Tổng quan chung
Triệu chứng
Nguyên nhân
Đối tượng nguy cơ
Chuẩn đoán
Phòng ngừa bệnh
Cách điều trị
Nghiến răng khi ngủ là gì? Những điều cần biết về nghiến răng khi ngủ
Nghiến răng khi ngủ là một trong những biểu hiện khi cơ thể bị rối loạn vận động trong giấc ngủ. Mặc dù không quá nguy hiểm nhưng về lâu dài, việc cắn chặt răng khi ngủ có thể dẫn tới một số biến chứng khó lường về răng miệng. Hãy cùng Pharmacity tìm hiểu về những điều cần biết về nghiến răng khi ngủ qua bài viết dưới đây.
Tổng quan chung
Chứng nghiến răng khi ngủ (Bruxism) là tình trạng cắn chặt răng quá mức ở cả người lớn và trẻ em xảy ra trong ngày hoặc ban đêm khi ngủ. Ngủ nghiến răng không chỉ gây phiền toái cho người ngủ cạnh bạn mà còn có thể gây tổn thương cho răng nếu tình trạng này diễn ra trong thời gian dài.
Một số biến chứng của tình trạng nghiến răng kéo dài có thể thấy rõ như lớp men răng mòn dần, đau mặt, sưng mặt,… Những triệu chứng này có thể dẫn đến tình trạng răng ê buốt, cũng như các vấn đề về răng miệng nghiêm trọng hơn.
Triệu chứng
Các dấu hiệu sau có thể giúp bạn nhận biết chứng ngủ nghiến răng:
- Răng siết hoặc nghiến vào nhau, có thể phát ra âm thanh đủ to để khiến người ngủ bên cạnh thức giấc.
- Răng bị mòn, nứt, sứt mẻ hoặc lung lay
- Mất men răng, để lộ các lớp răng nằm sâu bên trong
- Răng đau và nhạy cảm hơn
- Mỏi hàm, cơ hàm kém linh hoạt hoặc hàm bị chặt khiến khó mở ra và đóng lại hoàn toàn
- Đau hoặc đau nhức hàm, cổ hoặc mặt
- Có cảm giác đau tai mặc dù tai vẫn bình thường
- Đau đầu ê ẩm
- Bị tổn thương trong má do nhai
- Giấc ngủ bị gián đoạn
Nguyên nhân
Nguyên nhân của nghiến răng chưa thực sự rõ ràng, thường được cho là liên quan tới các yếu tố sau:
- Yếu tố thần kinh: Nghiến răng có thể liên quan đến các yếu tố tâm lý và thần kinh như căng thẳng, lo lắng hoặc ở những người có tính cách hiếu thắng, hoạt động quá mức.
- Rối loạn giấc ngủ: Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, những người có rối loạn giấc ngủ như ngủ ngáy, ngủ chập chờn, mê sảng, hội chứng ngưng thở khi ngủ, bóng đè hoặc ảo giác khi ngủ có liên quan mật thiết đối với tật nghiến răng.
- Thuốc: Nghiến răng cũng có thể là tác dụng phụ của việc dùng một số thuốc an thần như phenothiazin, thuốc chống trầm cảm…
- Bệnh lý: Có thể là hậu quả của các bệnh lý như trào ngược dạ dày – thực quản, bệnh Parkinson… Thậm chí hàm răng lệch lạc, khớp cắn không phù hợp cũng có thể là nguyên nhân gây ra nghiến răng.
Đối tượng nguy cơ
Tần suất của việc nghiến răng có xu hướng giảm dần theo tuổi, trẻ em nghiến răng nhiều hơn người lớn và thấp nhất sau độ tuổi 65, có thể liên quan tới sự chưa hoàn thiện của hệ thống thần kinh cơ và các rối loạn về giấc ngủ cũng như tâm lý chưa ổn định, dễ bị tác động bởi môi trường xung quanh ở trẻ em.
Nghiến răng ở trẻ thường xuất hiện sau khi mọc những răng phía trước vào khoảng 1 tuổi, trẻ có tật thở miệng hoặc các bệnh lý viêm nhiễm đường hô hấp, amidan lớn, hen suyễn; đặc biệt trẻ mắc hội chứng tăng động giảm chú ý, những trẻ trong độ tuổi tới trường với áp lực học tập cao có tỷ lệ nghiến răng cao hơn.
Những yếu tố làm tăng nguy cơ nghiến răng là:
- Stress: Tăng lo âu hoặc stress có thể dẫn tới nghiến răng.
