Tổng quan chung
Triệu chứng
Nguyên nhân
Đối tượng nguy cơ
Chuẩn đoán
Phòng ngừa bệnh
Cách điều trị
Đau vùng thắt lưng là gì? Những điều cần biết về đau vùng thắt lưng
Tình trạng đau thắt lưng diễn ra ở mọi lứa tuổi, ai cũng có thể gặp phải triệu chứng này. Có nghiên cứu cho rằng 60 đến 90% người trưởng thành bị đau vùng thắt lưng ít nhất 1 lần trong đời. Hàng năm có khoảng 5,4 triệu người ở Mỹ trở thành khuyết tật do đau lưng gây nên, chi phí ở Mỹ cho đau thắt lưng hàng năm khoảng 63 đến 80 tỷ đô la trong đó 16 tỷ đô la cho điều trị. Hãy cùng Pharmacity tìm hiểu về đau vùng thắt lưng qua bài viết dưới đây.
Tổng quan chung
Lưng dưới gồm 5 đốt sống, được đánh dấu từ L1 – L5 (vùng thắt lưng) có tác dụng nâng đỡ và tạo đường cong cho cơ thể. Hơn nữa, đây cũng là mắt xích quan trọng trong hệ thống truyền tín hiệu qua não giúp chúng ta dễ dàng thực hiện bước đi (bước tiến, lùi, sang trái, sang phải).
Đau vùng thắt lưng là bệnh lý thường gặp ảnh hưởng đến lao động và sinh hoạt hằng ngày. Tuy nhiên đau vùng thắt lưng cũng là triệu chứng của nhiều bệnh lý nghiêm trọng như nhiễm khuẩn, ung thư, bệnh lý tự miễn dịch. Không ít trường hợp người bệnh bị đau vùng thắt lưng sử dụng thuốc kháng viêm và giảm đau đáp ứng tại một thời điểm nhất định nhưng cơn đau vẫn tái diễn, khi đến khám tại Khoa Lão khoa Cơ Xương Khớp đã phát hiện ra những căn bệnh nguy hiểm như viêm cột sống dính khớp, ung thư di căn, lao cột sống, nhiễm khuẩn cột sống,…
Triệu chứng
Đau thắt lưng hay hội chứng đau cột sống thắt lưng mô tả những cơn đau ở vị trí ⅓ dưới lưng nằm giữa 2 gai mào chậu, ở chính giữa cột sống thắt lưng hay ở 2 bên cột sống thắt lưng với biểu hiện như sau:
- Mọi cử động hắt hơi, ho hoặc thay đổi tư thế đều dẫn đến cơn đau.
- Mức độ đau tăng dần khi vận động nhiều hoặc khi thay đổi thời tiết.
- Cơn đau có thể dữ dội trong thời gian ngắn hoặc kéo dài vài ngày, vài tuần.
- Ngoài cảm giác đau, người bệnh còn có triệu chứng nhức buốt vùng thắt lưng.
- Viêm hoặc sưng ở lưng, sốt.
- Đau tê lan xuống hông, xuống chân.
- Tiểu tiện không tự chủ.
Nguyên nhân
Những cơn đau vùng thắt lưng có thể xảy ra do rất nhiều nguyên nhân, theo thống kê có tới hơn một nửa trường hợp đau thắt lưng là do những bệnh lý nguy hiểm, phần còn lại là do một vài yếu tố cơ học khác.
- Thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng: Vùng cột sống thắt lưng được cấu tạo gồm các đốt sống được ngăn cách bởi đĩa đệm. Đau thắt lưng do thoát vị đĩa đệm xảy ra khi nhân nhầy thoát ra khỏi vị trí ban đầu gây chèn ép rễ thần kinh. Tình trạng này dẫn đến những cơn đau đột ngột hay âm ỉ tại vùng thắt lưng hông lan xuống chân. Phần lớn các trường hợp đau thắt lưng xuất phát từ căn bệnh này.
- Thoái hóa cột sống lưng: Theo thời gian, hệ xương khớp của con người bị thoái hóa gây ra các cơn đau thắt lưng âm ỉ. Đặc biệt là vùng thắt lưng vì đây là vị trí phải chịu áp lực lớn từ trọng lượng cơ thể.
- Đau thần kinh tọa: Đau thần kinh tọa xảy ra khi dây thần kinh tọa bị chèn ép gây đau thắt lưng hông kèm theo triệu chứng tê bì dọc từ hông xuống bàn chân.
