Tổng quan chung
Triệu chứng
Nguyên nhân
Đối tượng nguy cơ
Chuẩn đoán
Phòng ngừa bệnh
Cách điều trị
Hoa mắt chóng mặt là gì? Những điều cần biết về hoa mắt chóng mặt
Hoa mắt, chóng mặt là tình trạng mà nhiều người đã trải qua ít nhất một lần trong đời. Đây là cảm giác khó chịu khi đầu óc quay cuồng, mất thăng bằng và cảm giác như mọi vật xung quanh đang di chuyển. Hiện tượng này có thể xuất hiện đột ngột và kéo dài từ vài giây đến vài phút, thậm chí lâu hơn trong một số trường hợp. Việc hiểu rõ nguyên nhân và triệu chứng của hoa mắt, chóng mặt là điều cần thiết để có thể phòng ngừa và điều trị hiệu quả, đảm bảo sức khỏe toàn diện cho bản thân.
Tổng quan chung
Hoa mắt chóng mặt hay xây xẩm, choáng váng là những thuật ngữ thường dùng trong y khoa miêu tả tình trạng người bệnh cảm thấy khó chịu, đầu óc quay cuồng. Đến nay, có rất nhiều người chưa thật sự hiểu rõ tình trạng hoa mắt chóng mặt buồn nôn là gì.
Theo định nghĩa trong y học hoa mắt, chóng mặt là hai triệu chứng khác biệt:
- Hoa mắt: Tối tăm mặt mũi khi thay đổi tư thế, chuyển tư thế từ nằm sang ngồi, ngồi sang đứng dậy. Triệu chứng có thể kéo dài trong vài giây hay vài phút.
- Chóng mặt: Thấy đồ vật quay tròn xung quanh theo nhiều hướng khác nhau. Dấu hiệu có thể xuất hiện rõ nhất khi các bạn xoay đầu hay thay đổi tư thế. Tình trạng này có thể duy trì trong vài giây hoặc kéo dài trong nhiều giờ liên tục. Người mắc chứng bệnh này thường phải nằm yên một chỗ. Đối với những trường hợp bệnh nặng sẽ kèm theo tình trạng ói mửa hay buồn nôn.
Tình trạng của bệnh thường bắt gặp ở nhiều lứa tuổi khác nhau. Nếu triệu chứng chỉ xuất hiện thoáng qua, thỉnh thoảng xuất hiện nhưng không kéo dài sẽ thường lành tính. Chỉ cần nghỉ ngơi, có chế độ dinh dưỡng đầy đủ sẽ hồi phục nhanh chóng. Tuy nhiên, khi tình trạng kéo dài từ 30 phút trở lên sẽ thường liên quan tới các bệnh lý khác như thiếu máu, xơ vữa nặng của mạch máu,…
Triệu chứng
Đặc điểm là những đợt chóng mặt ngắn có thể phối hợp với nôn và buồn nôn.
Triệu chứng có thể xuất hiện khi thay đổi tư thế nhưng thường nặng nhất là khi nằm nghiêng về một bên với tai thương tổn nằm về bên dưới, nó cũng thường xảy ra khi bạn nằm xuống hoặc khi bạn nằm lăn trên giường, hoặc khi bạn nằm ngủ dậy vào buổi sáng.
Đợt chóng mặt điển hình kéo dài vài tuần, rồi tự hết và tái phát lại trong một số trường hợp.
Bạn cần phải đến gặp bác sĩ ngay khi có những triệu chứng sau
- Đau đầu mới xuất hiện hoặc dữ dội.
- Nhìn mờ/nhìn đôi.
- Mất thính lực.
- Nói đớt.
- Yếu và tê tay chân.
- Mất ý thức.
- Đau ngực hoặc tim đập nhanh/chậm bất thường.
Mặc dù không thường gặp, nhưng trên đây là những biểu hiện khác thường không phải là cơn chóng mặt tư thế lành tính, mà là báo hiệu các bệnh lý nghiêm trọng khác như đột quỵ, u não, hoặc bệnh lý tim mạch.
