Tổng quan chung
Triệu chứng
Nguyên nhân
Đối tượng nguy cơ
Chuẩn đoán
Phòng ngừa bệnh
Cách điều trị
Lỵ trực trùng do Shigella dysenteriae là gì? Những điều cần biết về lỵ trực trùng
Bệnh lỵ trực trùng do Shigella dysenteriae là bệnh truyền nhiễm lây qua đường tiêu hóa do trực khuẩn lỵ gây nên. Bệnh thường có diễn biến lành tính, nhưng nếu không được điều trị kịp thời sẽ dẫn đến những biến chứng phức tạp hoặc thậm chí là tử vong. Vì vậy, bạn cần nắm rõ phương pháp phòng ngừa và triệu chứng của bệnh lỵ trực trùng để có thể chủ động phòng bệnh và điều trị kịp thời, giảm thiểu tối đa nguy cơ biến chứng.
Tổng quan chung
Lỵ trực khuẩn là bệnh nhiễm khuẩn đường tiêu hóa gây ra bởi trực khuẩn Shigella. Shigella gây bệnh dựa trên cơ chế xâm nhập vào tế bào biểu mô niêm mạc ruột và nhân lên với số lượng lớn trong ruột. Ở Việt Nam, Shigella gây bệnh lỵ trực khuẩn thường gặp nhất là Shigella sonnei và Shigella flexneri. Bệnh lây truyền qua đường tiêu hóa và dễ phát triển thành dịch.
Lỵ trực trùng do Shigella dysenteriae là tình trạng viêm nhiễm cấp tính ở đường tiêu hóa do trực khuẩn Shigella dysenteriae gây ra với hội chứng lỵ điển hình: Đau quặn bụng, mót rặn và đi ngoài phân lỏng.
Triệu chứng bệnh thời kỳ toàn phát: Gồm 2 hội chứng chính:
- Hội chứng lỵ: Phân nhầy máu, đi ngoài nhiều lần, lượng phân càng về sau càng ít dần. Trường hợp nặng có thể đi đại tiện 20 – 40 lần/ngày, mót rặn nhiều và ngày càng tăng, đau thốn vùng trực tràng, đau quặn từng cơn dọc khung đại tràng trước khi đại tiện;
- Hội chứng nhiễm khuẩn: Sốt cao 39 – 40 độ C, ớn lạnh, đau nhức cơ toàn thân, chán ăn, mệt mỏi, buồn nôn và nôn ói. Trẻ nhỏ có thể bị co giật do sốt cao hoặc do nhiễm độc thần kinh. Thường giảm sốt sau vài ngày, thể trạng suy sụp nhanh, mệt mỏi, môi khô, lưỡi vàng nâu.
Triệu chứng
Ở mỗi giai đoạn khác nhau, lỵ trực khuẩn có thể gây ra những triệu chứng khác nhau, cụ thể như sau:
- Giai đoạn ủ bệnh: Thông thường giai đoạn này sẽ diễn ra khoảng 1 đến 5 ngày và bệnh nhân thường không gặp phải những triệu chứng đặc trưng.
- Giai đoạn khởi phát: Ở giai đoạn này, bệnh thường diễn biến đột ngột và người bệnh có thể gặp phải một số triệu chứng như:
- Thời kỳ toàn phát: Những biểu hiện ngày càng rõ ràng và nghiêm trọng:
- Đau quặn vùng bụng, đau theo cơn.
- Đau đại trực tràng.
- Người bệnh mót rặn nhiều và muốn đi ngoài liên tục. Thậm chí có thể đi ngoài từ 20 đến 40 lần chỉ trong vòng 1 ngày.
- Phân của người bị lỵ trực khuẩn thường có nhiều chất nhầy, có nước máu đỏ. Sau mỗi lần đi ngoài, lượng phân ít dần.
- Vì đi ngoài quá nhiều, người bệnh phải đối mặt với tình trạng mất nước và điện giải, suy kiệt, sa trực tràng, đau toàn bộ khung đại tràng.
- Cơ thể người bệnh mệt mỏi và hốc hác, có thể bị sốt, môi khô và lưỡi bẩn,…
- Giai đoạn lui bệnh: Những triệu chứng bệnh bắt đầu thuyên giảm sau 1 đến 2 tuần.
Nguyên nhân bệnh lỵ trực trùng do Shigella dysenteriae
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến bệnh lỵ trực trùng do Shigella dysenteriae, trong đó có 3 yếu tố chính:
- Ô nhiễm nguồn nước: thời tiết bất thường vào mùa hè, nắng nóng gay gắt, cùng với nhiều đợt mưa bão lớn trên khắp cả nước khiến môi trường bị ô nhiễm nặng nề. Vô số các loại sinh vật từ đất, bụi, rác thải hòa vào dòng nước, tràn ra nhiều nơi. Những dòng nước bẩn này mang theo hàng tỷ trực khuẩn Shigella “trộn” vào các bể nước ăn, bể tắm, nhà cửa, khu vực công cộng… gây bệnh lỵ trực trùng cho con người.
- Tiếp xúc trực tiếp với trực khuẩn Shigella: nếu không sát khuẩn tay với xà phòng sau khi thay tã lót cho em bé bị nhiễm khuẩn Shigella, người chăm sóc bé có thể bị nhiễm bệnh lỵ trực khuẩn.
