Tổng quan chung
Triệu chứng
Nguyên nhân
Đối tượng nguy cơ
Chuẩn đoán
Phòng ngừa bệnh
Cách điều trị
Tắc ruột sơ sinh là gì? Những điều cần biết về tắc ruột sơ sinh
Tắc ruột ở trẻ sơ sinh là một hội chứng có nhiều nguyên nhân gây ra và thường là một trường hợp cấp cứu ngoại khoa phổ biến ở độ tuổi này. Bệnh thường phát triển nhanh chóng và nghiêm trọng, nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời, có thể dẫn đến tử vong. Hãy cùng Pharmacity tìm hiểu về tắc ruột sơ sinh qua bài viết dưới đây.
Tổng quan chung
Tắc ruột là hiện tượng tắc nghẽn các chất có trong lòng ruột, bao gồm ruột non và đại tràng. Tắc ruột khiến các chất trong lòng ruột ứ đọng, lâu dần tạo điều kiện cho vi khuẩn tấn công và dẫn đến nhiều vấn đề nghiêm trọng như hoại tử ruột, thậm chí là tử vong.
Trong các trường hợp tắc ruột ở trẻ nhỏ dưới 3 tuổi thì lồng ruột là phổ biến nhất. Hệ tiêu hóa của trẻ còn rất non nớt, vì thế, khi trẻ bị tắc ruột cần phải đưa đến bệnh viện ngay để các bác sĩ kịp thời điều trị, tránh hậu quả xấu xảy ra.
Triệu chứng
Tùy theo vị trí tắc, mức độ tắc và thời gian bị bệnh mà các triệu chứng trên biểu hiện ở các mức độ khác nhau
Tắc cao: từ dưới môn vị tới góc tá – hỗng tràng:
- Nôn: xuất hiện sớm, thường ngay ngày đầu, trẻ nôn dịch mật (tắc dưới bóng Vater) hoặc sữa, dịch dạ dày (trên bóng Vater), nôn nhiều khi tắc hoàn toàn, ít khi tắc không hoàn toàn
- Chướng bụng: không chướng hoặc chướng vùng trên rốn, dạ dày dãn, nổi lên tự nhiên hoặc khi kích thích
- Đại tiện: không có phân su, kết thể trắng đục hoặc xanh nhạt, ít nếu tắc hoàn toàn; vẫn đại tiện phân su nhưng ít nếu tắc không hoàn toàn.
Tắc vừa: tắc ở hỗng tràng – hồi tràng (góc Treitz – van Bauhin)
- Nôn: thường ngày thứ 2,3 sau đẻ, nôn dịch mật, dịch dạ dày, mức độ tuỳ thuộc mức độ tắc.
- Chướng bụng: bụng chướng đều, quai ruột nổi, có sóng nhu động tự nhiên hoặc khi kích thích da bụng
- Đại tiện: không có phân su, kết thể trắng đục hoặc xanh nhạt, ít nếu tắc hoàn toàn, vẫn đại tiện phân su nhưng ít nếu tắc không hoàn toàn.
Tắc thấp: tắc ở đại tràng – trực tràng
- Nôn: xuất hiện muộn hơn, thường khoảng 3 ngày sau đẻ, nôn dịch mật, dịch ruột.
- Chướng bụng: thường chướng toàn bộ ổ bụng, có quai ruột nổi, dấu hiệu rắn bò.
- Đại tiện: không có phân su; chỉ ra kết thể trắng đục nếu tắc hoàn toàn, vẫn đại tiện phân su nhưng ít.
Toàn trạng: tùy mức độ tắc nghẽn và thời gian bị bệnh sẽ có các dấu hiệu:
- Dấu hiệu mất nước
- Sốt
- Rối loạn hô hấp: do chướng bụng, hít chất nôn
- Vàng da
- Các dị tật kèm theo.
Nguyên nhân
Có một số nguyên nhân gây bệnh như:
- Tắc tá tràng: Hiện tượng tắc tá tràng có thể do nguyên nhân bên trong như: teo tá tràng, hẹp tá tràng. Bên cạnh đó, các nguyên nhân bên ngoài gồm: tụy hình nhẫn, dây chằng Ladd, kìm động mạch, tĩnh mạch cửa trước tá tràng.
- Teo ruột: Tình trạng này thường gặp ở ruột non, đoạn teo có thể ngắn hay dài, một hay nhiều đoạn. Có 3 hình thái teo ruột chính:
- Thể màng ngăn: giữa 2 đoạn ruột ngăn cách bởi một màng ngăn niêm mạc.
- Thể dây xơ: một dây xơ nối đoạn trên và dưới.
- Thể gián đoạn: 2 đầu ruột không dính với nhau, mạc treo hình khuyết chữ V.