Nguyên nhân
Hoa mắt chóng mặt là biểu hiện của hai cảm giác khác nhau. Nhiều người thường lẫn lộn khi phân biệt hoa mắt chóng mặt, do đó có thể dẫn tới phán đoán sai bệnh.
Nguyên nhân gây hoa mắt
Hoa mắt là cảm giác mà người bệnh cảm thấy họ sắp té xỉu. Hoa mắt thông thường sẽ được cải thiện hoặc biến mất khi bệnh nhân được nằm nghỉ ngơi. Nếu bệnh trầm trọng hơn có thể dẫn đến bất tỉnh. Bệnh nhân đôi khi có cảm giác buồn nôn rồi sau đó là ói mửa.
Hoa mắt, đầu óc quay cuồng thường không phải do những bệnh tật nghiêm trọng mà do giảm huyết áp và lưu lượng máu tới não một cách đột ngột do thay đổi tư thế một cách đột ngột.
Chẳng hạn từ tư thế ngồi, nằm chuyển sang đứng. Ngoài ra, còn có những nguyên nhân khác như dị ứng, cảm cúm, sau khi ói mửa, tiêu chảy, sốt, cơ thể bị mất nước, thở sâu và nhanh, căng thẳng, lo âu, sử dụng thuốc lá, rượu bia và các loại thuốc gây ảo giác…
Một nguyên nhân quan trọng gây hoa mắt nữa là mất máu gây thiếu máu. Sự mất máu nếu quan sát được sẽ giúp chúng ta can thiệp tức thời để cầm máu nhưng có những trường hợp chúng ta không thể phát hiện được. Chẳng hạn như xuất huyết đường tiêu hóa nhiều ngày mà bệnh nhân không biết. Mất máu nhiều trong kinh kỳ cũng gây hiện tượng hoa mắt.
Có một nguyên nhân gây hoa mắt tuy ít phổ biến nhưng vẫn xảy ra. Đó là những bệnh nhân có nhịp tim bất thường có thể dẫn tới sự bất tỉnh. Vì vậy, những trường hợp bất tỉnh không giải thích được cần phải được bác sĩ đánh giá, kiểm tra nhịp tim nhằm phát hiện những trường hợp loạn nhịp tim để điều trị.
Nguyên nhân gây chóng mặt
Chóng mặt là cảm giác mà bệnh nhân cảm thấy vật thể xung quanh họ chuyển động, cảm giác như họ bị xoay vòng vòng, té ngã hoặc mất thăng bằng. Khi cơn chóng mặt nghiêm trọng, bệnh nhân sẽ buồn nôn và ói mửa, gặp khó khăn khi đứng hoặc đi, có thể mất cân bằng và té ngã.
Nguyên nhân gây chóng mặt bao gồm những rối loạn của tai trong, viêm thần kinh tiền đình, chấn thương tai, chấn thương đầu, đau nửa đầu… Những nguyên nhân ít gặp hơn bao gồm những bướu nhỏ mọc phần phía sau màng nhĩ, bướu não, ung thư di căn.
Hiện cũng có rất nhiều dược phẩm có thể gây chóng mặt, hoa mắt. Sử dụng quá nhiều dược phẩm cũng có thể gây ra sự choáng váng, xây xẩm; sự tương tác giữa rượu và dược phẩm cũng gây chóng mặt, hoa mắt.
Vì vậy, khi sử dụng một loại dược phẩm nào đó mà cảm thấy hoa mắt, chóng mặt thì cần phải thông báo cho bác sĩ, dược sĩ. Điều tối quan trọng là không được uống rượu, bia trong khi đang sử dụng dược phẩm.
Đối tượng nguy cơ
Hiện tượng chóng mặt hoa mắt do nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra. Bởi vậy, những nhóm đối tượng mắc chứng bệnh này cũng rất đa dạng từ trẻ nhỏ tới người già đều có thể mắc phải.
