Tổng quan chung
Triệu chứng
Nguyên nhân
Đối tượng nguy cơ
Chuẩn đoán
Phòng ngừa bệnh
Cách điều trị
Cường cận giáp là gì? Những điều cần biết về cường cận giáp
Bệnh cường cận giáp là bệnh do tuyến cận giáp trong cơ thể hoạt động quá nhiều và làm cho lượng canxi trong máu cao lên. Bệnh cường tuyến cận giáp nếu không được điều trị kịp thời thì có thể dẫn đến các bệnh như: Loãng xương, cao huyết áp, viêm nhiễm tuyến tụy hoặc viêm loét dạ dày, sỏi thận.
Tổng quan chung
Thông qua việc tiết ra hormone tuyến cận giáp, các tuyến cận giáp có vai trò duy trì nồng độ canxi ngoại bào. Cường cận giáp là một căn bệnh đặc trưng bởi sự tiết quá nhiều hormone tuyến cận giáp, loại hormone này là hormone polypeptide 84-axit amin. Sự bài tiết hormone tuyến cận giáp sẽ được điều chỉnh trực tiếp bởi nồng độ canxi hoá trong máu.
Theo đó, bệnh lý này được phân thành 2 loại với từng đặc điểm cụ thể như sau:
- Trong cường cận giáp nguyên phát sự mở rộng của một hay nhiều tuyến cận giáp gây nên tình trạng tiết nhiều hormone. Điều này sẽ khiến lượng canxi trong máu tăng cao và gây ra nhiều vấn đề về sức khỏe. Phẫu thuật chính là một phương pháp điều trị phổ biến nhất cho căn bệnh này.
- Cường cận giáp thứ phát xảy ra do một bệnh khác gây nên đầu tiên là do mức canxi trong cơ thể thấp và theo thời gian, mức độ hormone tuyến cận giáp sẽ tăng lên.
Triệu chứng
Theo các bác sĩ, cường cận giáp thường không có những triệu chứng điển hình. Các biểu hiện xảy ra chủ yếu do nồng độ canxi tăng cao trong máu và nước tiểu nhưng lại giảm ở xương. Một số biểu hiện có thể quan sát được ở người bệnh bao gồm:
- Loãng xương: một số trường hợp nặng hơn có thể bị yếu xương, giòn xương, dễ gãy xương.
- Sỏi thận: Bệnh nhân bị đau khi sỏi đi qua đường tiết niệu.
- Tăng số lần đi tiểu, thường xuyên khát nước.
- Đau bụng.
- Dễ mệt mỏi, đặc biệt khi gắng sức.
- Đau cơ và khớp.
- Thường buồn nôn, nôn, chán ăn.
- Có thể gây ra các vấn đề trên tim mạch.
Ở vài trường hợp, bệnh nhân còn có khả năng bị trầm cảm. Do đó, khi nhận thấy cơ thể có những dấu hiệu bất thường, bạn nên liên hệ bác sĩ để được chẩn đoán và tư vấn điều trị.
Nguyên nhân
Cường cận giáp nguyên phát có thể xảy ra do:
- Một khối u không phải ung thư ở một trong các tuyến cận giáp. Chiếm hầu hết các trường hợp
- Hai hoặc nhiều tuyến cận giáp hoạt động quá mức và sản xuất quá nhiều hormone tuyến cận giáp.
- Ung thư một trong các tuyến cận giáp. Rất hiếm gặp
Cường tuyến cận giáp thứ phát có thể xảy ra nếu:
- Cơ thể của bạn không có đủ canxi. Mức canxi thấp trong máu vì những lý do khác nhau.
- Bạn có lượng vitamin D cực kỳ thấp. Vitamin này giúp cân bằng lượng canxi trong máu, và nó giúp hệ tiêu hóa của bạn hấp thụ canxi. Điều này cũng xảy ra ở tình trạng suy thận mãn tính
Đối tượng nguy cơ
Cường cận giáp có thể xảy ra ở bất kì độ tuổi nào. Tuy nhiên, những trường hợp sau có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.
- Phụ nữ ở thời kỳ mãn kinh.
- Thiếu canxi hoặc vitamin D nghiêm trọng trong thời gian dài.
- Có rối loạn di truyền hiếm gặp như đa u nội tiết.
- Đã trải qua xạ trị khi điều trị ung thư.
- Có dùng lithium, một loại thuốc được dùng để trị rối loạn lưỡng cực.
Chẩn đoán
Các phương pháp để chẩn đoán bệnh cường tuyến cận giáp gồm:
- Xét nghiệm máu: Nếu kết quả của phương pháp xét nghiệm máu cho kết quả mức canxi trong máu cao thì bác sĩ có thể sẽ lặp lại các thử nghiệm để xác nhận kết quả sau khi chưa ăn một khoảng thời gian. Bác sĩ có thể thực hiện chẩn đoán bệnh cường tuyến cận giáp nếu xét nghiệm máu cho thấy hormone tuyến cận giáp tăng.
