WHO cảnh báo 8 mối đe dọa sức khỏe toàn cầu năm 2019
Thế giới đang phải đối mặt với nhiều thách thức về sức khỏe từ sự bùng phát của các bệnh có thể phòng ngừa được bằng vắc-xin như sởi, bạch hầu; gia tăng các mầm bệnh kháng thuốc; tỷ lệ béo phì báo động đến tác động của ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu lên sức khỏe… Dưới đây là những mối đe dọa lớn nhất đối với sức khỏe nhân loại trong năm 2019 vừa được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công bố. Nếu những thách thức này không được giải quyết, hàng triệu sinh mạng sẽ rơi vào tình trạng nguy hiểm.
Không tiêm vắc-xin
Không tiêm hoặc từ chối vắc-xin đang đe dọa đảo ngược tiến trình loại bỏ các bệnh có thể phòng ngừa bằng vắc-xin. Tiêm vắc-xin là một trong những cách hiệu quả nhất để phòng bệnh – hiện đang ngăn ngừa 2-3 triệu ca tử vong mỗi năm và có thể tránh thêm 1,5 triệu người nếu phạm vi tiêm chủng toàn cầu được cải thiện. Những lý do tại sao mọi người chọn không tiêm chủng là phức tạp như sự bất tiện trong việc tiếp cận vắc-xin và thiếu kiến thức là những lý do chính dẫn đến sự do dự này. Nhân viên y tế vẫn là cố vấn và người ảnh hưởng đáng tin cậy nhất của các quyết định tiêm chủng và họ phải được hỗ trợ để cung cấp thông tin đáng tin cậy về vắc-xin. Năm 2019, WHO sẽ đẩy mạnh việc loại bỏ ung thư cổ tử cung trên toàn thế giới bằng cách tăng độ bao phủ của vắc-xin HPV.
Ô nhiễm không khí
Cứ 10 người thì có 9 người hít thở không khí ô nhiễm mỗi ngày. Năm 2019, ô nhiễm không khí được WHO coi là nguy cơ môi trường lớn nhất đối với sức khỏe. Các chất ô nhiễm cực nhỏ trong không khí có thể xâm nhập hệ thống hô hấp và tuần hoàn, gây hại cho phổi, tim, não và giết chết 7 triệu người mỗi năm. Khoảng 90% số ca tử vong này là ở các nước thu nhập thấp và trung bình với lượng khí thải lớn từ công nghiệp, giao thông và nông nghiệp cũng như bếp lò và nhiên liệu bẩn. Dự báo năm 2030 – 2050, biến đổi khí hậu là nguyên nhân gây ra 250.000 ca tử vong mỗi năm do suy dinh dưỡng, sốt rét, tiêu chảy…
Bệnh không lây nhiễm
Các bệnh không lây nhiễm như đái tháo đường, ung thư, bệnh tim…gây ra hơn 70% tổng số ca tử vong trên toàn thế giới, tương đương 41 triệu người, trong đó bao gồm 15 triệu người chết sớm ở độ tuổi từ 30 – 69. Hơn 85% số ca tử vong sớm này là ở các nước thu nhập thấp và trung bình. Sự gia tăng của các bệnh này là do các yếu tố nguy cơ như: sử dụng thuốc lá, không hoạt động thể chất, sử dụng rượu có hại, chế độ ăn uống không lành mạnh và ô nhiễm không khí. Những yếu tố nguy cơ này cũng làm trầm trọng thêm các vấn đề về sức khỏe tâm thần, có thể bắt nguồn từ khi còn nhỏ: Một nửa số bệnh nhân tâm thần bắt đầu từ năm 14 tuổi nhưng hầu hết các trường hợp này không được phát hiện và điều trị. Tự tử là nguyên nhân đứng thứ hai gây tử vong trong độ tuổi từ 15 – 19.
Đại dịch cúm toàn cầu
Thế giới sẽ phải đối mặt với một đại dịch cúm khác nhưng chúng ta không biết chính xác là khi nào nó sẽ xảy ra và mức độ nghiêm trọng của nó. Dự báo này được đưa ra sau khi WHO liên tục theo dõi sự lưu hành của virut cúm để nhận diện các chủng có thể gây ra một đại dịch. Đến nay, có 153 tổ chức ở 114 quốc gia tham gia vào việc giám sát virut cúm và phản ứng của giới chức y tế toàn cầu.