- Viêm phúc mạc bào thai gây tắc ruột ở trẻ sơ sinh: Trẻ bị thủng ruột thời kỳ bào thai dẫn đến phân su tràn vào ổ bụng. Các thể viêm phúc mạc thường gặp là: viêm phúc mạc dính, viêm phúc mạc tự do, viêm phúc mạc kết bọc, viêm phúc mạc thể nang giả,…
- Tắc ruột phân su: Phân su đặc quánh lấp đầu lòng ruột gây tắc, thường tắc ở đoạn cuối hồi tràng. Đây là biểu hiện sớm của bệnh xơ nang tụy.
- Dị tật hậu môn trực tràng
- Không có lỗ hậu môn: có lỗ rò hoặc không có lỗ rò.
- Có lỗ hậu môn: tắc ruột do teo trực tràng, hẹp hậu môn trực tràng.
- Tắc ruột cơ năng: Nguyên nhân là do giãn đại tràng bẩm sinh hoặc các nhiễm khuẩn sơ sinh nặng gây liệt ruột.
Đối tượng nguy cơ
- Tắc ruột sơ sinh thường xảy ra ở trẻ sơ sinh từ 3-12 tháng tuổi.
- Tỷ lệ mắc bệnh ở các bé nam cao hơn nữ từ 2-4 lần.
- Đa số gặp ở trẻ béo tốt, bụ bẫm, ít xảy ra ở trẻ bị suy dinh dưỡng.
- Trẻ sinh non cũng có nguy cơ tắc ruột cao do hệ tiêu hoá chưa phát triển toàn diện.
Chẩn đoán
Khi trẻ có các triệu chứng trên, bác sĩ sẽ làm thêm một số xét nghiệm, cận lâm sàng hỗ trợ chẩn đoán xác định tắc ruột.
- X – quang bụng không chuẩn bị để chẩn đoán vị trí tắc và có thể cả mức độ tắc.
- Chụp lưu thông tiêu hóa: khi chụp không chuẩn bị không rõ tắc và vị trí tắc
- Chụp khung đại tràng: nghi có xoắn trung tràng
- Siêu âm bụng
- Xét nghiệm: Công thức máu, đông máu cơ bản, nhóm máu, khí máu, điện giải đồ, chức năng gan – thận, protein, albumin.
Phòng ngừa bệnh
Tắc ruột sơ sinh có thể được hạn chế bằng một số cách sau:
Trước khi sinh:
- Người mẹ cần tiêm phòng đầy đủ trước khi có ý định mang thai.
- Trong quá trình mang thai cần nghỉ ngơi và vận động hợp lý, ăn uống đầy đủ dưỡng chất, tránh tiếp xúc với môi trường độc hại.
Sau khi sinh:
- Trường hợp trẻ sinh non thì bố mẹ cần chú ý chăm sóc hệ tiêu hoá của trẻ.
- Điều chỉnh chế độ ăn uống cho trẻ để ngăn chặn tình trạng tắc ruột, tránh chất béo và các thực phẩm khó tiêu hoá.
Điều trị như thế nào?
Sau khi chẩn đoán chính xác tình trạng tắc ruột của trẻ, bác sĩ sẽ tiến hành điều trị cấp cứu. Sở dĩ bác sĩ cần cấp cứu nhanh cho trẻ bị tắc ruột là để hạn chế tối đa tình trạng mất nước cùng các chất điện giải. Ngoài ra, trong quá trình cấp cứu, bác sĩ cũng sẽ tìm cách ngăn chặn lây nhiễm, không để ruột bị hoại tử.
Để xử lý tình trạng tắc ruột cho trẻ sơ sinh, bác sĩ thường áp dụng quy trình xử lý sau:
- Tiến hành truyền dịch cho trẻ theo đường tĩnh mạch.
- Đặt ống từ mũi vào đến dạ dày để giảm áp lực cho ổ bụng.
- Tùy theo từng nguyên nhân, bác sĩ sẽ chỉ định những cách điều trị khác nhau. Ví dụ nếu do lồng ruột thì tìm cách tháo gỡ và loại bỏ khối lồng sẽ được ưu tiên; nếu do u thì sẽ áp dụng phương pháp giúp giải quyết khối u,…
Tắc ruột sơ sinh là một tình trạng nghiêm trọng nhưng có thể được điều trị hiệu quả nếu được phát hiện và can thiệp kịp thời. Các bậc phụ huynh và người chăm sóc cần chú ý đến các triệu chứng sớm của bệnh và tìm kiếm sự tư vấn y tế ngay khi có dấu hiệu bất thường. Sự chăm sóc tận tình và theo dõi chặt chẽ từ các chuyên gia y tế sẽ giúp trẻ vượt qua tình trạng này một cách an toàn và khỏe mạnh.
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.