Tổng quan chung
Triệu chứng
Nguyên nhân
Đối tượng nguy cơ
Chuẩn đoán
Phòng ngừa bệnh
Cách điều trị
Viêm cổ tử cung là gì? Những điều cần biết về viêm cổ tử cung
Viêm cổ tử cung là một trong những bệnh phụ khoa thường gặp ở nữ giới trong độ tuổi sinh sản. Bệnh không chỉ ảnh hưởng tới sức khỏe, cuộc sống sinh hoạt hàng ngày mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng sinh sản của phụ nữ. Hãy cùng tìm hiểu về những điều cần biết về viêm cổ tử cung qua bài viết này.
Tổng quan chung
Viêm cổ tử cung là thuật ngữ để chỉ tình trạng viêm ở vùng cổ tử cung. Cổ tử cung là phần thấp nhất của tử cung, tiếp nối với âm đạo và dài khoảng 5 cm. Cùng với âm đạo, cổ tử cung rất dễ bị viêm nhiễm do vi khuẩn, virus và tác động từ lối sống. Khi thực hiện siêu âm, thường bệnh nhân sẽ quan sát được sự sưng tấy và viêm đỏ, thậm chí có thể mưng mủ ở cổ tử cung.
Viêm cổ tử cung được chia làm 2 dạng chính:
- Viêm cổ tử cung cấp tính: thường xuất hiện nhiễm trùng ở bộ phận sinh dục.
- Viêm cổ tử cung mãn tính: không xuất phát từ nhiễm trùng.
Bệnh lý này nếu không được điều trị thì tình trạng viêm sẽ lan sang các bộ phận khác như tử cung, vòi trứng, vùng chậu. Thậm chí bệnh còn ảnh hưởng đến chức năng sinh sản của nữ giới và tăng nguy cơ ung thư cổ tử cung.
Triệu chứng
Viêm cổ tử cung do nhiều nguyên nhân. Mỗi nguyên nhân gây viêm lại có những biểu hiện khác nhau. Viêm cổ tử cung có những dấu hiệu nhận biết chung dưới đây:
- Âm đạo tiết nhiều khí hư bất thường, khí hư có màu vàng, xanh hoặc có nhiều dịch nhầy, kèm theo mủ và có mùi hôi khó chịu.
- Đau ở vùng bụng dưới. Tùy theo mức độ bệnh mà cơn đau biểu hiện ở những mức độ khác nhau.
- Đau khi quan hệ tình dục, cơn đau càng tăng lên nhiều hơn, khiến người giao hợp khó.
- Âm đạo có thể xuất huyết bất thường ngoài chu kỳ kinh nguyệt.
- Tình trạng kinh nguyệt của người bệnh trở nên thất thường trong nhiều vòng kinh liên tiếp. Thời gian diễn ra một chu kỳ kinh nguyệt thường dài hơn, máu kinh có sự biến đổi về màu sắc và có thể xảy ra hiện tượng rong kinh.
- Ở một vài trường hợp, người bệnh có thể bị sốt, thân nhiệt từ 38 độ C – 38,50C, cơ thể mệt mỏi, ê ẩm.
- Qua thăm khám phụ khoa, cổ tử cung có biểu hiện sưng và tấy đỏ. Trường hợp viêm nhiễm nặng, cổ tử cung có thể mưng mủ và bị loét.
Nguyên nhân
Các trường hợp viêm cổ tử cung hầu như đều là do nhiễm khuẩn lây truyền qua đường quan hệ tình dục. Những nguyên nhân viêm cổ tử cung có thể xuất phát từ những vấn đề sau:
-
- Viêm âm đạo: Tình trạng viêm âm đạo nếu không được chữa trị thời có thể tạo cơ hội cho ký sinh trùng, nấm, vi khuẩn tấn công lên cổ tử cung và gây ra viêm nhiễm.
- Quan hệ tình dục quá sớm và quá nhiều:
- Phụ nữ bắt đầu quan hệ tình dục khi còn quá trẻ dẫn đến mang thai sớm trong khi cơ quan sinh sản chưa phát triển hoàn thiện.
- Giao hợp liên tục với tần suất cao, có nhiều bạn tình khác nhau trong một thời điểm cũng sẽ làm gia tăng nguy cơ mắc các bệnh phụ khoa.
- Giao hợp không an toàn: Viêm cổ tử cung thường xuất phát từ nguyên nhân liên quan đến việc quan hệ tình dục không an toàn như:
- Giao hợp quá thô bạo: Gây tổn thương cổ tử cung, tạo điều kiện cho viêm nhiễm phát triển.
- Không sử dụng bao cao su: Làm tăng nguy cơ nhiễm ký sinh trùng, nhiễm khuẩn và virus lây truyền qua đường tình dục.
- Giao hợp với bạn tình đang mắc bệnh xã hội như bệnh lậu, giang mai, mụn cóc sinh dục, sùi mào gà.
