Tổng quan chung
Triệu chứng
Nguyên nhân
Đối tượng nguy cơ
Chuẩn đoán
Phòng ngừa bệnh
Cách điều trị
Bụi phổi bông là gì? Những điều cần biết về bụi phổi bông
Một trong những bệnh phổi nghề nghiệp phổ biến là bệnh bụi phổi bông, thường gặp ở những người làm việc trong ngành dệt may, tiếp xúc nhiều với sợi bông. Vậy triệu chứng, nguyên nhân của bụi phổi bông là gì? Chúng ta cùng tham khảo bài viết dưới đây nhé.
Tổng quan chung
Bệnh bụi phổi bông là một bệnh về đường hô hấp, thường gặp ở những công nhân, người làm việc trong ngành sợi, tiếp xúc nhiều với sợi bông, sợi gai, sợi đay, sợi lanh.
Bệnh bụi phổi bông khác với bệnh bụi phổi amiang và bụi phổi silic, vì nằm trong nhóm bệnh dị ứng ngoại lai, nhưng tất cả đều là bệnh phổi nghề nghiệp phổ biến ở các nước có ngành công nghiệp này đang phát triển, trong đó có Việt Nam.
Triệu chứng
Biểu hiện khi mắc bệnh bụi phổi bông có thể theo dõi qua 2 giai đoạn sau:
- Giai đoạn đầu: Người bệnh bị tức ngực và khó thở vào cuối ngày làm việc, hoặc sau khoảng 4 – 6 giờ làm việc. Sau đó, người bệnh hết tức ngực và khó thở trong khoảng 5 – 7 ngày thì bị lại. Ở giai đoạn này, nếu đến thăm khám, bác sĩ sẽ nghe phổi và thấy có tiếng ran ngáy và nếu cho dùng thuốc giãn nở phổi thì triệu chứng sẽ thuyên giảm. Tuy nhiên, tức ngực và khó thở sẽ tái phát thường xuyên, nhất là khi người bệnh tiếp xúc với bụi bông.
- Giai đoạn sau: Người bị bệnh bụi phổi bông cảm thấy khó thở nặng hơn và thường xuyên hơn. Ngoài ra, còn kèm theo các biểu hiện khác như sốt, nhức đầu, ho, mệt mỏi, khô miệng. Những triệu này sẽ xuất hiện và biến mất trong từ 3 – 6 giờ. Nếu thời gian làm việc trong ngành sợi bông kéo dài lên đến 10 – 20 năm, bệnh bụi phổi bông có thể không hồi phục được và tiến triển thành suy hô hấp, giãn phế nang, phế quản.
Nguyên nhân
- Nguyên nhân gây bệnh thường là bụi bông, đây là loại bụi thực vật dạng sợi. Thành phần bụi bông rất phức tạp, bao gồm sợi bông (cellulose), các thành phần rác (từ thân, lá, vỏ bông, vỏ quả và lá bẹ), thành phần đất nơi trồng bông và các vi sinh vật. Thành phần bụi bông rất thay đổi, thậm chí bông trồng từ một cánh đồng cũng có các thành phần khác nhau.
- Trong thành phần bụi bông, cellulose là chất trơ sinh học, chiếm tỷ lệ cao nhất. Hàm lượng SiO2 tự do trong bụi bông rất ít (0,1 – 5%). Thành phần hoá học rất phức tạp. Trong đó chất tanin ngưng đọng có thể đóng vai trò gây bệnh. Thành phần vi sinh vật (nhất là vi khuẩn) trong bụi bông được coi là chỉ số nhiễm bụi bông. Các nội độc tố của vi sinh vật được coi là tác nhân chủ yếu gây bệnh bụi phổi bông, điều này được chứng minh trên thực nghiệm và trong điều tra dịch tễ học của các nghiên cứu gần đây.
