Tổng quan chung
Triệu chứng
Nguyên nhân
Đối tượng nguy cơ
Chuẩn đoán
Phòng ngừa bệnh
Cách điều trị
Mòn răng là gì? Những điều cần biết về mòn răn
Mòn men răng khiến răng trở nên nhạy cảm hơn khi ăn uống đồ quá nóng hoặc quá lạnh. Tình trạng này gây ra sự khó chịu và ảnh hưởng đến bữa ăn của bạn. Hãy cùng Pharmacity tìm hiểu về Mòn răng qua bài viết dưới đây.
Tổng quan chung
Men răng là lớp mô bao phủ bên ngoài của răng. Lớp vỏ này là mô cứng nhất trong cơ thể con người. Men che phủ toàn bộ bề mặt thân răng có thể thấy trong miệng.
Mòn răng là tình trạng mất đi lớp men răng do bị mài mòn, xảy ra nhanh hơn ở những người trẻ tuổi. Men răng một khi đã mất thì không được thay thế một cách tự nhiên. Có nhiều nguyên nhân có thể dẫn tới tình trạng này, liên quan đến thói quen ăn uống, chăm sóc răng miệng và các bệnh lý mà người bệnh mắc phải.
Triệu chứng
Bạn có thể dễ dàng nhận biết răng có bị mòn hay không thông qua những dấu hiệu sau đây:
- Răng nhạy cảm khi tiếp xúc với đồ ăn thức uống chua ngọt, với nhiệt độ nóng lạnh, đôi khi có cảm giác ê buốt, đau nhức.
- Răng bị xuống màu, chuyển sang màu ngà hơi vàng vì lớp men răng lúc này bị mòn và làm lộ ra màu của ngà răng.
- Bề mặt răng bị sứt, mẻ hoặc lỗ chỗ.
Nguyên nhân
Có 2 nhóm nguyên nhân chính gây nên tình trạng răng bị mòn, đó là:
- Mòn răng cơ học: Phần lớn các trường hợp răng bị mòn là do các tác nhân cơ học gây ra như:
- Nghiến răng khi ngủ khiến răng hàm bị mài mòn.
- Việc chải răng không đúng cách, đặc biệt là chải răng quá mạnh theo chiều ngang gây mòn cổ răng.
- Sử dụng các loại nước ngọt có ga, nước chanh, nước ép cam,… quá mức khiến axit trong thức uống từ từ bào mòn men răng.
- Những thói quen xấu như cắn móng tay, dùng răng mở nút chai… có thể gây nên tình trạng nứt vỡ men răng.
- Những người mắc chứng trào ngược dạ dày khiến cho axit có cơ hội tiếp xúc với bề mặt răng, từ đó gây mòn răng. Bên cạnh đó, những người nghiện rượu cũng thuộc một trong số các đối tượng bị mòn răng, bởi tăng nguy cơ nôn trào ngược axit dạ dày.
- Mòn răng bệnh lý: Một số bệnh lý có thể dẫn đến tình trạng mòn răng như:
- Thiểu sản men.
- Các bệnh lý ảnh hưởng tới quá trình khoáng hoá khiến cho men răng mềm và dễ vỡ hơn bình thường.
- Các bệnh lý khớp cắn gây nên sự ma sát quá mức giữa hai hàm răng, như đau mỏi khớp, khớp cắn lệch tâm,…
Đối tượng nguy cơ
Mòn men răng là tình trạng khá phổ biến ở mọi lứa tuổi. Trong đó, người trẻ có nguy cơ mòn men răng cao hơn chủ yếu do thói quen ăn uống và vệ sinh răng miệng không khoa học. Những người có các thói quen, các trạng thái như sau có nguy cơ cao bị mòn răng:
- Thói quen vệ sinh răng miệng kém, không khoa học khiến cho răng không được làm sạch tốt.
- Thói quen sử dụng các thức uống có tính axit cao, đồ uống có gas, ăn vặt quá nhiều và ăn những thực phẩm chứa nhiều đường, tinh bột.
- Tình trạng mệt mỏi, căng thẳng quá độ gây nghiến răng khi ngủ, dẫn đến mòn men răng.
- Mắc một số bệnh lý làm tăng nguy cơ mòn răng như trào ngược dạ dày thực quản và các bệnh lý tại vùng răng miệng như khô miệng, giảm tiết nước bọt.
