Tổng quan chung
Triệu chứng
Nguyên nhân
Đối tượng nguy cơ
Chuẩn đoán
Phòng ngừa bệnh
Cách điều trị
Nhiễm trùng đường ruột là gì? Những điều cần biết về nhiễm trùng đường ruột
Nhiễm trùng đường ruột thường là một trong những căn bệnh phổ biến mà nhiều người gặp phải. Triệu chứng của bệnh không chỉ làm giảm sức khỏe mà còn gây ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng cuộc sống của bệnh nhân. Hãy cùng Pharmacity tìm hiểu về nhiễm trùng đường ruột qua bài viết dưới đây.
Tổng quan chung
Tình trạng nhiễm trùng đường ruột xảy ra chủ yếu do thói quen ăn uống không lành mạnh và có thể gặp ở bất cứ ai, ở mọi độ tuổi, giới tính. Nếu vô tình ăn thực phẩm bẩn, chứa vi khuẩn, virus hay ký sinh trùng thì bạn có nguy cơ mắc bệnh tương đối cao.
Sau khi vi khuẩn, virus hoặc ký sinh trùng tấn công vào đường ruột, chúng sẽ làm tổn thương đường ruột, ảnh hưởng tới sức khỏe và sinh hoạt của người bệnh. Để xác định phác đồ điều trị nhiễm trùng đường ruột phù hợp, trước tiên chúng ta cần biết những loại vi khuẩn, virus hay ký sinh trùng nào có khả năng gây bệnh. Cụ thể là:
- Một số loại vi khuẩn gây bệnh là E.coli, Salmonella hoặc Campylobacter,… Trong đó, E.coli lây lan chủ yếu qua nguồn nước bẩn, các thực phẩm không đảm bảo vệ sinh. Vi khuẩn Salmonella thường được tìm thấy trong thịt gia súc, gia cầm hoặc trứng chưa nấu chín.
- Các loại virus gây bệnh là Noro và Rota. Cụ thể, virus Noro thường lây lan qua nguồn nước, thực phẩm bẩn, còn virus Rota chủ yếu xuất hiện trên các đồ vật không đảm bảo vệ sinh. Trẻ nhỏ có thói quen cầm nắm đồ vật xung quanh và vô thức đưa tay lên miệng, khiến trẻ dễ bị nhiễm virus Rota.
- Ký sinh trùng có thể gây nhiễm trùng đường ruột là Giardia và Cryptosporidium.
Trẻ nhỏ, người cao tuổi và những người sống, làm việc trong điều kiện môi trường ô nhiễm, không đảm bảo vệ sinh là đối tượng có nguy cơ mắc bệnh rất cao. Bởi vì hệ miễn dịch cũng như hệ tiêu hóa của họ hoạt động kém, đây là cơ hội để vi khuẩn, virus, ký sinh trùng tấn công và gây nhiễm trùng đường ruột.