- Vệ sinh cá nhân kém
- Chu kỳ kinh nguyệt kéo dài bất thường: Ở một số chị em, kỳ hành kinh đôi khi kéo dài bất thường (trên 7 ngày) gây ra tình trạng rong kinh, rong huyết, khiến cho cổ tử cung luôn trong trạng thái mở, tạo điều kiện cho vi khuẩn, nấm xâm nhập,…
- Nạo phá thai: Đặc biệt những trường hợp nạo phá thai không an toàn, khâu chăm sóc hậu phẫu thuật chưa tốt đều là nguyên nhân gây viêm nhiễm cổ tử cung.
- Dị ứng: Việc sử dụng dung dịch vệ sinh cá nhân, bao cao su, chất bôi trơn không rõ nguồn gốc, dùng không đúng cách khiến cho “cô bé” dị ứng và có khả năng gây viêm cổ tử cung.
Đối tượng nguy cơ
Người có nguy cơ bị viêm cổ tử cung cao hơn người khác nếu:
- Có hành vi tình dục nguy cơ cao, chẳng hạn như quan hệ tình dục không được bảo vệ, quan hệ tình dục với nhiều người hoặc quan hệ tình dục với người có hành vi nguy cơ cao
- Quan hệ tình dục sớm
- Có tiền sử nhiễm bệnh lây qua đường tình dục
Chẩn đoán
Để chẩn đoán viêm cổ tử cung, ngoài việc hỏi về các triệu chứng hiện tại, yếu tố nguy cơ, tiền sử bệnh tật, bác sĩ có thể sẽ thực hiện kiểm tra như sau:
- Khám vùng chậu. Bác sĩ sẽ sử dụng mỏ vịt đặt trong âm đạo để kiểm tra vùng âm đạo và cổ tử cung có bị sưng, đau, vết đỏ hoặc vết loét, dịch bất thường .
- Lấy dịch âm đạo, bác sĩ sẽ sử dụng tăm bông nhỏ hoặc bàn chải phết nhẹ để lấy mẫu dịch ở cổ tử cung và âm đạo. Bác sĩ sẽ gửi mẫu đến phòng xét nghiệm để kiểm tra xem nguyên nhân dẫn đến viêm có phải là do nhiễm trùng hay không và nếu có thì loại nào. Ngoài ra, Pap smear là một xét nghiệm được sử dụng để loại trừ khả năng người bệnh mắc tiền ung thư hoặc ung thư cổ tử cung.
Phòng ngừa bệnh
Để chủ động phòng tránh bệnh lý, bạn có thể thực hiện các biện pháp đơn giản tại nhà như:
- Quan hệ tình dục an toàn và chung thuỷ: Không quan hệ với nhiều người, quan hệ quá thô bạo hoặc quan hệ quá thường xuyên. Đặc biệt chú ý nên sử dụng các biện pháp bảo vệ khi sinh hoạt vợ chồng.
- Vệ sinh vùng kín đúng cách: Kiên trì sử dụng các dung dịch vệ sinh phù hợp và thay băng vệ sinh 4 tiếng/ lần khi đến kỳ. Tuyệt đối không thụt rửa âm đạo quá sâu.
- Thăm khám phụ khoa định kỳ 6 tháng/ lần: Để nắm rõ mọi thông tin về sức khoẻ và nguy cơ tiềm tàng các bệnh lý, bệnh nhân sẽ dễ phát hiện bệnh và được điều trị kịp thời.
Điều trị như thế nào?
- Điều trị nội khoa: Điều trị bằng thuốc là chỉ định phổ biến nhất. Phụ thuộc vào nguyên nhân khởi phát mà bác sĩ sẽ chỉ định loại thuốc phù hợp cho bệnh nhân. Nếu người bệnh bị viêm cổ tử cung là do nhiễm khuẩn thì bác sĩ sẽ yêu cầu người bệnh uống thuốc kháng sinh.
- Liệu pháp laser: Laser cường độ cao sẽ đốt cháy và phá huỷ các tế bào bị tổn thương ở cổ tử cung. Do đó, bệnh sẽ được giảm nhẹ triệu chứng và làm chậm diễn biến của bệnh.
- Đốt điện: Cùng với laser, đây cũng là phương pháp nhiệt trị liệu để đốt cháy các tế bào bất thường trong cổ tử cung. Sau khi bệnh nhân nằm chuẩn bị sẵn sàng, bác sĩ sẽ đưa tăm bông chuyên dụng để vệ sinh và dùng que toả nhiệt để phá huỷ mô bệnh.
- Phẫu thuật lạnh: Đây là chỉ định dành cho trường hợp viêm cổ tử cung dai dẳng. Ngược với laser hay đốt điện, phẫu thuật lạnh sẽ phát huỷ các tế bào bị suy giảm hoặc kém chức năng bằng cách giảm nhiệt độ xuống thấp. Sau đó, bác sĩ sẽ sử dụng que toả lạnh để chứa nitơ lỏng để phá huỷ cấu trúc của các tế bào bất thường.
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.