- Tuy vậy, yếu tố nào trong bụi bông gây ra các triệu chứng lâm sàng của bệnh thì chưa được xác định hết. Người ta chỉ biết rằng, chúng hoà tan được trong nước, qua lọc ở cỡ 0,22µ m, bay hơi ở 400C (Hamilton et al – 1973). Tuy rằng đa số các tác giả nghĩ đến khả năng bụi bông có đặc tính dị nguyên nên mới gây ra các hội chứng bệnh lý tương ứng mà ta có thể gặp.
- Các bụi sợi thực vật khác: Bụi lanh, gai, bụi cây dứa kẻo sợi cũng là tác nhân gây bệnh bụi phổi bông, trong đó bụi lanh có hoạt tính sinh học cao nhất, cao hơn bụi bông. Các bụi này chỉ gây bệnh khi quá trình xử lý nguyên liệu bằng phương pháp ngâm (phương pháp sinh học) để lấy sợi. Theo các tác giả nước ngoài bụi đay là bụi ít hoặc không có hoạt tính sinh học gây bệnh.
Đối tượng nguy cơ
Người làm tại các cơ sở sử dụng bông tái sinh, do bông bị nhiễm bẩn.
Chẩn đoán
Bác sĩ sẽ ghi lại tiền sử bệnh án của bạn. Bạn sẽ được hỏi liệu các triệu chứng có liên quan đến một số lần tiếp xúc hoặc thời gian tiếp xúc nhất định hay không. Bác sĩ cũng sẽ tiến hành kiểm tra sức khỏe, đặc biệt chú ý đến phổi.
Các xét nghiệm có thể được yêu cầu bao gồm:
- Chụp X-quang ngực.
- Chụp CT ngực.
- Xét nghiệm chức năng phổi.
Phòng ngừa bệnh
Một số biện pháp phòng bệnh bụi phổi bông là:
- Biện pháp có hiệu quả nhất là thay các sợi bông, gai và đay… bằng các sợi tổng hợp, nhưng biện pháp này không thực tế.
- Phải có hệ thống thông gió hút bụi, lọc bụi.
- Cần phải giám sát môi trường lao động bằng cách đo bụi trọng lượng để phát hiện các quy trình công nghệ có nguy cơ gây bệnh và đề duy trì biện pháp chống bụi.
Điều trị như thế nào?
Phương pháp điều trị chính cho bệnh bụi phổi bông là tránh tiếp xúc với bụi có hại.
- Để làm giảm các triệu chứng từ nhẹ đến trung bình, bác sĩ có thể kê đơn thuốc giãn phế quản. Những loại thuốc này giúp mở đường thở bị thu hẹp.
- Trong những trường hợp bệnh bụi phổi bông nghiêm trọng hơn, có thể kê đơn corticosteroid dạng hít. Những loại thuốc này làm giảm viêm phổi. Tuy nhiên, những loại thuốc này có thể gây nhiễm trùng nấm ở miệng và cổ họng. Bạn có thể giảm nguy cơ này bằng cách súc miệng sau khi hít thuốc.
- Nếu nồng độ oxy trong máu của bạn thấp, bạn có thể cần liệu pháp oxy bổ sung. Đối với bệnh bụi phổi bông mãn tính, có thể khuyến nghị sử dụng máy phun khí dung hoặc phương pháp điều trị hô hấp khác.
- Các bài tập thở và hoạt động thể chất cũng có thể giúp cải thiện sức khỏe phổi và các triệu chứng.
- Bạn có thể cần phải nghỉ việc. Mặc dù các triệu chứng có thể giảm dần vào cuối tuần làm việc, nhưng phổi của bạn vẫn đang tích tụ tổn thương. Tiếp xúc với bụi bông, gai dầu và lanh trong nhiều năm có thể gây ra tổn thương không thể phục hồi cho phổi của bạn.
Hi vọng những chia sẻ ở bài viết trên sẽ giúp các bạn hiểu hơn về bụi phổi bông.