- Ăn thực phẩm bị nhiễm khuẩn: bệnh có thể lấy truyền thông qua thực phẩm bị nhiễm khuẩn. Chẳng hạn như người chế biến thực phẩm mắc bệnh lỵ trực trùng có thể truyền vi khuẩn cho những người ăn thực phẩm hoặc do khu chế biến thực phẩm ở gần nơi chứa nước thải bị ô nhiễm.
Đối tượng nguy cơ
Bệnh lỵ trực khuẩn thường gặp ở những nước kém hoặc đang phát triển. Đối tượng nguy cơ mắc bệnh cao là trẻ em dưới 5 tuổi. Ngoài ra, những người tiếp xúc với người bệnh lỵ mà không đảm bảo các biện pháp phòng ngừa, sử dụng thức ăn nước uống bị ô nhiễm, điều kiện vệ sinh kém cũng tăng nguy cơ mắc bệnh. Ở đối tượng quan hệ đồng giới nam cũng có thể lây bệnh.
Ở Việt Nam bệnh thường gặp vào mùa hè, đặc biệt ở những khu vực điều kiện vệ sinh kém.
Chẩn đoán
Tiêu chảy hay tiêu chảy phân nhầy máu có thể là triệu chứng của nhiều bệnh lý khác nhau. Do đó để xác định chính xác bản thân có mắc bệnh lỵ trực trùng hay không, người bệnh cần đến các cơ sở y tế để được chẩn đoán, theo dõi và điều trị.
Thông thường, phương pháp chẩn đoán bệnh lỵ trực trùng thường là lấy mẫu phân hoặc phết trực tràng để tiến hành xét nghiệm cấy phân, nuôi cấy định danh vi khuẩn và ngưng kết kháng huyết thanh. Nếu sử dụng phương pháp phết trực tràng, mẫu vật cần được giữ trong môi trường chuyên chở Cary Blair trong quá trình vận chuyển đến phòng xét nghiệm.
Ngoài ra, một số phương pháp khác thường được dùng để chẩn đoán bệnh lỵ trực trùng là: soi trực tràng, huyết thanh chẩn đoán, phương pháp miễn dịch huỳnh quang trực tiếp và xét nghiệm công thức máu.
Phòng ngừa bệnh
Biện pháp phòng ngừa lây nhiễm vi khuẩn Shigella:
- Rửa tay thật kỹ sau khi đi vệ sinh bằng xà phòng, lau khô tay đúng cách sau khi rửa. Với trẻ đang dùng tã lót, cha mẹ cần rửa tay cẩn thận sau khi thay tã cho trẻ và rửa tay trước khi nấu nướng, ăn uống. Nếu cho trẻ đi ngoài bằng bô, cần đeo găng tay khi làm sạch bô, đổ chất thải vào nhà vệ sinh, sau đó rửa bô bằng xà phòng và nước nóng rồi phơi khô;
- Không dùng chung đồ dùng cá nhân với người đang bị nhiễm khuẩn Shigella;
- Người bị nhiễm khuẩn Shigella không nên nấu ăn cho người khác;
- Giặt riêng quần áo, chăn mền của bệnh nhân;
- Mỗi ngày nên cọ rửa nhà vệ sinh bằng nước nóng và chất tẩy rửa, đặc biệt là tay cầm, vòi tắm, tay nắm cửa,…;
- Ăn chín, uống sôi;
- Người bị nhiễm khuẩn Shigella nên nghỉ làm, nghỉ học cho đến khi được 48 giờ sau lần cuối cùng tiêu chảy hoặc nôn ói, tránh tiếp xúc với người khác trong thời gian này;
- Người bị nhiễm khuẩn Shigella nếu làm việc liên quan tới chế biến thực phẩm cần ngay lập tức nghỉ làm và báo cho quản lý cho tới khi điều trị bệnh dứt điểm, đảm bảo không lây lan;
- Người bị nhiễm Shigella nếu đã tiếp xúc với người già, trẻ em hoặc người đang bị suy nhược nên thông báo để các đối tượng dễ lây nhiễm trên chủ động theo dõi sức khỏe;
- Khi đi du lịch đến vùng có điều kiện vệ sinh kém, nên tránh uống nước máy, ăn kem, đá viên, động vật có vỏ, trứng, salad, thịt chưa nấu chín, trái cây đã được bóc vỏ,… vì vi khuẩn Shigella thường lây nhiễm thông qua việc uống nước bị nhiễm khuẩn hoặc ăn thực phẩm nhiễm khuẩn.
Điều trị như thế nào?
Để điều trị bệnh lỵ trực khuẩn, bác sĩ thường chỉ định áp dụng các phương pháp điều trị sau:
- Bù nước và điện giải bằng đường uống oresol hoặc cũng có thể bù nước bằng các món ăn như nước canh, cháo hay các loại nước hoa quả,…
- Bù dịch bằng đường tĩnh mạch: Thường được áp dụng với những trường hợp bệnh nặng, người bệnh đã bị mất quá nhiều nước và không thể uống nước.
- Liệu pháp kháng sinh: Tùy theo từng trường hợp, bác sĩ sẽ có phác đồ điều trị cụ thể.
- Một số biện pháp điều trị khác như dùng thuốc hạ sốt, thuốc giảm đau và thực hiện chế độ ăn những loại thức ăn mềm, dễ tiêu và uống nhiều nước.
Ngoài ra, người dân cần thực hiện chủ động phòng tránh bệnh bằng cách tiêm chủng sớm, đủ mũi, đúng lịch để được bảo vệ khỏi các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm khác.