Kháng kháng sinh
Sự phát triển của thuốc kháng sinh, thuốc chống siêu vi và thuốc chống sốt rét là một thành công lớn nhất của y học hiện đại. Nhưng những loại thuốc này đang dần cạn kiệt. Kháng kháng sinh – khả năng vi khuẩn, ký sinh trùng, virut và nấm kháng lại các loại thuốc này – đe dọa sẽ đưa chúng ta trở lại thời điểm chúng ta không thể dễ dàng điều trị các bệnh nhiễm trùng như viêm phổi, lao, lậu và nhiễm khuẩn Salmonella. Không có khả năng ngăn ngừa nhiễm trùng có thể làm tổn hại nghiêm trọng đến phẫu thuật và các thủ tục như hóa trị. Vi khuẩn lao kháng thuốc đang là một trở ngại ghê gớm trong cuộc chiến với căn bệnh khiến khoảng 10 triệu người mắc bệnh và 1,6 triệu người tử vong mỗi năm. Trong năm 2017, khoảng 600.000 trường hợp mắc bệnh lao đã kháng với rifampicin – loại thuốc đầu tiên hiệu quả nhất – và 82% trong số những người này mắc bệnh lao đa kháng thuốc. Việc lạm dụng thuốc kháng sinh ở người mà cả ở động vật, đặc biệt là những động vật được sử dụng để sản xuất thực phẩm cũng như trong môi trường đã làm gia tăng khả năng kháng thuốc. WHO đang triển khai kế hoạch Hành động toàn cầu nhằm khắc phục tình trạng kháng thuốc bằng cách tăng cường nhận thức và kiến thức, giảm nhiễm trùng và khuyến khích sử dụng thuốc kháng sinh thận trọng.
Ebola và các mầm bệnh đe dọa khác
Vào thời điểm nhân loại nghĩ rằng dịch Ebola phần lớn đã được kiểm soát thì 2 đợt bùng phát Ebola đã tàn phá nhiều vùng của CHDC Công-gô vào năm ngoái. Ngoài Ebola, các nhà khoa học cũng đang ưu tiên xử trí nhiềudịch bệnh khác như sốt xuất huyết, Zika, bệnh Nipah, Hội chứng viêm đường hô hấp vùng Trung Đông do virut Corona (MERS-CoV) và Hội chứng viêm đường hô hấp cấp (SARS).
Sốt xuất huyết
Sốt xuất huyết – một bệnh do muỗi gây ra có các triệu chứng giống như cúm và có thể gây tử vong, giết chết tới 20% những người bị sốt xuất huyết nặng, là mối đe dọa ngày càng tăng trong nhiều thập kỷ. Dịch thường xảy ra trong mùa mưa của các quốc gia như Bangladesh và Ấn Độ. Năm 2018, Bangladesh chứng kiến số ca tử vong cao nhất trong gần 2 thập kỷ và căn bệnh này đang lan sang các nước ít nhiệt đới và ôn đới hơn như Nepal. Ước tính 40% trên thế giới có nguy cơ bị sốt xuất huyết và có khoảng 390 triệu ca nhiễm mỗi năm. Chiến lược kiểm soát sốt xuất huyết của WHO nhằm giảm 50% số ca tử vong vào năm 2020.
HIV/AIDS
Tuy nhân loại đã đạt được nhiều tiến bộ trong xét nghiệm và điều trị HIV nhưng dịch bệnh này vẫn giết chết gần 1 triệu người mỗi năm. Kể từ khi dịch bệnh bắt đầu, hơn 70 triệu người đã mắc bệnh và khoảng 35 triệu người đã tử vong. Ngày nay, khoảng 37 triệu người trên toàn thế giới sống với HIV. Tiếp cận những người như gái mại dâm, những người trong tù, những người đàn ông quan hệ tình dục với nam giới hoặc những người chuyển giới là những thách thức vô cùng lớn. Thông thường, các nhóm này không được tiếp cận các dịch vụ y tế. Một nhóm ngày càng bị ảnh hưởng bởi HIV là các cô gái và phụ nữ trẻ (15 – 24 tuổi) – những người đặc biệt có nguy cơ cao và chiếm 1 trong 4 ca nhiễm HIV ở châu Phi cận Sahara mặc dù chỉ chiếm 10% dân số.
Ngọc Anh (Theo WHO)