Triệu chứng
Một số dấu hiệu thông thường của người bị nhiễm trùng đường ruột:
- Đi ngoài ra phân lỏng, phân nát, có lúc bị táo bón
- Các vi sinh vật gây bệnh nhiễm trùng đường ruột có thể gây ảnh hưởng tới các bộ phận khác như nhiễm siêu vi đường hô hấp, nhiễm trùng xoang mũi, ho…
- Người mắc bệnh có cảm giác chán ăn
- Cảm giác buồn nôn, ăn không ngon miệng
- Khi tình trạng nhiễm trùng đường ruột của người bệnh trở nên nặng thì sẽ xuất hiện dấu hiệu đau bụng hoặc chướng bụng
- Người bị nhiễm trùng đường ruột sẽ cảm thấy bị co thắt ở bụng. Cơn đau sẽ kéo dài trong khoảng từ 3-4 phút và tình trạng sẽ trở nên nghiêm trọng hơn nếu không điều trị nguyên nhân
- Người bị nhiễm trùng đường ruột có thể bị hội chứng kích thích do các ký sinh trùng trong ruột người bệnh cư trú ở trong ruột
- Khi bị nhiễm trùng đường ruột, có thể sẽ cảm thấy khó ngủ hơn
- Trong khi ngủ, một số đối tượng bị nhiễm trùng đường ruột có thể sẽ nghiến răng
- Do sự tác động của các chất kích thích như nấm men hoặc tình trạng mất nước trong hệ thống tiêu hóa sẽ làm tăng nguy cơ nhức đầu ở người bệnh
- Ngứa da hoặc bỏng da có thể là dấu hiệu xuất hiện ở bệnh nhân bị nhiễm trùng đường ruột
Nguyên nhân
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến nhiễm trùng đường ruột, trong đó nguyên nhân chủ yếu là vi khuẩn, virus và ký sinh trùng:
- Nhiễm trùng đường ruột do vi khuẩn: Vi khuẩn bao gồm nhiễm trùng do thực phẩm và ngộ độc thực phẩm có thể gây nhiễm trùng đường ruột. Các nguồn phổ biến của nhiễm trùng đường ruột do vi khuẩn bao gồm: Salmonella; E.coli; Clostridium perfringens (vi khuẩn kỵ khí sinh bào tử gram dương); Listeria; Staphylococcus (nhiễm trùng tụ cầu). Trên thực tế hầu hết mọi thực phẩm bị ô nhiễm đều có thể gây nhiễm trùng, tuy nhiên, một số thực phẩm lại tiềm ẩn nhiều rủi ro hơn những thực phẩm khác, trong đó phải kể đến là: Thịt, trứng hoặc thịt gia cầm nấu chưa chín hoặc sống, trái cây và rau chưa rửa hoặc ăn sống… Ngoài ra, sữa và nước trái cây chưa tiệt trùng, nước bị ô nhiễm đặc biệt là các sản phẩm thịt và trứng, thịt nguội không được bảo quản tốt, an toàn. Người ta còn tìm thấy những người bị nhiễm trùng đường ruột do vi khuẩn có thể lây lan vi khuẩn sang thức ăn mà con người tiếp xúc. Thực phẩm này sau đó có thể lây nhiễm sang người khác nếu tiêu thụ thực phẩm đó.
- Nhiễm trùng đường ruột do virus: Một số loại virus có thể gây nhiễm trùng đường ruột trong đó có norovirus xuất hiện trong các loại thực phẩm bị ô nhiễm. Loại virus này cũng có thể lây lan từ người sang người. Tiếp đến là rotavirus gây nhiễm trùng tiêu hóa ở trẻ em. Đây là nguyên nhân hàng đầu gây tiêu chảy khiến trẻ nhập viện. Trẻ thường nhiễm bệnh khi chạm vào đồ vật bị nhiễm virus, sau đó cho ngón tay vào miệng.
- Nhiễm trùng đường ruột do ký sinh: Có nhiều loại ký sinh trùng gây bệnh đường ruột ở người trong đó phải kể đến giun sán đường ruột, hoặc giun, sán đơn bào gây nhiễm ký sinh trùng đường tiêu hóa. 2 bệnh nhiễm ký sinh trùng phổ biến nhất là giardia và cryptosporidiosis. Các nghiên cứu chỉ ra rằng nếu tiếp xúc với phân người trong đất có thể lây lan các ký sinh trùng này. Ai cũng có thể mắc các bệnh nhiễm trùng này do uống hoặc bơi trong nước bị ô nhiễm. Một số bệnh nhiễm ký sinh trùng có thể lây lan từ động vật sang người. Chúng bao gồm bệnh toxoplasmosis mà mọi người có thể tiếp xúc với phân mèo.
Đối tượng nguy cơ
Dưới đây là 3 nhóm đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh nhiễm trùng đường ruột nhất:
- Trẻ nhỏ và trẻ sơ sinh: Nhóm này có hệ thống miễn dịch phát triển chưa hoàn chỉnh nên dễ bị vi khuẩn, virus, ký sinh trùng tấn công. Theo đó, báo cáo cho thấy tiêu chảy do nhiễm trùng chiếm 1 trong 9 ca tử vong ở trẻ em trên toàn thế giới, với 2.195 trường hợp mỗi ngày, nhiều hơn cả AIDS, sốt rét và sởi cộng lại.
