7 dấu hiệu cảnh báo bệnh tim thiếu máu cục bộ bạn cần biết
Trong cuộc sống hiện đại, bệnh tim thiếu máu cục bộ đang trở nên ngày càng phổ biến, ảnh hưởng đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống của nhiều người. Bệnh này xảy ra khi lượng máu cung cấp oxy đến tim bị hạn chế, thường do xơ vữa động mạch, gây ra các triệu chứng đáng lo ngại và có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Đáng chú ý, việc nhận biết sớm các dấu hiệu cảnh báo của bệnh tim thiếu máu cục bộ có thể giúp ngăn chặn những hậu quả đáng tiếc và tăng cơ hội điều trị thành công. Bài viết này sẽ điểm qua 7 dấu hiệu cảnh báo quan trọng mà bạn cần biết để bảo vệ trái tim của mình, giúp bạn nhận thức được tầm quan trọng của việc chăm sóc sức khỏe tim mạch và khi nào nên tìm kiếm sự chăm sóc y tế.
Bệnh tim thiếu máu cục bộ mạn tính là gì?
Bệnh cơ tim thiếu máu cục bộ là tình trạng giảm lưu lượng máu đến cơ tim, làm cho tim không nhận đủ oxy. Bệnh thường xảy ra khi động mạch vành bị tắc nghẽn một phần hoặc hoàn toàn, làm hạn chế lưu thông máu.
Tình trạng này gây giảm khả năng bơm máu của cơ tim, có thể dẫn đến đau tim hoặc các vấn đề nghiêm trọng về nhịp tim.
Bệnh thiếu máu cục bộ cơ tim có hai dạng chính: thiếu máu cục bộ cấp tính và thiếu máu cục bộ mạn tính.
Bệnh tim thiếu máu cục bộ cấp tính: Đây là tình trạng xảy ra khi một trong những động mạch vành của tim bị tắc nghẽn đột ngột. Tình trạng nghiêm trọng có thể dẫn đến nhồi máu cơ tim, đau thắt ngực hoặc vấn đề nghiêm trọng về rối loạn nhịp tim.
Bệnh tim thiếu máu cục bộ mạn tính: Đây là bệnh động mạch vành ổn định, thường xuất hiện dưới dạng cơn đau thắt ngực ổn định.
Nguyên nhân bệnh tim thiếu máu cục bộ
Do phát triển của mảng xơ vữa
Xơ vữa là hiện tượng thành động mạch dày lên do tích tụ canxi và các chất béo (Cholesterol và Triglycerid). Nó làm giảm tính đàn hồi và làm hẹp thành động mạch, và do đó, cho phép ít máu đi qua. Đây là nguyên nhân phổ biến nhất gây ra bệnh tim thiếu máu cục bộ.
Các yếu tố khác: Hẹp động mạch vành bẩm sinh; Co thắt động mạch vành; Chấn thương gây hẹp động mạch vành; Nguồn máu thiếu Oxy (thiếu máu; máu không giàu Oxy…).
Các nguyên nhân do tăng nhu cầu Oxy của cơ tim
Tăng nhịp tim, tăng sức bóp cơ tim trong một số bệnh lý (Basedow, nhiễm độc giáp…), khi gắng sức hoặc sau sử dụng một số thuốc cường tim…
Dấu hiệu nhận biết bệnh tim thiếu máu cục bộ mạn tính
Cơn đau thắt ngực là dấu hiệu quan trọng nhất trong lâm sàng để giúp nhận biết và chẩn đoán bệnh tim thiếu máu cục bộ mạn tính. Tuy nhiên, đau ngực có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra, nên cần phải phân biệt rõ. Cũng có một số trường hợp bị bệnh động mạch vành nhưng lại không có hoặc ít đau thắt ngực (người già; bệnh nhân đái tháo đường…)
7 dấu hiệu nhận biết cơn đau thắt ngực do bệnh lý ĐMV
- Vị trí: Thường ở sau xương ức; đau thành một vùng (Chứ không phải một điểm); đau có thể lan lên cổ, vai, tay, hàm, thượng vị, sau lưng. Thường gặp nhất là hướng lan lên vai trái và mặt trong tay trái, có khi xuống tận các ngón tay 4, 5.
- Hoàn cảnh xuất hiện: Thường xuất hiện khi gắng sức, xúc cảm mạnh, gặp lạnh, sau bữa ăn nhiều hoặc hút thuốc lá. Một số trường hợp, cơn đau thắt ngực có thể xuất hiện về đêm, khi thay đổi tư thế, hoặc khi kèm cơn nhịp nhanh.