- Kiểm tra mật độ xương: Các thử nghiệm phổ biến nhất để đo mật độ xương là năng lượng hấp thụ tia X, hoặc DXA scan. Phương pháp này sẽ sử dụng các thiết bị X quang để đo canxi và các khoáng chất xương khác tại vị trí một phân đoạn của xương.
- Xét nghiệm nước tiểu: Nước tiểu 24 giờ có thể cung cấp thông tin về chức năng thận và canxi được bài tiết trong nước tiểu thế nào, giúp đánh giá mức độ nghiêm trọng của cường tuyến cận giáp hoặc chẩn đoán rối loạn thận gây cường tuyến cận giáp.
- Hình ảnh học của thận: Phương pháp này có thể chẩn đoán bệnh cường tuyến cận giáp. Bác sĩ sẽ chụp X quang hoặc kiểm tra hình ảnh khác của bụng để xác định xem có sỏi thận hoặc bất thường ở thận khác.
Phòng ngừa bệnh
Đối với bệnh cường cận giáp này người bệnh cũng nên chủ động phòng ngừa với việc thay đổi thói quen sinh hoạt và nhiều biện pháp khác cụ thể như sau:
Chế độ sinh hoạt
Trong sinh hoạt hằng ngày, người bệnh nên thực hiện theo những giải pháp sau đây:
- Hãy tuân thủ hướng dẫn của các bác sĩ chuyên khoa trong việc điều trị bệnh.
- Nên duy trì lối sống tích cực, hạn chế sự căng thẳng, thoải mái và yêu đời, luôn có tinh thần lạc quan.
- Hãy liên hệ ngay với các bác sĩ khi cơ thể có nhiều bất thường trong quá trình điều trị bệnh.
- Thường xuyên thăm khám định kỳ để được theo dõi tình trạng sức khỏe, diễn biến của bệnh để đưa ra biện pháp điều trị phù hợp với từng giai đoạn.
- Bệnh nhân cần lạc quan: Tâm lý có ảnh hưởng rất lớn đến điều trị nên hãy nói chuyện với người đáng tin cậy, chia sẻ với thành viên trong gia đình, hãy làm bất cứ điều gì khiến bạn cảm thấy thoải mái.
- Chế độ dinh dưỡng: Nói chuyện với bác sĩ về các hướng dẫn chế độ ăn uống phù hợp, đặc biệt bổ sung thức ăn giàu canxi, nên ăn hoa quả, nước ép trái cây để bổ sung khoáng chất và nguồn năng lượng cho cơ thể.
- Hạn chế sử dụng các chất kích thích, tránh làm việc ở môi trường độc hại giúp hạn chế bệnh phát triển nặng hơn.
Điều trị như thế nào?
Việc điều trị cường cận giáp cũng sẽ phụ thuộc vào loại cường cận giáp mắc phải và sức khỏe tổng thể của từng người:
Điều trị cường cận giáp nguyên phát
- Phẫu thuật: Nếu nguyên nhân của cường cận giáp nguyên phát do khối u, bác sĩ phẫu thuật có thể loại bỏ khối u này. Ngoài ra, nếu nguyên nhân là do các tuyến trở nên phì đại, bác sĩ phẫu thuật có thể loại bỏ chúng.
- Sử dụng thuốc Calcimimetics: Loại thuốc này làm giảm nồng độ canxi và hormone tuyến cận giáp, thường áp dụng với những bệnh nhân không phù hợp để thực hiện phẫu thuật.
- Bổ sung vitamin D: Những người bị cường cận giáp nguyên phát có biểu hiện thiếu vitamin D. Trong những trường hợp này, bác sĩ có thể kê đơn các chất bổ sung để giúp tăng mức vitamin D.
- Thuốc Bisphosphonates: Bisphosphonates là một loại thuốc làm giảm quá trình mất xương và tăng mật độ khoáng của xương.
Điều trị cường cận giáp thứ phát
Điều trị của cường cận giáp thứ phát cũng bao gồm bổ sung vitamin D và thuốc calcimimetics. Tuy nhiên, người bệnh có thể cần sử dụng thêm thuốc nhằm giảm sự hấp thụ phosphate trong chế độ ăn, do những người có vấn đề về thận có thể bị tăng lượng phosphate trong cơ thể.
Một số loại thực phẩm giàu vitamin D có thể bổ sung thêm trong chế độ ăn hàng ngày như:
- Cá hồi, cá thu
- Sữa nguyên chất, sữa chua
Người bị cường cận giáp cũng nên áp dụng một số biện pháp như:
- Uống nhiều nước: Giúp giảm nguy cơ phát triển sỏi thận.
- Tập thể dục thường xuyên: Điều này có thể giúp tăng cường sức mạnh của xương.
- Ngừng hoặc giảm hút thuốc: Hút thuốc có thể làm giảm khối lượng xương.
Hy vọng qua bài viết dưới đây, bạn đọc đã hiểu rõ hơn về bệnh lý cường tuyến cận giáp. Tình trạng này cần được chẩn đoán sớm và chính xác để có được liệu trình điều trị phù hợp. Vì vậy, nếu có bất kỳ dấu hiệu nào của bệnh, hãy đi khám bác sĩ sớm nhất có thể.
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.