- Viêm khớp dạng thấp: Đau thắt lưng do viêm khớp dạng thấp là quá trình xảy ra các cơn đau khi các khớp xương bị viêm do ma sát khi vận động, di chuyển hoặc do yếu tố tuổi cao dẫn đến suy giảm dịch khớp, nhân nhầy.
- Bệnh dạ dày: Đau thắt lưng do viêm loét dạ dày, hội chứng ruột kích thích cũng là những trường hợp phổ biến. Tuy nhiên, triệu chứng chủ yếu của các bệnh lý này vẫn là đau quặn bụng, mệt mỏi, ợ hơi…
- Loãng xương: Loãng xương cũng có thể gây đau thắt lưng, đây là tình trạng phổ biến ở người cao tuổi và đang có xu hướng trẻ hóa. Tình trạng loãng xương làm tổn thương hoặc nứt vỡ một số vùng xương cột sống gây ra đau vùng thắt lưng.
- Bệnh đường tiết niệu: Những bệnh lý như sỏi thận, sỏi tiết niệu, nhiễm trùng đường tiết niệu cũng có thể gây đau thắt lưng. Thông thường thì cơn đau sẽ biến mất khi bệnh được chữa khỏi.
- Thói quen sinh hoạt: Ngồi lâu một vị trí, nằm sai tư thế, thức khuya, stress, quan hệ tình dục không điều độ, mang túi xách nặng, đeo giày cao gót… cũng gây đau thắt lưng kéo dài.
- Tập thể dục sai cách: Không khởi động khi chơi thể thao, thực hiện động tác quá khó hay vận động quá sức có thể khiến cơn đau thắt lưng xấu hiện bất chợt.
- Chấn thương, tai nạn: Những va đập, chấn thương tại vùng cột sống thắt lưng cùng là nguyên nhân gây đau vùng thắt lưng phổ biến.
Đối tượng nguy cơ
Bất kỳ ai cũng có nguy cơ bị đau lưng dưới. Tuy nhiên có những đối tượng dễ mắc bệnh hơn những người khác do các yếu tố về tuổi tác, thể trọng, đặc thù công việc. Cụ thể là:
- Người cao tuổi gặp phải tình trạng loãng xương, cơ bị giảm độ đàn hồi, các đĩa đệm chệch khỏi vị trí bình thường, làm giảm khả năng nâng đỡ của các đốt sống. Tuy nhiên đau thắt lưng ở người trẻ đang ngày càng gia tăng.
- Phụ nữ mang thai: Thường đau thắt lưng ở vùng mông do khung xương chậu có sự thay đổi để thích nghi với trọng lượng và kích thước thai nhi.
- Người thừa cân, béo phì: Trọng lượng cơ thể làm cong sinh lý cột sống thắt lưng và kéo khung xương chậu về phía trước. Điều này khiến cơ lưng bị siết chặt gây căng cơ và xuất hiện triệu chứng đau thắt lưng.
- Nhân viên văn phòng, những người thường xuyên ngồi sai tư thế trong thời gian dài.
- Những người không thường xuyên tập thể dục: Khi cơ thể không được vận động thường xuyên khiến cơ lưng, cơ bụng yếu, cột sống không được nâng đỡ gây áp lực dẫn tới đau.
Chẩn đoán
Bác sĩ sẽ tiến hành các chẩn đoán để xác định nguyên nhân gây đau thắt lưng thông qua:
- Bệnh sử và khám lâm sàng: Các bác sĩ sẽ xem xét mức độ, tần suất đau thắt lưng, hướng đau, yếu tố tăng giảm, đau âm ỉ liên tục hay từng cơn. Đồng thời, đánh giá các triệu chứng kèm theo và áp dụng kỹ thuật thăm khám lâm sàng cộng với xem xét kết quả chẩn đoán bằng hình ảnh để đưa ra kết luận.
- Chẩn đoán hình ảnh: Các phương pháp chụp X-quang, siêu âm, chụp cắt lớp vi tính CT-Scanner, chụp cộng hưởng từ MRI… sẽ được lựa chọn hoặc kết hợp để chẩn đoán các tổn thương do đau thắt lưng.