- Tuổi: Tật nghiến răng khi ngủ thường gặp từ tuổi lên 10 cho tới độ tuổi 40, và có khuynh hướng giảm dần theo tuổi.
- Uống cà phê hoặc hút thuốc lá: Các chất kích thích như caffeine hoặc thuốc lá có thể làm cho cơ thể sản sinh thêm nhiều adrenalin, khiến tật nghiến răng trở nên nặng thêm.
Chẩn đoán
Cho đến nay, đã có rất nhiều phương pháp chẩn đoán nghiến răng được áp dụng trong lâm sàng cũng như nghiên cứu. Sử dụng bảng câu hỏi phỏng vấn là phương pháp được sử dụng phổ biến nhất. Thăm khám lâm sàng và quan sát mòn răng cũng được sử dụng rộng rãi trong cả lâm sàng và nghiên cứu.
Cũng có những nghiên cứu đã phát hiện hoạt động nghiến răng bằng những thiết bị trong miệng. Những nghiên cứu này bao gồm việc đánh giá sự mòn của Bruxchecker phát hiện lực tác dụng lên thiết bị đo lực cắn trong miệng. Ghi điện cơ của các cơ nhai trong khi ngủ bằng máy ghi điện cơ di động là một phương pháp trực tiếp và khách quan hơn để đánh giá chứng nghiến răng.
Phòng ngừa bệnh
Để phòng ngừa chứng nghiến răng khi ngủ, bạn có thể tham khảo một số phương pháp sau đây:
- Kiểm soát căng thẳng bằng cách nghe nhạc nhẹ, tập thể dục hoặc tắm nước ấm.
- Không sử dụng chất kích thích trước khi ngủ như rượu, bia, cà phê, trà chứa caffein,…
- Tránh thức khuya, ngủ đủ giấc.
- Thường xuyên khám răng định kỳ.
Điều trị như thế nào?
Tùy thuộc vào các yếu tố tâm lý, cấu tạo răng miệng hay những tác nhân gây ra hiện tượng này mà các biện pháp điều trị sẽ khác nhau.
- Điều trị căng thẳng: Nếu việc nghiến răng gây ra do căng thẳng, bệnh nhân cần áp dụng các phương pháp làm giảm căng thẳng như thay đổi môi trường, tập thể dục, thư giãn; điều trị các rối loạn về giấc ngủ (nếu có), duy trì các thói quen có lợi cho sức khỏe như đi ngủ đúng giờ, massage cơ mặt, tránh sử dụng các chất kích thích như uống rượu, hút thuốc, uống đồ uống có cafein, đặc biệt là vào buổi tối trước khi đi ngủ.
- Thay đổi thói quen vận động hàm và điều chỉnh hàm về vị trí thích hợp. Việc điều chỉnh các thói quen có thể mất nhiều thời gian và cần sự hỗ trợ của nha sĩ cũng như các chuyên gia tâm lý.
- Thuốc: Nhìn chung thuốc không thực sự có hiệu quả trong điều trị tật nghiến răng, nó chỉ có tác dụng để làm giảm sự căng cơ quá mức do nghiến răng mà thôi. Một số thuốc có thể được sử dụng đó là thuốc giãn cơ (sử dụng trước khi đi ngủ) hoặc tiêm botox để điều trị đối với những người nghiến răng nặng không đáp ứng với điều trị.
- Can thiệp nha khoa: Điều trị nha khoa có tác dụng bảo vệ răng, tuy nhiên không phải lúc nào cũng điều trị được dứt điểm tật nghiến răng.
- Máng chống nghiến: Có tác dụng bảo vệ mặt răng khỏi sự mài mòn gây ra do nghiến răng. Một số loại máng chống nghiến cũng có tác dụng điều chỉnh thói quen vận động hàm, do đó cũng làm hạn chế nghiến răng.
- Nắn chỉnh răng: Mục đích để điều chỉnh khớp cắn về vị trí phù hợp, làm giảm các tác động quá mức lên cơ nhai cũng như răng. Trong trường hợp nặng như mòn răng nhiều, nhạy cảm răng, bệnh nhân thậm chí còn cần phải phục hồi lại hình thể răng để khôi phục tương quan răng phù hợp giữa hai hàm.
Trên đây là những chia sẻ về nghiến răng khi ngủ. Hy vọng bài viết sẽ đem lại nhiều thông tin hữu ích cho bạn đọc.
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.