Viêm phổi liên quan đến thở máy: Những điều bạn cần biết
Viêm phổi thở máy (Ventilator Associated Pneumonia- VAP) thường gặp ở những bệnh nhân phải sử dụng máy thở lâu dài, phát triển ít nhất 48 giờ sau đặt nội khí quản hoặc qua canuyn mở khí quản. Nguyên nhân viêm phổi được gây ra bởi vi khuẩn Gram âm và Staphylococcus aureus. Triệu chứng viêm phổi ban đầu thường không rầm rộ dẫn đến khó chẩn đoán sớm, khó điều trị, chi phí điều trị cao, làm gia tăng thời gian nằm viện, tăng chi phí và tăng tỷ lệ tử vong.
Viêm phổi liên quan đến thở máy là gì?
Viêm phổi là tình trạng viêm cấp tính của phổi do nhiễm trùng. Chẩn đoán ban đầu thường dựa trên chụp X-quang phổi và các dấu hiệu lâm sàng. Nguyên nhân, triệu chứng, điều trị, các biện pháp phòng ngừa và tiên lượng khác nhau tùy thuộc căn nguyên là vi khuẩn, lao, virus, nấm hay ký sinh trùng; cũng như viêm phổi là mắc phải từ cộng đồng, bệnh viện. Viêm phổi liên quan đến thở máy có thể xảy ra ở bệnh nhân thông khí nhân tạo có thể dẫn đến tình trạng sức khỏe suy giảm nhanh chóng và thậm chí tử vong nếu không được can thiệp kịp thời.
Các yếu tố nguy cơ là nguyên nhân làm tăng nguy cơ mắc VAP bao gồm:
Các yếu tố thuộc bệnh nhân:
- Tuổi cao trên 70 tuổi
- Tình trạng dinh dưỡng kém hoặc giảm albumin máu
- Bệnh lý nền quá nặng
- Bệnh phổi mạn tính
- Đa chấn thương
- Phẫu thuật ngực hoặc bụng trên
- Dùng thuốc ức chế miễn dịch kéo dài
- Loét do stress kèm chảy máu toàn thân
- Nằm lâu, hôn mê
Các yếu tố thuộc bệnh viện:
- Điều trị Bacbiturate kéo dài
- Điều trị ức chế axit dạ dày
- Điều trị kháng sinh kéo dài
- Thông khí nhân tạo kéo dài
- Hút đờm thường xuyên
- Tình trạng chống nhiễm khuẩn của bệnh viện không đáp ứng tiêu chuẩn
Các yếu tố thiết bị, dụng cụ sử dụng trong điều trị:
- Đặt lại nội khí quản hay bệnh nhân tự rút ống nội khí quản
- Nội soi phế quản
- Đặt ống thông dạ dày: Ống thông làm gia tăng vi sinh vật ký sinh ở vùng mũi, hầu, gây trào ngược dịch dạ dày, vi khuẩn từ dạ dày theo đường ống đến đường hô hấp trên.
Các yếu tố làm gia tăng mức độ hít sặc vào đường hô hấp như: Suy giảm tri giác, dùng thuốc an thần, thuốc giãn cơ liên tục, tư thế nằm ngửa
Triệu chứng của viêm phổi VAP thường bao gồm:
Sau 48 giờ nhập viện xuất hiện các dấu hiệu viêm phổi với lâm sàng, cận lâm sàng sau: Có ít nhất một trong số các triệu chứng sau:
- Sốt >38° C hoặc < 36°C mà không tìm thấy nguyên nhân gây sốt khác
- Bạch cầu >10000/mm3, hoặc <4000mm3
- Thay đổi ý thức ở người >70 tuổi mà ko do căn nguyên khác
Và có ít nhất 2 dấu hiệu sau:
- Đờm mủ hoặc đờm thay đổi màu sắc
- Ho hoặc khó thở tăng lên, khám phổi có ran nghi ngờ
- Tím môi và đầu ngón tay, ngón chân tím tái, da mặt tái xanh, toát mồ hôi lạnh hoặc cần hỗ trợ hô hấp
- Giảm oxy máu (giảm độ bão hòa oxy máu, ví dụ: PaO2/FiO2 ≤ 240), cần tăng FiO2 và/hoặc tăng PEEP
Triệu chứng Xquang phổi:
- Hình ảnh gợi ý viêm phổi (hội chứng đông đặc phế nang)
- Thâm nhiễm mới hoặc nặng lên của tổn thương cũ
Ngoài ra: làm các xét nghiệm marker viêm (CRP, Procalcitonin) và nuôi cấy đờm/máu định hướng căn nguyên phù hợp.
Biến chứng của viêm phổi thở máy
Các biến chứng nghiêm trọng của VAP có thể bao gồm:
- Nhiễm trùng huyết
- Suy hô hấp, suy tim, suy thận, và suy đa cơ quan
Nếu không được điều trị kịp thời, các biến chứng này có thể dẫn đến tử vong
Việc phát hiện sớm và can thiệp kịp thời là chìa khóa để ngăn chặn những hậu quả nghiêm trọng này.
Khi nói đến viêm phổi thở máy, việc phòng ngừa luôn tốt hơn chữa trị. Bệnh nhân và đội ngũ y tế cần phải hợp tác chặt chẽ để theo dõi các triệu chứng viêm phổi và đảm bảo rằng mọi biện pháp phòng ngừa đều được thực hiện một cách nghiêm ngặt. Từ việc duy trì vệ sinh cá nhân đến việc sử dụng kháng sinh một cách hợp lý, mỗi hành động đều có thể góp phần làm giảm nguy cơ phát triển viêm phổi. Hãy nhớ rằng, sức khỏe là tài sản quý giá nhất của mỗi người, và việc bảo vệ nó không chỉ là trách nhiệm của bản thân mà còn là trách nhiệm của cả cộng đồng.
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.