Tổng quan chung
Triệu chứng
Nguyên nhân
Đối tượng nguy cơ
Chuẩn đoán
Phòng ngừa bệnh
Cách điều trị
Chàm là gì? Những điều cần biết về chàm
Bệnh chàm là một trong những vấn đề về da phổ biến, thường gây ra các triệu chứng như ngứa, đỏ, khô và kích ứng da. Tình trạng này còn được biết đến dưới tên gọi viêm da dị ứng. Thường xuất hiện từ thời kỳ sơ sinh, nhưng cũng có thể bắt đầu ở thời kỳ thơ ấu và kéo dài đến tuổi trưởng thành. Bệnh không phân biệt đối tượng và có thể ảnh hưởng đến mọi lứa tuổi. Hãy cùng Pharmacity tìm hiểu về bệnh chàm qua bài viết dưới đây.
Tổng quan chung
Bệnh chàm là một nhóm các tình trạng làm cho da bị viêm hoặc kích ứng. Loại phổ biến nhất là viêm da dị ứng hoặc chàm thể tạng. “Dị ứng” bao gồm nhóm người có xu hướng mắc các bệnh dị ứng như hen suyễn, viêm mũi dị ứng, dị ứng thực phẩm, dị ứng thời tiết, dị ứng môi trường (bụi nhà, phấn hoa,…)
Bệnh chàm tổ đỉa (thuộc bệnh viêm da cơ địa đặc biệt) ảnh hưởng khoảng 10% – 20% trẻ em và khoảng 3% người lớn và trẻ em ở Hoa Kỳ. Hầu hết trẻ em đều phát triển bệnh này trước 10 tuổi. Một số trẻ tiếp tục có các triệu chứng này trong suốt cuộc đời. Tuy chưa có cách chữa trị dứt điểm bệnh chàm, nhưng thông qua điều trị và phòng tránh các chất gây dị ứng, hầu hết các triệu chứng của bệnh được kiểm soát. Bệnh chàm không lây cho người khác.
Triệu chứng
Các triệu chứng của bệnh chàm mang tính chất cá thể, biểu hiện nặng nhẹ tuỳ cơ địa mỗi người.
Triệu chứng chung:
- Ngứa là triệu chứng hay gặp, cũng ảnh hưởng trực tiếp đến sinh hoạt của người bệnh.
- Đỏ bừng cả mảng da.
- Mụn nước.
- Các vết loét, đóng vảy hoặc rỉ nước.
- Da khô, xuất hiện vảy.
Triệu chứng trẻ sơ sinh: Các triệu chứng chàm được liệt kê dưới đây hay gặp ở trẻ dưới 2 tuổi.
- Xuất hiện ở nhiều vị trí da, nhưng đặc biệt hay xuất hiện ở hai bên má và da đầu.
- Đầu tiên thường xuất hiện các mụn nước dày đặc.
- Sau khi các mụn nước vỡ, sẽ gây nên tình trạng rỉ nước. Các mụn nước khô dần sẽ để lại tình trạng da khô, đỏ, tróc vảy.
- Triệu chứng chàm ở trẻ nhỏ: Các vết chàm thường khu trú hơn, tuy nhiên các vùng da bị chàm hóa thường dày hơn so với lứa tuổi sơ sinh.
- Các mụn nước giống với chàm tổ đỉa.
- Da ngày càng dày (lichen hóa).
Đa số các trường hợp sẽ khỏi ở lứa tuổi thanh thiếu niên (chiếm 65%).
Nguyên nhân
Bệnh chàm là bệnh ngoài da thuộc dạng mãn tính. Do đó thường tái phát liên tục, điều này rất khó để giúp người bệnh điều trị dứt hẳn nếu như người bệnh không có phương pháp đúng và thật sự kiên trì chữa trị.
Điều mà mọi người quan tâm đầu tiên đó chính là do sự phản ứng của cơ thể với các tác nhân gây bệnh bên trong hoặc bên ngoài. Ngoài ra còn do các nguyên nhân gây bệnh chàm sau đây:
- Di truyền: Nếu như trong gia đình đã có người mắc bệnh thì điều này sẽ dẫn tới nguy cơ mắc bệnh ở người thân cao gấp 2 lần người bình thường khác.
- Bệnh lý: Nguyên nhân dẫn đến bệnh chàm có thể do các bệnh lý viêm da cơ địa hay các tiết tố bên trong như: viêm đại tràng, bệnh thận, xơ gan…làm thay đổi tất cả cấu cấu trúc sinh lý.
- Cơ địa: Những biến đổi trong quá trình chuyển hóa do rối loạn chức năng nội tạng, nội tiết bẩm sinh tăng nguy cơ mắc bệnh chàm.
- Nguyên nhân ngoại sinh: Các nguyên nhân ngoại sinh bao gồm tất cả các yếu tố xung quanh có liên quan như yếu tố vật lý (ánh sáng, độ ẩm, sự cọ xát hay do gãi nhiều…), hóa học (sulfamid, chlorocid, penicillin…), hóa chất (lưu huỳnh, thủy ngân…) hoặc các sản phẩm vi sinh (vi khuẩn, nấm…) và tiếp xúc trực tiếp vào da sẽ gây kích ứng.
- Vật dụng sử dụng hằng ngày: chất liệu của quần áo, hay chất trong khăn, giày dép, và đặc biệt mỹ phẩm…cũng có khi là nguồn gốc tác sinh của bệnh.