Trong các phương pháp trên, MRI được đánh giá là an toàn nhất do sử dụng sóng từ trường và sóng radio và không sử dụng tia xạ. Đồng thời, thông qua việc quan sát lượng nước ở các cơ quan trong cơ thể và kết hợp với nhiều kỹ thuật cao cấp khác, MRI cho hình ảnh rõ nét và đánh giá chính xác nhất.
Với các tình trạng đau lưng nhưng không rõ nguyên nhân hoặc khi muốn chẩn đoán chính xác hơn các tổn thương, bác sĩ có thể áp dụng các phương pháp bổ sung như:
- Điện cơ (Electromyography – EMG) là một thủ thuật chẩn đoán đánh giá tình trạng sức khỏe của cơ bắp và các tế bào thần kinh kiểm soát chúng.
- Xạ hình xương giúp chẩn đoán nguyên nhân hoặc vị trí đau xương trong trường hợp không xác định đượcnguyên nhân ban đầu, chẳng hạn như đau thắt lưng liên tục không rõ nguyên nhân.
- Đo mật độ xương (Bone Mineral Density – BMD), còn được gọi là kiểm tra mật độ khoáng xương, là phương pháp sử dụng tia X để đo lường hàm lượng canxi và các khoáng chất khác có trong một đoạn xương.
Phòng ngừa bệnh
Để không bị cơn đau thắt lưng dưới “hành hạ”, mỗi người, kể cả người trẻ nên tự học cho mình cách phòng ngừa đau thắt lưng dưới, cụ thể:
- Ngồi đúng tư thế, nên dùng loại ghế thích hợp cho công việc hoặc phù hợp với tư thế ngồi của lưng, khớp, có thể kê thêm gối phía sau để dựa cho thoải mái. Hãy ngồi ở tư thế sao cho đầu gối ngang bằng với mức hông.
- Không nên ngồi ở cùng một vị trí trong một khoảng thời gian dài. Nên đứng dậy, đi lại và vận động các cơ để thư giãn. Thường xuyên thay đổi tư thế làm việc, thực hiện những động tác vươn vai giữa giờ là phương pháp thư giãn, luyện tập có tác dụng tích cực trong việc phòng ngừa đau thắt lưng.
- Tránh thay đổi tư thế đột ngột, nên thực hiện từ từ.
- Tránh mang vác vật nặng, khi bắt buộc phải làm thì giữ lưng thẳng, co đầu gối và từ từ nâng lên. Giữ vật nặng sát cơ thể và không được vừa nâng vừa xoay hay ném vật nặng cùng một lúc.
- Luyện tập thể thao đều đặn và phù hợp, cần lưu ý khởi động nhẹ nhàng, trước khi vận động mạnh hay luyện tập thể thao.
- Duy trì, quản lý trọng lượng cơ thể. Mang giày, dép thích hợp…
Điều trị như thế nào?
Tuỳ theo nguyên nhân gây ra tình trạng đau thắt lưng mà có chỉ định điều trị hợp lý.
Nguyên tắc điều trị nội khoa kết hợp với các biện pháp phục hồi chức năng, luyện tập, thay đổi lối sống nhằm bảo vệ cột sống thắt lưng.
- Các thuốc thường được chỉ định là thuốc chống viêm không Steroid (NSAIDs), trường hợp đau mạn tính có thể được sử dụng thuốc chống trầm cảm, chống lo âu. Chú ý sử dụng liều thấp nhất có hiệu quả để tránh tác dụng không mong muốn của thuốc.
- Người bệnh nằm nghỉ tại chỗ trên giường phẳng, đeo đai hỗ trợ vùng thắt lưng khi ngồi dậy hoặc đi lại vận động, chiếu đèn hồng ngoại hoặc điều trị điện xung.
- Có thể sử dụng phương pháp châm cứu kết hợp dùng thuốc.
- Khi đỡ đau lưng có thể tăng dần mức độ hoạt động.
- Ngoài ra, cần kéo dãn cột sống, bơi, thể dục nhẹ nhàng.
- Điều chỉnh lối sống và thói quen làm việc, vận động để tránh gây đau tái phát.
Điều trị ngoại khoa chỉ được chỉ định đối với các trường hợp đau thắt lưng do thoát vị đĩa đệm hoặc kèm trượt đốt sống đã được điều trị nội khoa tích cực trong ba tháng nhưng không đạt hiệu quả, đặc biệt đối với trường hợp đau nhiều, có dấu hiệu ép rễ nặng (teo cơ nhanh, rối loạn cơ tròn, rối loạn cảm giác).
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.