Tổng quan chung
Triệu chứng
Nguyên nhân
Đối tượng nguy cơ
Chuẩn đoán
Phòng ngừa bệnh
Cách điều trị
Bệnh ấu trùng da di chuyển là gì? Những điều cần biết về bệnh ấu trùng da di chuyển
Bệnh ấu trùng da di chuyển là một căn bệnh khá hiếm gặp, thường gây rất nhiều khó chịu cho những người mắc phải. Căn bệnh này thường không khó phát hiện nhưng dễ bị nhầm lẫn với những bệnh da liễu khác. Hãy cùng Pharmacity tìm hiểu về bệnh ấu trùng da di chuyển qua bài viết dưới đây.
Tổng quan chung
Bệnh ấu trùng da di chuyển là một dạng nhiễm khuẩn giun móc thuộc chủng Ancylostoma. Loại khuẩn này tồn tại trong phân chó, phân mèo hoặc trong đất ẩm. Chúng xâm nhập vào cơ thể, ký sinh dưới da thông qua việc tiếp xúc trực tiếp không bảo vệ của da người đối với môi trường có giun móc. Căn bệnh này khá thường gặp ở mọi nơi trên thế giới nhưng thường gặp nhiều nhất ở môi trường nhiệt đới, khí hậu nóng ẩm.
Căn bệnh thường gây ngứa ngáy vô cùng khó chịu. Bệnh có thể tự khỏi sau một thời gian ngắn. Tuy nhiên, do gây nên những biểu hiện khó chịu và nhiễm trùng nên bệnh cần được điều trị bằng thuốc đặc trị theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.
Triệu chứng
- Bệnh nhân thấy châm chích khó chịu sau khoảng 30 phút tại vị trí ấu trùng xâm nhập, sau đó xuất hiện ban đỏ, sẩn màu đỏ – nâu uốn lượn ngoằn ngoèo mảnh như sợi chỉ dưới da tương ứng với đường đi của ấu trùng. Chiều rộng thương tổn vài mm, chiều dài của vết ngoằn ngoèo có thể từ 2 tới vài cm. Đặc biệt là vệt dài như sợi chỉ này có thể nối dài hơn 1-2cm mỗi ngày nên người bệnh thường hoang mang, lo sợ. Ở những thương tổn mới nối dài thường có màu đỏ hơn, thương tổn cũ thường ít đỏ hơn và xẹp dần. Thương tổn có thể bị bội nhiễm, mưng mủ.
- Số lượng thương tổn nhiều hay ít phụ thuộc vào số vị trí tiếp xúc giữa da với ấu trùng. Thường thì 1 tới vài thương tổn.
- Triệu chứng cơ năng: ngứa tại thương tổn ở hầu hết bệnh nhân
- Bệnh có thể tự thoái triển sau 2 – 8 tuần từ khi ấu trùng xâm nhập.
Nguyên nhân
Giun móc vốn tồn tại và gây bệnh trong cơ thể chó mèo đi theo đường phân ra ngoài môi trường và phát triển thành ấu trùng. Ấu trùng này có thể tồn tại ở môi trường bên ngoài khá lâu, từ 3-4 tuần. Các ấu trùng này xâm nhập vào da của con người thông qua tiếp xúc trực tiếp không có sự bảo vệ an toàn. Khi da tiếp xúc với phân chó, mèo, hoặc nơi đất, cát ẩm có ấu trùng giun móc, chúng sẽ xâm nhập vào da, ký sinh dưới da. Chúng di chuyển trong lớp thượng bì gây ra các phản ứng viêm dưới da. Rất ít trường hợp, ấu trùng xâm nhập sâu và gây tổn thương mô hay phổi.
Đối tượng nguy cơ
Tất cả giới tính, lứa tuổi và chủng tộc có thể bị ảnh hưởng nếu họ tiếp xúc với ấu trùng. Thường hay gặp ở vùng nhiệt đới hoặc cận nhiệt đới. Nhóm có nguy cơ bao gồm những người có ngành nghề liên quan đến cơ hội tiếp xúc với đất cát ẩm ướt, bao gồm:
- Người đi chân trần thả lưới hay tắm nắng ở bãi biển
- Trẻ em chơi ở hố cát
- Nông dân
- Người làm vườn
- Thợ ống nước
- Thợ săn
- Thợ điện
- Thợ mộc
- Người nuôi thú
Chẩn đoán
- Dựa vào tiền sử có tiếp xúc với đất, cát ẩm ướt, nơi có thể có phân chó, mèo và đặc biệt là dựa vào các thương tổn da tìm thấy ở nơi ấu trùng xâm nhập.
- Tăng bạch cầu ưa acid trong máu: Hiếm gặp.
- Sử dụng Dermoscopy: Thấy vùng nâu mờ, không rõ cấu trúc tương ứng với vùng hang rỗng ấu trùng để lại sau khi di chuyển
Phòng ngừa bệnh
Nên đi giày dép, găng tay khi làm vườn, không nên tiếp xúc trực tiếp da, niêm mạc với đất, cát nơi có thể có ấu trùng giun của chó, mèo khu trú.
Điều trị như thế nào?
Mục tiêu điều trị là diệt ấu trùng, giảm triệu chứng (đặc biệt là ngứa) và phòng ngừa nguy cơ bội nhiễm vi khuẩn.
- Diệt ấu trùng bằng thuốc kháng giun sán (Anthelmintics) như: Ivermectin, Albendazole, Thiabendazole, Mebendazole. Thuốc thoa có thể được sử dụng tuy nhiên hiệu quả điều trị còn hạn chế (Thiabendazole 15%, Albendazole 10%).
- Giảm triệu chứng ngứa bằng nhóm thuốc kháng histamin, kháng sinh tại chỗ hoặc toàn thân dùng trong trường hợp bội nhiễm.
- Triệu chứng ngứa sẽ giảm đáng kể trong vòng 24-48 giờ sau điều trị và tổn thương thường mờ đi trong vòng 1 tuần sau điều trị.