- Tính chất: Bạn có thể có cảm giác như thắt lại, bóp nghẹt hoặc bị đè nặng trước ngực, đôi khi cảm giác buốt giá. Trong một số y văn, cơn đau thắt ngực được mô tả như “có con voi giẫm lên ngực”. Bạn cũng có thể có cảm giác khó thở, mệt lả, đau đầu, buồn nôn, vã mồ hôi…
- Thời gian: Cơn đau thường kéo dài khoảng vài phút (3-5 phút), hoặc có thể dài hơn, nhưng thường không vượt quá 20 phút. Nếu đau dài hơn và xuất hiện ngay cả khi nghỉ, thì cần nghĩ đến Hội chứng vành cấp (gồm: cơn đau thắt ngực không ổn định và nhồi máu cơ tim cấp). Những cơn đau xảy ra do xúc cảm thường kéo dài hơn là đau do gắng sức. Những cơn đau chỉ thoáng qua, hoặc chỉ dưới 1 phút thì thường do các nguyên nhân khác ngoài tim.
- Cách giảm cơn đau: Cơn đau thường đỡ hơn khi nghỉ ngơi, hoặc dùng các thuốc nhóm Nitrate.
- Một số biến thể: Ở một số trường hợp, có thể bạn không biểu hiện rõ cơn đau, mà chỉ cảm giác nặng tức ngực, khó chịu ở ngực, hoặc cảm giác như cứng hàm khi gắng sức… Ngược lại, một số trường hợp lại có cơn đau giả thắt ngực (nhất là ở nữ giới). Bạn cũng có thể cảm giác đau ngực khi mới gắng sức, nhưng sau đó sẽ đỡ đau dần mặc dù vẫn tiếp tục hay lặp lại hoạt động gắng sức như vậy…
Đối tượng nào có nguy cơ cao với bệnh động mạch vành
Các yếu tố nguy cơ của bệnh động mạch vành đã được biết đến từ lâu, và danh sách ngày càng dài. Các yếu tố này thường tác động phức tạp lẫn nhau, và một người lại thường dễ mang nhiều yếu tố nguy cơ. Khi nhiều yếu tố nguy cơ tác động lẫn nhau, làm nguy cơ của bệnh động mạch vành tăng lên theo cấp số nhân, chứ không phải chỉ là cộng nhau.
Các yếu tố có thể thay đổi được:
- Hút thuốc lá.
- Rối loạn lipid máu (Tăng LDL-c).
- Tăng huyết áp.
- Đái tháo đường.
- Thừa cân / béo phì.
- Lười vận động.
Các yếu tố không thể can thiệp thay đổi được:
- Tuổi cao.
- Giới nam hoặc nữ sau mãn kinh.
- Tiền sử gia đình có người thân trực hệ bị bệnh động mạch vành trước 55 tuổi (với nam) và 65 tuổi (với nữ).
Cần làm gì để giảm nguy cơ bệnh động mạch vành?
Các yếu tố nguy cơ nêu trên có liên quan đến khả năng mắc bệnh động mạch vành; và việc điều chỉnh tốt các yếu tố nguy cơ giúp làm giảm tỷ lệ mắc và tiến triển của bệnh. Rất cần sự hiểu biết và thái độ tốt với các yếu tố nguy cơ (kể cả các yếu tố không thay đổi được) để chúng ta có thể chủ động ngăn ngừa tốt các biến cố tim mạch.
Những giải pháp chính:
- Thay đổi lối sống, bỏ thói quen có hại: Bỏ thuốc lá, hạn chế uống rượu.
- Tập thể dục đều hàng ngày (ít nhất 4 ngày/tuần), mỗi ngày 30-60 phút, tập mức độ vừa phải theo khả năng gắng sức của mỗi người.
- Chế độ ăn uống lành mạnh: Tránh các chất béo no, nhiều Cholesterol (mỡ động vật, nội tạng động vật, lòng đỏ trứng, bơ, sữa béo); hạn chế ăn mặn… Khuyến khích chế độ ăn nhiều cá, nhiều rau quả…
- Phát hiện và điều chỉnh tốt các bệnh tật, rối loạn kèm theo: Tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn lipid máu, béo phì…
- Tránh các căng thẳng, stress; giữ thăng bằng và điều độ trong cuộc sống.
- Dùng các thuốc đầy đủ và đều đặn theo hướng dẫn của bác sĩ.
- Liên hệ chặt chẽ với bác sĩ chuyên ngành, định kỳ liên lạc và thông báo kịp thời các triệu chứng, bất thường, cũng như thăm khám định kỳ.