Chẩn đoán
Để được chẩn đoán mòn răng, người bệnh cần đến gặp nha sĩ khi gặp phải những triệu chứng bất thường. Bác sĩ khai thác tiền sử, thói quen vệ sinh răng miệng của người bệnh và thăm khám trực tiếp để đưa ra chẩn đoán và lời khuyên. Các xét nghiệm và các phương tiện chẩn đoán hình ảnh tỏ ra không cần thiết trong bệnh lý mòn răng.
Phòng ngừa bệnh
Sau đây là những điều bạn nên chú ý để bảo vệ sức khỏe răng miệng cũng như phòng tránh tình trạng mòn răng:
- Hạn chế ăn các loại thực phẩm có chứa đường, axit. Chẳng hạn như: kẹo, nước ngọt có gas, các loại nước giải khát đóng chai, … .
- Nên sử dụng kem đánh răng và nước súc miệng có chứa thành phần Fluor.
- Uống nhiều hơn 2 lít nước mỗi ngày.
- Nhai kẹo cao su để kích thích nước bọt sản sinh.
- Không nên đánh răng quá 2 lần trong một ngày.
- Sử dụng chỉ nha khoa thay cho tăm xỉa răng.
- Thăm khám và kiểm tra răng miệng theo định kỳ 2 lần/năm.
- Thực hiện cạo vôi răng 6 tháng/lần.
Điều trị như thế nào?
Khi bệnh nhân đến khám, bác sĩ sẽ xem xét kỹ tình trạng và tùy thuộc vào tuổi tác, nguyên nhân, sự lan rộng của tổn thương, mức độ nặng nhẹ, sự hợp tác của người bệnh và tính chất nhạy cảm của từng bệnh nhân thì sẽ có các phương pháp điều trị khác nhau, bao gồm:
- Nếu bệnh nhân bị mòn răng ở mức độ nhẹ, mới khởi phát, chưa có dấu hiệu nhạy cảm thì có thể không cần điều trị. Có thể khuyến khích người bệnh sử dụng kem đánh răng có chứa flour và nước súc miệng phù hợp để khắc phục tình trạng này.
- Nếu tổn thương răng đã bị ăn mòn sâu vào lớp ngà, bác sĩ có thể thực hiện trám răng để trám bù đắp lại chỗ bị mòn khuyết. Khi được trám bằng vật liệu composite thì bệnh nhân phải ăn nhai hết sức cẩn thận vì loại vật liệu này không được đảm bảo về độ bền khi cắn thức ăn.
- Nếu răng mòn mặt nhai và gây ê buốt nhiều trong quá trình thực hiện chức năng ăn nhai thì bệnh nhân có thể lựa chọn một số phương pháp sau:
- Dán sứ veneer cho 2 – 6 răng cửa: Đây được xem là cách làm tối ưu cho những trường hợp răng cửa bị mòn vì veneer sứ có thể giúp làm dài thân răng và giúp cho răng có màu sắc thẩm mỹ hơn. Ưu điểm của veneer sứ là hạn chế tối đa việc mài bớt đi mô răng và nụ cười sẽ được thiết kế hoàn hảo cho cá nhân, đồng thời màu sắc của miếng dán sứ Veneer sẽ không đổi theo thời gian. Tuy nhiên, một vài trường hợp về khớp cắn hay răng lệch lạc nhiều thì veneer sứ sẽ không phù hợp.
- Thực hiện làm răng sứ cho 2 – 6 răng cửa: Đây là giải pháp hữu hiệu khi miếng dán sứ veneer không thể được chỉ định cho bệnh nhân vì nguyên nhân nêu trên. Thân răng sứ được tái tạo trùng khớp với hình thể thân răng thật để bọc chụp bên ngoài răng bị mòn mặt nhai. Đây được xem như là một lớp bảo vệ bên ngoài khi ngà răng bị lộ để hạn chế tình trạng ê buốt kéo dài cũng như ngăn ngừa những tác động có hại trong quá trình ăn nhai. Mặc khác bọc răng sứ còn mang đến tính thẩm mỹ cao với màu sắc sáng bóng tự nhiên mà không hề bị nhiễm màu trở lại như thực hiện trám răng. Với công nghệ hiện đại ngày này, răng sứ cũng có thể hoàn toàn đảm bảo được chức năng ăn nhai, đồng thời tạo ra màu sắc, hình dáng tự nhiên không khác gì răng thật với độ bền chắc và chịu lực cao, không bị gãy vỡ, đảm bảo ăn nhai tốt, chống mòn, chống bám giúp răng duy trì độ thẩm mỹ trong thời gian lâu dài.
- Những trường hợp răng bị mòn quá sâu có thể phải thực hiện điều trị tủy hoặc nhổ bỏ.
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.