- Thực phẩm: có thể bệnh phát sinh do dị ứng thực phẩm, thường gặp là dị ứng bởi trứng, sữa, đậu phộng…
- Động vật và thực vật: cũng là tác nhân không thể thiếu trong các bệnh da liễu: lông chó mèo, mối mọt, phấn hoa…
Đối tượng nguy cơ
Bệnh chàm có thể xảy ra ở nhiều độ tuổi khác nhau, trong đó các nhóm đối tượng dưới đây sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn người bình thường:
- Trẻ sơ sinh có sức đề kháng kém
- Trẻ chơi trong môi trường bẩn, không được vệ sinh sạch sẽ
- Các đối tượng làm công việc nội trợ và thường xuyên phải tiếp xúc với các chất tẩy rửa.
- Người nhạy cảm với thời tiết và dễ bị kích ứng khi có tác động từ bên ngoài
- Người có người thân trong gia đình từng có tiền sử mắc bệnh chàm da.
Chẩn đoán
Xem xét làn da và kiểm tra bệnh sử có thể giúp bác sĩ chẩn đoán được căn bệnh chàm da. Tuy nhiên, nhiều người mắc bệnh chàm cũng bị dị ứng. Do đó, bác sĩ có thể yêu cầu một số xét nghiệm dị ứng để tìm ra dị nguyên gây kích ứng hoặc tác nhân gây bệnh. Trẻ bị bệnh chàm có khả năng phải thực hiện xét nghiệm dị ứng.
Yếu tố gợi ý:
- Yếu tố cơ địa dị ứng của bản thân hay người thân trong gia đình gợi ý bệnh chàm do di truyền.
- Hiện diện các nguyên nhân gây dị ứng từ môi trường như thức ăn, động vật, thực vật, hóa chất, không khí hay tâm lý.
Biểu hiện:
- Triệu chứng ban đầu là nổi mẩn đỏ và rất ngứa, sau đó xuất hiện mụn nước. Các mụn nước bị vỡ ra do cào gãi làm rỉ dịch và để lại màu vàng hay nâu.
- Trong trường hợp tái phát nhiều lần, vùng da bị chàm sẽ dày lên, có màu xám và hình ảnh ô vuông đặc trưng.
Xét nghiệm:
- Chẩn đoán bệnh chàm dựa vào hỏi bệnh và thăm khám là chủ yếu. Các xét nghiệm khác ít hỗ trợ trong chẩn đoán bệnh. Có thể thực hiện xét nghiệm tìm các yếu tố dị ứng trên da để có kế hoạch điều trị và phòng ngừa bệnh tái phát.
Phòng ngừa bệnh
Người bệnh có thể áp dụng các gợi ý sau đây để phòng bệnh chàm:
- Chăm sóc da hàng ngày: Người bệnh có thể phòng bệnh chàm hình thành và tái phát bằng cách chăm sóc da mỗi ngày. Bệnh nhân có thể sử dụng kem dưỡng thể, thuốc mỡ hoặc một số loại dưỡng ẩm, làm mềm khác để giữ ẩm cho da.
- Vệ sinh thân thể sạch sẽ: Tắm rửa đúng cách giúp bệnh nhân phòng bệnh chàm hiệu quả. Người bệnh nên tắm ít nhất 1 lần mỗi ngày. Thời gian tắm duy trì từ 10 – 15 phút. Để làm ẩm da, người bệnh nên tắm bằng nước ấm và xà phòng làm từ thiên nhiên. Không nên tắm nước quá nóng tránh gây kích ứng da. Đồng thời không nên sử dụng xà phòng diệt khuẩn và khử mùi. Tốt nhất, bệnh nhân nên dùng sản phẩm có tính tẩy nhẹ.
- Mặc quần áo mềm, rộng: Để giảm thiểu khả năng bùng phát bệnh, người bệnh nên dùng quần áo có chất liệu mềm, thấm hút mồ hôi tốt.
- Tích cực tập thể thao, giảm stress: Tập thể dục đều đặn mỗi ngày giúp tăng cường hệ miễn dịch cơ thể, đồng thời giúp giảm stress, hạn chế bệnh hình thành và phát triển xấu.
Điều trị như thế nào?
Chàm da là bệnh mạn tính nên rất khó để điều trị triệt để. Tuy nhiên, người bệnh cũng không nên quá lo lắng, bằng một số biện pháp đơn giản, bạn hoàn toàn có thể kiểm soát bệnh. Cụ thể là:
- Người bệnh nên duy trì một chế độ ăn uống, nghỉ ngơi khoa học.
- Thường xuyên vận động, tập luyện mỗi ngày để tăng cường sức để kháng, giúp cơ thể có khả năng chống lại nhiều loại bệnh tật.
- Không nên mặc những bộ đồ quá chật, tránh những chất liệu vải len và vải sợi tổng hợp và nên lựa chọn chất liệu cotton có đặc tính thấm hút tốt. Bên cạnh đó, khi mua quần áo, bạn cũng nên lựa chọn chất liệu co giãn và cần giặt trước khi mặc và sử dụng loại nước giặt dịu nhẹ để tránh gây kích ứng da.
- Hạn chế tiếp xúc với các loại hóa chất độc hại.
- Giảm thiểu căng thẳng, suy nghĩ tích cực hơn.
- Nếu thấy có dấu hiệu nghi ngờ bệnh chàm da, bạn nên đến thăm khám tại các cơ sở y tế chuyên khoa để được chẩn đoán, điều trị kịp thời và ngăn chặn nguy cơ lây lan sang những vùng da khỏe mạnh trên cơ thể.
Bài viết trên đã cho bạn những thông tin về bệnh chàm. Hi vọng, sẽ có ích cho việc chăm sóc sức khỏe gia đình bạn.