau củ quả, hạn chế các thực phẩm nhiều chất béo, đường và chất kích thích như bia rượu, thuốc lá.
- Bỏ thói quen bẻ khớp ngón chân, ngón tay.
- Duy trì cân nặng ở mức ổn định, hợp lý, tránh tình trạng thừa cân, béo phì.
- Khám sức khỏe định kỳ (6 tháng/lần) để phát hiện sớm mầm mống bệnh. Từ đó có biện pháp xử lý kịp thời, ngăn ngừa bệnh phát triển nặng.
Điều trị như thế nào?
Để cải thiện triệu chứng đau nhức ở các khớp ngón chân, người bệnh nên tới cơ sở y tế thăm khám và kiểm tra. Qua khai thác lịch sử triệu chứng và khám lâm sàng, cận lâm sàng thì bác sĩ sẽ chẩn đoán mức độ viêm thuộc giai đoạn nặng hay nhẹ. Tùy vào từng trường hợp, bác sĩ sẽ chỉ định phương thức điều trị phù hợp nhất. Hiện nay, phương pháp điều trị hiệu quả đối với bệnh lý này gồm:
- Điều trị bằng thuốc: các loại thuốc giảm đau, thuốc chống viêm nhằm giảm cơn đau nhức tạm thời.
- Điều trị bằng phẫu thuật: áp dụng ở trường hợp tổn thương nặng, không đỡ dù đã điều trị bằng thuốc. Với 3 loại phẫu thuật chính là cắt bỏ u xương, phẫu thuật hàn cứng khớp và thay khớp.
Bên cạnh đó, người bệnh cũng cần kết hợp với chế độ dinh dưỡng giàu canxi và vitamin D nhằm tăng cường sức khỏe cho xương khớp. Hơn nữa, trong quá trình điều trị, người bệnh cũng nên chú ý đến việc nghỉ ngơi, luyện tập những bài tập nhẹ nhàng giúp nhanh chóng phục hồi.
Hi vọng với những bài viết trên giúp các bạn hiểu hơn về viêm khớp ngón chân cái.
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.