- Người già và trung niên
- Thanh niên trẻ lao động trí óc thường xuyên
- Phụ nữ đang trong thời kỳ mang thai hay tiền mãn kinh
Chẩn đoán
- Tổng phân tích máu ngoại vi đánh giá thiếu máu, tình trạng nhiễm trùng
- Sinh hóa máu: đường máu, protein, chức năng gan, chức năng thận
- Điện giải đồ: Na, K, Cl
- Điện tâm đồ đánh giá bệnh lý tim mạch
- CT-MRI loại trừ bệnh lý não bộ
Phòng ngừa bệnh
Trên thực tế, tình trạng này xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, có thể do bệnh lý cụ thể nên việc phòng ngừa cũng cần xuất phát từ mỗi nguyên nhân gây bệnh.
Điều bạn nên làm là cần duy trì chế độ ăn uống lành mạnh, bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng, uống đủ nước, ăn nhiều rau và trái cây để tránh thiếu sắt thiếu máu, mất nước, tụt huyết áp,… – vốn là các nguyên nhân thường gặp dẫn đến chóng mặt hoa mắt.
Ngoài ra, nên xây dựng lối sống lành mạnh, thường xuyên tập thể dục, thư giãn và nghỉ ngơi hợp lý, hạn chế căng thẳng quá mức.
Điều trị
Để điều trị hoa mắt, chóng mặt, trước hết cần xác định nguyên nhân gây ra triệu chứng. Một số phương pháp điều trị phổ biến được các chuyên gia quốc tế khuyến cáo bao gồm:
- Thay đổi lối sống và chế độ ăn uống:
- Duy trì chế độ ăn uống cân đối: Bổ sung đủ nước, các vitamin và khoáng chất thiết yếu.
- Tập thể dục đều đặn: Thực hiện các bài tập nhẹ nhàng như yoga, đi bộ để cải thiện tuần hoàn máu.
- Giảm stress: Áp dụng các phương pháp thư giãn như thiền, hít thở sâu, nghỉ ngơi đầy đủ.
- Sử dụng thuốc:
- Thuốc chống chóng mặt: Các loại thuốc như Meclizine, Dimenhydrinate có thể giúp giảm triệu chứng chóng mặt.
- Thuốc an thần nhẹ: Nếu chóng mặt do lo lắng, căng thẳng, các thuốc an thần nhẹ có thể được chỉ định.
- Liệu pháp vật lý trị liệu:
- Bài tập Epley: Giúp tái định vị các tinh thể trong tai trong, thường áp dụng cho chóng mặt tư thế kịch phát lành tính.
- Bài tập Brandt-Daroff: Giúp giảm triệu chứng chóng mặt thông qua việc thay đổi tư thế.
- Can thiệp y tế:
- Phẫu thuật: Trong trường hợp chóng mặt do nguyên nhân nghiêm trọng như u não, phẫu thuật có thể được cân nhắc.
- Điều trị các bệnh lý cơ bản: Nếu hoa mắt, chóng mặt do các bệnh lý như bệnh tim mạch, thiếu máu, việc điều trị các bệnh này là cần thiết.
Kết luận
Hoa mắt, chóng mặt là hiện tượng phổ biến nhưng không nên xem nhẹ vì có thể liên quan đến nhiều bệnh lý tiềm ẩn. Việc điều trị hiệu quả cần sự kết hợp giữa thay đổi lối sống, sử dụng thuốc, và có thể là các can thiệp y tế nếu cần thiết. Quan trọng nhất là khi gặp phải tình trạng này, bạn nên tìm đến sự tư vấn của bác sĩ để được chẩn đoán chính xác và có phương án điều trị phù hợp. Chăm sóc sức khỏe toàn diện không chỉ giúp bạn phòng ngừa được hoa mắt, chóng mặt mà còn nâng cao chất lượng cuộc sống hàng ngày. Hãy luôn lắng nghe cơ thể mình và đừng ngần ngại tìm kiếm sự hỗ trợ từ các chuyên gia y tế khi cần thiết.
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.