Tổng quan chung
Triệu chứng
Nguyên nhân
Đối tượng nguy cơ
Chuẩn đoán
Phòng ngừa bệnh
Cách điều trị
Tiền sản giật là gì? Những điều cần biết về tiền sản giật
Tiền sản giật là hội chứng bệnh lý có thể xảy ra ở giai đoạn sau của thai kỳ. Nếu sức khỏe thai phụ có vấn đề hoặc cách chăm sóc bà bầu không đúng cách thì nguy cơ mắc tiền sản giật sẽ cao hơn và có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm cho cả mẹ và thai nhi. Hãy cùng Pharmacity tìm hiểu về Tiền sản giật là gì? qua bài viết dưới đây.
Tổng quan chung
Tiền sản giật (Preeclampsia) là rối loạn chức năng nhiều cơ quan liên quan đến thai nghén đặc trưng với sự xuất hiện triệu chứng tăng huyết áp và protein niệu hoặc các triệu chứng lâm sàng liên quan đến tổn thương nhiều cơ quan do ảnh hưởng của tiền sản giật.
Nói chung, tiền sản giật được phân loại theo mức độ nghiêm trọng của nó. Việc phân biệt tiền sản giật nhẹ và nặng là rất quan trọng vì các phương pháp điều trị được đưa ra là khác nhau.
- Tiền sản giật nhẹ: Tiền sản giật thường được chẩn đoán khi thai nhi được hơn 20 tuần. Trường hợp tiền sản giật nhẹ, huyết áp của mẹ cao hơn 140 tâm thu hoặc 90 tâm trương (không vượt quá 160/110mmHg) và không có dấu hiệu bất thường nào khác với mẹ và con.
- Tiền sản giật nặng: Tiền sản giật nặng là một vấn đề nghiêm trọng hơn. Các dấu hiệu và triệu chứng bao gồm huyết áp rất cao, trên 160 tâm thu hoặc 110 tâm trương, các dấu hiệu của các vấn đề về gan, ví dụ như bệnh gan, đau bụng và men gan tăng cao, suy giảm chức năng thận như lượng nước tiểu ít, số lượng tiểu cầu thấp (giảm tiểu cầu) và sự phân hủy hồng cầu (tan máu). Tiền sản giật nặng cũng dẫn đến thai nhi bị hạn chế tăng trưởng.
- Sản giật: Sản giật được coi là một biến chứng của tiền sản giật nặng. Nó thường được định nghĩa là cơn động kinh và/hoặc hôn mê không rõ nguyên nhân khi mang thai hoặc sau sinh ở phụ nữ có dấu hiệu hoặc triệu chứng tiền sản giật. Sản giật có thể gây xuất huyết nội sọ, nguy hiểm đến sức khỏe của mẹ và bé. Cần phải điều trị khẩn cấp để cứu sống mẹ và con.
Triệu chứng
Tiền sản giật biểu hiện gồm 3 triệu chứng chính là tăng huyết áp, tăng protein niệu và phù. Nếu thấy xuất hiện các triệu chứng dưới đây, mẹ bầu hãy đến gặp bác sĩ ngay để được chẩn đoán chính xác và điều trị kịp thời.
- Cao huyết áp: Huyết áp 140/90 mmHg hoặc cao hơn
- Dư thừa protein trong nước tiểu: > 0,3g/l
- Suy giảm thị lực, nhìn mờ, nhạy cảm với ánh sáng
- Sưng (phù) tay chân, mặt. Tuy nhiên hiện tượng này cũng thường xảy ra ở nhiều thai phụ trong thai kỳ nên không thể khẳng định bị tiền sản giật hay không
- Mẹ bầu bị đau bụng trên, hay đau ở dưới xương sườn phía bên phải
- Mẹ tăng cân đột ngột không rõ nguyên nhân, có thể tăng tới 2kg/tuần
- Mẹ thường cảm thấy buồn nôn và ói mửa
- Cảm giác đau nhức đầu, chóng mặt
thường xuyên xuất hiện - Lượng nước tiểu của mẹ giảm sút
Những dấu hiệu trên đây cũng có thể là biểu hiện của một số bệnh lý khác hoặc chỉ là thay đổi thông thường trong thai kỳ. Để chắc chắn nhất, mẹ bầu hãy đến khám ở những cơ sở y tế uy tín.
Nguyên nhân
Mặc dù nguyên nhân gây tiền sản giật vẫn chưa được biết, nhưng nó được cho là xảy ra khi có vấn đề với nhau thai, cơ quan liên kết nguồn cung cấp máu của em bé với mẹ. Một số giả thiết cho rằng dinh dưỡng kém hoặc lượng chất béo trong cơ thể cao có thể góp phần gây ra tiền sản giật.v
Đối tượng nguy cơ
Có một số yếu tố sau đây có thể làm tăng nguy cơ bị tiền sản giật.
- Thai phụ bị một số chứng rối loạn như máu khó đông, có tiền sử mắc bệnh tiểu đường, bệnh thận, hoặc bệnh tự miễn như lupus (lở ngoài da) trước đó.
- Có người thân trong nhà như bà, mẹ, cô, dì hay chị em ruột,… bị tiền sản giật.
- Bị béo phì, thừa cân trong thai kỳ.
- Phản xạ trong căng tử cung trong đa thai, thai to.
- Thiếu máu cục bộ tử cung – nhau.