- Người cao tuổi: Đối tượng này có hệ miễn dịch và hệ tiêu hóa suy yếu nên dễ bị tổn thương khi gặp phải vi khuẩn, virus, ký sinh trùng.
- Những người sống trong môi trường không đảm bảo vệ sinh: Đây là môi trường thuận lợi cho các loại vi khuẩn, virus, ký sinh trùng phát triển và lây lan nhanh chóng.
Chẩn đoán
Để chẩn đoán nhiễm trùng đường tiêu hóa chính xác, bác sĩ sẽ thực hiện các phương pháp lâm sàng và cận lâm sàng bao gồm:
- Hỏi chi tiết về tình trạng bệnh cũng như bệnh sử của bệnh nhân và người thân để định hướng chẩn đoán
- Xét nghiệm máu để tìm hiểu dấu hiệu nhiễm khuẩn và đánh giá các chỉ số hồng cầu, tiểu cầu và bạch cầu.
- Xét nghiệm phân để kiểm tra trứng và ký sinh trùng trong phân, cần lấy phân để soi tươi, nuôi cấy, phân lập xác định nguyên nhân gây bệnh xuất phát từ các vi khuẩn, virus hay ký sinh trùng
- Nội soi ống tiêu hóa: phụ thuộc vào các triệu chứng và tiểu sử bệnh mà bác sĩ có thể được chỉ định bệnh nhân thực hiện nội soi theo từng cơ quan hoặc toàn bộ ống tiêu hóa. Trong đa số trường hợp nhiễm khuẩn tiêu hóa cấp tính thì không cần nội soi tiêu hóa. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, nếu người bệnh bị nhiễm trùng tiêu hóa bán cấp hay mạn tính, thì nội soi tiêu hóa có thể được chỉ định để hỗ trợ chẩn đoán và xác định nguyên nhân nhiễm khuẩn.
Ngoài ra, bác sĩ có thể sẽ chỉ định bệnh nhân thực hiện siêu âm ổ bụng hoặc chụp X-quang ổ bụng để loại trừ các nguyên nhân bệnh tiêu hóa khác có chung triệu chứng.
Phòng ngừa bệnh
Một số cách phòng ngừa bệnh nhiễm trùng đường ruột:
- Đảm bảo nguồn nước sạch, thực phẩm hợp vệ sinh và luôn ăn chín uống sôi.
- Vệ sinh tay sạch sẽ sau khi đi vệ sinh, trước khi chế biến đồ ăn, trước khi ăn, trước khi chăm sóc trẻ nhỏ, không nên ăn bốc.
- Không nên ăn đồ chế biến sẵn, đồ hộp vì có thể chứa vi khuẩn gây bệnh.
- Không nên ăn rau sống, gỏi cá, tiết canh… vì chứa nhiều vi khuẩn gây bệnh nguy hiểm như E.Coli, tụ cầu vàng, giun sán…
- Đảm bảo môi trường sống luôn thoáng đãng, sạch sẽ.
- Tiêm phòng vắc xin ngừa rotavirus cho trẻ dưới 6 tháng tuổi để phòng bệnh tiêu chảy cấp do nhiễm khuẩn đường ruột.
Điều trị như thế nào?
Tùy vào từng trường hợp, bác sĩ sẽ chỉ định cách điều trị nhiễm khuẩn đường ruột phù hợp để đảm bảo đạt hiệu quả tốt nhất, bao gồm:
Dùng thuốc điều trị
Trong các trường hợp nhiễm trùng do vi khuẩn hoặc ký sinh trùng, bác sĩ có thể chỉ định người bệnh dùng thuốc khác sinh. Trong đó, fluoroquinolones, metronidazole, azithromycin, cephalosporin thế hệ thứ 2,3… được sử dụng phổ biến nhất.
