6 Dấu Hiệu Cảnh Báo Đột Quỵ Và Cách Xử Trí
Thời tiết thay đổi, hiện tượng lạnh đột ngột khiến cho các mạch máu co lại, lượng máu lên não giảm làm gia tăng đột quỵ, chia sẻ của ThS.BS Nguyễn Quang Ân – Giám đốc Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ.
Theo thống kê của Trung tâm Đột quỵ, trung bình mỗi ngày Trung tâm tiếp nhận khoảng 8 -10 người bệnh đột quỵ tăng từ 15% đến 20% so với những ngày trước đợt rét. Trong đó, nhiều trường hợp nhập viện trong tình trạng nặng, nguy hiểm tới tính mạng và vẫn chưa nhận thức được đột quỵ là gì.
Bệnh này nếu không được cấp cứu và điều trị kịp thời, người bệnh có thể tử vong hoặc để lại di chứng hết sức nặng nề. Nguyên nhân gây đột quỵ là gì? Các chuyên gia nhận định, nguyên nhân chủ yếu là do hậu quả của tăng huyết áp, đái tháo đường và bệnh tim mạch. Để có thể cấp cứu kịp thời, bạn cần nhận biết các dấu hiệu đột quỵ dưới đây.
6 dấu hiệu của bệnh đột quỵ
- Dấu hiệu ở thị lực: Thị lực giảm, nhìn mờ dần cả hai mắt hoặc một mắt, tuy nhiên biểu hiện này không rõ ràng nên người xung quanh khó nhận ra. Chỉ có người bệnh khi nhận thấy mình có dấu hiệu bất thường mới đến cơ sở y tế để được cấp cứu ngay.
- Dấu hiệu ở mặt: Mặt có biểu hiện thiếu cân xứng, miệng méo, nhân trung hơi lệch qua một bên so với bình thường, nếp mũi má bên yếu bị rũ xuống. Đặc biệt khi người bệnh nói hoặc cười thì sẽ thấy rõ dấu hiệu méo miệng và thiếu cân xứng trên mặt
- Dấu hiệu ở tay: Cảm giác của người bị đột quỵ là tay bị tê mỏi, khó cử động, khó thao tác. Ngoài ra thì người bệnh cũng cảm thấy đi lại khó khăn, không nhấc chân lên được.
- Dấu hiệu qua giọng nói: Người bị đột quỵ có thể gặp triệu chứng nói ngọng bất thường, môi lưỡi bị tê cứng, miệng mở khó, phải gắng sức thì mới nói được.
- Dấu hiệu qua nhận thức: Người bệnh có biểu hiện rối loạn trí nhớ, không nhận thức được, mắt mờ, tai ù không nghe rõ.
- Dấu hiệu ở thần kinh: Người bệnh cảm thấy nhức đầu dữ dội. Đây là triệu chứng nặng và khá phổ biến của bệnh đột quỵ, nhất là người bệnh có tiền sử bị đau nửa đầu.
Tìm hiểu thêm: Dấu hiệu cảnh báo sớm đột quỵ, nguyên nhân và cách phòng tránh
Gặp người đột quỵ, xử trí thế nào?
Theo ThS.BS Nguyễn Quang Ân, nếu thấy một người có những dấu hiệu trên cần nhanh chóng đưa người bệnh đến cơ sở y tế để cấp cứu kịp thời trong “thời gian vàng” giúp người bệnh phục hồi nhanh, ít để lại di chứng. “Thời gian vàng” để cấp cứu người bệnh đột quỵ là 6 giờ kể từ khi phát bệnh, 3 giờ đầu có thể coi là “thời gian kim cương”- ThS.BS Nguyễn Quang Ân nhấn mạnh.
Đặc biệt chú ý, tuyệt đối không cho bệnh nhân uống an cung ngưu hoàng hoàn như đồn thổi nhằm tránh nghẹt đường thở. Các bác sĩ lưu ý người dân không tự ý điều trị cho người bệnh dù chỉ là bấm huyệt, châm cứu hay đánh gió vì những tác động này vô tình có thể làm cho tình trạng bệnh trở nên trầm trọng hơn.
Bên cạnh đó cũng không tự ý dùng thuốc huyết áp, chỉ dùng thuốc hạ huyết áp khi huyết áp > 180/100mmHg (không dùng thuốc hạ huyết áp dạng nhỏ dưới lưỡi). Để phòng bệnh đột quỵ, ThS.BS Nguyễn Quang Ân khuyến cáo người dân cần tích cực vận động cơ thể và tập thể dục thường xuyên (30 phút mỗi ngày); giữ chế độ ăn uống đúng mức để tránh béo phì; hạn chế rượu, bia; tránh hút thuốc lá; không nên ra lạnh đột ngột…
Ngoài ra, chuyên gia về đột quỵ cũng lưu ý, nhiều người tưởng rằng đột quỵ chỉ xảy ra ở những người trung niên trở lên, nhưng trên thực tế, đột quỵ có thể xảy ra ở bất cứ độ tuổi nào và để lại một hậu quả nặng nề. Đối với người bệnh trẻ tuổi khi mắc đột quỵ, mức độ tử vong cao hơn rất nhiều so với độ tuổi cao.