Chẩn đoán
Bác sĩ sẽ thực hiện các xét nghiệm sau nhằm xác định bạn có bị hội chứng bệnh này hay không:
- Đo huyết áp: Với phụ nữ chưa từng bị cao huyết áp thì nếu kết quả 140/90 trở lên được xác định là huyết áp cao. Vì huyết áp thay đổi trong ngày nên bạn sẽ được đo nhiều lần vào các thời điểm khác nhau để cho ra kết quả chính xác.
- Protein trong nước tiểu: Bạn sẽ làm xét nghiệm kiểm tra tỷ lệ protein-creatinine (creatinine là chất thải do thận lọc ra) trong nước tiểu.
- Xét nghiệm máu: Nếu bạn có nguy cơ cao mắc bệnh, bác sĩ sẽ yêu cầu bạn xét nghiệm máu thường xuyên, bao gồm cả tổng phân tích tế bào máu ngoại vi (CBC) và xét nghiệm chức năng gan, thận. Việc làm này cũng giúp sàng lọc hội chứng HELLP.
- Các xét nghiệm đánh giá sức khỏe của em bé: Bạn sẽ được siêu âm để kiểm tra sự phát triển của em bé, xem bé có đang tăng trưởng tốt hay không.
Sau khi trải qua hàng loạt xét nghiệm, nếu được chẩn đoán bị tiền sản giật, bạn và em bé sẽ được theo dõi chặt chẽ trong suốt thời gian còn lại của thai kỳ để hạn chế tối đa biến chứng.
Phòng ngừa bệnh
Các biện pháp phòng ngừa tiền sản giật trong thai kỳ
Thăm khám thai định kỳ:
- Khám thai định kỳ theo đúng lịch hẹn và đi khám ngay khi thấy những dấu hiệu bất thường. Nếu gia đình có người từng mắc tiền sản giật hoặc có bất thường trong thai kỳ thì hãy thông báo cho bác sĩ để được theo dõi kỹ hơn.
- Kiểm tra huyết áp thường xuyên.
Dinh dưỡng phù hợp:
- Đảm bảo chế độ ăn uống lành mạnh, khoa học, cân bằng dinh dưỡng. Ăn nhiều rau củ quả tươi và các thực phẩm giàu kali như bơ, chuối, khoai lang, dưa chuột…
- Ăn nhạt, hạn chế đồ dầu mỡ và các thực phẩm chế biến sẵn để hạn chế nguy cơ huyết áp cao – một trong những nguyên nhân dẫn đến tiền sản giật.
- Bổ sung các vitamin, khoáng chất cần thiết cho cơ thể: vitamin nhóm B, vitamin E, vitamin C, sắt, magie, canxi…
- Uống đủ 2 lít nước mỗi ngày. Hạn chế tối đa việc uống cafe, rượu bia để hạn chế nguy cơ mất nước.
Chế độ sinh hoạt và nghỉ ngơi hợp lý
- Thường xuyên vận động với cường độ vừa phải bằng cách bơi, đi bộ, tập yoga, đạp xe… để duy trì cân nặng, tăng cường hệ miễn dịch.
- Chế độ nghỉ ngơi hợp lý, ngủ ít nhất 8 tiếng/ngày.
- Quản lý cân nặng, tránh tăng cân quá mức bởi thừa cân béo phì trong thai kỳ có thể là nguyên nhân của rất nhiều biến chứng thai kỳ đáng tiếc.
Điều trị như thế nào?
Điều trị tiền sản giật nhẹ
- Có thể điều trị và theo dõi ngoại trú bằng cách đo huyết áp 2 lần/ngày.
- Nghỉ ngơi và nằm nghiêng trái.
- Theo dõi hàng tuần, nếu nặng lên phải nhập viện và điều trị tích cực.
- Nếu thai đã đủ tháng nên chấm dứt thai kỳ ở tuyến chuyên khoa.
- Uống đủ nước (2 – 3 lít nước mỗi ngày), ăn tăng đạm và ăn nhạt.
Điều trị tiền sản giật nặng
Phải nhập viện và theo dõi huyết áp và được điều trị tích cực. Theo dõi huyết áp 4 lần/ngày, cân nặng và protein niệu hàng ngày, xét nghiệm đếm tiểu cầu, Hct, siêu âm và theo dõi tim thai liên tục. Chế độ điều trị cơ bản như sau:
Điều trị nội khoa
- Nghỉ ngơi và nằm nghiêng trái.
- Thuốc an thần: Diazepam tiêm hoặc uống.
- Sử dụng Magnesium Sulfate.
- Thuốc hạ huyết áp sử dụng khi có huyết áp cao (160/110mmHg).
- Thuốc có tác dụng làm giãn các tiểu động mạch, tăng lưu lượng máu đến tim và thận. Ngoài ra, thuốc còn làm tăng lượng máu đến bánh rau.
- Thuốc lợi tiểu: chỉ sử dụng khi có đe dọa phù phổi cấp và thiểu niệu.
Điều trị sản khoa và ngoại khoa
- Nếu tiền sản giật nặng không đáp ứng với điều trị hoặc xảy ra sản giật thì chấm dứt thai kỳ với mọi tuổi thai. Trước khi chủ động chấm dứt thai kỳ, cần ổn định tình trạng bệnh nhân trong vòng 24-48 giờ.
- Nên sinh thủ thuật nếu đủ điều kiện, hoặc mổ lấy thai khi có chỉ định sản khoa hoặc cần nhanh chóng chấm dứt thai kỳ.
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.