Biện pháp hỗ trợ tại nhà
Ngoài dùng thuốc, người bệnh có thể cần kết hợp các biện pháp chăm sóc tại nhà để đảm bảo đạt được kết quả điều trị tốt nhất, bao gồm:
- Bù nước cho cơ thể: Đây là biện pháp hỗ trợ điều trị nhiễm khuẩn đường ruột quan trọng hàng đầu. Người bệnh cần uống nhiều nước để tránh cơ thể bị mất nước dẫn đến những biến chứng đáng lo ngại hơn, đặc biệt khi nôn mửa, tiêu chảy liên tục. Cụ thể, người bệnh nên tăng cường bổ sung các dung dịch điện giải như oresol để đảm bảo vừa bù đủ nước và điện giải. Người lớn khỏe mạnh cũng có thể thay oresol bằng súp mặn, nước trái cây và nước đường.
- Nghỉ ngơi: Cơ thể trong giai đoạn bị nhiễm khuẩn đường ruột dễ mệt mỏi, giảm sức đề kháng. Người bệnh cần xây dựng chế độ nghỉ ngơi hợp lý để hỗ trợ phục hồi sức khỏe.
- Xây dựng chế độ ăn hợp lý: Người bị nhiễm khuẩn đường ruột nên chọn lựa các bữa ăn nhẹ với những thực phẩm dễ tiêu hóa, chế độ ăn riêng biệt thường không áp dụng. Người bệnh đảm bảo ăn đủ thành phần các chất để bổ sung đầy đủ dinh dưỡng, giúp nâng cao tổng trạng.
Loại trà nào có lợi cho tiêu hóa?
- Trà gừng: Gừng có khả năng ức chế sự tiến triển của bệnh lý nhiễm trùng do vi khuẩn hoặc ký sinh trùng, bao gồm cả nhiễm khuẩn đường ruột. Trà gừng giúp cải thiện đáng kể triệu chứng sưng, đau ở người bệnh. Cách thực hiện: Gọt vỏ miếng gừng (khoảng 2cm), cho vào máy xay cùng vài giọt mật ong và nước lọc, lọc qua rây, lấy phần nước.
- Trà bạc hà: Trà bạc hà có tác dụng giảm viêm, làm dịu kích ứng ở thành ruột; hấp thụ lượng khí dư thừa trong ruột, chống co thắt và làm giảm triệu chứng khó chịu ở bụng. Người bệnh uống trà bạc hà cũng nhận thấy dạ dày được làm dịu hiệu quả, cải thiện rõ rệt tình trạng nôn, buồn nôn. Cách thực hiện: Cho 6 lá bạc hà tươi vào cốc nước sôi, đậy nắp, chờ khoảng 5 – 10 phút, lọc qua rây, thu lấy nước cốt. Uống nhiều lần trong ngày.
- Nước chanh: Nước chanh có tác dụng giải độc, loại bỏ mọi tạp chất ra khỏi ruột, bao gồm cả vi khuẩn, virus, nấm, ký sinh trùng. Loại thức uống này cũng hỗ trợ ổ định nhu động ruột, cải thiện hiệu quả các triệu chứng đau bụng, chán ăn và tiêu chảy. Cách thực hiện: Vắt nửa quả chanh vào cốc nước ấm, bổ sung đường và thêm chút muối uống mỗi ngày một lần vào trước bữa sáng. Nếu mắc bệnh trào ngược dạ dày cần tham khảo ý kiến bác sĩ.
- Trà hoa cúc: Trà hoa cúc rất giàu hợp chất phenolic như apigenin, quercetin, patuletin, có đặc tính chống viêm và làm dịu cơn đau bụng do nhiễm trùng đường ruột. Cách thực hiện: Cho 2 muỗng cà phê hoa cúc khô vào 250ml nước sôi, hãm khoảng 5 – 10 phút, sau đó lọc lấy nước uống. Nên uống 3 lần/ ngày, có thể thêm mật ong để tăng hương vị.
Bài viết trên đã cho bạn những thông tin bổ ích về nhiễm trùng đường ruột. Hi vọng, sẽ có ích cho việc chăm sóc sức khỏe gia đình bạn.
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.